Nguyễn Văn A vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ

16/05/2018 14:41

(kiemsat.vn)
Tác giả cho rằng hành vi của ông Nguyễn Văn A gây tai nạn, làm 01 người bị thương tích 51% thì cấu thành Tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ.

         

Ảnh minh họa

Tình huống:

Ông Nguyễn Văn A điều khiển ô tô tham giam giao thông, vi phạm quy định về giới hạn tốc độ, về sử dụng làn đường…gây tai nạn, làm 01 người bị thương tích 51%. Vậy ông A vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ hay cố ý gây thương tích?

Điều 260 BLHS năm 2015 (sữa đổi bổ sung năm 2017) quy định về tội: Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ “Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 đến 05 năm:

……………………………………………..

b. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên”;

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, chủ thể của của Điều 260 BLHS năm 2015 đã thay đổi rất nhiều so với chủ thể của Điều 202 BLHS năm 1999. Cụ thể, chủ thể của điều Điều 202 BLHS năm 1999 chỉ là những người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ còn chủ thể của của Điều 260 BLHS năm 2015 là những người tham gia giao thông đường bộ;  

Khoản 22 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định “Người tham gia giao thông gồm: người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ”, như vậy, về chủ thể của tội phạm đã được mở rộng hơn, bao gồm tất cả những người tham gia giao thông đường bộ.

Nhưng nếu trong thực tế xảy ra trường hợp Nguyễn Văn A điều khiển ô tô tham gia giao thông đường bộ nhưng vi phạm quy định về giới hạn tốc độ, vi phạm quy định về sử dụng làn đường… gây ra tai nạn giao thông làm 01 người bị thương tích 51% thì hành vi của Nguyễn Văn A phải xử lý về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Nhưng do tỷ lệ thương tích của người bị hại 51% (dưới 61% theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015), nên hành vi của Nguyễn Văn A không cấu thành tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Do vậy, không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn A, theo quy định tại khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015.

Đối với quan điểm thứ hai cho rằng: Cần phải xử lý Nguyễn Văn Avề hành vi “Vô ý gây thương tích cho người khác” theo Điều 138 BLHS năm 2015 là không có căn cứ. Bởi lẽ: Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được hiểu là hành vi vi phạm các quy tắc thông thường trong cuộc sống hàng ngày về đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của người khác vì quá tự tin hoặc vì cẩu thả, đã làm người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe.

Ví dụ: Một người khi chặt cây ở vườn nhà ở của mình, mặc dù thấy có nhiều trẻ em chơi đùa gần đó nhưng người chặt cây đã không chú ý và không đuổi những đứa trẻ đi (một nguyên tắc đảm bảo an toàn thông thường mà ai cũng biết, do đó khi cây đổ làm một đứa trẻ bị thương tích trên 31%). Trong trường hợp này mới được coi là hành vi vô ý gây thương tích cho người khác.

Trở lại nội dung vụ án thì hành vi của Nguyễn Văn A do vi phạm về giới hạn tốc độ, vi phạm quy định về sử dụng làn đường… gây ra tai nạn giao thông làm 01 người bị thương tích 51%.  Do vậy, hành vi của Nguyễn Văn A chỉ vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, xâm phạm đến khách thể là sự an toàn, hoạt động bình thường của các phương tiện tham gia giao thông đường bộ; tính mạng, sức khoẻ của người tham gia giao thông đường bộ hoặc ngồi trên các phương tiện giao thông đường bộ nên phải áp dụng pháp luật quy định trong nhóm tội vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ để xử lý, mà không thể áp dụng khách thể xâm phạm đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ trong nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn A về tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Điều 138 BLHS năm 2015.

Mong nhận được sự quan tâm, trao đổi của đồng nghiệp./.

Xem thêm>>>

Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ hay vô ý gây thương tích?

Quy định có lợi của BLHS 2015 với tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

Kỹ năng kiểm sát giải quyết các vụ án xâm phạm trật tự ATGT đường bộ

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang