Một số bất cập trong quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về hoạt động trưng cầu giám định của Tòa án
(kiemsat.vn) Người yêu cầu không có đơn đề nghị Tòa án trưng cầu giám định sức khỏe, bệnh tật, tình trạng tâm thần của người bị yêu cầu thì Thẩm phán có được tự mình trưng cầu giám định làm cơ sở giải quyết vụ việc dân sự hay không? Đây là vấn đề vướng mắc thường xảy ra trong thực tiễn và có nhiều quan điểm giải quyết khác nhau.
Kiên quyết khắc phục tâm lý nể nang, ngại va chạm, dẫn đến bỏ lọt vi phạm
Một số lưu ý trong kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp di sản thừa kế
Xử lý nghiêm hành vi rửa tiền trong các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng
Bất cập trong quy định về trưng cầu giám định
Trưng cầu giám định là việc Tòa án quyết định đưa vấn đề liên quan đến vụ việc dân sự cần xác định ra lấy ý kiến kết luận của người có kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn về lĩnh vực đó. Việc trưng cầu giám định được thực hiện theo Điều 102 và Điều 103 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015.
- Về thời hạn yêu cầu giám định của đương sự: Khoản 1 Điều 90 BLTTDS năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011 quy định: “Theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên đương sự hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định”. Theo đó, trong trường hợp các bên đương sự không yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định thì Tòa án không thể tiến hành, hoặc nếu Tòa án từ chối yêu cầu trưng cầu giám định thì đương sự cũng không thể tự mình yêu cầu giám định.
Để khắc phục tồn tại trên và có căn cứ giải quyết vụ việc dân sự, Điều 102 BLTTDS năm 2015 quy định đương sự có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự. Tuy nhiên, pháp luật chưa giới hạn thời gian cụ thể đương sự được tự mình yêu cầu giám định, mà chỉ quy định là “trước khi Toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự”. Quy định này dẫn đến thực trạng là thời gian giải quyết vụ việc dân sự bị kéo dài trong trường hợp đương sự để đến khi gần hết thời hạn chuẩn bị xét xử, chuẩn bị xét đơn yêu cầu mới có yêu cầu giám định; nhiều vụ án đã bị tạm đình chỉ để chờ kết quả giám định.
- Về chủ thể chịu chi phí giám định: Về nguyên tắc, người yêu cầu Toà án trưng cầu giám định phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định. Người giám định tạm tính chi phí giám định theo quyết định của Toà án hoặc theo yêu cầu giám định của đương sự. Trường hợp Toà án xét thấy cần thiết và quyết định trưng cầu giám định thì nguyên đơn, người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định.
Nghĩa vụ chịu chi phí giám định được quy định tại Điều 161 BLTTDS năm 2015. Tuy nhiên, BLTTDS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành lại không quy định chủ thể có nghĩa vụ chịu chi phí giám định trong trường hợp Toà án tiến hành trưng cầu giám định khi xét thấy cần thiết. Điều 36 Luật giám định tư pháp năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có trách nhiệm trả tiền chi phí giám định. Quy định trên rõ ràng là không phù hợp, bởi lẽ Toà án là cơ quan trưng cầu giám định khi xét thấy cần thiết cả khi không có yêu cầu của đương sự, nhưng việc trưng cầu giám định là để phục vụ việc giải quyết tranh chấp của các đương sự; Tòa án không thể là chủ thể trả chi phí giám định trong trường hợp này.
- Về quyền tự trưng cầu giám định của Thẩm phán: Theo Điều 377 BLTTDS năm 2015: “Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, theo đề nghị của người yêu cầu, Toà án có thể trưng cầu giám định sức khoẻ, bệnh tật của người bị yêu cầu tuyên bố bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc giám định pháp y tâm thần đối với người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”. Vấn đề đặt ra là: Người yêu cầu không có đơn đề nghị Toà án trưng cầu giám định sức khoẻ, bệnh tật, tình trạng tâm thần của người bị yêu cầu thì Thẩm phán có được tự mình trưng cầu giám định làm cơ sở giải quyết việc dân sự hay không? Khi giải quyết việc dân sự, Tòa án phải áp dụng Điều 377 BLTTDS năm 2015 hay tuân theo quy định chung tại khoản 2 Điều 102 BLTTDS năm 2015 (Thẩm phán được tự mình trưng cầu giám định khi xét thấy cần thiết)? Đây là vấn đề vướng mắc thường xảy ra trong thực tiễn và có hai quan điểm giải quyết khác nhau như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Điều 377 BLTTDS năm 2015 không quy định Thẩm phán được tự mình trưng cầu giám định khi xét thấy cần thiết, nên Thẩm phán không được trưng cầu giám định trong trường hợp này, để tránh vi phạm về trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ của Toà án và kết quả giám định không được coi là chứng cứ.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Mặc dù Điều 377 BLTTDS năm 2015 không quy định nhưng Thẩm phán vẫn có thể tự mình trưng cầu giám định sức khỏe, bệnh tật của người bị yêu cầu tuyên bố bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc giám định pháp y tâm thần đối với người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi khi xét thấy cần thiết theo khoản 2 Điều 102 BLTTDS năm 2015, vì đó là cơ sở để giải quyết việc dân sự. Mặt khác, kết luận giám định mang tính chất chuyên môn, độc lập của cơ quan có thẩm quyền, nên hoàn toàn có thể được sử dụng làm chứng cứ khi giải quyết việc dân sự.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi lẽ: Nếu không trưng cầu giám định thì không có căn cứ để giải quyết yêu cầu tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người yêu cầu không có đơn yêu cầu Toà án trưng cầu giám định cũng không phải là căn cứ để đình chỉ giải quyết việc dân sự. Hơn nữa, theo khoản 2 Điều 102 BLTTDS năm 2015 thì Toà án có thể tự mình trưng cầu giám định khi xét thấy cần thiết.
Ví dụ: Bà Nguyễn Thị S (người yêu cầu) và chồng là ông Nguyễn Văn N có 06 người con. Ông N tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bị nhiễm chất độc màu da cam. Chị H (người bị yêu cầu) là con của ông N, bà S bị nhiễm chất độc màu da cam từ khi mới sinh ra, từ nhỏ đã chậm phát triển và không thể sinh hoạt, học tập, làm việc giống như người bình thường. Hàng tháng, chị H đều được hưởng tiền trợ cấp của Nhà nước và không có chồng, con. Do vậy, bà S có đơn đề nghị Tòa án giải quyết yêu cầu tuyên bố chị H bị mất năng lực hành vi dân sự.
Quá trình giải quyết việc dân sự, bà S không có đơn đề nghị Toà án trưng cầu giám định về tình trạng tâm thần của chị H. Để có cơ sở giải quyết việc dân sự, Tòa án vẫn tiến hành trưng cầu giám định tình trạng tâm thần của chị H tại Trung tâm pháp y tâm thần. Kết luận giám định sức khỏe tâm thần số 36 ngày 16/11/2020 của Trung tâm pháp y tâm thần khẳng định: Nguyễn Thị H bị bệnh chậm phát triển tâm thần nặng/down; hiện tại Nguyễn Thị H mất năng lực hành vi dân sự. Ngày 10/12/2020, Tòa án mở phiên họp giải quyết việc dân sự tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, Quyết định số 04/2020/DS-ST ngày 10/12/2020 của Tòa án nhân dân huyện B đã quyết định: Tuyên bố chị Nguyễn Thị H bị mất năng lực hành vi dân sự.
Như vậy, trong thực tiễn, một số Tòa án vẫn tự trưng cầu giám định trong quá trình giải quyết việc dân sự ngay cả khi đương sự không yêu cầu.
Đề xuất, kiến nghị
Để hoạt động trưng cầu giám định là một biện pháp thu thập chứng cứ có hiệu quả của Tòa án, tác giả đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật, cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần quy định cụ thể trong BLTTDS năm 2015 thời hạn đương sự có quyền tự mình yêu cầu giám định trong trường hợp đương sự đã yêu cầu Toà án trưng cầu giám định mà yêu cầu đó không được Toà án chấp nhận theo hướng: Thời hạn đương sự có quyền tự mình thực hiện yêu cầu giám định là 10 ngày, kể từ ngày Tòa án không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định của đương sự, để đảm bảo tiến độ giải quyết vụ án; hết thời hạn nêu trên, nếu đương sự không thực hiện quyền yêu cầu giám định thì Tòa án sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, cần bổ sung quy định về nghĩa vụ chịu chi phí giám định trong trường hợp Toà án tiến hành trưng cầu giám định khi xét thấy cần thiết theo hướng: Nếu kết quả trưng cầu giám định chứng minh cho yêu cầu của một bên đương sự là có căn cứ thì bên thua kiện phải chịu chi phí giám định.
Thứ ba, cần bổ sung vào Điều 377 BLTTDS năm 2015 quy định Thẩm phán có thể tự mình trưng cầu giám định khi xét thấy cần thiết, để phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 102 BLTTDS năm 2015 về trưng cầu giám định và tạo sự chủ động cho Thẩm phán khi thu thập chứng cứ giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Nguyễn Thị Ngọc Bích
Bàn về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, nhà ở
-
1Một số lưu ý trong kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp di sản thừa kế
-
2Kiên quyết khắc phục tâm lý nể nang, ngại va chạm, dẫn đến bỏ lọt vi phạm
-
3Hướng dẫn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án tham nhũng, chức vụ năm 2025
-
4Bàn về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, nhà ở
-
5Xử lý nghiêm hành vi rửa tiền trong các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng
-
6Một số bất cập trong quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về hoạt động trưng cầu giám định của Tòa án
Bài viết chưa có bình luận nào.