Phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
(kiemsat.vn) Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm ma túy và các loại tội phạm mang lại lợi nhuận cao như buôn bán vũ khí, mua bán người, rửa tiền, tội phạm công nghệ cao... diễn biến phức tạp. Là địa bàn trọng điểm có các loại tội phạm xuyên quốc gia hoạt động ở khu vực biên giới, các cơ quan tư pháp tỉnh Quảng Ninh, nhất là Viện kiểm sát nhân dân đã đề ra nhiều giải pháp hiệu quả nhằm đấu tranh với loại tội phạm này.
Những kết quả nổi bật và giải pháp tiếp tục hoàn thiện công tác tương trợ tư pháp về hình sự trong thời gian tới
Mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Rút kinh nghiệm qua một số bản án, quyết định kinh doanh, thương mại bị hủy, sửa
1. Tình hình tội phạm xuyên quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Trong những năm qua, tình hình tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam có xu hướng tăng dần về cả số vụ việc lẫn tính chất, mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là những hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Tỉnh Quảng Ninh là một trong các tỉnh trọng điểm có các loại tội phạm xuyên quốc gia hoạt động ở khu vực biên giới, nổi lên là tội phạm ma túy; tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; tội phạm tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép; tội phạm tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ; tội phạm sản xuất, buôn bán tiền giả, hàng giả, gian lận thương mại, buôn lậu, trốn thuế xuất nhập khẩu ở khu kinh tế thương mại tự do; tội phạm sử dụng công nghệ cao...
Đối với tội phạm về ma túy:
Hoạt động của các tổ chức, đường dây, đối tượng thực hiện phạm tội về tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý qua biên giới với những phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảy ra chủ yếu trên địa bàn thành phố Móng Cái, Cẩm Phả, Hạ Long... Các đối tượng mua bán, vận chuyển số lượng lớn heroin từ các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hòa Bình, Nghệ An, Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh... qua Móng Cái sang Trung Quốc tiêu thụ. Hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy từ Trung Quốc về Việt Nam chủ yếu là mua bán, vận chuyển ma tuý tổng hợp dạng tinh thể, dạng viên từ Trung Quốc vào Móng Cái, sau đó đưa vào Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh... tiêu thụ.
Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu chủ yếu thuê người Việt Nam, Trung Quốc thường xuyên làm ăn qua lại hai bên biên giới, thường là phụ nữ Việt Nam đã có thời gian sinh sống, làm ăn ở Trung Quốc hoặc số người Trung Quốc, Việt Nam có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đối tượng nghiện hút... vận chuyển thuê ma túy với nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt như: Che giấu nhân thân, thông tin, sử dụng công nghệ cao, lợi dụng địa hình biên giới hiểm trở hoặc trên biển… nhằm tránh sự phát hiện, đặc biệt là việc xóa dấu vết, tiêu hủy tang vật, gây khó khăn cho việc chứng minh tội phạm và trong quá trình giải quyết vụ án.
Đối với tội phạm mua bán người:
Quảng Ninh được xác định là địa bàn trung chuyển để đưa phụ nữ, trẻ em sang Trung Quốc bán, vì số nạn nhân là người có hộ khẩu ở Quảng Ninh bị buôn bán ít, chủ yếu nạn nhân ở các tỉnh trong nội địa Việt Nam. Nạn nhân thường là phụ nữ có hoàn cảnh, khó khăn về kinh tế, trình độ nhận thức hạn chế, nhẹ dạ, cả tin. Đáng chú ý là hoạt động của tội phạm này có tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ trong và ngoài biên giới; một số phụ nữ Việt Nam là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, quay trở về Việt Nam lừa phụ nữ, trẻ em khác bán sang Trung Quốc. Các đối tượng đưa nạn nhân bằng cả đường bất hợp pháp (xuất nhập cảnh trái phép) và hợp pháp (xuất nhập cảnh hợp lệ qua cửa khẩu). Những năm gần đây, nổi lên hoạt động của các đối tượng hình thành đường dây tìm phụ nữ Việt Nam đưa sang Trung Quốc cấy phôi, mang thai hộ vì mục đích thương mại; hoặc một số đối tượng ở các tỉnh nội địa (chủ yếu tại các tỉnh miền Trung, miền Nam) đưa phụ nữ có thai sang Trung Quốc đẻ, sau đó bán con. Việc điều tra, phát hiện, xử lý đối với nạn mua bán người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh gặp nhiều khó khăn do có liên quan đến địa bàn biên giới, với nước ngoài, việc xác định nạn nhân rất khó khăn để có thể quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra các quyết định tố tụng. Nhiều trường hợp còn vướng mắc về cơ sở pháp lý như việc mang thai hộ, mua bán bào thai, nạn nhân không hợp tác hoặc bị đưa sâu vào nội địa Trung Quốc.
Đối với tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới và gian lận thương mại:
Hàng hoá buôn lậu qua biên giới chủ yếu là các mặt hàng điện tử, quần áo, phụ tùng ô tô, xe máy, mỹ phẩm, dược liệu, đồ chơi trẻ em, các mặt hàng cấm (pháo nổ, thuốc lá.…), tiền tệ... Các đối tượng phạm tội lợi dụng triệt để các chính sách, kẽ hở của pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội tại các địa bàn có các cửa khẩu đường bộ, đường biển.
Trong những năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã tích cực phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2015 đến 2022, cơ quan tiến hành tố tụng đã giải quyết trên 3.000 vụ phạm tội về ma túy với hơn 4.000 đối tượng; hàng nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng trăm vụ mua bán người. Quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các cơ quan tư pháp đã có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, trong đó Viện Kiểm sát đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, góp phần bảo đảm việc xử lý tội phạm kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, được dư luận đồng tình, ủng hộ đánh giá cao.
Trong những năm qua, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm xuyên quốc gia nói riêng ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đến khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, VKSND chủ động phối hợp với các cơ quan để tham mưu cho các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, kiến nghị với cấp có thẩm quyền đề ra các biện pháp khắc phục thiếu sót trong quản lý kinh tế, xã hội, góp phần phòng ngừa tội phạm xuyên quốc gia.
Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tư pháp của tỉnh (Cơ quan điều tra, Tòa án, cơ quan Thi hành án)… như ký kết Quy chế phối hợp công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Hàng năm, VKSND hai cấp của tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết công tác này để kiểm điểm, đánh giá kết quả đã đạt được, những hạn chế cần khắc phục trong những năm tiếp theo.
Do tính chất của tội phạm xuyên quốc gia rất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, nhất là các đối tượng sử dụng công nghệ cao, móc nối với các đối tượng ở trong nước và nước ngoài, khó khăn trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ, xác định nạn nhân hay liên quan đến vấn đề tương trợ tư pháp hình sự… nên VKSND hai cấp tỉnh Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra tiếp cận vụ án ngay từ ban đầu, trao đổi thông tin, nắm chắc diễn biến vụ án; đồng thời tích cực, khẩn trương, thận trọng trong đánh giá chứng cứ, các căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, căn cứ để quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn… Hoạt động của ngành Kiểm sát vừa đảm bảo được tính độc lập, đúng chức năng, đúng pháp luật, sự thận trọng, chắc chắn, vừa chủ động tạo điều kiện để Cơ quan điều tra trong việc giải quyết các vụ án về tội phạm xuyên quốc gia được đúng đắn.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với Tòa án đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, xác định và lựa chọn những vụ án về tội phạm xuyên quốc gia nổi cộm, phức tạp làm án trọng điểm, xét xử điển hình rút kinh nghiệm, tổ chức phiên tòa trực tuyến, phiên tòa lưu động đối với những vụ án dư luận quan tâm, có tính chất phức tạp nhằm tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. Phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, làm tốt công tác tuyên truyền…. để nâng cao trách nhiệm phòng ngừa tội phạm xuyên quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc bảo đảm quyền năng và nghĩa vụ tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án về tội phạm xuyên quốc gia, VKSND hai cấp tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu đưa ra các yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị về các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia trên địa bàn tỉnh; phát hiện những nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm xuyên quốc gia, những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội nhất là quản lý biên giới, các hoạt động xuyên biên giới và quản lý an toàn thông tin mạng internet, mạng xã hội… để kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục kịp thời nhằm ngăn ngừa tội phạm xảy ra.
2. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Do tính chất của một tỉnh có địa bàn biên giới trên biển và trên bộ, với các hoạt động về kinh tế, xã hội diễn ra sôi động, đa dạng, dự báo trong thời gian tới hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn biến rất phức tạp. Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đòi hỏi các cơ quan tư pháp và các cơ quan chức năng của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong mọi hoạt động, trong đó Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Ninh cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
Một là, tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch của Đảng, Nhà nước, của ngành Kiểm sát nhân dân và của tỉnh Quảng Ninh về đấu tranh phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm xuyên quốc gia, trên cơ sở đó xác định được trách nhiệm của Viện kiểm sát trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của ngành cấp trên và cấp ủy địa phương, xây dựng mối quan hệ giữa Viện kiểm sát và các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan trong khối nội chính. Quán triệt và vận dụng các quy định của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn công tác kiểm sát và công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm xuyên quốc gia. Chủ động tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền đề ra những chủ trương, chính sách, tiến hành đồng bộ các biện pháp, giải pháp phối hợp phát hiện các nguyên nhân, điều kiện của tình hình tội phạm xuyên quốc gia để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn.
Hai là, nâng cao năng lực trách nhiệm và phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên. Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng chuyên sâu, rà soát, sắp xếp bố trí cán bộ trong từng khâu công tác, bảo đảm số lượng, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhiệm vụ, nhất là đối với những cán bộ, Kiểm sát viên tham gia giải quyết các vụ án liên quan đến tội phạm xuyên quốc gia. Rèn luyện cán bộ, Kiểm sát viên gắn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Tăng cường phổ biến quán triệt và học tập các quy định của pháp luật đến toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên của đơn vị về những nội dung liên quan đến thực thi công vụ, quan tâm công tác tự đào tạo và đạo tạo lại. Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ Kiểm sát viên; xây dựng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có quyết tâm cao, nghiệp vụ giỏi, bàn tay sạch trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật trong nước và quốc tế, các kiến thức mới về nghiệp vụ trong hoạt động kiểm sát phòng, chống tội phạm, nhất là nhận thức rõ các phương thức, thủ đoạn của tội phạm xuyên quốc gia, qua đó nâng cao trình độ nghiệp vụ góp phần giải quyết vụ án hiệu quả cao.
Ba là, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp (Cơ quan điều tra, Tòa án, cơ quan Thi hành án) của tỉnh trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Các cơ quan này cần phối hợp phân tích, đánh giá tình hình hoạt động của các loại tội phạm xuyên quốc gia, cung cấp thông tin về phương thức, thủ đoạn của tội phạm, những khó khăn, vướng mắc trong việc đấu tranh, xử lý tội phạm xuyên quốc gia trên địa bàn tỉnh. Cần chủ động xây dựng quy chế và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trên cơ sở phát huy vai trò, trách nhiệm, chức năng của từng cơ quan trong hoạt động tố tụng cũng như trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Bốn là, rà soát, phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong các văn bản pháp luật có liên quan để kiến nghị, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với điều kiện thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh./.
Bài viết chưa có bình luận nào.