Không tự nguyện thi hành án, chuyển nhượng toàn bộ tài sản cho người khác có phạm tội không?

24/03/2025 08:58

(kiemsat.vn)
Người phải thi hành án đang phải thi hành bản án nhưng đã chuyển nhượng tài sản duy nhất của mình cho người khác và không tự nguyện thi hành án, dẫn đến mất khả năng thi hành án. Có nhiều quan điểm không thống nhất về cách xử lý đối với hành vi này. Tác giả cho rằng, Chấp hành viên cần khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng để xử lý tài sản và thi hành án cho người được thi hành án.

Tình huống pháp lý: Căn cứ vào Bản án số 455/2016/DSPT ngày 08/12/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh T và Quyết định thi hành án theo yêu cầu số 784/QĐ-CCTHADS ngày 17/01/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh T, thì bà H có nghĩa vụ trả cho ông S số tiền 241 triệu đồng và lãi chậm trả theo quy định của pháp luật.

Quá trình thi hành án, bà H không tự nguyện thi hành án nên Chấp hành viên đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của bà H thì được biết bà H có duy nhất tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 35, tờ bản đồ số 8, diện tích 404,4m2 tại ấp 4, xã T, huyện C, tỉnh T. Tại thời điểm xác minh do tài sản của bà H đang thế chấp vay ngân hàng nên Chấp hành viên không thể tiến hành kê biên, xử lý tài sản.

Ngày 15/02/2023, bà H đã lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với thửa đất nêu trên cho ông N với giá trị chuyển nhượng ghi trong hợp đồng là 2 tỉ 200 triệu đồng, mà không thông báo cho ông S để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án (hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và được Văn phòng công chứng M công chứng số 556, Quyển số 01/2023 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 15/02/2023). Tuy nhiên, giá thực tế của thửa đất, căn nhà và số tiền bà H nhận chuyển nhượng từ ông N là trên 04 tỉ đồng.

Sau khi lập hợp đồng chuyển nhượng, ông N đã làm thủ tục đứng tên giấy chứng nhận. Thửa đất trên là tài sản duy nhất của bà H, sau khi nhận tiền từ ông N, bà H cũng không lấy số tiền này để trả cho người được thi hành án.

Vậy vấn đề đặt ra là: Làm thế nào để buộc bà H phải thi hành bản án và thực hiện nghĩa vụ đối với ông S? Bà H có phạm tội và bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà H theo khoản 3 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015). Bởi lẽ:

 Điều 175 BLHS năm 2015 quy định:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm”.

Trong trường hợp này, bà H vay tiền ông S qua hình thức giấy vay và đã quá hạn trả; Tòa án đã xét xử và ra bản án có hiệu lực pháp luật yêu cầu bà H trả cho ông S số tiền gốc và lãi chậm trả. Bà H đã dùng thủ đoạn gian dối tẩu tán tài sản (chuyển nhượng nhà và quyền sử dụng đất là tài sản duy nhất của mình) để cố ý làm mất điều kiện thi hành án, không trả tiền cho ông S. Mặt khác, khi chuyển nhượng tài sản cho ông N, bà H thực tế nhận hơn 4 tỉ đồng, thừa khả năng để thi hành án nhưng vẫn cố ý không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Với hành vi đã phân tích, có đủ căn cứ khẳng định bà H vay tài sản của ông S qua hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó, đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo khoản 3 Điều 175 BLHS năm 2015.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả cho rằng: Chỉ có thể xử lý hình sự bà H về hành vi chiếm đoạt tài sản của ông N, mà không thể xử lý hình sự bà H về hành vi tẩu tán, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án đối với ông S. Bởi lẽ:

Thứ nhất, trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên chưa áp dụng một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án theo Điều 71 Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, nên không thể xử lý hình sự hành vi không chấp hành bản án của Tòa án theo Điều 380 của BLHS năm 2015 đối với bà H (bà H chưa bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án và cũng chưa bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này).

Thứ hai, không thể xử lý bà H về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của ông S, vì việc vay mượn của bà H đã được xét xử bằng một bản án có hiệu lực pháp luật và đang trong giai đoạn thi hành án, nhưng Chấp hành viên không áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp, nên bà H có điều kiện tẩu tán tài sản. Nói cách khác, tài sản (nhà và quyền sử dụng đất) của bà H chưa nằm dưới sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chưa được xác định là đối tượng thi hành án, nên không có cơ sở khẳng định bà H chuyển nhượng nhà và quyền sử dụng đất là nhằm chiếm đoạt tài sản của ông S.

Theo tác giả, cần giải quyết vụ việc này như sau: Chấp hành viên cần khởi kiện bà H để yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được Văn phòng công chứng M công chứng số 556, Quyển số 01/2023 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 15/02/2023 vô hiệu do giả tạo, vì bà H tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Đồng thời, yêu cầu hủy nội dung thay đổi và cơ sở pháp lý về việc cho ông N đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Cơ sở để Chấp hành viên yêu cầu là: Hợp đồng chuyển nhượng giữa bà H và ông N là hợp đồng giả tạo, nhằm trốn tránh nghĩa vụ đối với bên được thi hành án theo Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015. Căn cứ vào Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự (Nghị định số 62/2015) và Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015, thì trường hợp này, Chấp hành viên được quyền khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu (khoản 6 Điều 24 Nghị định số 62/2015).

Sau khi Tòa án ra bản án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Chấp hành viên, thì Chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản là nhà và thửa đất nêu trên để thi hành án cho ông S theo quy định của pháp luật.

Trường hợp Tòa án ra bản án xác định nhà và quyền sử dụng đất của bà H là đối tượng thi hành án cho ông S, hợp đồng chuyển nhượng giữa bà H và ông N vô hiệu, mà bà H vẫn cố ý không trả lại số tiền đã nhận cho ông N, thì ông N có quyền khởi kiện yêu cầu bà H trả lại tiền; hoặc ông N có quyền tố cáo, yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hình sự đối với hành vi của bà H về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS năm 2015 với lý do: Trong quá trình ký kết hợp đồng chuyển nhượng, bà H đã có hành vi gian dối, khai không đúng giá trị chuyển nhượng để trốn thuế và khai không đúng tình trạng thực tế của tài sản (nhà và quyền sử dụng đất là tài sản duy nhất để thi hành án), không thông báo về giao dịch giữa bà và ông N cho ông S biết nhằm chiếm đoạt tài sản của ông N.

Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong quý đồng nghiệp và bạn đọc trao đổi, góp ý.

Trần Tú Anh - Huỳnh Minh Khánh

Trao đổi về xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản trong vụ án “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”

(Kiemsat.vn) - Các bị cáo cùng gây thiệt hại trong vụ án “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, về dân sự các bị cáo đã thỏa thuận bồi thường thiệt hại xong với nguyên đơn dân sự bằng văn bản, nguyên đơn dân sự đã nhận được tiền và đã có quan điểm nhất trí về phần bồi thường của các bị cáo. Tuy nhiên xoay quanh vấn đề về trách nhiệm bồi thường của các bị cáo đối với tài sản của Nhà nước còn có các quan điểm khác nhau.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang