Căn cứ xác định vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự trong pháp luật Trung Quốc và Việt Nam
(kiemsat.vn) Pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam và Trung Quốc đều có quy định về vấn đề “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”, tuy nhiên, pháp luật Trung Quốc quy định cụ thể những căn cứ vi phạm. Từ việc nghiên cứu quy định về căn cứ xác định vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự của pháp luật Trung Quốc, tác giả gợi mở một số vấn đề liên quan trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam.
Một số vấn đề rút ra từ công tác kiểm sát việc giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Đánh giá chứng cứ khi giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Xử lý chuyển hướng người chưa thành niên phạm tội trong pháp luật một số nước và Việt Nam
Vi phạm tố tụng trong xét xử dân sự (vi phạm thủ tục tố tụng dân sự) được pháp luật Trung Quốc quy định tại Luật tố tụng dân sự năm 1991, sửa đổi, bổ sung năm 2007, năm 2012 và năm 2017 (sau đây gọi là LTTDS Trung Quốc) và được hiểu là hành vi của chủ thể tố tụng dân sự không tuân theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự trong quá trình tố tụng, không chỉ bao gồm hành vi trái pháp luật của Tòa án, Thẩm phán, mà còn là hành vi trái pháp luật của đương sự và người tham gia tố tụng khác. Vi phạm thủ tục tố tụng dân sự được chia thành 02 nhóm, bao gồm: (i) Vi phạm không nghiêm trọng thủ tục tố tụng; (ii) Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, theo pháp luật tố tụng dân sự Trung Quốc, khi có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng mới được xác định làm căn cứ để kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (khoản 4 Điều 170 LTTDS Trung Quốc).
Tương tự, pháp luật Việt Nam quy định căn cứ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là căn cứ để Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm (khoản 2 Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 - sau đây gọi là BLTTDS năm 2015), hoặc để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (điểm b khoản 1 Điều 326 BLTTDS năm 2015),… Tuy nhiên, nếu pháp luật Trung Quốc quy định về các trường hợp xác định là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thì pháp luật Việt Nam chỉ mới đề cập và định danh căn cứ này, mà chưa quy định phải hiểu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là gì. Điều này dẫn đến thực tiễn áp dụng không thống nhất ở các cấp Tòa án.
1. Căn cứ xác định vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng
Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và căn cứ nào xác định Tòa án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng chưa được quy định cụ thể trong BLTTDS năm 2015. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng dân sự Trung Quốc đã định nghĩa chi tiết dưới dạng liệt kê tại Văn bản giải thích về việc áp dụng “LTTDS của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” của Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Trung Quốc (sau đây gọi là Văn bản giải thích của TAND tối cao Trung Quốc). Văn bản giải thích của TAND tối cao Trung Quốc khá “tương đồng” về giá trị pháp lý với Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Theo đó, Điều 323 Văn bản giải thích của TAND tối cao Trung Quốc quy định 04 căn cứ để Tòa án cấp phúc thẩm xác định Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, bao gồm: (1) Thành phần của Hội đồng xét xử là bất hợp pháp; (2) Người xét xử nên rút lui đã không rút lui; (3) Một người không có năng lực tố tụng đã khởi kiện cho mình mà không có đại diện được chỉ định hợp pháp; (4) Tước đoạt trái pháp luật quyền tranh luận của đương sự.
Về phạm vi tiếp cận “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”, pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam và Trung Quốc đều không tiếp cận dưới góc độ “rộng”, mà chỉ xác định hành vi vi phạm thủ tục tố tụng của chủ thể tiến hành tố tụng, cụ thể là Tòa án. Mặc dù một trong những căn cứ xác định vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là “một người không có năng lực tố tụng đã khởi kiện thay cho mình mà không có đại diện được chỉ định hợp pháp” (chủ thể là “đương sự” và “người đại diện theo chế định đại diện của đương sự”), nhưng suy cho cùng Tòa án khi tiếp nhận đơn khởi kiện cần xác định chủ thể đó có quyền khởi kiện hoặc đã thỏa mãn các điều kiện về thủ tục “đại diện” hay chưa. Do đó, Tòa án là nơi tiếp nhận đơn khởi kiện đã không tuân thủ quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Có thể thấy, các căn cứ xác định vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của LTTDS Trung Quốc mang tính “mặc nhiên”, tức là nếu Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm một hoặc một số căn cứ tại Điều 323 Văn bản giải thích của TAND tối cao Trung Quốc, thì Tòa án cấp phúc thẩm (chứng minh được) mặc nhiên xác định là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Những hành vi gây ra hậu quả là làm suy giảm công bằng tố tụng và làm tổn hại đến quyền tư pháp, gây thiệt hại cho các quy tắc tố tụng dân sự và xâm phạm quyền lợi hợp pháp của chủ thể. Những hậu quả liệt kê trên đã được thừa nhận và mặc nhiên hiểu rằng, nếu có những căn cứ tại Điều 323 Văn bản giải thích của TAND tối cao Trung Quốc thì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và có thể chia thành 02 nhóm hệ quả chính:
Thứ nhất, nhóm hệ quả ảnh hưởng đến quyền lực “công” của Nhà nước, bao gồm: (i) Hệ quả suy giảm công bằng tố tụng dựa trên lý thuyết công bằng tố tụng; (ii) Hệ quả làm tổn hại đến quyền tư pháp dựa trên lý thuyết về mô hình Nhà nước pháp quyền; (iii) Hệ quả gây thiệt hại cho các quy tắc tố tụng dân sự - xâm phạm đến “quyền lực” của Nhà nước.
Thứ hai, nhóm hệ quả xâm phạm quyền lợi hợp pháp của chủ thể - đương sự trong vụ án dân sự. Những hệ quả này không những được tiếp cận dưới góc độ nghiên cứu, mà còn được minh thị tại Điều 2 LTTDS Trung Quốc.
Nếu LTTDS Trung Quốc đề cập đến 02 nhóm hệ quả trên, thì BLTTDS năm 2015 chỉ ghi nhận hệ quả tương tự như nhóm hệ quả thứ hai của Trung Quốc khi khẳng định vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là vi phạm “ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự” (khoản 2 Điều 310). Quan điểm của tác giả cho rằng, quy định tại khoản 2 Điều 310 BLTTDS năm 2015 chưa làm rõ được nội hàm của “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”.
Dưới đây tác giả sẽ đề cập và phân tích sơ lược những căn cứ “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” tại Văn bản giải thích của TAND tối cao Trung Quốc và so sánh với quy định tại BLTTDS năm 2015:
1.1. Căn cứ “thành phần của Hội đồng xét xử là bất hợp pháp” và căn cứ “nhân viên tư pháp nên rút lui đã không rút lui”
Tác giả kết hợp căn cứ “thành phần của Hội đồng xét xử là bất hợp pháp” và căn cứ “nhân viên tư pháp nên rút lui đã không rút lui” để phân tích, bởi thành phần của Hội đồng xét xử hoặc nhân viên tư pháp chính là những người tiến hành tố tụng. Theo LTTDS Trung Quốc, thành phần của Hội đồng xét xử được quy định tại Chương 3 và những trường hợp “rút lui” được điều chỉnh tại Chương 4. Mặc dù LTTDS Trung Quốc ghi nhận thuật ngữ “rút lui”, khác thuật ngữ “từ chối” theo BLTTDS năm 2015, nhưng bản chất của những quy định này không khác nhau về mục đích, chỉ khác về kỹ thuật lập pháp. Cụ thể, Điều 39 LTTDS Trung Quốc quy định về thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm “khá tương đồng” với quy định tại Điều 63 và Điều 64 BLTTDS năm 2015.
Tiếp đến, Điều 44 LTTDS Trung Quốc quy định nhân viên tư pháp phải tự “rút lui” khi được phân công thụ lý và giải quyết vụ án dân sự nếu thuộc các trường hợp được quy định tại Điều này. Hướng lập pháp này khá tương đồng với quy định tại các Điều 52, 53, 54 và 60 BLTTDS năm 2015. Các học giả và các nhà lập pháp Trung Quốc xác định rằng, 02 căn cứ trên sẽ đảm bảo hạn chế sự lạm quyền trong một số trường hợp nhất định, giữ cho nhân viên tư pháp trung lập và đảm bảo các bản án có giá trị về tính hợp pháp theo thủ tục tố tụng. Có thể thấy, căn cứ này đảm bảo sự vô tư, khách quan của những người tiến hành tố tụng - nguyên tắc minh thị tại Điều 16 BLTTDS năm 2015. Theo đó, hoạt động tố tụng dân sự cần được tiến hành khách quan, bản án, quyết định dân sự phản ánh chính xác, toàn diện, đầy đủ những tình tiết thực tế của vụ án; những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch cần vô tư, tránh thiên vị hoặc có định kiến với một bên trong quá trình giải quyết vụ án. Cùng với đó, những quy định của LTTDS Trung Quốc và BLTTDS năm 2015 liên quan đến căn cứ trên đều xuất phát từ nguyên tắc công bằng tố tụng và công bằng thực chất. Nếu công bằng tố tụng được xem là phải tuân theo các nguyên tắc bình đẳng và công bằng trong quá trình xét xử, thì công bằng thực chất phản ánh sự công bằng trong kết quả xét xử - kết quả được ghi nhận trong bản án, quyết định của Tòa án. Nếu công bằng thực chất là mục tiêu cơ bản mà ngành Tư pháp theo đuổi, thì công bằng tố tụng là thước đo và bảo đảm để thực hiện công lý thực chất, không thể bỏ qua cả hai. Như vậy, nếu Tòa án thực hiện đúng thủ tục tố tụng trong quá trình thụ lý và giải quyết vụ án dân sự, những người tiến hành tố tụng không khách quan, vô tư, thì không đảm bảo được quyền lợi của đương sự.
1.2. Căn cứ “một người không có năng lực tố tụng đã khởi kiện cho mình mà không có đại diện được chỉ định hợp pháp”
Điều 119 LTTDS Trung Quốc quy định về điều kiện khởi kiện không đề cập đến năng lực hành vi tố tụng của chủ thể khởi kiện. Tuy nhiên, văn bản giải thích của TAND tối cao Trung Quốc quy định “một người không có năng lực tố tụng đã khởi kiện cho mình mà không có đại diện được chỉ định hợp pháp” tại Điều 323 là một trong những căn cứ để xác định Tòa án đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Hiện nay, năng lực tố tụng còn được hiểu là khả năng tố tụng và là khả năng tự mình tiến hành các tranh chấp gia đình, chẳng hạn như: Tự mình đứng ra kiện tụng gia đình, nộp đơn khởi kiện về các vấn đề không liên quan đến kiện tụng của gia đình, nhận thông báo của Tòa án hoặc nộp đơn bào chữa, nộp đơn bào chữa hoặc tuyên bố, trình diện trước Tòa án...
Khi xem xét căn cứ này, có thể thấy, LTTDS Trung Quốc đang đề cập đến quy định về năng lực hành vi tố tụng dân sự của chủ thể khởi kiện theo BLTTDS năm 2015. Theo BLTTDS năm 2015, có thể hiểu năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự; năng lực hành vi tố tụng dân sự có mối quan hệ mật thiết với năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự. Thông thường, một chủ thể chỉ được xác định là có năng lực hành vi tố tụng dân sự nếu chủ thể đó có năng lực hành vi dân sự. Quy định trên tương tự với quy định của LTTDS Trung Quốc - vấn đề năng lực tố tụng sẽ được xác định thông qua Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020. Tại căn cứ này, cần tập trung vào một vấn đề chính là người không có năng lực tố tụng nhưng đã tự mình thực hiện hành vi khởi kiện, mặc dù Điều 57 LTTDS Trung Quốc khẳng định “người không có năng lực hành vi tố tụng được người giám hộ đại diện theo pháp luật” hay Điều 69 BLTTDS năm 2015 chia năng lực hành vi tố tụng dân sự của cá nhân thành 03 cấp độ như sau: (i) Mức độ năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ khi cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên ngoại trừ trường hợp cá nhân đó mất năng lực hành vi dân sự (khoản 3 Điều 69), tức là cá nhân đó có thể tự mình thực hiện quyền khởi kiện; (ii) Mức độ không có năng lực hành vi tố tụng dân sự khi cá nhân thuộc các trường hợp chưa đủ 06 tuổi, hoặc mất năng lực hành vi dân sự (khoản 4 Điều 69); (iii) Mức độ năng lực hành vi tố tụng dân sự chưa đầy đủ hoặc bị hạn chế khi cá nhân từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi (khoản 5 Điều 69) hoặc cá nhân từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi (khoản 6 Điều 69). Trường hợp (ii) và (iii), về nguyên tắc phải khởi kiện thông qua người đại diện mà chủ yếu là người đại diện theo pháp luật. Riêng đối với cá nhân từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, pháp luật quy định có thể tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự khi tham gia vào giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của chính mình. Còn đối với cá nhân thuộc nhóm người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, thì năng lực hành vi tố tụng được xác định theo quyết định của Tòa án.
Như vậy, LTTDS Trung Quốc khẳng định: Một người không có năng lực hành vi tố tụng hoặc năng lực hành vi tố tụng không đầy đủ mà thực hiện hành vi khởi kiện, nếu được Tòa án thụ lý và giải quyết, thì xác định Tòa án đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trong trường hợp này, Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện (Điều 123 LTTDS Trung Quốc) và hướng dẫn để người đại diện những chủ thể này khởi kiện cho chủ thể được đại diện. Điều này tương tự với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015: “Người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 và Điều 187 của Bộ luật này hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự”. Hiện nay, lý do được các học giả thừa nhận khi quy định về năng lực hành vi tố tụng là “trên thực tế, quá trình giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự rất phức tạp. Muốn bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đương sự không những phải có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình như việc tham gia vào các quan hệ pháp luật khác mà còn phải có sự hiểu biết sâu sắc về pháp luật, trong đó có cả pháp luật tố tụng dân sự”. Cùng với đó, việc Tòa án thụ lý đơn của người khởi kiện khi họ không có đầy đủ hoặc không có năng lực hành vi tố tụng đã vi phạm nguyên tắc quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Tuy nhiên, thực tiễn xét xử tại Việt Nam hiện nay phát sinh trường hợp: Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm quy định liên quan đến thời hạn ủy quyền của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài cho người trong nước tham gia tố tụng, cụ thể hơn là thời hạn ủy quyền được thể hiện trong giấy ủy quyền đã hết, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn tiếp tục cho phép người đại diện tiếp tục tham gia tố tụng. Việc một người không có năng lực pháp luật tố tụng tham gia tố tụng và Tòa án vẫn cho phép người đó tham gia được coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
1.3. Căn cứ “tước đoạt trái pháp luật quyền tranh tụng của đương sự”
Nguyên tắc tranh tụng là nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng dân sự, điều này được quy định tại Điều 12 LTTDS Trung Quốc và Điều 24 BLTTDS năm 2015. Quyền tranh tụng là một trong những quyền tố tụng cơ bản và quan trọng nhất của đương sự. Tranh tụng là phương tiện quan trọng để đương sự bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Cùng với đó, yêu cầu và mục tiêu của tranh tụng chính là bảo đảm dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch trong suốt quá trình tố tụng, từ khi thụ lý cho đến khi bản án có hiệu lực. Như vậy, có thể thấy nguyên tắc tranh tụng là nguyên tắc có vai trò quan trọng trong tố tụng dân sự; thông qua việc tranh tụng của các đương sự, các tình tiết sẽ dần được sáng tỏ, đảm bảo quyền, lợi ích của đương sự.
Với ý nghĩa đó, LTTDS Trung Quốc và BLTTDS năm 2015 đều ghi nhận nguyên tắc tranh tụng là nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên, Văn bản giải thích của TAND tối cao Trung Quốc quy định 04 trường hợp được xem là Tòa án đã tước đoạt trái pháp luật quyền tranh tụng của đương sự, trong đó có 03 trường hợp cụ thể và 01 trường hợp là điều khoản “quét”, cụ thể: (i) Các bên không được phát biểu ý kiến; (ii) Trường hợp phiên tòa nên được tổ chức nhưng chưa được tổ chức; (iii) Tống đạt bản sao đơn khiếu nại hoặc bản sao đơn kháng cáo vi phạm pháp luật, cản trở các bên thực hiện quyền tranh luận của mình; (iv) Các trường hợp khác mà các bên bị tước quyền tranh luận một cách trái pháp luật.
2. Kinh nghiệm cho Việt Nam về xác định căn cứ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng
Bên cạnh 04 căn cứ xác định vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự được quy định tại Văn bản giải thích của TAND tối cao Trung Quốc, một nền tảng tư tưởng được thừa nhận về vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng tại Trung Quốc là: “Những hành vi gây ra hậu quả là làm suy giảm công bằng tố tụng và làm tổn hại đến quyền tư pháp, cùng với đó gây thiệt hại cho các quy tắc tố tụng dân sự và xâm phạm quyền lợi hợp pháp của chủ thể”. Theo đó, hành vi của Tòa án nếu gây ra những hậu quả trên sẽ được xác định là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Có thể thấy, nguyên tắc nhằm thống nhất việc xác định hành vi tố tụng nào của người tiến hành tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dựa trên hậu quả của hành vi tố tụng là giải pháp thích hợp cho hệ thống pháp luật tố tụng dân sự ở nước ta. Hiện nay, có quan điểm cho rằng “vi phạm làm cho việc giải quyết thiếu khách quan, toàn diện, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự được xác định là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” là đúng nhưng chưa đủ.
Từ những phân tích trên, tác giả khuyến nghị 02 hướng sửa đổi như sau:
Thứ nhất, bổ sung quy phạm định nghĩa tại Điều 310 BLTTDS năm 2015 theo hướng: “Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là những hành vi vi phạm các nguyên tắc tố tụng dân sự, dẫn đến xâm phạm quyền lợi hợp pháp của chủ thể và yếu tố công bằng trong tố tụng”. Đây sẽ là quy phạm làm cơ sở cho các điều luật khác như điểm b khoản 1 Điều 326, khoản 3 Điều 345, điểm b khoản 5 Điều 462 BLTTDS năm 2015. Đồng thời, Dự thảo số 01/2020 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về áp dụng một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, BLTTDS, Luật tố tụng hành chính về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (Dự thảo số 01) cần được sớm ban hành nhằm xác định những trường hợp cụ thể tại khoản 2 Điều 14 Dự thảo số 01 là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Thứ hai, bổ sung quy phạm định nghĩa như đã nêu trên vào khoản 2 Điều 14 Dự thảo số 01 và áp dụng tương tự pháp luật khi Tòa án cấp phúc thẩm xét xử.
Xa Kiều Oanh - Đào Tấn Anh
Thực trạng pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền tại Việt Nam và kiến nghị hoàn thiện
-
1Đánh giá chứng cứ khi giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản
-
2Xử lý chuyển hướng người chưa thành niên phạm tội trong pháp luật một số nước và Việt Nam
-
3Thực trạng pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền tại Việt Nam và kiến nghị hoàn thiện
-
4Căn cứ xác định vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự trong pháp luật Trung Quốc và Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.