Một số lưu ý trong kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp di sản thừa kế
(kiemsat.vn) Tranh chấp di sản thừa kế là loại án dân sự phổ biến, phức tạp; việc nhận thức, áp dụng pháp luật còn một số vướng mắc, dẫn đến quan điểm không thống nhất trong nhiều trường hợp. Khi kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế, Kiểm sát viên cần xác định các vấn đề: Thời điểm mở thừa kế; thời hiệu khởi kiện; di sản do người chết để lại; hàng thừa kế; người chết có để lại di chúc hay không; chia di sản thừa kế…
Cần hướng dẫn cụ thể quy định "chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại” trong việc xét rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo
Một số vấn đề về kiểm soát tội phạm gây rối trật tự công cộng
Quy định về các tội xâm phạm quyền của chủ nợ theo Bộ luật hình sự Thụy Điển
Thực tiễn giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế
Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS năm 2015) quy định về thừa kế tại phần thứ tư gồm có 02 chương, 53 điều (Chương XXI và Chương XXII, các điều từ Điều 609 đến Điều 662). Chế định thừa kế đã đáp ứng được yêu cầu, phục vụ có hiệu quả trong việc phân chia di sản thừa kế, đảm bảo trật tự pháp luật, giữ gìn mối đoàn kết, yêu thương giữa các thành viên trong gia đình, giữ vững truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Tuy nhiên, qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế cho thấy vấn đề nhận thức, áp dụng pháp luật chưa thống nhất; một số trường hợp còn nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể như sau:
Trường hợp thứ nhất: Di sản là quyền sử dụng đất của cha mẹ mà người con tự đăng ký kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).
Ông A và bà B là vợ chồng, trong quá trình chung sống đã tạo lập được tài sản là quyền sử dụng đất nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ. Sau đó, ông A chết, bà B tiếp tục quản lý, sử dụng nhưng không đăng ký kê khai để được cấp GCNQSDĐ mà anh C là con của ông A và bà B đăng ký và được cấp; thời gian sau bà B chết. Có 03 quan điểm trong việc xác định di sản thừa kế của ông A và bà B.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, mặc dù nguồn gốc đất là của ông A và bà B nhưng ông bà chưa đăng ký để xác lập quyền sử dụng; mà anh C đăng ký và được cấp GCNQSDĐ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, do đó, quyền sử dụng đất đó là tài sản của anh C, không phải là di sản thừa kế.
Quan điểm thứ hai xác định, nguồn gốc và quyền sử dụng đất là của ông A và bà B; anh C đi đăng ký kê khai và được cấp GCNQSDĐ là không đúng quy định của Luật đất đai năm 2013, như vậy, toàn bộ diện tích đất là di sản của ông A và bà B.
Quan điểm thứ ba cũng là quan điểm của tác giả cho rằng, mặc dù ông A và bà B chưa được cấp GCNQSDĐ, nhưng quyền sử dụng đất trên vẫn là tài sản của ông A và bà B; sau khi ông A chết, không để lại di chúc thì 1/2 diện tích đất là di sản của ông A. Sau khi anh C đi đăng ký kê khai và được cấp GCNQSDĐ thì xảy ra 02 trường hợp: Trường hợp thứ nhất, anh C tự đi đăng ký kê khai và được cấp GCNQSDĐ mà bà B không biết hoặc biết mà có hành vi phản đối việc anh C được cấp đất thì việc cấp GCNQSDĐ cho anh C là sai, do đó xác định di sản là toàn bộ quyền sử dụng đất. Trường hợp thứ 2 là anh C đi đăng ký kê khai và được cấp GCNQSDĐ, mặc dù bà B biết nhưng không phản đối việc cấp đất thì mặc nhiên được xem là bà B tặng cho 1/2 diện tích đất của mình và một phần di sản mà bà B được hưởng của ông A, xác định di sản của ông A là 1/2 diện tích đất.
Trường hợp thứ hai: Đương sự chỉ tranh chấp một phần di sản thừa kế.
Ông M và bà N là vợ chồng, có 2 người con là E và G, trong quá trình chung sống tạo lập được khối tài sản chung là nhiều thửa đất 1, 2, 3, 4 ở nhiều vị trí khác nhau, nhiều loại đất khác nhau. Khi còn sống, ông M để lại di chúc cho E thửa số 1 và 2. M và N chết, G tranh chấp yêu cầu tuyên bố di chúc vô hiệu, chia di sản thừa kế đối với diện tích thửa 1 và 2. Trường hợp này cũng xảy ra 02 quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, đương sự chỉ yêu cầu xác định di chúc vô hiệu và chia di sản thừa kế đối với diện tích đất được nêu trong di chúc nên không cần phải xem xét đến di sản là thửa 3, 4. Nếu có căn cứ cho rằng di chúc là không hợp pháp thì tuyên bố di chúc vô hiệu và chia theo pháp luật đối với diện tích thửa 1 và 2; nếu xác định di chúc là hợp pháp thì không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, không cần phải xem xét đến di sản là thửa 3, 4.
Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả cho rằng, để xác định tính hợp pháp của di chúc, ngoài việc căn cứ vào ý chí của người để lại di chúc, hình thức của di chúc thì cần phải xác định phạm vi di sản ông M. Để xác định di sản của ông M cần phải xác minh làm rõ tất cả tài sản chung của ông M với bà N để xem xét ông M để lại di chúc có vượt quá phạm vi di sản của mình không, cần phải định giá quyền sử dụng đất tất cả các thửa đất 1, 2, 3, 4; nếu giá trị thửa đất 1 và 2 thấp hơn giá trị thửa đất 3 và 4 thì xác định di chúc hợp pháp và đề nghị không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Nếu giá trị thửa đất 1, 2 cao hơn giá trị thửa đất 3, 4 thì xác định di chúc có hiệu lực một phần đối với phần có giá trị tương đương 1/2 giá trị của 04 thửa đất, phần vượt quá bị vô hiệu. Nếu có căn cứ cho rằng, di chúc không hợp pháp do giả tạo, lừa dối thì tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tuyên bố di chúc vô hiệu và chia thừa kế theo pháp luật đối với thửa 1, 2 theo yêu cầu của nguyên đơn, không cần phải xem xét đến di sản là thửa 3, 4.
Trường hợp thứ ba: Xác định vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
T khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cha mẹ là ông bà X, di sản là quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình ông X, do T thấy GCNQSDĐ cấp cho hộ gia đình nên T yêu cầu chia di sản của ông bà X là phần di sản của ông bà X được chia theo hộ gia đình. Tuy nhiên, có căn cứ xác định quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình ông bà X là tài sản của ông bà X.
Có quan điểm cho rằng, nguyên đơn chỉ khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là phần di sản của ông bà X trong hộ gia đình nên nếu xác định di sản quyền sử dụng đất là tài sản chung của ông bà X để chia thừa kế theo pháp luật là vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Theo quan điểm của tác giả thì nếu chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn để chia quyền sử dụng đất cho các thành viên trong hộ gia đình ông bà X, sau đó chia phần di sản đó theo yêu cầu của nguyên đơn là không có căn cứ vì xác định không đúng di sản. T yêu cầu chia di sản thừa kế của ông bà X, nhưng bị nhầm tưởng di sản của ông bà X. Trường hợp này phải xác định di sản theo đúng thực tế và giải quyết yêu cầu khởi kiện chia thừa kế mà không vượt quá yêu cầu khởi kiện.
Trường hợp khác là trường hợp nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản của cha mẹ làm 06 kỷ phần, tuy nhiên theo quy định của pháp luật thì di sản này được chia làm 05 kỷ phần (chia 05 kỷ phần cho 05 người cùng hàng thừa kế và để lại 01 kỷ phần cho người nào nhận thờ cúng cha mẹ hưởng). Tại phiên tòa, các đương sự không thống nhất về việc chia 06 kỷ phần, do đó nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế theo pháp luật thành 05 kỷ phần.
Có quan điểm cho rằng, việc thay đổi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là vượt quá yêu cầu khởi kiện, do di sản được yêu cầu chia làm 05 kỷ phần nhiều hơn chia 06 kỷ phần. Theo tác giả, việc thay đổi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không vượt quá yêu cầu khởi kiện vì nếu chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chia di sản làm 06 kỷ phần là không có cơ sở, theo quy định pháp luật thì di sản này phải được chia làm 05 kỷ phần.
Một số vấn đề cần lưu ý trong kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế
Đối với các vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế, cần xác định các vấn đề sau:
Thứ nhất, xác định thời điểm mở thừa kế: Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người để lại di sản chết (theo Điều 611 BLDS năm 2015) hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết (theo Điều 71 BLDS năm 2015). Xác định đúng thời điểm mở thừa kế có ý nghĩa quan trọng cho việc xác định thời hiệu khởi kiện chia thừa kế, xác định di sản, hàng thừa kế, thừa kế thế vị…
Thứ hai, xác định thời hiệu khởi kiện chia thừa kế: Căn cứ để xác định thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế được quy định tại Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Điều 149 và Điều 623 BLDS năm 2015, Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Án lệ số 26/2018/AL. Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Ngoài ra, khi xác định thời hiệu phải xem xét từng thời điểm, từng giai đoạn theo quy định như: Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27/7/2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ ba, xác định di sản do người chết để lại: Di sản thừa kế là phần di sản còn lại sau khi thực hiện xong nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại. Nghĩa vụ do người chết để lại bao gồm: Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng còn thiếu; chi phí cho việc bảo quản di sản, tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ, tiền công lao động, tiền bồi thường thiệt hại, thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước, các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân, tiền phạt…
Thực tiễn phát sinh một số vấn đề mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định không rõ ràng dẫn đến áp dụng không thống nhất. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng như các văn bản pháp luật khác không quy định về số tiền phúng điếu mà nhân dân đi viếng người chết, do đó, số tiền này không được xem là di sản thừa kế; số tiền mà người tổ chức mai táng bỏ ra để cho những người đến viếng ăn uống cũng không được quy định nên cũng không được trừ vào phần di sản thừa kế. Số tiền tử, tuất của người lao động có tham gia bảo hiểm xã hội là số tiền mà người lo mai táng được nhận tiền trợ cấp mai táng; thân nhân của người lao động được hưởng tiền tuất hàng tháng cũng không phải là di sản thừa kế.
Đối với di sản thừa kế nằm trong khối tài sản chung của vợ chồng, cần áp dụng Luật hôn nhân và gia đình các năm 1959, 1986, 2000 và 2014; Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình, Án lệ số 03/2016 để xác định giá trị tài sản chung của vợ chồng.
Đối với di sản là quyền sử dụng đất, cần lưu ý trên GCNQSDĐ ghi cấp cho hộ gia đình. Thực tế, có thời điểm nhiều địa phương sử dụng mẫu GCNQSDĐ cấp cho hộ gia đình để cấp cho cá nhân. Do đó, cần xem xét nguồn gốc và quá trình sử dụng đất. Tài liệu cần phải xem xét về nguồn gốc đất là: Hồ sơ cấp đất, đơn đăng ký cấp GCNQSDĐ (trên đơn có ghi phần nguồn gốc đất), sổ mục kê 299, sổ đăng ký ruộng đất… Mặc dù trên GCNQSDĐ ghi cấp cho hộ nhưng có nguồn gốc được tặng cho riêng, thừa kế riêng, cá nhân nhận chuyển nhượng thì xác định đây không phải là đất của hộ gia đình mà là quyền sử dụng đất của cá nhân.
Sau khi xác định được chính xác đất cấp cho hộ gia đình đúng quy định thì cần xác định thành viên của hộ gia đình theo quy định tại khoản 29 Điều 3 Luật đất đai năm 2013, Điều 212 BLDS năm 2015. Trên cơ sở đó, xác định di sản của người chết là giá trị một phần quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình. Ngoài ra, cần phải xem xét trên đất có nhà ở, vật kiến trúc hay cây trồng trên đất không, thuộc quyền sở hữu của ai, đặc biệt là nhà ở kiên cố không thể di dời được để quyết định chia di sản phù hợp với thực tế và đảm bảo thuận tiện cho việc thi hành án.
Thứ tư, xác định hàng thừa kế: Điều 651 BLDS năm 2015 quy định 03 hàng thừa kế, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Mặt khác, ta còn phải xem xét những người hưởng di sản không phụ thuộc vào di chúc, thừa kế thế vị, các trường hợp thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi; con riêng và bố dượng, mẹ kế; vợ, chồng đã chia tài sản chung; vợ, chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác sau khi vợ, chồng chết thì cũng được hưởng di sản của nhau.
Thứ năm, xác định người chết có để lại di chúc hay không: Trường hợp có để lại di chúc thì phải xác định tính hợp pháp của di chúc. Thông thường, trên thực tế, người để lại di chúc thường là người lớn tuổi. Nhiều trường hợp, di chúc đã được công chứng đúng quy định của pháp luật, cơ quan công chứng xác định người lập di chúc trong trạng thái minh mẫn, sáng suốt, nhưng các đương sự cho rằng cha, mẹ họ không còn minh mẫn khi lập di chúc. Theo tác giả, cần xem xét tất cả chứng cứ chứng minh rằng người để lại di chúc không còn minh mẫn trong khi lập di chúc, như: Giám định y khoa, hồ sơ khám và điều trị bệnh, lời khai đương sự, người làm chứng, xác nhận của chính quyền địa phương… Nếu không có chứng cứ có giá trị pháp lý để chứng minh là người lập di chúc không còn minh mẫn khi lập di chúc thì phải xem di chúc có công chứng, chứng thực là di chúc hợp pháp.
Trên thực tế, nhiều trường hợp để lại di chúc vượt quá giá trị tài sản của mình, thường là di chúc của vợ hoặc chồng để lại tài sản cho con sau khi chết; do đó, phần vượt quá của di chúc không có hiệu lực. Vấn đề xác định phần vượt quá của di chúc cũng rất phức tạp, đặc biệt là di sản là quyền sử dụng đất, người để lại di chúc có nhiều thửa đất khác nhau, ở nhiều vị trí và nhiều loại đất nên giá trị quyền sử dụng đất ở mỗi nơi, mỗi loại đất khác là khác nhau. Những trường hợp này cần yêu cầu định giá tất cả tài sản là quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ hoặc chồng của người để lại di sản, định giá riêng từng thửa đất và từng loại đất. Trên cơ sở đó mới xác định được di sản do người chết để lại và xem di chúc có vượt quá phạm vi di sản của mình hay không.
Ngoài ra, theo Điều 645 BLDS năm 2015 về di sản dùng vào việc thờ cúng thì di chúc về việc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng chỉ có giá trị một lần, nếu tất cả những người thuộc hàng thừa kế theo di chúc này chết thì di sản dùng vào việc thờ cúng thuộc quyền sở hữu của người đang quản lý di sản trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật, vậy thì người này có thể để lại di chúc đối với di sản dùng vào việc thờ cúng tiếp theo, hoặc không. Nếu không thì di sản dùng vào việc thờ cúng sẽ được chia theo pháp luật.
Thứ sáu, chia di sản thừa kế: Sau khi đã xác định tất cả các vấn đề trên, vấn đề cuối cùng là chia di sản thừa kế. Theo phân tích trên, trường hợp người chết không để lại di chúc thì di sản của người chết được chia theo quy định của pháp luật (từ Điều 649 đến Điều 655 BLDS năm 2015). Nếu có di chúc hợp pháp thì chia thừa kế theo di chúc. Khi chia di sản thừa kế cần chú ý các vấn đề:
Một là, có người từ chối nhận di sản hay không? Khi người được hưởng thừa kế từ chối nhận di sản, cần xem xét việc từ chối di sản có nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ của người từ chối với người khác hay không? Nếu việc từ chối nhận di sản là hợp pháp mà người từ chối nhận di sản không để lại phần di sản của mình cho người khác thì phần di sản của người đó được chia đều cho những người cùng hàng thừa kế khác.
Hai là, trong vụ án có người thuộc diện thừa kế ở nước ngoài, nếu Tòa án đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của những người đó hoặc người đó không có văn bản trình bày ý kiến về việc giải quyết vụ án thì nếu xác định được di sản thừa kế, hàng thừa kế và người để lại di sản thừa kế không có di chúc thì giải quyết việc chia thừa kế cho nguyên đơn theo quy định của pháp luật, phần tài sản thừa kế của những người vắng mặt, không xác định được địa chỉ sẽ tạm giao cho những người sống trong nước quản lý để sau này giao lại cho người thừa kế vắng mặt.
Ba là, trường hợp những người không được quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015 mà có căn cứ xác định rằng người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc thì những người đó vẫn được hưởng di sản theo di chúc.
Dương Thanh Quang
Hướng dẫn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án tham nhũng, chức vụ năm 2025
Kiên quyết khắc phục tâm lý nể nang, ngại va chạm, dẫn đến bỏ lọt vi phạm
-
1Một số lưu ý trong kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp di sản thừa kế
-
2Kiên quyết khắc phục tâm lý nể nang, ngại va chạm, dẫn đến bỏ lọt vi phạm
-
3Hướng dẫn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án tham nhũng, chức vụ năm 2025
-
4Quy định về các tội xâm phạm quyền của chủ nợ theo Bộ luật hình sự Thụy Điển
-
5Bàn về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, nhà ở
-
6Xử lý nghiêm hành vi rửa tiền trong các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng
Bài viết chưa có bình luận nào.