Cần hướng dẫn cụ thể quy định "chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại” trong việc xét rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo

23/12/2024 17:00

(kiemsat.vn)
Qua thực tiễn công tác, việc xem xét rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo còn có các cách giải quyết khác nhau; do đó, tác giả đề nghị các cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn cụ thể hơn đối với quy định “chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại” để việc áp dụng pháp luật được nghiêm chỉnh và thống nhất.

Theo quy định tại Điều 65 BLHS năm 2017: “Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự… Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách”.

Tại khoản 1 Điều 89 Luật Thi hành án hình sự quy định về rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo nêu rõ:

“1. Người được hưởng án treo được đề nghị rút ngắn thời gian thử thách khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách;

b) Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo đã chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 87 của Luật này; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, trật tự được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng”.

Như vậy, có thể thấy việc rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo là chính sách thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng, nhân văn của pháp luật, là động lực khích lệ, động viên những người phạm tội tích cực học tập, rèn luyện sửa chữa lỗi lầm, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Thực tế áp dụng các quy định nói trên trong thời gian qua nhìn chung không gặp khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, cũng có trường hợp xem xét, giải quyết việc rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo còn có cách hiểu và vận dụng khác nhau. Cụ thể:

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 37/2022/HSST ngày 16/11/2022 của TAND tỉnh P đã tuyên phạt bị cáo Huỳnh Công D (SN 1988, trú tại thành phố A, tỉnh P) và Võ Tấn V (SN 1978, trú tại thị xã B, tỉnh P) mỗi bị cáo 01 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 02 năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm, đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung “Cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến công tác bồi thường” đối với các bị cáo trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Sau bản án có hiệu lực pháp luật, do cư trú tại hai đơn vị hành chính khác nhau nên Huỳnh Công D thi hành án tại thành phố A, còn Võ Tấn V thi hành án tại thị xã B. Quá trình chấp hành án, cả hai đều đã chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 87 Luật Thi hành án hình sự. Tính đến ngày 13/8/2024, D và V đã chấp hành thời gian thử thách được 01 năm 08 tháng 27 ngày (hơn một phần hai thời gian thử thách theo bản án tuyên) nên được Cơ quan Thi hành án hình sự Công an thành phố A và  Cơ quan Thi hành án hình sự Công an thị xã B có văn bản đề nghị TAND cùng cấp xem xét, rút ngắn thời gian thử thách đối với D và V.

Khi mở phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo, TAND thị xã B xét Võ Tấn V đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách của án treo, trong thời gian chấp hành án treo đã chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định tại địa phương và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quyết định của bản án. Từ đó, TAND thị xã B chấp nhận đề nghị của Cơ quan Thi hành án hình sự Công an thị xã B,  rút ngắn thời gian thử thách đối với Võ Tấn V với thời gian là 03 tháng.

Ngược lại, TAND thành phố A lại cho rằng: Mặc dù người được hưởng án treo Huỳnh Công D đã chấp hành hơn một phần hai thời gian thử thách. Trong thời gian chấp hành án tại địa phương, D đã chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo quyết định tại bản án hình sự sơ thẩm số 37/2022/HSST ngày 16/11/2022 của TAND tỉnh P. Tuy nhiên, D chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung “Cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến công tác bồi thường” trong thời hạn 02 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Do đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 87 và khoản 1 Điều 89 Luật Thi hành án hình sự, Huỳnh Công D không đủ điều kiện để rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo. Từ đó, TAND thành phố A quyết định không chấp nhận đề nghị của Cơ quan Thi hành án hình sự Công an thành phố A về việc rút ngắn thời gian thử thách đối với Huỳnh Công D.

Như vậy, trong cùng một vụ việc tương tự nhau thì cách giải quyết của hai Tòa án lại trái ngược nhau. Chúng tôi thấy rằng, việc TAND thành phố A cho rằng Huỳnh Công D (người được hưởng án treo) chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung “Cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến công tác bồi thường” nên không chấp nhận xét rút ngắn thời gian thử thách là chưa phù hợp. Bởi lẽ, ngày 16/11/2022 D bị Tòa án tuyên phạt 01 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 02 năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm, đồng thời Tòa án tuyên hình phạt bổ sung đối với D là “Cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến công tác bồi thường” trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Như vậy, thời gian thử thách của án treo và thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ của D là bằng nhau, nhưng thời gian thử thách của án treo được tính từ khi tuyên án sơ thẩm (ngày 16/11/2022); còn thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ được tính từ khi bản án có hiệu lực pháp luật (trong trường hợp không có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm thì thời hạn bản án có hiệu lực pháp luật ít nhất cũng phải 01 tháng, tức là ngày 16/12/2022). Do đó, vấn đề đặt ra là, khi D chấp hành xong thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ thì thời gian thử thách của bản án treo đã hết trước đó 01 tháng. Vì vậy, nếu theo quan điểm của TAND thành phố A thì quy định của pháp luật về rút ngắn thời gian thủ thách của án treo nhiều khi sẽ không được thực hiện trong thực tế.

Trong khi đó, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 89 Luật thi hành án hình sự: Người được hưởng án treo được đề nghị rút ngắn thời gian thử thách khi có đủ các điều kiện sau đây: …b, Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo đã chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 87 của Luật này… Tại khoản 2 Điều 87 Luật thi hành án hình sự  quy định về nghĩa vụ của người được hưởng án treo: Thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc, học tập; chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp vì lý do khách quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Theo đó, điều luật chỉ quy định “chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung” mà không quy định phải chấp hành xong hình phạt bổ sung. Chúng tôi thấy rằng, không thể xem chưa chấp hành xong thời hạn của hình phạt bổ sung “Cấm đảm nhiệm chức vụ…” là chưa chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung. Vì khác với những hình phạt bổ sung là “phạt tiền hay tịch thu tài sản” là những hình phạt mang tính định lượng cụ thể, chỉ khi người được hưởng án treo nộp đủ số tiền bị phạt, bị tịch thu thì mới được xem là thực hiện đầy đủ, còn đối với hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ là cấm trong một khoảng thời gian xác định, không thể đợi chấp hành xong mới xem là chấp hành đầy đủ. Chính vì vậy, trường hợp của Huỳnh Công D được xem là đã thực hiện đầy đủ hình phạt bổ sung và việc chấp nhận xét rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo Huỳnh Công D cũng là để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp án hành án.

Qua việc xem xét rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo như đã nói ở trên, tác giả rất mong các cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn cụ thể hơn đối với quy định “chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại” để việc áp dụng pháp luật được nghiêm chỉnh và thống nhất.

VKSND quận Cầu Giấy phê chuẩn quyết định khởi tố bị can vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm

(Kiemsat.vn) - Ngày 19/12/2024, VKSND quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Việt Hoàng (sinh năm 2000 trú tại khu Liên Đồng, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 244 BLHS.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật được thông qua Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

(Kiemsat.vn) - Sáng ngày 20/12/2024, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 Luật vừa được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang