Rút kinh nghiệm qua một số bản án, quyết định kinh doanh, thương mại bị hủy, sửa

01/11/2022 08:00

(kiemsat.vn)
Một số sai sót phổ biến về tố tụng và nội dung dẫn đến bản án, quyết định kinh doanh, thương mại bị hủy, sửa là: Xác định không đúng tư cách của đương sự; áp dụng lẽ công bằng không đúng; không thẩm định tại chỗ tài sản thế chấp… Trên cơ sở phân tích, đánh giá qua các vụ án cụ thể, tác giả đưa ra đề xuất hướng xử lý để các Kiểm sát viên tham khảo nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.

1. Một số sai sót về tố tụng dẫn đến bản án, quyết định kinh doanh, thương mại bị hủy, sửa

- Xác định không đúng tư cách tố tụng của đương sự:

Đối với các hợp đồng, thỏa thuận do chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân xác lập, thực hiện, nhiều trường hợp Tòa án xác định chi nhánh, phòng giao dịch là đương sự trong vụ án. Trường hợp khác, đối với hợp đồng, thỏa thuận do doanh nghiệp tư nhân xác lập, khi tham gia tố tụng, có Tòa án xác định doanh nghiệp tư nhân hoặc giám đốc doanh nghiệp (do chủ doanh nghiệp tư nhân thuê để quản lý doanh nghiệp) là đương sự.

Ví dụ: Vụ án “tranh chấp hợp đồng tín dụng” do Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh T giải quyết tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 01/2012/QĐST-KDTM ngày 04/5/2012 xác định nguyên đơn là Ngân hàng N - Chi nhánh thành phố T, bị đơn là Doanh nghiệp tư nhân sửa chữa ô tô H (do ông X là chủ doanh nghiệp). Quyết định trên đã bị hủy bởi Quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao do: Tòa án cấp sơ thẩm xác định không đúng tư cách đương sự của nguyên đơn và bị đơn.

Đề xuất: Trong trường hợp trên, Tòa án cần xác định pháp nhân là đương sự theo khoản 6 Điều 84 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015: “Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện”; đồng thời, cần xác định chủ doanh nghiệp tư nhân tham gia tố tụng theo khoản 1 Điều 188 Luật doanh nghiệp năm 2020: “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”. Cụ thể, trong vụ án trên, Tòa án cần xác định nguyên đơn là Ngân hàng N - chi nhánh thành phố T (do chi nhánh ngân hàng N tại thành phố T có tư cách pháp nhân); bị đơn là ông X (do doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân).

- Bỏ sót thành viên hộ gia đình có quyền đối với tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đứng tên “hộ gia đình”:

Ví dụ: Vụ án “tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng X với bị đơn là Công ty H. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà vợ chồng anh Q, chị T thế chấp năm 2010 có tên chủ sử dụng đất là “hộ Cao Huy Q” hoặc là “hộ Cao Huy Q, Nguyễn Thị T” để bảo đảm khoản vay cho Công ty H. Các sổ hộ khẩu thể hiện ông H (cha anh Q) ở cùng vợ chồng anh Q cho đến năm 2012 mới tách hộ. Trong khi đó, các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều được cấp các năm 2004 và 2006. Tòa án không đưa thành viên hộ gia đình (ông H) tham gia tố tụng là thiếu sót.

Đề xuất: Đối với trường hợp này, Kiểm sát viên cần áp dụng khoản 29 Điều 3 Luật đất đai năm 2013: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất” và Điều 212 BLDS năm 2015 quy định về sở hữu chung của các thành viên gia đình. Từ các căn cứ pháp luật trên, Kiểm sát viên kiểm sát việc Tòa án xác định đầy đủ các thành viên có quyền về tài sản vào tham gia tố tụng nhằm xem xét, xử lý triệt để vụ án. Để xác định số lượng người trong hộ gia đình có quyền về tài sản, Kiểm sát viên cần lưu ý: Không chỉ căn cứ vào nội dung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ hộ khẩu, mà cần xác định rõ thành viên của hộ thực sự có quyền về tài sản.

- Đình chỉ giải quyết vụ án do doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, bị giải thể không đúng:

Đối với doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, bị giải thể, một số Tòa án đình chỉ giải quyết do cho rằng vụ án không đủ điều kiện thụ lý, giải quyết là không đúng. Trường hợp này, Tòa án cần xác định cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức đó hoặc đại diện của họ tham gia tố tụng để tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

Ví dụ: Vụ án “tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng X với bị đơn là ông T, người liên quan là Công ty A. Trước đây, Công ty A nợ Ngân hàng X số tiền gốc 120.656,66 USD nên bị khởi kiện. Quá trình giải quyết, TAND thành phố H xác định: Ngày 09/10/2000, Công ty A bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên đã ra Quyết định số 13/2016/QĐST-KDTM đình chỉ giải quyết vụ án với lý do chưa đủ điều kiện khởi kiện, Tòa án cấp phúc thẩm cũng giữ nguyên quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng.

Đề xuất: Kiểm sát viên cần căn cứ điểm a khoản 2 Điều 74 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015: “Trường hợp tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh thì cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức đó hoặc đại diện của họ tham gia tố tụng” để yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án. Cụ thể trong vụ án này, Công ty A đã giải thể nên Ngân hàng X có quyền khởi kiện yêu cầu các thành viên của Công ty A trả nợ để tiếp tục giải quyết vụ án.

- Đình chỉ giải quyết vụ án hoặc trả lại đơn khởi kiện do bị đơn thay đổi địa chỉ không đúng:

Thực tế, không ít trường hợp sau khi vay được tài sản, bị đơn có dấu hiệu trốn nợ (như thay đổi địa chỉ trụ sở, chi nhánh; hoặc doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không tiến hành thủ tục giải thể, không xác định được địa chỉ của người quản lý, đại diện theo pháp luật). Khi khởi kiện, nguyên đơn ghi đúng địa chỉ bị đơn cung cấp lúc ký hợp đồng, thỏa thuận, nhưng không tống đạt cho đương sự được (do thay đổi địa chỉ), nên Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án hoặc trả lại đơn khởi kiện là không đúng pháp luật.

Đề xuất: Bộ t Tố tụng dân sự năm 2015 và Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS số 92/2015/QH 13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án (Nghị quyết số 04/2017) đã hướng dẫn cụ thể hơn về trường hợp bị đơn, người liên quan vắng mặt tại nơi cư trú. Điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015 và khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 04/2017 quy định: Người khởi kiện đã cung cấp địa chỉ “nơi cư trú, làm việc, hoặc nơi có trụ sở” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho Tòa án theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm nộp đơn khởi kiện mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì được coi là đã ghi đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan “cố tình giấu địa chỉ”, Kiểm sát viên cần xem xét có dấu hiệu hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không; từ đó, có định hướng tiếp tục giải quyết vụ án. Trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì Kiểm sát viên căn cứ các điểm a, b khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 04/2017 để kiểm sát việc Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án mà không đình chỉ hoặc trả lại đơn khởi kiện. Trường hợp Tòa án không thể xác định được nơi cư trú của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án có thể thông qua thủ tục niêm yết để xét xử vắng mặt hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi có yêu cầu của các đương sự khác trong vụ án.

2. Một số sai sót về nội dung dẫn đến bản án, quyết định kinh doanh, thương mại bị hủy, sửa

- Sai sót trong việc xác định nghĩa vụ thanh toán:

Ví dụ: Vụ án “tranh chấp hợp đồng xây dựng” giữa nguyên đơn Công ty V với bị đơn Tổng công ty X và Công ty Y. Trong đó, Tổng công ty X là chủ sở hữu của Công ty Y. Quá trình hoạt động, Công ty Y ký kết và thực hiện 04 hợp đồng thầu phụ với Công ty V về việc thi công xây dựng một số công trình giao thông. Công ty V đã thi công đúng tiến độ, nghiệm thu công trình và đối chiếu công nợ với Công ty Y. Tuy nhiên, đến nay Công ty Y và Tổng công ty X vẫn chưa thanh toán dứt điểm công nợ cho Công ty V. Do đó, Công ty V khởi kiện yêu cầu Tổng công ty X và Công ty Y liên đới trả cho Công ty V số nợ sau khi đối trừ số tiền nợ gốc là 10.936.408.249 đồng và 452.312.737 đồng tiền bảo hành công trình.

Tổng công ty X cho rằng Công ty Y là thành viên thuộc Tổng công ty X, có tư cách pháp nhân riêng biệt, hoạt động và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tổng công ty X không ký kết, không bảo lãnh thanh toán cho các hợp đồng Công ty V ký kết với Công ty Y nên không có nghĩa vụ trả nợ mà chỉ có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở Công ty Y thực hiện nghĩa vụ với khách hàng.

Công ty Y xác nhận còn nợ Công ty V tạm đối chiếu là 10.936.408.249 đồng. Công ty Y sẽ trả nợ cho Công ty V khi các thủ tục nghiệm thu thanh toán, trong đó gồm các khoản Công ty Y và Tổng công ty X quy định.

Đề xuất: Công ty Y là thành viên của Tổng công ty X (công ty mẹ - công ty con). Tổng công ty X là chủ sở hữu và nắm giữ 100% vốn điều lệ của Công ty Y. Việc Công ty Y ký kết các hợp đồng kinh tế với Công ty V là thực hiện theo sự chỉ đạo của Tổng công ty X, vì sau khi thực hiện xong dự án, Công ty Y đều phải trích tỉ lệ phần trăm cho “ban điều hành dự án” (đại diện cho Tổng công ty X).

Theo khoản 1 Điều 74 Luật doanh nghiệp năm 2020, điểm o khoản 2 Điều 49 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty X năm 2013 thì Tổng công ty X phải chịu trách nhiệm liên đới về các khoản nợ của Công ty Y với Công ty V.

Các hợp đồng được ký kết giữa Công ty Y với Công ty V là để thực hiện các dự án đầu tư của Tổng công ty X. Điều khoản về phương thức thanh toán trong các hợp đồng thực hiện trên cơ sở biên bản nghiệm thu của tư vấn, ban điều hành dự án lập phiếu thanh toán và được Tổng công ty X phê duyệt. Việc tạm ứng tiền, thanh toán tiền cho Công ty V phụ thuộc vào sự chấp thuận của Tổng công ty X.

Từ các lý do trên, cần xác định: Tổng công ty X và Công ty Y nợ Công ty V số tiền 15.887.292.822 đồng, trong đó gốc 10.936.08.249 đồng, lãi 4.498.566.843 đồng, tiền bảo hành 452.317.737 đồng.

- Nhận định áp dụng lẽ công bằng không đúng:

Ví dụ: Vụ án “tranh chấp hợp đồng xây dựng” giữa nguyên đơn là Công ty R với bị đơn là Công ty B. Công ty B là nhà thầu chính và Công ty R là nhà thầu phụ ký Hợp đồng thầu phụ số HVTS0207REE.01 ngày 02/5/2007 về việc Công ty R cung cấp gói thầu 3B “dịch vụ cơ điện” cho Dự án G do Công ty H là chủ đầu tư. Thời gian thi công kết thúc vào tháng 05/2008.

Quá trình thực hiện hợp đồng, tổng giá trị hợp đồng sau khi phát sinh tăng là 5.692.671,33 USD; còn 02 khoản phát sinh giảm các bên chưa thống nhất được nên dẫn đến tranh chấp gồm 100.640 USD do Công ty R vi phạm quy định về an toàn; phạt 5% hợp đồng tương đương 257.348,47 USD do chậm tiến độ.

Ngày 17/02/2012, Công ty R khởi kiện, đề nghị Tòa án giải quyết buộc Công ty B thanh toán toàn bộ số tiền còn nợ của Hợp đồng số HVTS0207REE.01 ngày 02/5/2007 là 17.782.155.340 đồng (nợ gốc là 549.978,54 USD tương đương 11.549.549.340 đồng và tiền lãi phát sinh tạm tính đến ngày 15/02/2012 là 6.232.606.000 đồng). Trường hợp Công ty B không thanh toán thì buộc Công ty H thanh toán toàn bộ khoản nợ của hợp đồng nêu trên.

Đề xuất: Việc Bản án sơ thẩm số 49/2018/KDTM-ST tuyên Công ty H phải có trách nhiệm liên đới thanh toán trực tiếp cho Công ty R vì lẽ công bằng là không hợp lý. Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự. Lẽ công bằng được quy định tại Điều 45 Mục 3 Chương III BLTTDS năm 2015 về giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng. Vụ án này có đầy đủ quy định của pháp luật để áp dụng và giải quyết tranh chấp giữa Công ty R và Công ty B (theo Điều 3 Hợp đồng thầu phụ thì quá trình thực hiện gói thầu 3B, Công ty H là chủ đầu tư chỉ trực tiếp thanh toán tiền cho nhà thầu phụ - Công ty R khi có xác nhận của nhà thầu chính). Như vậy, không thể áp dụng lẽ công bằng để buộc Công ty H thanh toán cho Công ty R, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty H. Thực tế, Công ty H là chủ đầu tư không liên quan đến việc kí kết hợp đồng, thanh toán giữa Công ty B và Công ty R. Công ty H cũng không bảo lãnh, cam kết thanh toán, mà chỉ có trách nhiệm thanh toán cho thầu chính, đôn đốc thầu chính thanh toán cho thầu phụ (Công ty R) trên cơ sở nghiệm thu của chủ đầu tư.

- Xác định việc phạt vi phạm không đúng:

Thực tế, nhiều hợp đồng tín dụng quy định thêm điều khoản về phạt vi phạm đối với việc quá hạn của hợp đồng ngoài việc chuyển sang nợ quá hạn. Về bản chất, đây là khoản phạt quá hạn (thường bằng 150% lãi suất trong hạn); khi phát sinh tranh chấp, nhiều Tòa án căn cứ thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng để công nhận điều khoản này là không đúng.

Ví dụ: Vụ án “tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng S với bị đơn là Công ty Đ, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị C, Nguyễn Thị T... Theo hợp đồng tín dụng, các bên thỏa thuận về lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất vay trong hạn và lãi phạt chậm trả (bằng 150% lãi suất vay trong hạn) đối với số tiền lãi chưa thanh toán đúng hạn theo hợp đồng là lãi chồng lãi, phạt chồng phạt.

Đề xuất: Hiện nay, chưa có quy định cho phép phạt nhiều lần về cùng một vi phạm trong hợp đồng tín dụng. Điều 12 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm (Nghị quyết số 01/2019) quy định nguyên tắc “chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn”. Do vậy, nếu các bên đã thỏa thuận về lãi suất quá hạn (thường bằng 150% lãi suất vay trong hạn) và còn quy định thêm khoản phạt chậm trả hoặc lãi đối với lãi chậm trả là không đúng.

- Không xem xét việc thẩm định tại chỗ tài sản thế chấp:

Không ít trường hợp, Tòa án không xem xét, thẩm định tại chỗ vì cho rằng không có ai yêu cầu; hoặc trường hợp vụ án bị hủy để xét xử lại thì Tòa án cho rằng giai đoạn xét xử trước đã xem xét, thẩm định tại chỗ. Sai sót này dẫn đến bản án, quyết định giải quyết vụ việc kinh doanh thương mại bị huỷ ở cấp giám đốc thẩm.

Ví dụ: Công ty K vay của Ngân hàng C 20 tỉ đồng, tài sản bảo đảm là nhà đất đứng tên bà Nguyễn Xuân H tại thôn P, xã M, huyện T, thành phố H. Do vi phạm nghĩa vụ thanh toán, Ngân hàng C khởi kiện yêu cầu Công ty K thanh toán tiền và xử lý tài sản thế chấp. Quá trình giải quyết, Bản án phúc thẩm (lần 2) số 43/2017/KDTM-PT ngày 06/3/2017 của TAND cấp cao quyết định: Trường hợp Công ty K không trả được nợ thì Ngân hàng C có quyền yêu cầu phát mãi nhà đất tại thôn P, xã M, huyện T, thành phố H theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AA242706 do Ủy ban nhân dân huyện T cấp ngày 20/8/2004 cho bà Nguyễn Xuân H để trả nợ cho Công ty K.

Tuy nhiên, thực tế tài sản này không còn là của bà Nguyễn Xuân H, do sau khi Bản án phúc thẩm (lần 1) số 168/2014/KDTM-PT ngày 17/9/2014 Tòa phúc thẩm buộc Ngân hàng C trả lại cho bà H giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AA242706, bà H đã chuyển nhượng cho bà A; bà A tách thửa đất trên thành nhiều thửa đất và chuyển nhượng cho nhiều người. Đến khi xét xử phúc thẩm lại (lần 2), Tòa án không xem xét thẩm định tại chỗ, xác định hiện trạng tài sản do ai đang quản lý, sử dụng và cũng không xử lý hậu quả của việc thi hành án theo khoản 5 Điều 313 BLTTDS năm 2015, nên đã bị cấp giám đốc thẩm hủy án để giải quyết lại phần tài sản thế chấp.

Đề xuất: Khi kiểm sát việc xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản bảo đảm, Kiểm sát viên cần kiểm sát chặt chẽ việc Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản thế chấp theo Điều 101 BLTTDS năm 2015. Cụ thể, việc xem xét, thẩm định tại chỗ của Tòa án có mô tả đúng, đầy đủ hiện trạng tài sản thế chấp không? Có đo vẽ, xác định chính xác cụ thể vị trí tài sản (trường hợp cần thiết phải có bản ảnh để quan sát tài sản trên thực tế) không? Xác định người có quyền đối với tài sản thế chấp, hoặc người đang quản lý, sử dụng không? Tài sản thế chấp trên thực tế khác gì so với tài sản thể hiện trên giấy tờ?

- Việc tuyên hợp đồng thế chấp bị vô hiệu không đúng:

Thực tế xảy ra nhiều trường hợp trên đất có nhiều loại tài sản mà có tài sản thuộc sở hữu của người sử dụng đất được thế chấp, có tài sản thuộc sở hữu của người khác. Khi giải quyết, một số Tòa án tuyên vô hiệu toàn bộ (hoặc vô hiệu một phần) hợp đồng thế chấp, trong khi hợp đồng này có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của pháp luật.

Ví dụ: Vụ án “tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng A với bị đơn là Công ty B. Để đảm bảo cho khoản vay được giải ngân 3.066.191.933 đồng, ngày 11/6/2008, ông Trần Duyên H và bà Lưu Thị Minh N đã thế chấp nhà, đất tại tổ 28, phường E, quận G, thành phố H, gồm: Diện tích 147,7m2 đất ở, 85m2 nhà ở, số tầng: 02+01, hợp đồng thế chấp được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm. Ngoài ra, thực tế còn có căn nhà 3,5 tầng do ông Trần Lưu G (con ông H) và bà N xây dựng năm 2002 nhưng chưa đăng ký sở hữu, không đưa vào hợp đồng thế chấp. Trường hợp này, trên đất có nhiều tài sản gắn liền với đất, trong đó có tài sản thuộc quyền sở hữu của người thế chấp, có tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác, mà người thế chấp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của mình. Nội dung và hình thức của hợp đồng thế chấp phù hợp với quy định của pháp luật thì có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết, Tòa án cấp phúc thẩm xác định hợp đồng thế chấp vô hiệu một phần hay vô hiệu toàn bộ (do thế chấp thiếu căn nhà 3,5 tầng) đều không đúng, nên đã bị cấp giám đốc thẩm hủy án để giải quyết lại phần tài sản thế chấp.

Đề xuất: Khi xem xét hiệu lực của hợp đồng thế chấp, BLDS năm 2015 đã quy định mới 02 điều luật (Điều 325 về thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất, Điều 326 về thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất) và có quy định mới về bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 133); Công văn Giải đáp nghiệp vụ số 02/2021/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của TAND tối cao (Mục 1 Phần III) có 03 án lệ liên quan đến hiệu lực của hợp đồng thế chấp. Nhìn chung, hợp đồng thế chấp được ký kết tự nguyện, có công chứng, chứng thực, tài sản đã được tổ chức tín dụng xem xét, thẩm định và đăng ký giao dịch bảo đảm đúng quy định, thì không vì lý do có tài sản phát sinh trên đất tranh chấp, giao dịch về tài sản trước đó vô hiệu để xác định hợp đồng thế chấp đó vô hiệu.

- Xác định lỗi và giải quyết hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng không đúng:

Ví dụ: Vụ án kinh doanh thương mại “tranh chấp hợp đồng dịch vụ tiếp thị và phân phối độc quyền” giữa nguyên đơn Công ty I với bị đơn Công ty Đ.

Ngày 01/12/2016, Công ty I và Công ty Đ ký Hợp đồng dịch vụ tiếp thị và phân phối độc quyền số 01122016/HĐDV-TT&PPĐQ/IDE-ĐXĐNB (gọi tắt là Hợp đồng số 01122016) có nội dung như sau: Công ty I đồng ý giao cho Công ty Đ thực hiện “dịch vụ tiếp thị và phân phối độc quyền” 1.082 sản phẩm căn hộ (hình thành trong tương lai), của 04 block nhà (B1, B2, B3 và B4) thuộc dự án G do Công ty I làm chủ đầu tư; đơn giá gốc là 14.500.000 đồng/m2, diện tích thương phẩm 70.932.07m2, tổng giá trị là 1.028.515.000.812 đồng. Công ty Đ là bên tiếp thị, môi giới và Công ty I là bên ký hợp đồng mua bán sản phẩm (căn hộ) với khách hàng; nếu ký thành công thì bị đơn được hưởng phí dịch vụ.

Ngày 12/02/2017, Công ty I khởi công xây dựng công trình. Ngày 24/5/2017, Công ty Đ chuyển tiền cọc cho Công ty I tổng cộng là 57.200.000.000 đồng (gồm tiền cọc của block B3, B4: 30.000.000.000 đồng; tiền cọc của block B1, B2: 27.200.000.000 đồng).

Ngày 30/5/2017, Sở Xây dựng thành phố H có Thông báo số 7510/SXD-PTN&TTBDS, nội dung là: 522 căn hộ thuộc block B3, B4 của Công ty I đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Quá trình thực hiện hợp đồng phát sinh mâu thuẫn, ngày 07/11/2017, Công ty I khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố Hợp đồng số 01122016 vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật (về mục đích sử dụng vốn huy động, mua bán sản phẩm không đủ điều kiện) và vi phạm hợp đồng.

Về phía bị đơn, Công ty Đ cũng đề nghị Tòa án tuyên chấm dứt Hợp đồng số 01122016 do các lỗi vi phạm của nguyên đơn. Đồng thời, bị đơn có yêu cầu phản tố buộc nguyên đơn thanh toán tổng số tiền: 314.051.392.704 đồng.

Đề xuất:

+ Về việc xác định lỗi của các bên dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng: Việc nguyên đơn yêu cầu tuyên bố Hợp đồng số 01122016 vô hiệu và không tiếp tục thực hiện hợp đồng được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng. Nguyên đơn cho rằng hợp đồng vi phạm điều cấm của luật và bị đơn vi phạm thỏa thuận của hợp đồng; bị đơn cũng có yêu cầu bồi thường thiệt hại vì cho rằng nguyên đơn chấm dứt hợp đồng hoàn toàn do lỗi của nguyên đơn. Tuy nhiên, Tòa án không xem xét, làm rõ lỗi của hai bên khiến hợp đồng không thực hiện được. Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa xác minh, làm rõ về lỗi của mỗi bên để xác định nghĩa vụ tương ứng với mức độ lỗi, mà chấp nhận hầu như toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn là không toàn diện, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.

+ Chưa xác định mối quan hệ nhân quả của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng và thiệt hại thực tế xảy ra: Hợp đồng số 01122016 chấm dứt theo yêu cầu của nguyên đơn, Tòa án chưa xác minh, làm rõ mức độ lỗi của mỗi bên và thiệt hại thực tế xảy ra (bao gồm những khoản nào, giá trị bao nhiêu) để làm cơ sở xác định trách nhiệm của từng bên và giải quyết triệt để vụ án, nhưng lại buộc nguyên đơn bồi thường gần như toàn bộ, cả những sản phẩm chưa bán được (nguyên đơn chưa ký hợp đồng với khách hàng) là không đúng với nguyên tắc về bồi thường thiệt hại.

Một số đề xuất hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác THQCT, KSĐT các vụ án xâm phạm trật tự xã hội

(Kiemsat.vn) - Từ một số tồn tại, hạn chế trong thực tiễn hoạt động ảnh hưởng tới chất lượng công tác THQCT, KSĐT các vụ án xâm phạm trật tự xã hội, trong phần này, tác giả bài viết đề xuất một số định hướng nhằm hoàn thiện pháp luật, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động THQCT, KSĐT các vụ án xâm phạm trật tự xã hội.

Viện kiểm sát nhân dân trong cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực tư pháp

(Kiemsat.vn) - Kiểm soát quyền lực tư pháp, dưới góc độ ngành KSND là phải tiếp tục tăng cường trách nhiệm, thực hiện hiệu quả chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, cũng như điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Đó chính là vai trò, trách nhiệm của VKSND trong cơ chế kiểm soát quyền lực tư pháp, mà cụ thể là kiểm sát chặt chẽ đối với việc thực hiện các thủ tục tố tụng tư pháp để bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang