Về xác định người khởi kiện trong vụ án dân sự
(kiemsat.vn) Việc xác định tư cách khởi kiện trong vụ án dân sự là tiền đề để Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết vụ án. Thực tế trong một số trường hợp, vẫn còn ý kiến khác nhau dẫn đến áp dụng pháp luật chưa thống nhất.
Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ hay vô ý gây thương tích?
Nguyễn Văn A vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ
Bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án tại phiên tòa: HĐXX vẫn tiếp tục xét xử?
|
||
Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Nghị quyết số 04/2017) hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đã có hướng dẫn về người khởi kiện không có quyền khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
“...1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 186, Điều 187 BLTTDS năm 2015.
a) Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 186 BLTTDS năm 2015 là trường hợp người làm đơn khởi kiện không nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà mình là người đại diện hợp pháp;
b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 187 BLTTDS năm 2015 là trường hợp người làm đơn khởi kiện không thuộc trường hợp theo quy định của pháp luật có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước.
2. Yêu cầu khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân không cần xác minh, thu thập chứng cứ cũng đủ căn cứ kết luận là không có việc quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm hoặc cần bảo vệ.
Nghị quyết số 04/2017 nêu trên đã nêu cụ thể về từng trường hợp để Tòa án xác định tư cách nộp đơn khởi kiện của đương sự, song trên thực tế, có một số trường hợp Tòa án lại có nhiều cách xử lý khác nhau trong cùng một quan hệ pháp luật.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả đưa ra một tình huống pháp luật liên quan đến tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản như sau:
Bà B là người phải thi hành án theo Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 22 ngày 29/3/2012 của TAND quận X đã có hiệu lực pháp luật. Do bà B không tự nguyện thi hành Quyết định nên theo yêu cầu của bên được thi hành án là Ngân hàng A, Chi cục thi hành án dân sự quận X đã tiến hành các thủ tục kê biên, phát mãi tài sản thế chấp là căn nhà và quyền sử dụng đất thuộc quyền sở hữu của bà B để thi hành án, thu hồi nợ cho Ngân hàng theo nội dung trong Quyết định số 22. Do cho rằng Chi cục thi hành án dân sự quận X tiến hành phát mãi, bán đấu giá không đúng quy định nên bà B đã khởi kiện đến TAND quận X.
Trường hợp này, có một số ý kiến về việc giải quyết như sau.
Ý kiến thứ nhất cho rằng, bà B không có quyền khởi kiện, bởi lẽ, theo quy định của BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) thì Tòa án chỉ có thẩm quyền giải quyết liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự được quy định tại khoản 10 và khoản 11 Điều 25 BLTTDS (nay là khoản 12, khoản 13 Điều 26 BLTTDS năm 2015). Theo đó, khoản 11 Điều 25 BLTTDS quy định thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với tranh chấp về: “Kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”. Đối với quan hệ tranh chấp này, người phải thi hành án có tài sản bị bán đấu giá không có quyền khởi kiện theo khoản 2 Điều 102 Luật thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Theo đó, chỉ có “Người mua được tài sản bán đấu giá, Chấp hành viên mới có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản”.
Khoản 10 Điều 25 BLTTDS quy định thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Với quan hệ tranh chấp này, Điều 75 Luật thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về việc xử lý đối với tài sản khi cưỡng chế có tranh chấp: “Trường hợp cưỡng chế đối với tài sản của người phải thi hành án mà có tranh chấp với người khác thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế và yêu cầu đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Chấp hành viên xử lý tài sản đã kê biên theo quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền”.
Ảnh minh họa |
Đối chiếu với trường hợp bà B trong vụ án chính là chủ sở hữu của tài sản bị bán đấu giá để thi hành án, không có người khác tranh chấp liên quan đến tài sản đó, nên đối với loại việc này, bà B không có quyền khởi kiện. Do đó, TAND quận X phải trả lại đơn khởi kiện cho đương sự.
Ý kiến thứ hai và cũng là ý kiến của tác giả cho rằng, bà B vẫn có quyền khởi kiện vụ án, bởi lẽ bà B là người có quyền và lợi ích bị xâm phạm nên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng bán đấu giá. Ý kiến này viện dẫn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản quy định: “Hợp đồng bán đấu giá tài sản, Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá bị Tòa án tuyên bố vô hiệu hoặc bị hủy theo quy định của pháp luật dân sự”. Do vậy, trường hợp này, bà B khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng bán đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá là phù hợp với quy định tại khoản 12 Điều 25 BLTTDS năm 2004 (nay là khoản 14 Điều 26 BLTTDS năm 2015). Bởi lẽ, nếu yêu cầu hủy hợp đồng của bà B được chấp nhận thì có cơ sở để cơ quan chức năng xem xét đến việc hủy kết quả đấu giá. Nếu yêu cầu khởi kiện hủy hợp đồng của bà B không được Tòa án chấp nhận thì không có cơ sở để yêu cầu xem xét hủy kết quả bán đấu giá. Vì theo quy định tại khoản 2 Điều 120 Luật thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì Tòa án không phải là cơ quan duy nhất có thẩm quyền hủy kết quả bán đấu giá tài sản. Do đó, Tòa án phải thụ lý đơn và xem xét giải quyết trong phạm vi quyền lợi của bà B.
Quyền khởi kiện Tòa án giải quyết vụ án dân sự là quyền cơ bản của chủ thể có quyền lợi bị xâm phạm. Do vậy, để đảm bảo quyền này, Tòa án phải thụ lý vụ án để giải quyết.
Bên cạnh đó, ngoài tình huống đã được viện dẫn trên thì trong thực tiễn đời sống dân sự còn một số quan hệ khác cũng gây khó khăn trong công tác xử lý đơn khởi kiện của đương sự, như:
Trường hợp xác định cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tinh thần của họ. Trường hợp này hướng dẫn cho khoản 2 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; tuy nhiên, hiện nay Bộ luật Dân sự năm 2015 bổ sung quy định trường hợp người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi (Điều 23) thì liệu cha, mẹ, người thân thích có quyền nộp đơn khởi kiện cho đương sự hay không? Và xác định họ đồng thời phải là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tinh thần thì cơ quan nào xác nhận? Thủ tục xác nhận như thế nào?...
Hay như trường hợp khởi kiện vụ án lao động, về tranh chấp đòi tiền nợ bảo hiểm xã hội, thì cơ quan bảo hiểm xã hội, Công đoàn cấp trên của Công đoàn cơ sở hay Công đoàn cơ sở mới có quyền nộp đơn khởi kiện. Mặc dù hiện nay, theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định rõ Công đoàn cơ sở sẽ nộp đơn khởi kiện đòi tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội, song cho đến nay, tính khả thi của chế định này là chưa cao, chưa phù hợp với thực tiễn, do mối quan hệ lao động - việc làm, Chủ tịch Công đoàn cơ sở đồng thời cũng là người lao động trong doanh nghiệp, nên việc pháp luật trao quyền cho họ nộp đơn khởi kiện cũng là chưa phù hợp. Hoặc tranh chấp liên quan đến nhà, đất của dòng họ thì ai sẽ là người được đứng đơn khởi kiện (trưởng dòng họ, trưởng chi của dòng họ hay phải được tất cả những người trong dòng họ đó ủy quyền?).
Tóm lại, việc xác định tư cách khởi kiện của người khởi kiện rất quan trọng, nó là tiền đề để Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết vụ án; do đó, đòi hỏi phải có một sự thống nhất trong nhận thức pháp luật, nhằm đảm bảo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa và tạo niềm tin vào một nền pháp luật dân chủ, nghiêm minh./.
Xem thêm>>>
Tổ chức không có quyền, nghĩa vụ liên quan thì có quyền khởi kiện không?
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
Bài viết chưa có bình luận nào.