Trao đổi bài: "Bất cập trong tạm ngừng phiên tòa dân sự"

09/05/2018 16:01

(kiemsat.vn)
Tạm ngừng phiên tòa dân sự là một quy định mới của BLTTDS năm 2015. Đến thời điểm này, một số văn bản đã được ban hành để hướng dẫn nội dung này, đó là Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/08/2016, Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 và Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/04/2017 của TAND tối cao.

Qua bài viết của tác giả Vũ Thị Huế, VKSND Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, chúng tôi trao đổi như sau:

Trường hợp thứ nhất, phiên tòa không có sự tham gia của Viện kiểm sát, nhưng tại phiên tòa phải tạm ngừng với lý do cần phải xác minh, thu thập chứng cứ theo điểm c khoản 1 Điều 259. Khi thực hiện việc thu thập chứng cứ xong, thuộc trường hợp Viện kiểm sát bắt buộc phải tham gia phiên tòa theo khoản 2 Điều 21 BLTTDS. Vậy việc tiếp tục phiên tòa sẽ diễn ra như thế nào? Kiểm sát viên tiến hành tố tụng từ giai đoạn tiếp theo hay phiên tòa phải xét xử lại từ đầu?

Xem các quy định hiện hành, cùng những văn bản hướng dẫn thì chưa có nội dung nào giải thích vấn đề trên. Ý kiến của tác giả đã đưa ra trong chừng mực nào đó là phù hợp, bởi lẽ, những căn cứ phát sinh việc hoãn phiên tòa theo quy định tại Điều 259 BLTTDS 2015 thường sau bước thủ tục bắt đầu phiên tòa và có thể phát sinh ở bước tranh tụng tại phiên tòa. Như vậy, sau thời gian tạm ngừng phiên tòa, việc tổ chức lại phiên tòa được thực hiện bắt đầu từ giai đoạn nào. Cụ thể, cần thiết quay lại bước bắt đầu phiên tòa hay tiếp tục chính thời điểm tạm ngừng phiên tòa trước đó.

Ở một khía cạnh khác, theo quan điểm của chúng tôi, rất khó để đề xuất cần phải có giải thích hay hướng dẫn theo một giải pháp cứng nhắc bắt đầu lại từ đầu hay tiếp tục bước mà phiên tòa đã ngừng trước đó. Và vấn đề này cũng không bị ảnh hưởng đến việc phát sinh bổ sung “phải có sự tham gia của Viện kiểm sát” theo quy định tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS 2015. Vì ngay cả trường hợp cần phải có sự tham gia của Viện kiểm sát mà Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử mà không phải hoãn phiên tòa (xem khoản 1 Điều 232  BLTTDS 2015). Do đó, cần thiết Tòa án phải xem xét và căn cứ vào nội dung từng vụ án cụ thể, những phát sinh trên thực tế, cũng như căn cứ vào tính chất phức tạp của vụ án và giá trị của những tài liệu chứng cứ được bổ sung sau thời gian tạm ngừng phiên tòa.

Tóm lại, việc xem xét có cần thiết bắt đầu lại phiên tòa hay không sau thời gian tạm ngừng phiên tòa, nên chăng, giao quyền chủ động quyết định việc tiếp tục lại phiên tòa sau thời gian tạm ngừng phiên tòa ở bước nào sẽ dành cho Hội đồng xét xử sơ thẩm quyết định. Ngoài ra, nếu cần phải có hướng dẫn như trường hợp tác giả đã đề cập, xem xét có thể đề xuất như sau: “…Khi thực hiện việc thu thập chứng cứ xong, thuộc trường hợp Viện kiểm sát bắt buộc phải tham gia phiên tòa theo khoản 2 Điều 21 BLTTDS khi mở lại phiên tòa, Hội đồng xét xử cần tham khảo ý kiến của đại diện Viện kiểm sát về việc tổ chức lại phiên tòa ở bước nào trong quá trình xét xử tại phiên tòa ”.

Trường hợp thứ hai, khi căn cứ vào khoản 2 Điều 259 BLTTDS 2015, tác giả cho rằng “việc tạm ngừng phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định và công bố tại phiên tòa, việc tạm ngừng chỉ phải ghi vào biên bản mà không phải lập văn bản riêng”.

Theo chúng tôi, về nội dung quy định tại khoản 2 Điều 259 BLTTDS 2015 là “Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa” không quy định “chỉ phải ghi vào biên bản mà không phải lập văn bản riêng” như tác giả bài viết đã nêu. Ngoài ra, cũng tại nội dung khoản 2 có quy định: “Hội đồng xét xử phải thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian tiếp tục phiên tòa”.

Tiếp đến, tại khoản 2 Điều 235 BLTTDS 2015 cũng đã ghi nhận: “… tạm ngừng phiên tòa phải được Hội đồng xét xử thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và lập thành văn bản”. Và mẫu của văn bản độc lập được gọi là “Quyết định tạm ngừng phiên tòa” cũng đã được ghi nhận tại Mẫu số 50 - DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Tòa án nhân dân tối cao. Và theo mẫu Quyết định tạm ngừng phiên tòa, quyết định này phải được gửi cho đương sự, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Trường hợp thứ ba, “theo quy định khi hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, lý do tạm ngừng chưa được khắc phục Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ phiên tòa - có nghĩa Tòa án vẫn phải tiếp tục mở lại phiên tòa để Hội đồng xét xử tiến hành thảo luận để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, việc mở lại phiên tòa, triệu tập đương sự chỉ mỗi việc để Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án là bất cập, gây lãng phí cho Nhà nước, thời gian của các đương sự”.

Với bật cập thứ ba mà tác giả nêu trên, quan điểm của chúng tôi cho rằng, nội dung khoản 2 Điều 259 BLTTDS 2015 không có quy định minh thị bắt buộc Tòa án vẫn phải tiếp tục mở lại phiên tòa để Hội đồng xét xử tiến hành thảo luận để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Nhưng chính nội dung khoản 2 Điều 259 nêu “… nếu lý do tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án”. Nội dung xác định chủ thể có thẩm quyền ban hành quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp này phải là Hội đồng xét xử. Điều này là thống nhất và phù hợp quy định về thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại phiên tòa do Hội đồng xét xử ban hành (khoản 2 Điều 219 BLTTDS 2015).

Do đó, việc phải mở phiên tòa để Hội đồng xét xử là bắt buộc và cần thiết vì phải dựa vào nền tảng là nguyên tắc xét xử tập thể và quyết định theo đa số quy định tại Điều 14 BLTTDS 2015.

Trường hợp thứ tư, tác giả nêu rằng “pháp luật chưa có quy định trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ khi lý do tạm ngừng không còn thì Hội đồng xét xử phải tiếp tục phiên tòa. Việc quy định phải thông báo về thời gian mở lại phiên tòa nhưng không ấn định thời hạn phải mở lại phiên tòa là bao nhiêu cũng là nguyên nhân dẫn đến việc giải quyết vụ án bị chậm, kéo dài”.

Khoản 2 Điều 259 BLTTDS 2015 quy định: “Thời hạn tạm ngừng phiên tòa là không quá 01 tháng, kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa”. Như vậy, với quy định này, thiết nghĩ đã đủ cơ sở để Hội đồng xét xử xem xét và quyết định xét xử trở lại khi lý do tạm ngừng phiên tòa không còn nữa bằng việc ban hành thông báo triệu tập đương sự xét xử lại.

Cũng theo ý kiến của tác giả, việc quy định phải thông báo về thời gian mở lại phiên tòa nhưng không ấn định thời hạn phải mở lại phiên tòa là bao nhiêu cũng là nguyên nhân dẫn đến việc giải quyết vụ án bị chậm, kéo dài. Khác với quan điểm của tác giả, chúng tôi cho rằng pháp luật không thể ấn định thời hạn phải mở lại phiên tòa ở thời điểm Hội đồng xét xử ban hành quyết định vì đa số căn cứ tạm ngừng phiên tòa quy định tại khoản 1 Điều 259 BLTTDS 2015 không thể xác định được khi nào thì các căn cứ này không còn nữa… Do đó, pháp luật chỉ khống chế thời hạn tối đa của việc tạm ngừng phiên tòa là không quá 01 tháng, đồng nghĩa với việc hết thời hạn 01 tháng nêu trên Tòa án phải có hướng xử lý tiếp theo, tiếp tục xét xử, tạm đình chỉ hoặc kể cả gia hạn thời gian tạm ngừng phiên tòa…

Đối với việc gia hạn thời gian tạm ngừng phiên tòa, nội dung này cũng đã được quy định hướng dẫn tại khoản 2 Điều 13 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC- TANDTC ngày 31/8/2016: “2. Trường hợp Hội đồng xét xử đã quyết định tạm ngừng phiên tòa và thời hạn tạm ngừng dưới 01 tháng; hết thời hạn này mà Tòa án quyết định tiếp tục tạm ngừng phiên tòa vì lý do tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Tòa án thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc tiếp tục tạm ngừng phiên tòa. Thời hạn tối đa của việc tạm ngừng phiên tòa là không quá 01 tháng kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa”.

Ngoài ra, cũng tại trường hợp thứ tư, tác giả có nêu: “Mặt khác, khi chưa hết thời hạn tạm ngừng mà lý do tạm ngừng không còn thì hội đồng xét xử có được thông báo tiếp tục phiên tòa không hay theo quy định phải hết thời hạn tạm ngừng mới được tiếp tục?”. Như các phân tích chúng tôi đã nêu trên, và tham khảo thêm tại Mẫu số 50-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Tòa án nhân dân tối cao đều đã có ghi nhận tại mục (7) hướng dẫn sử dụng Mẫu 50-DS: Trong trường hợp chưa ấn định được thời gian, địa điểm tiếp tục phiên tòa thì ghi “Thời gian, địa điểm tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án sẽ được Tòa án thông báo sau”. 

Xem thêm>>>

Bất cập trong tạm ngừng phiên tòa dân sự

Dấu hiệu để phân biệt giữa “Hoãn phiên tòa” và “Tạm ngừng phiên tòa” theo quy định của BLTTHS năm 2015                                                                        

 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang