Hiểu thế nào cho đúng về nơi cư trú của bị can, bị cáo

11/05/2018 10:00

(kiemsat.vn)
Thực tế áp dụng pháp luật vẫn có cách hiểu chưa thống nhất về nơi cư trú của bị can, bị cáo.

Ảnh minh họa

Theo Điều 123 BLTTHS năm 2015, cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.

Người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú phải thông báo về việc áp dụng biện pháp này cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú, đơn vị quân đội đang quản lý bị can, bị cáo và giao bị can, bị cáo cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị quân đội đó để quản lý, theo dõi họ.

Trường hợp bị can, bị cáo vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú thì phải được sự đồng ý của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc đơn vị quân đội quản lý họ và phải có giấy cho phép của người đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Nếu bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú, đơn vị quân đội đang quản lý bị can, bị cáo phải báo ngay cho cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú biết để xử lý theo thẩm quyền.

Vậy, “nơi cư trú mà bị can, bị cáo bị cấm đi khỏi” được hiểu như thế nào cho đúng. Bởi trong thực tiễn đã có nhiều cách hiểu hoặc cách giải thích khác nhau về “nơi cư trú” dẫn đến việc người có thẩm quyền ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đã xác định không đúng nơi cư trú mà bị can, bị cáo và khi bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đi khỏi nơi cư trú thì ngay lập tức họ bị áp dụng biện pháp tạm giam, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can, bị cáo.

Trong thực tiễn đã có cách hiểu hoặc cách giải thích về “nơi cư trú” trong biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú như sau:

(1) Nơi cư trú bị can, bị cáo cấm đi khỏi là trong phạm vi địa giới hành chính xã, phường nơi bị can, bị cáo sinh sống hoặc làm việc.

(2) Nơi cư trú bị can, bị cáo cấm đi khỏi là trong phạm vi địa giới hành chính huyện, quận nơi bị can, bị cáo đang sinh sống hay đang làm việc;

 (3) Nơi cư trú bị can, bị cáo cấm đi khỏi là trong phạm vi doanh trại đơn vị quân đội nơi bị can, bị cáo ở;

Theo quy định của Luật cư trú năm 2006 được sửa đổi bổ sung năm 2013 quy định về nơi cư trú như sau:

“Điều 12. Nơi cư trú của công dân

1. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.

Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.

Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.

2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống.

Điều 13. Nơi cư trú của người chưa thành niên

1. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.

2. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

Thực tế có những vướng mắc cần phải được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn để áp dụng cho thống nhất.

Tình huống 1: Bị can A có hộ khẩu thường trú tại phường 1, thị xã A, tỉnh T nhưng làm việc tại Công ty X có trụ sở tại phường 2, thị xã A, tỉnh T. Nếu cấm bị can A đi khỏi phạm vi phường 1, thị xã A thì bị can A không thể đi làm ở Công ty X có trụ sở tại phường 2, thị xã A. Nếu ngày nào bị can A cũng phải báo cáo và xin phép UBND phường 1 để đi làm ở phường 2 thì rất bất tiện và không hợp lý.

Tình huống 2: Bị can C (17 tuổi) do giận cha mẹ nên ở nhờ nhà người bạn của C (thuộc phường 2, thị xã A) được khoảng 03 ngày thì phạm tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015. Quá trình điều tra cho thấy cha mẹ của bị can C có hộ khẩu thường trú tại phường 1, thị xã A, tỉnh T. Người có thẩm quyền có quyền ra lệnh cấm đi khỏi nơi cứ trú đối với C và nơi cư trú trong trường hợp này là nơi cư trú của cha mẹ C (phường 1). Tuy nhiên sau khi nhận Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú thì C không chịu về nhà sống với cha mẹ mà ở nhà bạn của C thì UBND phường 1 cũng không thể quản lý, theo dõi đối với C nên việc cấm đi khỏi nơi cư trú đối với C không còn ý nghĩa.

Rất mong quý đồng nghiệp và bạn đọc cùng thảo luận, trao đổi.

Xem thêm>>>

Không cấm người dưới 18 bị giám sát, giáo dục rời khỏi nơi cư trú

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang