Vướng mắc trong xử lý tội chống người thi hành công vụ

14/07/2025 09:44

(kiemsat.vn)
Trong những năm qua, các vụ án chống người thi hành công vụ đều được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật còn phát sinh một số vướng mắc, bất cập, ảnh hưởng đến quá trình giải quyết các vụ án chống người thi hành công vụ.

1. Một số vướng mắc

Thứ nhất, chưa có sự phân định rõ ràng đối với hành vi chống người thi hành công vụ.

Khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) mô tả mặt khách quan của hành vi chống người thi hành công vụ như sau: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật…”.

Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ cũng quy định về hành vi chống người thi hành công vụ nhưng nhìn nhận dưới góc độ vi phạm pháp luật hành chính như sau: “Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao”.

Có thể thấy, hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực” và “thủ đoạn”, “hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ” được mô tả tương tự giữa tội phạm hình sự và hành vi vi phạm pháp luật hành chính. Hiện nay, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để làm căn cứ phân biệt, lượng hóa, đánh giá mức độ nguy hiểm của hai dạng hành vi này để xem xét xử lý trách nhiệm hình sự hay xử lý hành chính nên trong thực tiễn, nếu có hành vi chống người thi hành công vụ thì đa số đều bị xử lý hình sự với lý do để răn đe giáo dục và phòng ngừa chung.

Thứ hai, chưa có hướng dẫn đối với hành vi chống người thi hành công vụ mà gây thương tích dưới 11% bị xử lý về hình sự theo Điều 330 BLHS năm 2015 (Tội chống người thi hành công vụ) hay xử lý theo Điều 134 BLHS năm 2015 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác).

Dấu hiệu chống người thi hành công vụ ở Tội chống người thi hành công vụ và dấu hiệu đối với người thi hành công vụ ở Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có nội dung trùng nhau. Theo đó, trường hợp cố ý dùng vũ lực đối với người đang thi hành công vụ và có tỉ lệ tổn thương cơ thể sẽ cấu thành Tội cố ý gây thương tích thuộc khoản 1, khoản 2 hoặc khoản 4 Điều 134 BLHS năm 2015 tùy thuộc vào tỉ lệ tổn thương cơ thể. Còn hành vi cố ý dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ để cản trở việc thi hành công vụ sẽ cấu thành Tội chống người thi hành công vụ trong trường hợp không có tỉ lệ tổn thương cơ thể.

Trong thực tiễn, còn quan điểm chưa thống nhất về việc áp dụng pháp luật đối với hành vi dùng vũ lực chống người thi hành công vụ mà gây ra thương tích cho người thi hành công vụ với tỉ lệ thương tật dưới 11%.

Ví dụ:  Ngày 18/9/2022, thực hiện kế hoạch phòng chống buôn lậu của Công an thành phố T, tỉnh K, đoàn công tác do đồng chí Phạm Văn B làm trưởng đoàn đang đi tuần tra thì phát hiện Nguyễn Anh H và Trần Chí C đang vận chuyển hai bao tải cồng kềnh. Đoàn công tác yêu cầu H và C dừng xe để kiểm tra, H và C không chấp hành, bỏ xe lại và vác hai bao tải bỏ chạy. Khi bị vây bắt, H cầm gậy đe doạ “ai xông vào sẽ đánh người đó” với thái độ rất hung hăng nên không ai dám xông vào bắt H. Anh B lại gần và nhận ra H là người quen nên anh B khuyên can H hợp tác với tổ công tác. Do bực tức, H xông vào dùng tay đấm vào mặt anh B làm anh B bị chảy máu miệng và ngã xuống đường. H định tiếp tục xông vào đánh anh B nhưng bị mọi người khống chế bắt giữ. Hậu quả: Anh B bị gãy sống mũi, tỉ lệ tổn thương cơ thể qua giám định là 09%. Anh B yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi của H theo quy định của pháp luật.

Ngày 25/9/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra thành phố T đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với H theo yêu cầu của bị hại; Viện kiểm sát thành phố T đã truy tố Nguyễn Anh H về Tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 “đối với người thi hành công vụ”.

Ngày 28/11/2022, Tòa án nhân dân thành phố T đã đưa vụ án ra xét xử, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Anh H 01 năm tù về Tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015. Sau khi xét xử, H làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, anh B xin rút yêu cầu khởi tố đối với H nên Hội đồng xét xử phúc thẩm đã huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021.

Hiện nay, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc định tội danh đối với hành vi dùng vũ lực chống người thi hành công vụ gây thương tích với tỉ lệ dưới 11% nên nếu như xét xử bị cáo về Tội cố ý gây thương tích mà bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố thì vụ án phải được đình chỉ. Như vậy, hành vi chống người thi hành công vụ của bị cáo cũng sẽ không bị xử lý vì phải tuân thủ theo nguyên tắc, một hành vi chỉ bị xem xét để xử lý về một tội phạm nhất định, điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mà hoạt động quản lý xã hội, quản lý nhà nước cũng bị ảnh hưởng vì thiếu chế tài bảo vệ.

Thứ ba, chưa có hướng dẫn cụ thể về “dùng thủ đoạn khác” trong Tội chống người thi hành công vụ.

Thực tế cho thấy, yếu tố “dùng thủ đoạn khác” vẫn chưa được nhận thức thống nhất. Để cản trở người thi hành công vụ, người phạm tội có thể gây thiệt hại về tài sản, vu khống nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm, lăng mạ làm giảm sút uy tín của người thi hành công vụ, làm hoặc không làm một công việc nhất định, tuy nhiên, như thế nào thì được hiểu là “dùng thủ đoạn khác” thì chưa có một định mức cụ thể nên gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ án.

Ví dụ: Ngày 21/7/2021, sau khi bị lực lượng Cảnh sát biển phát lệnh dừng tàu để kiểm tra thì Nguyễn Văn T là thuyền trưởng tàu cá mang số hiệu KG-xxx93-TS điều khiển tàu bỏ chạy và yêu cầu Nguyễn V xóa 02 số cuối “93” của số hiệu tàu, yêu cầu Trần Văn M, Nguyễn Văn H, Trần Anh Q và Nguyễn Thanh C thả 02 dây thừng phía sau đuôi tàu cá với mục đích không để tàu Cảnh sát biển biết số hiệu tàu cá và không thể áp sát. Khi tàu kiểm ngư đến phối hợp với tàu Cảnh sát biển tiếp tục truy đuổi tàu cá thì T cho tàu cá chạy vòng xoắn ốc và yêu cầu các thuyền viên tiếp tục thả dây thừng phía sau đuôi tàu cá. Khi tàu Cảnh sát biển áp sát được tàu cá thì T ra lệnh cho thuyền viên trên tàu hò hét, đe dọa dùng vũ lực để chống đối lực lượng Cảnh sát biển, cụ thể như sau: Trần Văn M đã có hành vi ném 01 dao Thái Lan ngắn và 01 khối kim loại chì qua tàu Cảnh sát biển; Nguyễn Văn H đã ném 01 cây gậy màu trắng đỏ, 02 khối kim loại chì qua tàu Cảnh sát biển và cầm 01 con dao dài 40cm, cán gỗ hướng về tàu Cảnh sát biển. Trần Anh Q cầm 01 thanh kim loại hình dáng giống mã tấu hướng về tàu Cảnh sát biển; Nguyễn Thanh C ném 01 bồ cào sắt dài khoảng 40cm lên tàu Cảnh sát biển. Mục đích hành vi của các bị cáo là ngăn cản không cho lực lượng Cảnh sát biển áp sát và qua tàu cá kiểm tra.

Sau khi sự việc xảy ra, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ. Trong trường hợp này, có quan điểm cho rằng, chỉ khởi tố đối với Nguyễn Văn T, Trần Văn M, Nguyễn Văn H, Trần Anh Q và Nguyễn Thanh C còn đối với Nguyễn V thì hành vi xóa 02 số cuối “93” của số hiệu tàu cá là chưa đủ yếu tố cấu thành Tội chống người thi hành công vụ vì V không có hành động chống đối với lực lượng Cảnh sát biển.

Quan điểm khác cho rằng, hành vi xóa 02 số cuối hai số “93” của số hiệu tàu cá của V là hành vi “dùng thủ đoạn khác” làm cho lực lượng Cảnh sát biển không xác định được số hiệu của tàu với mục đích để Nguyễn Văn T điều khiển tàu cá chạy thoát và phải xác định V phạm tội chống người thi hành công vụ

Thứ tư, việc đánh giá chứng cứ còn có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc quyết định hình phạt chưa phù hợp.

Tội chống người thi hành công vụ là một trong những tội danh mà việc giải quyết còn phụ thuộc khá nhiều vào quan điểm đánh giá của các cơ quan tiến hành tố tụng do chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất. Do đó, đối với cùng hành vi chống người thi hành công vụ nhưng nhận định của các cơ quan tiến hành tố tụng còn khác nhau dẫn đến việc giải quyết vụ án bị kéo dài, qua nhiều giai đoạn tố tụng đã làm thay đổi tội danh cũng như hình phạt đối với các bị cáo.

Ví dụ: Vụ án Chau T, Chau D, Chau C và Chau H phạm tội chống người thi hành công vụ.

Nội dung vụ án: Khoảng 02 giờ ngày 28/4/2022, tại chốt số 7 cột mốc 314 thuộc khu phố X, phường M, thành phố H, tỉnh K, Chau T, Chau D, Chau C, Chau H cùng với nhiều đối tượng khác vận chuyển thuốc lá lậu từ Campuchia về Việt Nam thì bị lực lượng Biên phòng phát hiện, vây bắt. Các đối tượng dùng cây mang theo đe dọa, đồng thời tấn công lực lượng Biên phòng với mục đích không cho bắt giữ người và thuốc lá. Lực lượng Biên phòng bắt giữ được Chau P cùng 05 bao tải thuốc lá, sau đó, Chau T, Chau D, Chau C, Chau H và nhiều đối tượng khác cầm cây đe dọa, tấn công lực lượng Biên phòng để giải cứu Chau P, một số đối tượng dùng cây đánh vào mặt, vai, lưng và tay Phạm Anh T, anh Đặng Văn Q là các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Hậu quả: Phạm Anh T bị thương ở đầu, mặt, gãy cổ tay phải, thương tích 13%; Đặng Văn Q bị thương ở trán, đầu, lưng thương tích 03%.

Viện kiểm sát đã truy tố các bị cáo về Tội chống người thi hành công vụ theo khoản 1 Điều 330 BLHS năm 2015. Tại bản án hình sự sơ thẩm, Tòa án đã xét xử các bị cáo về Tội chống người thi hành công vụ theo khoản 1 Điều 330 BLHS năm 2015. Bản án lập luận: Hậu quả gây thương tích cho Phạm Anh T với tỉ lệ 13% và gây thương tích cho Đặng Văn Q với tỉ lệ thương tật 03% có dấu hiệu của Tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, do có nhiều đối tượng tham gia nên quá trình điều tra, Cơ quan điều tra chưa chứng minh được đối tượng nào đã trực tiếp gây ra thương tích cho Phạm Anh T và Đặng Văn Q, cho nên Cơ quan điều tra đã tách vụ án cố ý gây thương tích ra để xử lý riêng, khi thu thập đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội.

Bản án sơ thẩm bị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị với lý do có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Tòa án phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nên đã tuyên huỷ bản án sơ thẩm để điều tra, truy tố, xét xử lại vụ án.

Sau đó, cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố các bị cáo Chau T, Chau D về Tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015; Chau H, Chau C về Tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 330 BLHS năm 2015.

Sau khi nhận được hồ sơ vụ án, Tòa án thấy rằng về dấu hiệu để truy tố Chau T, Chau D về Tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015 là chưa có đủ chứng cứ để buộc tội, lý do các chứng cứ thu thập vẫn còn nhiều mâu thuẫn về việc Chau T, Chau D có phải là những người trực tiếp gây ra thương tích cho bị hại Phạm Anh T hay không trong khi các bị cáo cũng không thừa nhận là người đã gây thương tích cho anh T, bị hại T cũng không xác định được ai là người gây thương tích cho mình, do lúc đó trời tối, rất đông các đối tượng tham gia, đối tượng nào cũng có cầm gậy và xông vào đánh, đồng thời cũng không có chứng cứ nào khác cho thấy Chau T, Chau D là người trực tiếp gây ra thương tích cho bị hại. Sau khi điều tra bổ sung, Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố đối với các bị cáo. Tại bản án hình sự sơ thẩm lần thứ hai, Tòa án đã xử bị cáo Chau T và Chau D phạm Tội cố ý gây thương tích; bị cáo Chau C và Chau H phạm Tội chống người thi hành công vụ. Bản án trên không bị kháng cáo, kháng nghị và có hiệu lực thi hành.

Qua việc xét xử vụ án trên có thể thấy, việc đánh giá chứng cứ phụ thuộc vào quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể trong trường hợp nhiều người gây thương tích cho người thi hành công vụ nhưng không xác định được trực tiếp là đối tượng nào thì sẽ xử lý như thế nào nên dẫn đến việc xử lý vụ án bị kéo dài.

2. Một số đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, về mặt kỹ thuật lập pháp: Có thể loại trừ trường hợp một hành vi thỏa mãn dấu hiệu của nhiều cấu thành tội phạm như trường hợp có hành vi thỏa mãn dấu hiệu của Tội chống người thi hành công vụ, đồng thời thỏa mãn dấu hiệu định khung tăng nặng của Tội cố ý gây thương tích nhằm làm loại trừ bớt một hành vi có dấu hiệu của nhiều cấu thành tội phạm, tạo thuận lợi trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Cụ thể, khoản 1 Điều 330 BLHS năm 2015 có thể được sửa lại như sau: “Người nào dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực chống người thi hành công vụ... nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 của Bộ luật này, thì bị phạt… đến ba năm”.

Thứ hai, về khung hình phạt: Thực tế khung hình phạt đối với Tội chống người thi hành công vụ còn khá nhẹ, chưa đủ sức răn đe (theo Điều 330 BLHS năm 2015 thì mức hình phạt thấp nhất đối với các trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; mức hình phạt cao nhất đối với trường hợp có các tình tiết định khung tăng nặng thì tối đa đến 07 năm). Theo tác giả, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm này thì cần có sự điều chỉnh khung hình phạt theo hướng tăng nặng hơn để thực sự có sức răn đe đối với người phạm tội do xâm phạm đến nhiều khách thể được pháp luật bảo vệ. Cụ thể, khoản 1 Điều 330 BLHS năm 2015 nên bỏ hình phạt “cải tạo không giam giữ đến 03 năm”; thay thế “phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” thành “phạt tù từ 01 năm đến 03 năm”; khoản 2 Điều 330 nên có khung hình phạt từ trên 03 đến 10 năm tù (thay cho từ 02 đến 07 năm như hiện nay).

Thứ ba, cần có hướng dẫn cụ thể để phân biệt rõ ràng về hành vi chống người thi hành công vụ trong vi phạm pháp luật hình sự và hành chính. Trong trường hợp buộc phải mô tả hành vi có sự trùng lặp do giống nhau về bản chất thì cần đặt ra các đặc điểm, thuộc tính cụ thể để đánh giá mức độ vi phạm và tính chất nguy hiểm của hành vi để phân biệt tội phạm chống người thi hành công vụ và vi phạm hành chính chống người thi hành công vụ.

Hành vi chống người thi hành công vụ được quy định trong pháp luật hình sự hiện hành là tội phạm có cấu thành hình thức. Chính vì thế, hậu quả cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái công vụ có xảy ra hay không không ảnh hưởng đến việc định tội danh. Tuy nhiên, quy định này chưa bổ sung được sự thiếu hụt về mức độ nguy hiểm của hành vi, khiến hành vi không đạt đủ mức để truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, gây chồng chéo khi áp dụng quy định pháp luật hình sự và pháp luật hành chính. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 330 BLHS năm 2015 như sau: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 của Bộ luật này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm”.

Việc quy định thêm dấu hiệu về nhân thân “nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” nhằm bổ sung sự thiếu hụt về mức độ nguy hiểm của hành vi phạm là giải pháp để xử lý hành vi chống người thi hành công vụ một cách nghiêm minh.

Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn về khái niệm “dùng thủ đoạn khác” tại Điều 330 BLHS năm 2015. Bởi lẽ, “dùng thủ đoạn khác” là một quy định mở và chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành. Mặt khác, trong khi xu hướng của luật hình sự Việt Nam là cụ thể hóa những dấu hiệu hành vi và những trường hợp phạm tội như: Cụ thể hóa 04 trường hợp sự kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết và tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; hay hướng dẫn áp dụng dấu hiệu “hành vi quan hệ khác” tại Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, với vai trò là dấu hiệu định tội nhưng dấu hiệu “dùng thủ đoạn khác” tại Điều 330 BLHS năm 2015 lại chưa được cụ thể hóa dẫn tới việc định tội danh dễ bị phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người, cơ quan tiến hành tố tụng.

Theo tác giả, “dùng thủ đoạn khác” đối với tội này có thể được hướng dẫn theo hướng nhằm để cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật là những thủ đoạn như xúc phạm danh dự, nhân phẩm, vu khống người thi hành công vụ, gian dối trong khai báo, hủy hoại tài sản, sử dụng các công cụ phương tiện, làm hoặc không làm một công việc nhất định... nhằm mục đích không thực hiện theo nhiệm vụ và yêu cầu của người thi hành công vụ.

Thứ tư, cần ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành đối với Tội chống người thi hành công vụ và các tội khác có dấu hiệu chống người thi hành công vụ. Để khắc phục được sự nhầm lẫn giữa dấu hiệu của các tội danh trên thì nên ban hành theo hướng: (1) Nếu người có hành vi dùng vũ lực chống lại người thi hành công vụ mà gây chết người thi hành công vụ (lỗi cố ý) thì định tội danh là Tội giết người với tình tiết định khung tăng nặng “giết người đang thi hành công vụ” mà không bị xử lý về Tội chống người thi hành công vụ; (2) Nếu người có hành vi dùng vũ lực chống lại người thi hành công vụ mà gây thương tích cho người thi hành công vụ với tỉ lệ thương tích dưới 11% thì bị xử lý về Tội chống người thi hành công vụ để loại trừ trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại về Tội cố ý gây thương tích.

Nguyễn Thị Kim Phượng

Bàn về công nhận sự tồn tại của điều kiện trong hợp đồng tặng, cho tài sản có điều kiện

(Kiemsat.vn) - Bài viết phân tích, bình luận các quan điểm liên quan đến điều kiện trong hợp đồng tặng cho tài sản, xác định tính hiệu lực của điều kiện trong hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và chỉ ra những bất cập của pháp luật dân sự về điều kiện tặng cho; từ đó, tác giả đưa ra kiến nghị góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang