Vướng mắc trong xác định đồng phạm tội “ Đánh bạc”
(kiemsat.vn) Thực tế, vấn đề xử lý tội phạm về cờ bạc nói chung còn gặp nhiều vướng mắc, trong đó, có những quan điểm khác nhau xung quanh việc xác định vai trò đồng phạm trong tội “đánh bạc”.
Trao đổi bài viết: "Thay đổi nội dung thỏa thuận ban đầu, giao dịch có phát sinh hiệu lực?"
Giao dịch phát sinh từ thỏa thuận vô hiệu không có giá trị pháp lý
Về quyền tự định đoạt của đương sự trong việc cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn
Ảnh minh họa |
Tình huống thứ nhất:
Nguyễn Văn A gọi các con bạc đến tầng 2 hiệu cầm đồ của gia đình mình để đánh bạc, A bố trí Hoàng Văn M canh gác và báo động khi bị phát hiện, bố trí Nguyễn Văn T phục vụ tại xới bạc. Trong số 6 đối tượng đánh bạc tại nhà riêng của A, có Vi Thị Q đến làm xáo (cho vay tiền đánh bạc) mà không trực tiếp tham gia đánh bạc. Trong quá trình các đối tượng đánh bạc thì Nguyễn Văn A đưa 20 triệu cho Nguyễn Văn T (phục vụ tại xới bạc) và bảo với T khi các con bạc cần thì cho vay, cuối buổi lấy lãi suất 5%, T đã cho các con bạc vay 10.000.000 đồng. Số tiền thu được tại chiếu bạc vào thời điểm công an bắt quả tang là 48.000.000 đồng. Trong vụ án này, có hai quan điểm khác nhau trong định tội danh đối với Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn T như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi của Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn T cấu thành hai tội “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc” theo quy định tại khoản 1 các Điều 321, 322 BLHS năm 2015. Bởi lẽ: A đã gọi người đến đánh bạc tại nhà ở của mình, bố trí T canh gác và phục vụ tại xới bạc, số tiền đánh bạc trong cùng một lần trên 20 triệu đồng. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 322 BLHS năm 2015, hành vi của A và T đủ yếu tố cấu thành tội “Tổ chức đánh bạc”, trong đó, A là người khởi xướng và T là người giúp sức. Thêm vào đó, A còn đưa tiền cho T để T cho các đối tượng đánh bạc vay, đây là hành vi của A và T nhằm giúp sức cho việc đánh bạc. Vì vậy, A, T. đều phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội “Đánh bạc” với vai trò giúp sức trong vụ án đồng phạm.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Hành vi của Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn T chỉ cấu thành tội “Tổ chức đánh bạc”. Hành vi cho vay tiền tại xới bạc của Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn T không cấu thành tội "Đánh bạc" độc lập, mà hành vi đó chỉ là một trong chuỗi các hành vi "tổ chức đánh bạc" của A. Các hành vi: Kêu gọi, lôi kéo các con bạc đến đánh bài, bố trí canh gác, phục vụ trong xới bạc và hành vi cung cấp tiền cho các con bạc vay để đánh bạc, cũng đều là những hành vi nhằm mục đích phục vụ cho việc tổ chức đánh bạc. Do đó, phải thu hút hành vi cho vay tiền của A về tội "tổ chức đánh bạc". Và theo đó, T. cũng chỉ đồng phạm với A về một tội “ Tổ chức đánh bạc” mà thôi.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai. Bởi lẽ, mặc dù dấu hiệu vụ lợi không bắt buộc với người phạm tội “tổ chức đánh bạc”, nhưng trên thực tế, người phạm tội “Tổ chức đánh bạc” thường có động cơ này. Do vậy việc A. có động cơ vụ lợi khi thực hiện hành vi cho vay tiền để lấy lãi 5% vào cuối buổi không có ý nghĩa xác định A phạm vào tội "đánh bạc". Chỉ khi A thực hiện hành vi cho vay tiền độc lập và không liên quan đến các hành vi khác thì mới xem xét đó là hành vi "đánh bạc" với vai trò là đồng phạm giúp sức trong tội “ đánh bạc”.
Mặc dù Khoản 1 Điều 322 BLHS năm 2015 có liệt kê một số hành vi tổ chức đánh bạc:"Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc, sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc" mà không có hành vi cho vay tiền đánh bạc. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, xét về mặt bản chất, cho vay tiền đánh bạc của người tổ chức đánh bạc là để trợ giúp cho xới bạc nhằm hướng tới phục vụ cho hành vi tổ chức đánh bạc của A. Do đó, trong tình huống này, đối với Nguyễn Văn A việc định tội danh cần thu hút về một tội " tổ chức đánh bạc" mới chính xác. Và theo đó, với việc cầm tiền của A. cho các đối tượng đánh bạc vay, T cũng không bị coi là đồng phạm về tội “ Đánh bạc” trong vụ án này.
Tình huống thứ hai:
Tại nhà riêng Hoàng Văn B có Nguyễn Văn N; Bùi Thanh T; Lê Tuấn A cùng tham gia đánh bạc. Tống Hoàng V ngồi xem các đối tượng đánh bạc, quá trình đánh bạc, khi cần, các đối tượng sai V phục vụ nước, thuốc. Mỗi ván người thắng bạc tự trích ra 50.000 đồng để đưa cho V. Khi bị công an phát hiện, bắt quả tang, tại chiếu bạc thu giữ được 8.000.000 đồng, thu giữ trong người Tống Hoàng V 400.000 đồng, V. khai nhận đã được các đối tượng đánh bạc thưởng cho sau mỗi ván thắng bạc. Vậy trong vụ án này V. có đồng phạm về tội “đánh bạc” hay không?
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi của Tống Hoàng V. là đồng phạm về tội đánh bạc với vai trò là người giúp sức trong vụ án. Bởi lẽ: V có hành vi phục vụ thuốc, nước cho các bị cáo trong quá trình đánh bạc, hành vi đó đã tạo điều kiện về tinh thần cũng như vật chất cho các đối tượng đánh bạc, nhằm để việc đánh bạc được diễn ra thuận lợi hơn. Hành động các đối tượng đánh bạc trả tiền cho V chính là việc trả công cho người đã phục vụ, giúp đỡ họ tại xới bạc.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Hành vi của Tống Hoàng V không đồng phạm về tội đánh bạc, vì V không tham gia đánh bạc, địa điểm đánh bạc không phải do V quản lý, V chỉ ngồi xem đánh bạc và khi được người khác nhờ phục vụ thuốc, nước thì V làm. Về ý thức chủ quan, V không có ý thức tạo điều kiện thuận lợi cho các con bạc đánh bạc. Việc các đối tượng đánh bạc cho V tiền sau mỗi ván thắng bạc là do họ tự nguyện, V không đòi hỏi. Do đó, V không có động cơ vụ lợi trong quá trình phục vụ tại xới bạc và không phạm tội “ Đánh bạc” với vai trò đồng phạm.
Tác giả đồng ý với quan điểm thứ nhất, vì theo khái niệm về đồng phạm quy định tại Điều 17 BLHS năm 2015, “người giúp sức là người tạo điều kiện về tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm”. Theo đó, hành vi phục vụ thuốc, nước của A tại thời điểm các con bạc sát phạt nhau, hành vi nhận tiền của các đối tượng sau mỗi ván bạc đều khẳng định ý thức chủ quan của A mong muốn được giúp sức cho các con bạc thuận lợi trong quá trình đánh bạc và mong muốn được nhận tiền trả công. Trong thực tiễn xử lý các tội đánh bạc, hành vi trải chiếu, mua bài hộ, chuẩn bị công cụ đánh bạc… đều bị xử lý về tội đánh bạc với vai trò đồng phạm giúp sức trong vụ án, và hành vi phục vụ thuốc nước và nhận tiền phục vụ của A., do đó, cũng không ngoại lệ.
Tác giả mong nhận được những ý kiến phản hồi từ phía bạn đọc đối với việc xác định đồng phạm tội “ đánh bạc” trong các tình huống nêu trên.
Xem thêm>>>
Những điểm mới của Tội đánh bạc, Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
Bộ Công an thông báo về quá trình triệt phá đường dây đánh bạc
Cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hoá bị điều tra tổ chức đánh bạc
-
1Vướng mắc về đánh giá chứng cứ khi giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
2Hoàn thiện pháp luật về thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng
-
3Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
4Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
Bài viết chưa có bình luận nào.