Bàn về thừa kế thế vị khi có yếu tố con nuôi

08/01/2025 16:21

(kiemsat.vn)
Tranh chấp về quyền thừa kế, trong đó thừa kế thế vị tương đối phức tạp do liên quan đến nhiều mối quan hệ. Việc hiểu và áp dụng những quy định của pháp luật trong việc xác định quan hệ thừa kế và xác định người thừa kế thế vị khi có yếu tố con nuôi vẫn còn nhiều bất cập về cả lý luận và thực tiễn.

Vướng mắc trong quy định của pháp luật về thừa kế thế vị khi có yếu tố con nuôi

Điều 652 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định về thừa kế thế vị. Theo đó, thừa kế thế vị là việc các con (hoặc các cháu) được thay thế vào vị trí của bố mẹ (hoặc ông bà) để hưởng di sản của ông bà (hoặc cụ) trong trường hợp bố mẹ (hoặc ông bà) chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông bà (hoặc cụ).

Về trường hợp thừa kế thế vị khi có yếu tố con nuôi, theo Điều 653 BLDS năm 2015: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này”. Như vậy, Điều 653 BLDS năm 2015 dẫn chiếu đến Điều 652 BLDS năm 2015 về thừa kế thế vị. Theo đó, trong mối quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi thì con nuôi của người đó sẽ được hưởng thừa kế thế vị nếu cha, mẹ nuôi chết trước hoặc chết cùng thời điểm với cha, mẹ của họ. Trong trường hợp này, người cháu nuôi được thế vào vị trí của cha, mẹ nuôi để hưởng phần di sản từ ông, bà để lại cho cha, mẹ nuôi của mình.

Việc một người nhận nuôi con nuôi làm phát sinh quan hệ thừa kế theo pháp luật trong mối quan hệ cha - con, mẹ - con đã được pháp luật quy định cụ thể, nhưng người con nuôi đó có đương nhiên trở thành cháu của cha, mẹ người nhận nuôi hay không thì cần được làm rõ. Vì trong quan hệ thừa kế thế vị thì mối quan hệ đó phải là quan hệ “ông - cháu”: Cháu được hưởng phần di sản từ ông, bà để lại khi cha, mẹ cháu chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông, bà.

Có thể thấy, quy định về thừa kế thế vị có yếu tố con nuôi tại Điều 653 BLDS năm 2015 còn chung chung; cho đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về hai vấn đề:

Một là, khi người nhận nuôi con nuôi chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với cha mẹ đẻ của họ thì người con nuôi của họ có được thừa kế thế vị không? (Bố mẹ đẻ → con đẻ → con nuôi).

Hai là, khi người con nuôi chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với cha nuôi, mẹ nuôi thì con của người con nuôi (con đẻ hoặc con nuôi) có được hưởng thừa kế thế vị không? (Bố mẹ nuôi → con nuôi → con đẻ hoặc bố mẹ nuôi → con nuôi → con nuôi).

Theo Điều 24 Luật nuôi con nuôi năm 2010: “Giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Như vậy, tuy giữa con nuôi với cha mẹ đẻ của người nhận nuôi con nuôi không có quan hệ huyết thống, nhưng khi được nhận nuôi, giữa người con nuôi với cha mẹ đẻ của người nhận nuôi phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa ông bà và cháu đối với nhau. Dẫn chiếu đến khoản 3 Điều 68 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014: “Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật nuôi con nuôi, BLDS và các luật khác có liên quan”. Cũng theo Điều 78 thì: “Cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi có quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con được quy định trong Luật này kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi được xác lập theo quy định của Luật nuôi con nuôi”.

Căn cứ vào quy định tại các điều 104, 105, 106, 112, 113, 114 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, thì con nuôi có hay không có mối quan hệ về các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng đối với những người thân thích thuộc gia đình của bố, mẹ nuôi (như: Bố mẹ của cha, mẹ nuôi, anh, chị, em ruột của cha mẹ nuôi, chú, bác, cô dì, cậu ruột của cha mẹ nuôi)? Có thể thấy, Luật nuôi con nuôi năm 2010 có quy định về mối quan hệ giữa con nuôi với gia đình cha mẹ nuôi, trong đó bao gồm nhiều mối quan hệ khác nhau như: Quan hệ giữa con nuôi với cha đẻ, mẹ đẻ của người nhận nuôi; giữa con nuôi với các con đẻ của người nhận nuôi; giữa con nuôi với anh, chị, em ruột của người nhận nuôi…; tuy nhiên, trong mối quan hệ với những thành viên này của gia đình cha mẹ nuôi, người con nuôi có được coi giống như con đẻ của người nhận nuôi hay không, có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như con đẻ của người nhận nuôi hay không, thì luật chưa quy định rõ. Đây là một nội dung quan trọng trong hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi, có ý nghĩa thiết thực trong quan hệ nuôi con nuôi, đồng thời cũng là vấn đề dễ xảy ra tranh chấp liên quan đến thừa kế, đặc biệt là thừa kế thế vị. Trong khi đó, Điều 652 BLDS năm 2015 quy định về thừa kế thế vị: “Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống”. Theo đó, để thừa kế thế vị thì mối quan hệ giữa người để lại di sản và người thừa kế thế vị phải là quan hệ “ông - cháu”. Vấn đề vướng mắc là: Có thể đương nhiên coi người được nhận nuôi trở thành “cháu” của cha mẹ người nuôi dưỡng không? Các điều luật đã không có quy định cụ thể “cháu” ở đây có bao gồm cả người được nhận nuôi hay không và khi thừa kế phát sinh thì giữa người con nuôi và cha mẹ đẻ (hoặc cha mẹ nuôi) của người nuôi có được thừa kế di sản của nhau và thừa kế thế vị hay không?

Thực tiễn cũng có trường hợp Tòa án xét xử theo hướng cháu nuôi cũng được hưởng thừa kế thế vị, cụ thể là:

- Trường hợp: Bố mẹ đẻ → con đẻ → con nuôi

Nội dung vụ án:

Cụ S chết năm 1993, cụ S có các người con N, P, Q là đồng thừa kế chuyển tiếp của cụ S hưởng di sản của cố T và cố A. Con trai cụ S là ông Q mất năm 1992, ông K (chồng bà N), bà P và H (là con nuôi của ông Q) tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Theo chứng cứ mà H cung cấp, H có giấy khai sinh, sinh ngày 16/7/1979, là con nuôi của ông Q và bà Đ, được Ủy ban nhân dân xã X lập quá hạn vào ngày 06/9/1986. Theo Tòa án, “H có yêu cầu tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, cung cấp giấy khai sinh, sinh ngày 16/7/1979, là con nuôi của ông Q và bà Đ, được Ủy ban nhân dân xã X lập quá hạn vào ngày 06/9/1986. Ngoài chứng cứ viết được H cung cấp, tại phiên tòa, ông M, bà P và cả bà T đều biết H là con nuôi của ông Q. Do đó, việc phản bác của ông K cho là H không là con của ông Q là không có cơ sở xem xét. Vậy, H là thừa kế thế vị của ông Q được hưởng thừa kế thế vị của ông Q để yêu cầu chia tài sản chung là di sản của cụ S để lại là có căn cứ chấp nhận”.

Như vậy, theo Tòa án trên, cháu nuôi (con nuôi của con đẻ) cũng được hưởng thừa kế thế vị. Tòa án nhân dân thành phố H cũng theo hướng này khi nhận định trong vụ án sau: “Cụ C chết năm 1955. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ C là bà H, cụ N, chị B, chị T (thừa kế thế vị của ông Q). Chị B kháng cáo cho rằng chị T là con nuôi của ông L, bà Y nên không phải là thừa kế thế vị của cụ C. Tại Điều 677 BLDS về thừa kế thế vị có quy định: “Con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ cháu được hưởng nếu còn sống”. Trong điều luật không quy định là “cháu nuôi” thì không được hưởng. Do vậy, việc chị T là người nằm trong diện hưởng thừa kế là đúng”.

- Trường hợp: Bố mẹ nuôi → con nuôi → con đẻ

Nội dung vụ án:

Bà T không lấy chồng, nhưng có một người con nuôi là chị C. Anh A kết hôn với chị C ngày 27/6/2002 (có đăng ký kết hôn) có 02 con chung là cháu D và cháu H. Chị C chết ngày 05/3/2007; bà T chết ngày 10/02/2009 và cả hai không để lại di chúc. Di sản bà T để lại là thửa đất số 203, diện tích 127,3m2 tại khối 7, phường B, thành phố H. Năm 2011, anh A về sửa lại nhà và làm thủ tục khai nhận thừa kế cho hai cháu D và cháu H đối với di sản của bà T để lại, nhưng ông Đỗ Quang V ngăn cản không cho sửa và khai nhận thừa kế cho hai cháu. Vì vậy, anh A yêu cầu giải quyết tranh chấp về quyền thừa kế tài sản của bà T và công nhận hai cháu D và cháu H được hưởng toàn bộ di sản do bà T để lại.

Bản án dân sự sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (anh A), công nhận cháu D và cháu H được quyền thừa kế di sản bà T để lại gồm: Thửa đất số 203, diện tích 127,3m2 tại khối 7, phường L, thành phố H đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Đỗ Thị T; nhà và các tài sản khác gắn liền với đất.

Tòa án phúc thẩm nhận định: Bà T nhận chị C làm con nuôi nhưng không thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật. Trong quá trình giải quyết vụ án, phía gia đình bị đơn thừa nhận chị C được bà T nhận nuôi năm 1979. Quá trình nuôi dưỡng, gia đình có hỗ trợ kinh phí để bà T chăm sóc, nuôi dưỡng chị C đến tuổi trưởng thành. Khi chị C đi học nghề, bà T bỏ tiền nuôi ăn học và có sự hỗ trợ kinh phí từ phía gia đình bị đơn. Mối quan hệ mẹ nuôi, con nuôi giữa bà T và chị C tồn tại trên thực tế. Do đó, theo điểm a Điều 6 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/01/1988 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình, thì trường hợp bà T nhận nuôi chị C là con nuôi thực tế. Năm 2002, chị C kết hôn với anh A và vợ chồng có hai con chung là cháu D và cháu H. Chị C (chết năm 2007) và bà T (chết năm 2009) đều không để lại di chúc, nên hai cháu D và H được thừa kế thế vị di sản của bà T.

Có thể thấy, trong trường hợp này, chị C được xác định là con nuôi của bà T nên các con D và H được thế vị chị C (chết trước bà T) hưởng phần di sản của bà T là hoàn toàn hợp lý.

Như vậy, trên thực tế đã có Tòa án xét xử theo hướng:

- Khi người nhận nuôi con nuôi chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với cha mẹ đẻ của họ thì con nuôi của họ cũng được hưởng thừa kế thế vị từ ông, bà (cha, mẹ của người nhận nuôi), tức là thừa nhận mối quan hệ ông - cháu giữa người con nuôi với cha, mẹ đẻ của người nuôi dưỡng.

- Khi con nuôi chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với cha nuôi, mẹ nuôi thì con của con nuôi (con đẻ) cũng được hưởng thừa kế thế vị, tức là thừa nhận mối quan hệ ông - cháu giữa con đẻ của người con nuôi với cha, mẹ nuôi.

 Tuy nhiên, quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn xét xử về thừa kế thế vị còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ, cụ thể là trong tình huống trên, nếu chị C có con nuôi thì người con nuôi của chị C có được thế vị để hưởng di sản của mẹ nuôi không? Việc chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn áp dụng thống nhất vấn đề trên dẫn đến tình huống pháp lý tương tự nhưng có Tòa án xét xử theo hướng trên, có Tòa án còn dè dặt, không áp dụng thừa kế thế vị.

Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Đối với trường hợp: A nhận nuôi B và B sinh ra C, từ góc độ lý luận cũng như thực tiễn, con đẻ của người con nuôi đương nhiên có quyền hưởng thừa kế thế vị. Khi một người nhận con nuôi đồng nghĩa với việc quan hệ cha, mẹ, con giữa họ và người con nuôi được xác lập. Giữa người con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha đẻ, mẹ đẻ với con ruột. Mối quan hệ đó không chỉ là quan hệ thực tế, mà còn được ghi nhận bằng căn cứ pháp lý nhất định. Pháp luật quy định giữa người nhận con nuôi và người con nuôi được hưởng thừa kế nói chung và thừa kế thế vị của nhau nói riêng. Do đó, con đẻ của người con nuôi cũng được coi như cháu của người nhận nuôi cha mẹ mình. Nói cách khác, giữa con đẻ của người con nuôi và người nhận nuôi con nuôi có mối quan hệ pháp lý như ông bà với cháu ruột. Mối quan hệ này tuy không được quy định cụ thể nhưng được hiểu gián tiếp qua mối quan hệ như cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ giữa người nhận nuôi và người con nuôi đã được pháp luật xác lập. Chính vì vậy, con đẻ của người con nuôi có quyền thế vị cha mẹ của mình để thừa kế di sản của người nhận nuôi cha, mẹ mình.

Đối với trường hợp: A sinh ra B và B nhận nuôi C hoặc A nuôi B và B nhận nuôi C. Do Điều 652 BLDS năm 2015 chỉ quy định là “con”, “cháu”, mà không xác định rõ là con đẻ hay con nuôi hoặc cháu ruột. Giữa con nuôi của một người với cha mẹ nuôi của người đó không có bất kỳ mối quan hệ huyết thống nào và pháp luật cũng chưa quy định cụ thể, rõ ràng về quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng giữa các chủ thể này; giữa họ có đương nhiên tồn tại mối quan hệ như ông - cháu ruột hay không? Tuy nhiên, thực tế cũng có những trường hợp con nuôi của một người với cha, mẹ nuôi (hoặc cha, mẹ ruột) của người đó có mối quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau; giữa họ có những quyền và nghĩa vụ như quan hệ ông - cháu ruột và “thừa kế thế vị là con hoặc cháu thay thế vị trí của cha, mẹ hoặc ông, bà để hưởng thừa kế”, nên theo các quy định trên thì con nuôi của con nuôi/con đẻ người để lại di sản vẫn được hưởng thừa kế thế vị khi người con nuôi/con đẻ của người để lại di sản đó chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người để lại di sản. Trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng cha, mẹ nuôi thì con nuôi, cháu nuôi có sự chăm sóc, nuôi dưỡng đối với cha, mẹ nuôi và ông, bà (bố, mẹ nuôi/bố, mẹ đẻ của cha mẹ nuôi mình) và ngược lại. Ngoài ra, trong quá trình sinh sống cùng nhau thì người con nuôi, cháu nuôi cũng có sự đóng góp về tài sản vào khối tài sản chung của gia đình cha, mẹ nuôi…, nên nếu không thừa nhận quyền thừa kế thế vị của người cháu nuôi trong trường hợp này sẽ không bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của họ. Theo tác giả, nếu quan hệ giữa đời thứ nhất với đời thứ hai là huyết thống nhưng quan hệ giữa đời thứ hai với đời thứ ba lại là nuôi dưỡng (tức là A sinh ra B và B nhận nuôi C) hoặc trường hợp quan hệ giữa đời thứ nhất, đời thứ hai và đời thứ ba cùng là quan hệ nuôi dưỡng (tức là A nuôi B và B nhận nuôi C) thì nếu trên thực tế người để lại di sản coi người thừa kế thế vị như cháu ruột và giữa họ đã phát sinh các quyền - nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và các cháu thì vẫn tồn tại thừa kế thế vị.

Để nâng cao hiệu quả của việc áp dụng các quy định về thừa kế thế vị khi có yếu tố con nuôi, cần có văn bản hướng dẫn theo hướng: (1) Trường hợp người con nuôi chết trước hoặc cùng thời điểm với cha nuôi, mẹ nuôi thì chỉ con đẻ của người con nuôi đó được thừa kế thế vị để nhận di sản của người để lại di sản; (2) Trường hợp người con nuôi chết trước hoặc cùng thời điểm với cha nuôi, mẹ nuôi  thì  con nuôi của người con nuôi đó được thừa kế thế vị nếu trên thực tế người để lại di sản coi người thừa kế thế vị như cháu ruột và giữa họ đã phát sinh các quyền, nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu.

ThS. Nguyễn Thị Trà My

Những nội dung trọng tâm công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2025

(Kiemsat.vn) - VKSND tối cao ban hành Hướng dẫn số 33/HD-VKSTC ngày 30/12/2024 về công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2025.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang