Kỹ năng kiểm sát giải quyết các vụ án xâm phạm trật tự ATGT đường bộ

14/04/2018 17:45

(kiemsat.vn)
– Việc xác định chính xác nguyên nhân, diễn biến của vụ tai nạn, lỗi của các bên tham gia giao thông là những nội dung cơ bản Kiểm sát viên khi THQCT và KSĐT các vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ cần chú ý nắm vững.

Xác định lại hiện trường và dựng lại hiện trường vụ tai nạn

Trong thực tế, khi tiến hành điều tra các vụ tai nạn giao thông, do công tác tiếp cận hiện trường để thực hiện các biện pháp bảo vệ hiện trường và khám nghiệm hiện trường không kịp thời nên hầu hết các vụ tai nạn giao thông khi lực lượng khám nghiệm đến nơi xảy ra tai nạn thì hiện trường đã bị xáo trộn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong trường hợp đó, cần căn cứ vào những dấu vết còn lại ở hiện trường, đồng thời căn cứ vào lời khai của nạn nhân, người gây tai nạn hoặc người làm chứng, Kiểm sát viên (KSV) cần trao đổi với Điều tra viên (ĐTV) để xác định lại hiện trường vụ tai nạn.

Việc xác định lại hiện trường phải được tiến hành ngay sau khi đến hiện trường mà phát hiện thấy hiện trường bị xáo trộn, các dấu vết bị thất lạc biến dạng hoặc xáo trộn nằm lẫn lộn không theo quy luật. Căn cứ để xác định lại hiện trường là dựa vào lời khai báo của những người có liên quan đến vụ tai nạn, người biết sự việc và các tài liệu,  dấu vết để lại trên hiện trường, từ đó nghiên cứu, phân tích, so sánh, kiểm tra đối chiếu. Trên cơ sở tôn trọng các quy luật của vận động vật chất, nguyên lý hoạt động và cấu tạo của phương tiện, cầu đường… nơi xảy ra tai nạn để xác định cơ chế hình thành dấu vết, từ đó sắp xếp lại các sự kiện, dấu vết, tìm ra những điểm thống nhất, phù hợp, những điểm mâu thuẫn, sai quy luật để xác định hiện trường thực tế khi xảy ra tai nạn nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác khám nghiệm hiện trường và xử lý vụ tai nạn.

Sau khi dựng lại hiện trường cần phải tiến hành nghiên cứu, so sánh với hiện trường khám nghiệm; đo vẽ, chụp ảnh lại và lập biên bản ghi rõ những điểm giống, khác nhau giữa hai hiện trường, cũng như lý do phải dựng lại hiện trường, những người tham gia dựng lại hiện trường phải cùng ký vào biên bản.

Xem xét dấu vết trên người bị nạn

Việc xem xét dấu vết trên người bị nạn được tiến hành từ bên ngoài (quần áo) đến thân thể của nạn nhân theo đúng các quy định của pháp luật. Nếu người bị nạn bị thương nặng có thể dẫn đến tử vong thì cần phải lấy sinh cung ngay để đề phòng nạn nhân chết thì toàn bộ lỗi, hậu quả vụ tai nạn bị các bên liên quan đổ hết lỗi cho nạn nhân. Trường hợp nạn nhân bị chết chưa rõ nguyên nhân (nghi bị chết do đánh, do bị giết, do chết ngạt… trước khi vụ tai nạn xảy ra) phải đề nghị trưng cầu giám định pháp y để làm rõ. Nạn nhân bị thương trong các vụ tai nạn giao thông phải đề nghị cơ quan chuyên môn làm giấy chứng thương, xác định rõ mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động bằng tỷ lệ % làm cơ sở cho việc xác định các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự, cũng như việc bồi thường dân sự do hành vi phạm tội gây ra. Trường hợp nạn nhân chết chưa rõ tung tích thì cần yêu cầu kỹ thuật hình sự tiến hành lấy vân tay, chụp ảnh nhận dạng… phục vụ cho công tác truy tìm nạn nhân. Những dấu vết, vật chứng phát hiện thu thập được trong quá trình xem xét dấu vết trên người bị nạn phải được mô tả ghi chép, chụp ảnh và lập biên bản, bảo quản cẩn thận theo đúng quy định của pháp luật.

Thương tích trên người bị nạn trong các vụ tai nạn giao thông thường được biểu hiện dưới các dạng sau: Thương tích do rơi ngã từ phương tiện đang chuyển động; thương tích do va đập, dồn ép ngay trong phương tiện; thương tích do bị chèn ép giữa các phương tiện với chướng ngại vật hoặc do bị đẩy ngã xuống vỉa hè, giải phân cách.

Việc xem xét dấu vết trên người bị nạn giúp cho ĐTV, KSV xác định sơ bộ cơ chế hình thành thương tích trong các vụ tai nạn giao thông, từ đó có một đánh giá khái quát về diễn biến vụ tai nạn giao thông nhằm giải quyết một cách khách quan, toàn diện nhất.

Lấy lời khai trong quá trình điều tra vụ án

Lấy lời khai người làm chứng

Người làm chứng trong các vụ tai nạn giao thông có thể là người đi đường, khách bộ hành, hành khách trên xe, những người dân xung quanh nơi xảy ra tai nạn, việc tiến hành lấy lời khai phải nhanh chóng, kịp thời, có thể trước hoặc đồng thời với việc tiến hành khám nghiệm, vì họ có thể không có điều kiện ở lâu tại hiện trường. Thông thường lời khai người làm chứng có độ tin cậy cao, vì họ không có sự ràng buộc, không sợ bị trả thù. Quá trình kiểm sát việc lấy lời khai người làm chứng, KSV cần chú ý làm rõ: Vị trí, khoảng cách từ nơi người làm chứng quan sát đến nơi xảy ra tai nạn; hướng chuyển động của từng loại phương tiện; vị trí người, đồ vật, phương tiện sau khi xảy ra tai nạn; đặc điểm, loại phương tiện gây tai nạn, màu sơn, biển số; diễn biến của vụ tai nạn; tình trạng mặt đường, mật độ phương tiện tham gia giao thông tại thời điểm xảy ra tai nạn;  phản ứng của nạn nhân trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn.

Trường hợp người làm chứng đi cùng trên phương tiện liên quan đến tai nạn thì khi lấy lời khai không được để người điều khiển phương tiện cùng dự để đảm bảo họ khai thực sự khách quan, không bị chi phối bởi người điều khiển phương tiện; phải có ít nhất lời khai của hai người làm chứng trở lên và phải tìm được người trực tiếp chứng kiến một phần hoặc toàn bộ diễn biến vụ tai nạn, bởi lý do vụ tai nạn giao thông thường xảy ra nhanh chóng, chớp nhoáng, bất ngờ nên người biết sự việc có thể không quan sát, ghi nhớ toàn bộ tình tiết, diễn biến xảy ra.

Lấy lời khai người người bị tai nạn

Người bị hại trong các vụ tai nạn giao thông là con người cụ thể, bị thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản do vụ tai nạn gây nên. Thực tế cho thấy người bị hại khi khai báo do tâm lý thường đổ lỗi hoàn toàn cho người gây tai nạn, còn họ chấp hành đúng luật giao thông. Do đó, để khắc phục đặc điểm tâm lý này, khi lấy lời khai người bị hại cần nói rõ cho họ biết trách nhiệm của họ theo quy định của pháp luật và kết hợp với dấu vết, vật chứng tại hiện trường để đặt ra những câu hỏi yêu cầu họ trả lời đúng sự thật.

Việc lấy lời khai người làm chứng phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và trạng thái tâm lý của họ, phải ổn định tâm lý, tư tưởng để họ lấy lại bình tĩnh, nhớ lại diễn biến, có như vậy việc khai báo mới đầy đủ và chính xác.

Đối với người có thương tích nặng đang bị điều trị tại các cơ sở y tế thì việc lấy lời khai của họ phải được sự đồng ý của chính người bị hại và bác sỹ điều trị. Quá trình hỏi phải ngắn gọn, rõ ràng, hỏi những vấn đề chính, trọng tâm trước, sau đó mới hỏi đến các vấn đề có liên quan đến vụ tai nạn.

Quá trình kiểm sát việc lấy lời khai người bị hại tại hiện trường, KSV cần chú ý:

– Khi tai nạn xảy ra họ đang làm gì, ở đâu, phần nào, phía nào của đường;

– Hướng di chuyển theo dòng xe xuôi hay ngược;

– Chiều hướng chuyển động của từng loại phương tiện;

– Khi nào họ phát hiện thấy phương tiện gây tai nạn;

– Đặc điểm phương tiện họ điều khiển và phương tiện người gây tai nạn (loại, màu sơn, biển số…);

– Tốc độ phương tiện và phần đường, làn đường chuyển động;

– Người điều khiển phương tiện gây tai nạn đã xử lý như thế nào khi xảy ra tai nạn;

– Tình trạng mặt đường, lưu lượng phương tiện xung quanh tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn;

– Nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn;

– Thiệt hại về tài sản và yêu cầu bồi thường của người bị hại;

Hỏi cung bị can

Quá trình hỏi cung bị can trong các vụ tai nạn giao thông cũng như đặc điểm tâm lý của người bị hại, bị can thường sẽ tìm mọi cách để chứng minh mình chấp hành đúng luật lệ giao thông và đổ lỗi cho người khác; cho rằng việc gây tai nạn là do sự kiện bất ngờ, tình thế bất khả kháng, khai báo sai sự thật, đưa ra những bằng chứng giả tạo. Có những vụ bị can còn tạo nên những dấu vết giả hoặc cố ý làm xáo trộn, sai lệch hiện trường vụ án nhằm gây khó khăn, đánh lạc hướng Cơ quan điều tra. Do vậy, quá trình kiểm sát việc hỏi cung bị can, KSV cần quan tâm:

– Kết quả khám nghiệm hiện trường, lời khai của người làm chứng, nắm vững các tình tiết, diễn biến của vụ tai nạn giao thông để chuẩn bị nội dung hỏi cung bị can.

– Quá trình hỏi cung bị can phải thu thập cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ, tình tiết gỡ tội cho bị can.

Nội dung hỏi cung bị can phải làm rõ: Hàng hóa, hành khách vận chuyển (số lượng, trọng lượng); tình trạng phương tiện khi xảy ra tai nạn, các tiêu chuẩn về an toàn của phương tiện; tốc độ phương tiện khi xảy ra tai nạn; quá trình diễn biến vụ tai nạn; những nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn…

(Trích bài: “Kỹ năng THQCT và KSĐT các vụ án xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ” của các tác giả Lưu Trọng Nguyên, Nguyễn Đức Anh, Vụ 6, VKSND tối cao, Tạp chí Kiểm sát số 14/2017)

(Còn tiếp)…

Người tham gia giao thông được sử dụng bản sao Giấy đăng ký xe

(Kiemsat.vn) - Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 8601/VPCP-CN ngày 15/8/2017 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đồng ý cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký phương tiện giao thông.

Vi phạm giao thông đường bộ, có thể nhờ Bưu điện nộp phạt?

(Kiemsat.vn) - Tôi điều khiển ô tô 5 chỗ từ Hà Nội đi Bình Định, đến địa phận TP Đồng Hới (Quảng Bình) tôi bị Cảnh sát giao thông tỉnh xử phạt về lỗi điều khiển xe chạy quá tốc độ. Do đường xá xa xôi, tôi muốn hỏi có cách nào để nộp phạt mà không cần phải quay lại Quảng Bình không?
lên đầu trang