Xử lý nghiêm hành vi rửa tiền trong các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng

02/01/2025 10:55

(kiemsat.vn)
VKSND tối cao ban hành Hướng dẫn số 26/HD-VKSTC ngày 25/12/2024 về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án kinh tế trong năm 2025.

Theo đó, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3) VKSND tối cao hướng dẫn như sau:

Trong giai đoạn khởi tố vụ án

Thực hành quyền công tố chủ động hơn ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố. Kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, phân loại, giải quyết nguồn tin tội phạm về kinh tế; chủ động đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh để thu thập chứng cứ ngay từ đầu, nhất là dấu hiệu của tội phạm; trực tiếp tiến hành kiểm tra, xác minh theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính và ngược lại, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

Tăng cường yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền điều tra kiểm tra, xác minh tài sản của các đối tượng có dấu hiệu chiếm đoạt, gây thất thoát tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, lãng phí để phối hợp áp dụng sớm các biện pháp tố tụng, bảo đảm thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Chủ động phối hợp nghiên cứu tài liệu, chứng cứ trước khi Cơ quan điều tra có thẩm quyền ban hành các quyết định giải quyết nguồn tin về tội phạm; kiểm sát đầy đủ, kịp thời các lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong giai đoạn khởi tố vụ án, đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật; không để lạm dụng việc tạm đình chỉ kiểm tra, xác minh dẫn đến kéo dài thời hạn giải quyết.

Chủ động rà soát, yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền phục hồi giải quyết ngay nguồn tin về tội phạm đang tạm đình chỉ không có căn cứ hoặc lý do tạm đình chỉ không còn.

Trong giai đoạn điều tra vụ án

Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, các chỉ thị chuyên đề, quy chế nghiệp vụ của VKSND tối cao trong quá trình giải quyết vụ án. Thực hành quyền công tố chủ động hơn với tinh thần 45: "sớm hơn, sát hơn, sâu hơn, sắc hơn", kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của pháp luật hình sự, trong đó chú trọng nguyên tắc “suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung"; hạn chế trả hồ sơ để điều tra bổ sung, không để xảy ra trường hợp trả hồ sơ điều tra bổ sung có trách nhiệm của Viện kiểm sát.

Tăng cường công tác phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo có liên quan đến cán bộ, đảng viên để phục vụ công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp. Chú trọng phát hiện, xử lý dứt điểm những vụ việc phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ trở thành “điểm nóng", các vụ án, vụ việc gây lãng phí lớn tài sản công và tội phạm công nghệ cao.

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện tốt hơn việc áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; xử lý nghiêm hành vi rửa tiền trong các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng.

Lãnh đạo, Kiểm sát viên chủ động nắm vững chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chủ động, sáng tạo, tích cực phối hợp với cơ quan hữu quan vận dụng kịp thời các quy định của pháp luật để chứng minh tội phạm; kịp thời tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo các cấp giải quyết những vấn đề khó, phức tạp phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc, đặc biệt là phân hóa, xử lý các đối tượng liên quan trong vụ án, không thụ động "ngồi chờ" chỉ đạo từ cấp trên, bảo đảm yêu cầu về “chính trị - pháp luật và nghiệp vụ".

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng rà soát, thực hiện các biện pháp để phục hồi, giải quyết ngay các vụ án, vụ việc đang tạm đình chỉ không có căn cứ hoặc không còn lý do tạm đình chỉ.

Chú trọng phát hiện những vi phạm, thiếu sót, sơ hở trong thể chế, chính sách về quản lý Nhà nước, để kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm.

Trong giai đoạn truy tố

Tích cực, chủ động hỏi cung hoặc tiến hành một số hoạt động điều tra để thẩm định chứng cứ, nhất là các vụ án phức tạp, chứng cứ có mâu thuẫn, có đơn khiếu kiện về oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Đẩy nhanh tiến độ truy tố, đảm bảo đúng thời hạn luật định, hạn chế trường hợp gia hạn thời hạn truy tố.

Chủ động tổng hợp, đánh giá, hệ thống chứng cứ, tài liệu để nâng cao chất lượng bản cáo trạng, bảo đảm truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp phải đính chính, thay đổi hoặc rút quyết định truy tố.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc “số hóa” hồ sơ, tài liệu; bảo đảm việc trình chiếu tại phiên tòa khi cần thiết.

Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm

Kiểm sát viên nắm chắc nội dung của vụ án, các chứng cứ, tài liệu; dự kiến vấn đề cần xét hỏi, tranh luận và đối đáp, các tình huống tố tụng có thể phát sinh tại phiên tòa để chủ động về quan điểm và cách thức xử lý. Kiểm sát viên chủ động xét hỏi, tranh luận đầy đủ với Luật sư, người tham gia tố tụng để làm rõ các tình tiết của vụ án; xử lý tốt các tình huống phát sinh, nhất là trường hợp người tham gia tố tụng cung cấp chứng cứ, tài liệu mới;... cập nhật, đánh giá đầy đủ kết quả tranh tụng để bảo vệ quan điểm truy tố, buộc tội của Viện kiểm sát, đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật; kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo đối với các tình huống phát sinh.

Đề xuất mức hình phạt phù hợp với vai trò, tính chất mức độ hành vi của từng bị cáo, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, phải quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc: Nghiêm trị kẻ chủ mưu, cầm đầu; khoan hồng đối với diện đối tượng phụ thuộc, phải chấp hành, không bàn bạc, không có động cơ vụ lợi, ăn năn, hối cải, tích cực hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, bảo đảm căn cứ, nghiêm minh nhưng rất nhân văn, tạo đồng tình cao của dư luận, nâng cao hơn nữa vị thế của Ngành; kiểm sát chặt chẽ bản án, hoạt động xét xử của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, kịp thời phát hiện các vi phạm để đề xuất ban hành kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục (nếu có).

Đối với các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, lãnh đạo Viện kiểm sát địa phương cần lựa chọn, phân công Kiểm sát viên có kinh nghiệm, năng lực thụ lý, giải quyết hoặc phân công Tổ Kiểm sát viên; kịp thời phối hợp với Thẩm phán chủ tọa phiên tòa rà soát, bổ sung chứng cứ, tài liệu theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát cấp trên với Viện kiểm sát cấp dưới trong việc giải quyết các vụ án hình sự do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố và phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm. Viện kiểm sát địa phương chủ động phối hợp với Vụ 3 VKSND tối cao giải quyết tốt các vụ án kinh tế do cấp Trung ương khởi tố, điều tra, truy tố chuyển Tòa án địa phương xét xử sơ thẩm, đặc biệt là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Ngoài ra, theo Hướng dẫn này, các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo theo Quy chế về thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân; báo cáo đầy đủ kết quả giải quyết các vụ án do Viện kiểm sát cấp trên chuyển vụ án để điều tra, truy tố, xét xử theo thẩm quyền.

Một số lưu ý trong kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp di sản thừa kế

(Kiemsat.vn) - Tranh chấp di sản thừa kế là loại án dân sự phổ biến, phức tạp; việc nhận thức, áp dụng pháp luật còn một số vướng mắc, dẫn đến quan điểm không thống nhất trong nhiều trường hợp. Khi kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế, Kiểm sát viên cần xác định các vấn đề: Thời điểm mở thừa kế; thời hiệu khởi kiện; di sản do người chết để lại; hàng thừa kế; người chết có để lại di chúc hay không; chia di sản thừa kế…
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang