Hoàn thiện quy định về ban hành quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án
(kiemsat.vn) Thực tiễn thi hành Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án còn một số bất cập về ban hành quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án trong trường hợp các bên thỏa thuận, không thống nhất được một phần; người nộp đơn khởi kiện rút đơn; trách nhiệm gửi quyết định công nhận kết quả cho cơ quan, tổ chức khác…
Xử lý nghiêm hành vi rửa tiền trong các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng
Bàn về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, nhà ở
Một số bất cập trong quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về hoạt động trưng cầu giám định của Tòa án
Vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật
Nhằm bảo đảm thực hiện đúng và thống nhất trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại tại Tòa án (HGĐTTTA), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC ngày 16/11/2020 quy định chi tiết về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên; Giải đáp số 01/2021/GĐ-TANDTC ngày 01/7/2021 về một số vấn đề nghiệp vụ về HGĐTTTA; Chỉ thị số 02/2022/CT-CA ngày 14/3/2022 về tăng cường công tác hòa giải, đối thoại theo Luật HGĐTTTA. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật HGĐTTTA năm 2020 thời gian qua đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập liên quan đến việc ban hành quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Cụ thể là:
Thứ nhất, về thành phần Thẩm phán tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại. Điểm c khoản 1 Điều 28 Luật HGĐTTTA năm 2020 quy định về thành phần phiên họp ghi nhận kết quả HGĐTTTA gồm: Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại hoặc Thẩm phán khác do Chánh án Tòa án phân công (sau đây gọi chung là Thẩm phán tham gia phiên họp). Khoản 2, 3 Điều 32 Luật HGĐTTTA năm 2020 quy định thủ tục ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án như sau: “2. ... Trong thời hạn này, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công xem xét ra quyết định có các quyền sau đây… 3. Hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, Thẩm phán phải ra một trong các quyết định sau đây…” (sau đây gọi là Thẩm phán ban hành quyết định).
Khoản 2 Điều 41 Luật HGĐTTTA năm 2020 quy định về xử lý việc chấm dứt HGĐTTTA như sau: “... Thẩm phán đã tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại không được tham gia giải quyết vụ việc đó theo trình tự tố tụng dân sự, tố tụng hành chính”.
Theo đó, Thẩm phán tham gia phiên họp tại khoản 1 Điều 28 có bắt buộc phải là Thẩm phán ban hành quyết định tại khoản 2, 3 Điều 32 Luật HGĐTTTA năm 2020 hay không? Trường hợp Thẩm phán tham gia phiên họp và Thẩm phán ban hành quyết định là hai chủ thể khác nhau thì Thẩm phán đã ban hành quyết định có được tham gia giải quyết vụ việc đó theo trình tự tố tụng dân sự, tố tụng hành chính theo khoản 2 Điều 41 Luật HGĐTTTA năm 2020 hay không?
Thứ hai, về quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thuộc trường hợp các bên thỏa thuận, thống nhất được một phần. Khoản 6 Điều 33 Luật HGĐTTTA năm 2020 quy định: “Trường hợp các bên thỏa thuận, thống nhất được một phần tranh chấp dân sự, một phần khiếu kiện hành chính thì chỉ được công nhận khi nội dung thỏa thuận, thống nhất không liên quan đến các phần khác của tranh chấp, khiếu kiện đó”.
Vấn đề đặt ra là sau khi Tòa án ban hành quyết định công nhận thỏa thuận, thống nhất được một phần, Tòa án có phải chuyển quyết định này cho cơ quan Thi hành án dân sự để thi hành (theo khoản 2, 3 Điều 35 Luật HGĐTTTA năm 2020) không, hay chờ các bên tiếp tục giải quyết phần còn lại chưa thống nhất? Quyết định thỏa thuận, thống nhất được một phần bị hủy theo trình tự, thủ tục giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án theo khoản 2 Điều 38 Luật HGĐTTTA năm 2020 thì được giải quyết như thế nào?
Thứ ba, về trường hợp người nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thì Hòa giải viên chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn để tiến hành xem xét, giải quyết theo quy định chung và thông báo cho các bên biết. Vấn đề đặt ra là:
- Hòa giải viên có trách nhiệm chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn để tiến hành xem xét, giải quyết theo quy định chung và thông báo cho các bên biết bằng miệng hay bằng văn bản?
- Về cách tính thù lao cho Hòa giải viên theo điểm c khoản 2 Điều 9 Nghị định số 16/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp, việc quản lý, sử dụng chi phí HGĐTTTA và thù lao Hòa giải viên tại Tòa án: Nếu Hòa giải viên hoặc Thẩm phán chỉ chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn (để Tòa án xem xét, giải quyết theo quy định chung và thông báo cho các bên biết), mà không ban hành quyết định/thông báo, thì căn cứ nào cho thấy vụ việc đã được giải quyết theo trình tự, thủ tục của Luật HGĐTTTA năm 2020 để chi trả thù lao cho Hòa giải viên?
Thứ tư, về quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.
Điểm b khoản 3 Điều 32 Luật HGĐTTTA năm 2020 quy định: “Hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, Thẩm phán phải ra một trong các quyết định sau đây: … Trường hợp không có đủ điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này thì Thẩm phán ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành và nêu rõ lý do. Thẩm phán chuyển quyết định, biên bản và tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng”.
Khoản 3 Điều 41 Luật HGĐTTTA năm 2020 quy định về xử lý việc chấm dứt HGĐTTTA: “Hòa giải viên lập biên bản chấm dứt việc hòa giải, đối thoại đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 của Luật này. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản, Hòa giải viên phải gửi biên bản kèm theo đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn và thông báo cho các bên biết”.
Khoản 2 Điều 40 Luật HGĐTTTA năm 2020 quy định về chấm dứt HGĐTTTA: “Các bên không đạt được thỏa thuận, thống nhất về toàn bộ nội dung vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính hoặc chỉ thỏa thuận, thống nhất được một phần vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính nhưng phần đó có liên quan đến những phần khác của vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính”. Một số vấn đề đặt ra như sau:
- Theo khoản 3 Điều 41 Luật HGĐTTTA năm 2020 thì Hòa giải viên có phải lập biên bản chấm dứt việc hòa giải, đối thoại đối với trường hợp tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 Luật HGĐTTTA năm 2020 nữa hay không? Biên bản chấm dứt việc hòa giải, đối thoại có nội dung như thế nào?
- Theo điểm b khoản 3 Điều 32 Luật HGĐTTTA năm 2020 Thẩm phán có trách nhiệm chuyển quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án, biên bản và tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 41 Luật HGĐTTTA năm 2020 lại quy định Hòa giải viên có trách nhiệm lập biên bản chấm dứt việc hòa giải, đối thoại đối với trường hợp tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 Luật này; trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản, Hòa giải viên phải gửi biên bản kèm theo đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn và thông báo cho các bên biết. Như vậy, Thẩm phán hay Hòa giải viên có trách nhiệm chuyển đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn và thông báo cho các bên biết? Khi chuyển đơn và tài liệu kèm theo, Thẩm phán hay Hòa giải viên có bắt buộc phải có biên bản chấm dứt việc hòa giải, đối thoại theo khoản 3 Điều 41 Luật HGĐTTTA năm 2020 hay không?
Thứ năm, quy định về gửi quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án (khoản 4 Điều 32 Luật HGĐTTTA năm 2020) như sau: “Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được gửi cho các bên và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định”.
Điều 57 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về thời điểm chấm dứt hôn nhân và trách nhiệm gửi bản án, quyết định ly hôn như sau:
“1. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
2. Tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên ly hôn; cá nhân, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan…”.
Theo khoản 2, 3 Điều 35 Luật HGĐTTTA năm 2020, Tòa án còn phải gửi quyết định cho cơ quan Thi hành án: “… 2. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. 3. Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành được thi hành theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính”.
Theo đó, các điều luật trên còn quy định chưa thống nhất, chưa rõ ràng về việc: Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án, ngoài gửi cho các bên và Viện kiểm sát cùng cấp thì Tòa án có phải gửi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan khác hay không?
Đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, cần quy định rõ về các trường hợp: Thẩm phán ban hành quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có được tham gia giải quyết vụ việc đó theo trình tự tố tụng dân sự, tố tụng hành chính theo khoản 2 Điều 41 Luật HGĐTTTA năm 2020 hay không; các bên thỏa thuận, thống nhất được một phần có phải chuyển quyết định này cho cơ quan Thi hành án dân sự để thi hành theo khoản 2, 3 Điều 35 Luật HGĐTTTA năm 2020 hay không; quyết định thỏa thuận, thống nhất được một phần bị hủy theo trình tự, thủ tục giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án tại khoản 2 Điều 38 Luật HGĐTTTA năm 2020 được giải quyết như thế nào?
Thứ hai, cần quy định về trường hợp người nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thì Hòa giải viên chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn để tiến hành xem xét, giải quyết theo quy định chung và thông báo bằng văn bản cho các bên biết. Cụ thể như sau: “Hòa giải viên lập biên bản chấm dứt việc hòa giải, đối thoại đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 của Luật này. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản, Hòa giải viên phải gửi biên bản kèm theo đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn và thông báo bằng văn bản cho các bên biết”.
Thứ ba, cần quy định về trường hợp Tòa án ban hành quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án thì Hòa giải viên không cần lập biên bản chấm dứt việc hòa giải, đối thoại theo khoản 3 Điều 41 Luật HGĐTTTA năm 2020. Bởi lẽ, nội dung các bên không thống nhất đã được ghi nhận trong biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo Điều 31 Luật HGĐTTTA năm 2020 và quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án của Thẩm phán. Trách nhiệm chuyển quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án, biên bản và tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết nên thuộc về Hòa giải viên.
Thứ tư, về trường hợp gửi quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án theo khoản 4 Điều 32 Luật HGĐTTTA năm 2020, ngoài gửi cho các bên và Viện kiểm sát cùng cấp thì Tòa án còn phải gửi cho cơ quan, tổ chức khác có liên quan. Cụ thể như sau: “… 4. Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được gửi cho các bên, Viện kiểm sát cùng cấp và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định”.
ThS. Bùi Ai Giôn
Những nội dung trọng tâm công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2025
Bàn về thừa kế thế vị khi có yếu tố con nuôi
-
1Một số lưu ý trong kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp di sản thừa kế
-
2Bàn về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, nhà ở
-
3Những nội dung trọng tâm công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2025
-
4Xử lý nghiêm hành vi rửa tiền trong các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng
-
5Một số bất cập trong quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về hoạt động trưng cầu giám định của Tòa án
-
6Bàn về thừa kế thế vị khi có yếu tố con nuôi
-
7Hoàn thiện quy định về ban hành quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án
Bài viết chưa có bình luận nào.