Những kết quả nổi bật và giải pháp tiếp tục hoàn thiện công tác tương trợ tư pháp về hình sự trong thời gian tới
(kiemsat.vn) Hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự của Viện kiểm sát nhân dân những năm qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực cho việc giải quyết án hình sự có yếu tố nước ngoài. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác này, nâng cao vị thế của ngành KSND, trong thời gian tới, cần tập trung triển khai thực hiện các nhóm giải pháp: Hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp hình sự; tăng cường ký kết điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp hình sự; tăng cường nguồn nhân lực...
1. Kết quả hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự
Thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp (TTTP) về hình sự theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) năm 2014; qua 14 năm triển khai, thực hiện Luật TTTP năm 2007, hoạt động TTTP về hình sự của VKSND tối cao đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào việc giải quyết kịp thời các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, nâng cao hiệu quả hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, qua đó, góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thực hiện tốt vai trò là Cơ quan trung ương trong hoạt động TTTP về hình sự, trong tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết các yêu cầu TTTP và xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Để có cơ sở pháp lý thực hiện hoạt động TTTP về hình sự hiệu quả, VKSND tối cao đã ban hành một số văn bản hướng dẫn. Qua tổng kết thực tiễn và nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, VKSND tối cao đã xây dựng bộ mẫu văn bản ủy thác tư pháp về hình sự nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền lập hồ sơ ủy thác tư pháp đầy đủ, chính xác, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết vụ án hình sự.
Từ khi Luật TTTP năm 2007 có hiệu lực đến nay, VKSND tối cao đã chủ trì đàm phán và ký mới 15 Hiệp định điều chỉnh riêng về lĩnh vực TTTP về hình sự, trong đó có 03 Hiệp định được đàm phán, ký trên cơ sở tách khỏi các Hiệp định TTTP đa lĩnh vực đã ký trước đó (Hiệp định với Lào, Hunggary và Cuba; ngoài ra, có 04 Hiệp định đã đàm phán xong chờ ký chính thức (Hiệp định với Cộng hòa Séc, Italia, Uzbekistan và Nam Phi).
Về việc thực hiện các ủy thác tư pháp, số lượng ủy thác ngày càng gia tăng, nội dung ủy thác cũng đa dạng và phức tạp hơn. Từ ngày 01/01/2008 đến ngày 31/12/2020, VKSND tối cao đã tiếp nhận, xử lý tổng số 2.964 yêu cầu TTTP[1] của các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài gửi đến đề nghị Việt Nam hỗ trợ thực hiện (yêu cầu đến) và của các cơ quan tiến hành tố tụng trong nước đề nghị nước ngoài hỗ trợ thực hiện (yêu cầu đi), cụ thể là:
- Về yêu cầu đến: Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp nhận, xử lý 1.026 yêu cầu TTTP. Phía Việt Nam đã thực hiện và trả 815 kết quả cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, đạt tỉ lệ 79,43%. Phạm vi yêu cầu tương trợ chủ yếu là đề nghị hỗ trợ thu thập, cung cấp chứng cứ, lấy lời khai, xác minh lý lịch tư pháp, yêu cầu tống đạt tài liệu, giấy tờ, yêu cầu chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự... Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tập trung làm tốt công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát, theo dõi, đôn đốc tiến độ giải quyết. Do vậy, kết quả thực hiện đạt tỉ lệ khá cao; cơ bản đáp ứng về thời hạn, thủ tục và nội dung theo yêu cầu của phía nước ngoài, thể hiện thiện chí và cam kết hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của Nhà nước Việt Nam. Đáng chú ý, hoạt động TTTP về hình sự đã góp phần thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam bị bắt, điều tra, truy tố, xét xử ở nước ngoài.
- Về yêu cầu đi: Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp nhận, giải quyết 1.938 yêu cầu TTTP về hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng trong nước gửi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đề nghị thực hiện. Kết quả thực hiện của phía nước ngoài trả Việt Nam 544 yêu cầu, đạt 28,07%. Phạm vi yêu cầu đi cũng tương đồng với yêu cầu đến, trong đó, yêu cầu về xác minh lý lịch tư pháp chiếm tỉ lệ cao nhất, khoảng 70%.
Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các yêu cầu TTTP trong 12 năm qua theo hai giai đoạn cho thấy: Trước khi Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 có hiệu lực, số yêu cầu đến cao hơn yêu cầu đi. Sau khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực, các yêu cầu đi và đến đều tăng nhưng theo xu hướng ngược lại, yêu cầu đi nhiều hơn yêu cầu đến. Trong giai đoạn này đã bắt đầu xuất hiện một số yêu cầu tương trợ đi và đến liên quan đến phong tỏa và thu hồi tài sản do phạm tội mà có, thu thập chứng cứ dữ liệu điện tử, đề nghị nước ngoài và Việt Nam thu xếp để cán bộ có thẩm quyền Việt Nam và nước ngoài sang tham gia thực hiện tương trợ lẫn nhau, tổ chức cho người làm chứng sang nước yêu cầu để hỗ trợ điều tra, cung cấp chứng cứ, yêu cầu cho phép cán bộ có thẩm quyền nước ngoài vào Việt Nam tham gia vào quá trình tổ chức lấy lời khai người làm chứng qua cầu truyền hình, đề nghị cho phép tham gia khám xét và tịch thu các tài liệu, bằng chứng liên quan đến điều tra tội phạm xuyên quốc gia. Nội dung các yêu cầu TTTP về hình sự ngày càng đa dạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực và tội phạm nghiêm trọng[2]. Kết quả công tác TTTP hình sự đã góp phần tích cực vào việc kịp thời giải quyết các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, trong đó nhiều vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm, thu hồi tài sản về cho Nhà nước. Điển hình, trong vụ án đánh bạc do Phan Sào Nam cầm đầu, VKSND tối cao đã làm tốt vai trò là Cơ quan trung ương trong việc phát hiện, đề nghị phong tỏa và thu hồi về cho Nhà nước Việt Nam một khoản tiền khá lớn (2.652.164,35 USD và 126.749,80 SGD). Đây là lần đầu tiên, VKSND tối cao thực hiện thành công yêu cầu TTTP về thu hồi tài sản do phạm tội mà có.
2. Một số khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân
Phía nước ngoài thực hiện các yêu cầu TTTP cho Việt Nam còn rất hạn chế. Nhiều yêu cầu của Việt Nam gửi đi không được nước ngoài thực hiện hoặc thực hiện rất chậm, hoặc có kết quả nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của cơ quan lập ủy thác. Ngay cả với yêu cầu của Việt Nam lập trên cơ sở Hiệp định TTTP đã ký với các nước, tỉ lệ nhận được cũng chưa cao. Nhiều vụ án, vụ việc hình sự đã phải đình chỉ để chờ kết quả tương trợ của phía nước ngoài. Việc chậm có kết quả ủy thác đã ảnh hưởng tới thời hạn giải quyết vụ án của các cơ quan tố tụng Việt Nam dù VKSND tối cao thường xuyên gửi công hàm đôn đốc tiến độ giải quyết. Đặc biệt, đối với các yêu cầu tương trợ về truy tìm, kê biên, phong tỏa, tịch thu, trả lại tài sản do phạm tội mà có cũng còn nhiều vướng mắc, phía nước được yêu cầu đòi hỏi Việt Nam phải đáp ứng các chuẩn mực pháp lý rất chặt chẽ, thực hiện nhiều thủ tục tố tụng, cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đề nghị. Đây là thực trạng chung của các nước do loại hình tương trợ phức tạp và khó, hiệu quả phụ thuộc nhiều vào chuẩn mực pháp lý và thiện chí hợp tác của nước được yêu cầu. Các yêu cầu tương trợ liên quan đến tội phạm có khung hình phạt tử hình sẽ bị nhiều nước từ chối thực hiện nếu phía Việt Nam không đưa ra cam kết không áp dụng hình phạt tử hình, trong khi đó, pháp luật trong nước hiện nay chưa quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đưa ra cam kết này. Một số yêu cầu của Việt Nam gửi đi không đáp ứng điều kiện tội phạm kép nên phía nước ngoài trả lại không thực hiện vì đây là một trong những nguyên tắc phải đảm bảo trong hoạt động TTTP về hình sự; hoặc một số yêu cầu mà thiệt hại quá nhỏ, nước được yêu cầu cho rằng lãng phí nguồn lực của phía Bạn nên không thực hiện (điển hình là Mỹ và Singapore).
Mặt khác, ngôn ngữ trong ủy thác tư pháp là ngôn ngữ được quy định tại điều ước quốc tế mà hai bên đã ký kết. Trường hợp hai bên chưa ký Hiệp định thì hồ sơ ủy thác phải kèm theo bản dịch của nước được yêu cầu hoặc dịch ra một ngôn ngữ khác mà nước đó chấp nhận. Để đảm bảo tính pháp lý của hồ sơ ủy thác, cơ quan lập yêu cầu phải gửi hồ sơ đến các công ty dịch thuật hoặc các phòng công chứng để dịch, nhưng hiện nay hầu hết hệ thống các cơ quan này ở địa phương còn thiếu, hoặc có nhưng không chuyên nghiệp.
Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên những nguyên nhân chính sau: Pháp luật TTTP và thông lệ quốc tế không quy định thời hạn thực hiện tương trợ. Vì vậy, kể cả trường hợp yêu cầu tương trợ của Việt Nam gửi đề nghị nước ngoài thực hiện theo nghĩa vụ ràng buộc bởi các điều ước quốc tế thì việc có kết quả tương trợ theo thời hạn mong muốn không phải lúc nào cũng thuận lợi. Quá trình thực hiện tương trợ phụ thuộc vào quyền tài phán, quy định của pháp luật và thiện chí thực hiện của nước được yêu cầu, cho dù cơ quan trung ương về TTTP hình sự của Việt Nam thường xuyên liên hệ, đôn đốc tiến độ. Bên cạnh đó, cơ sở pháp lý của hoạt động TTTP về hình sự chưa hoàn thiện. Luật TTTP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008, nhưng một số quy định của Luật chỉ mang tính nguyên tắc chung, thiếu sự đồng bộ với BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Sự khác biệt về hệ thống pháp luật và quyền tài phán của nước yêu cầu và nước được yêu cầu; có trường hợp nước được yêu cầu đòi hỏi yêu cầu tương trợ của Việt Nam phải do Cơ quan trung ương về TTTP hình sự lập, hoặc phải gửi qua kênh ngoại giao mặc dù đã ký điều ước quốc tế. Số lượng các Hiệp định TTTP về hình sự đã ký kết còn hạn chế; một nửa trong số đó được ký từ những năm 80 với các nước Đông Âu và Liên Xô cũ, có nhiều điểm không còn phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu hội nhập sâu rộng hiện nay. Rào cản về ngôn ngữ cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, tiến độ giải quyết yêu cầu TTTP; một số trường hợp hồ sơ ủy thác gửi đi nước ngoài bị trả lại vì chất lượng bản dịch kém, dẫn đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không hiểu nội dung được đề nghị nên không thực hiện được.
Từ đầu năm 2020, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một số thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, các đường bưu chính trong nước, quốc tế bị chậm hoặc phải dừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động TTTP. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người tiến hành tố tụng về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác TTTP về hình sự trong đấu tranh phòng, chống tội phạm còn hạn chế, dẫn đến chậm lập hồ sơ yêu cầu tương trợ, thông tin không đầy đủ, chính xác, phải chuyển đi chuyển lại nhiều lần để bổ sung, kéo dài thời gian thực hiện... Ngoài ra, quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong thực hiện TTTP chưa chặt chẽ. Cách thức gửi yêu cầu TTTP về hình sự cho nước ngoài của một số cơ quan tiến hành tố tụng thiếu nhất quán, chẳng hạn: Không gửi yêu cầu tương trợ qua cơ quan trung ương là VKSND tối cao mà gửi tới Văn phòng Interpol Việt Nam, Sở Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán hoặc cơ quan lãnh sự các nước ở Việt Nam; cơ quan tiến hành tố tụng một số địa phương có chung đường biên giới với các nước láng giềng trực tiếp liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền nước bạn để yêu cầu tương trợ, nhưng không báo cáo với Cơ quan trung ương. Vì không phải là kênh tương trợ chính thức nên đa số yêu cầu TTTP gửi đi theo con đường này đều không có kết quả, trong khi đó, VKSND tối cao không nắm được thông tin để liên hệ với Cơ quan trung ương của nước ngoài đôn đốc tiến độ thực hiện.
3. Giải pháp tiếp tục hoàn thiện công tác tương trợ tư pháp về hình sự trong thời gian tới
Thế giới đang trong tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trước bối cảnh đó, để tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, thời gian tới, ngành Kiểm sát nhân dân cần phải quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; đặc biệt là những chủ trương quan trọng, cốt lõi được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết về cải cách tư pháp và Chiến lược quốc gia về phòng, chống tội phạm, tập trung triển khai thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm sau đây:
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về TTTP hình sự: Trên cơ sở nghiên cứu pháp luật TTTP hiện hành và các quy định có liên quan trong BLTTHS năm 2015, Luật tổ chức VKSND năm 2014, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018; nghiên cứu, so sánh luật TTTP về hình sự của các quốc gia trên thế giới, các điều ước quốc tế về TTTP hình sự cho thấy cần thiết phải hoàn thiện khung pháp luật TTTP về hình sự của Việt Nam nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật quốc gia với luật pháp quốc tế. Trọng tâm của giải pháp này là hoàn thiện Luật TTTP và BLTTHS, cụ thể:
- Xây dựng Luật tương trợ tư pháp về hình sự riêng biệt: Luật TTTP năm 2007 là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền ở Việt Nam hợp tác với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài khi có yêu cầu tương trợ. Thực tiễn 14 năm thực hiện Luật này cho thấy một số quy định còn thiếu, hoặc chưa đồng bộ với các Hiệp định TTTP mà Việt Nam đã ký kết gần đây, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn theo hướng tách riêng Luật TTTP về hình sự. Như vậy mới khắc phục được những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động TTTP về hình sự trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ký kết các Hiệp định TTTP về hình sự giữa Việt Nam với nước ngoài; bảo đảm hài hòa hóa và giảm bớt xung đột pháp luật Việt Nam với nước ngoài trong lĩnh vực này, phù hợp hơn với các điều ước quốc tế có liên quan đến TTTP về hình sự mà Việt Nam là thành viên.
- Sửa đổi BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021): Bộ luật này đã bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động TTTP về hình sự, điển hình là quy định về tương trợ thu hồi tài sản do phạm tội mà có, tổ chức cho cán bộ có thẩm quyền ra nước ngoài tham gia thực hiện các yêu cầu TTTP về hình sự của Việt Nam. Mặc dù vậy, vẫn còn những vướng mắc, bất cập cần tiếp tục được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung như sau: Bổ sung quy định về thời hạn giải quyết vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài. Quy định về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự cũng như thời hạn trong các giai đoạn xét xử vẫn được áp dụng chung, không có sự phân biệt đối với vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài. Tại Phần thứ VIII về Hợp tác quốc tế trong Bộ luật này cần bổ sung các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền về xử lý tài sản do phạm tội mà có; trình tự, thủ tục thực hiện kê biên, phong tỏa, tịch thu, trả lại tài sản do phạm tội mà có theo yêu cầu ủy thác của nước ngoài; quy định về chuyển hóa lệnh, quyết định của nước ngoài để thực hiện tại Việt Nam; trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền hợp tác phối hợp điều tra, áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Hai là, tăng cường ký kết điều ước quốc tế về TTTP hình sự: Cần tổng kết công tác ký kết, gia nhập và thực hiện các Hiệp định TTTP của nước ta từ đầu những năm 80 đến nay làm cơ sở cho việc đàm phán sửa đổi, bổ sung các Hiệp định hiện hành. Do những Hiệp định này được ký kết trước thời điểm ban hành Luật TTTP nên một số nội dung liên quan đến hoạt động TTTP về hình sự không tương thích với Luật TTTP năm 2007, ảnh hưởng đến hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực này giữa Việt Nam với các nước. Đồng thời, tăng cường đề xuất đàm phán, ký Hiệp định TTTP về hình sự với các nước, nhất là các nước thuộc đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các nước có quan hệ hợp tác kinh tế - đầu tư phát triển với nước ta, các nước có quan hệ truyền thống, các nước láng giềng, hoặc có đông người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập.
Ba là, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật TTTP về hình sự: Tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn và phối hợp liên ngành, đặc biệt tăng tính chủ động và kịp thời trong phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, giữa hai cơ quan này với Vụ 13 VKSND tối cao trong việc lập, gửi, bổ sung thông tin yêu cầu tương trợ cho nước ngoài. Bên cạnh đó, VKSND tối cao tiếp tục chủ động phối hợp, tăng cường liên hệ, gặp gỡ và làm việc trực tiếp với các Cơ quan trung ương về TTTP hình sự của các nước có phát sinh nhiều yêu cầu để phối hợp trong trao đổi thông tin; giải thích pháp luật và trình tự, thủ tục thực hiện TTTP của mỗi bên; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đôn đốc, thống nhất các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các yêu cầu TTTP mới cũng như các yêu cầu TTTP tồn đọng.
Bốn là, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lập, gửi và thực hiện các yêu cầu TTTP, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên toàn cầu ảnh hưởng đến việc gửi và nhận hồ sơ thông qua đường bưu điện. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tới các cơ quan tiến hành tố tụng, đến đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên để nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác này, về nội dung các văn bản pháp luật liên quan đến TTTP hình sự và kinh nghiệm tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.
Năm là, tăng cường nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách thực hiện công tác TTTP về hình sự; bảo đảm kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuyên gia thực hiện công tác TTTP về hình sự cần được quan tâm đúng mức; kết hợp hiệu quả các hình thức đào tạo ở trong nước và nước ngoài nhằm đảm bảo có đội ngũ cán bộ chuyên trách hiểu biết sâu về chuyên môn, kiến thức pháp luật trong nước và quốc tế, trình độ ngoại ngữ tốt để đàm phán, trao đổi với đối tác nước ngoài, từ đó sẽ nâng cao hiệu quả thực hiện TTTP về hình sự giữa Việt Nam với các nước./.
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
7Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.