Trao đổi về xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản trong vụ án “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”

20/03/2025 14:15

(kiemsat.vn)
Các bị cáo cùng gây thiệt hại trong vụ án “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, về dân sự các bị cáo đã thỏa thuận bồi thường thiệt hại xong với nguyên đơn dân sự bằng văn bản, nguyên đơn dân sự đã nhận được tiền và đã có quan điểm nhất trí về phần bồi thường của các bị cáo. Tuy nhiên xoay quanh vấn đề về trách nhiệm bồi thường của các bị cáo đối với tài sản của Nhà nước còn có các quan điểm khác nhau.

Theo nội dung vụ án, ngày 01/01/2021, tại rừng Dương Pha là rừng tự nhiên phòng hộ, có vị trí lô 222, khoảnh 2, tiểu khu 118 thuộc địa phận xã X, huyện Y, tỉnh T.H, Hơ Vạ L, Hơ Văn V cùng Hơ Văn C, Hơ Văn L, Hơ Văn D và Gia Văn V bị Tổ công tác Đồn Biên phòng P.N, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh T.H phát hiện về hành vi dùng máy cưa cắt (khai thác trái phép) 01 cây dỗ Dẻ, có tổng khối gỗ tròn là 8,063m3. Đến 14 giờ ngày 01/01/2021, Hơ Vạ L và Hơ Văn V đã đến cơ quan CSĐT Công an huyện Y đầu thú về hành vi đã nhờ Hơ Văn C, Hơ Văn L, Hơ Văn D và Gia Văn V cùng đi cắt gỗ giúp đem về sửa nhà ở.

Ảnh minh họa.

Quá trình điều tra xác định, căn cứ bản đồ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và bản đồ, hồ sơ theo dõi diễn biến rừng huyện Y tỉnh T.H năm 2020 cho thấy khu vực cây rừng bị khai thác (lô 222, khoảnh 2, tiểu khu 118) thuộc loại rừng tự nhiên phòng hộ và được giao cho Đồn Biên phòng P.N, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh T.H quản lý, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 01/10/2001 của UBND tỉnh T.H. Theo kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự UBND huyện Y thì cây gỗ bị khai thác trái phép có giá trị là 32.252.000 đồng.

Các bị cáo Hơ Vạ L, Hơ Văn V cùng Hơ Văn C, Hơ Văn L, Hơ Văn D và Gia Văn V bị Viện kiểm sát truy tố về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 232 Bộ luật Hình sự. Về dân sự, mặc dù các bị cáo đều thuộc hộ nghèo nhưng đã tự nguyện bồi thường cho nguyên đơn dân sự Đồn Biên phòng P.N tổng số tiền là 6.000.000 đồng, trong đó mỗi bị cáo bồi thường khắc phục hậu quả 1.000.000 đồng cho Đồn Biên phòng P.N, Đồn Biên phòng P.N đã nhận và không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thêm bất cứ khoản chi phí nào khác.

Tại phiên tòa đại diện Đồn Biên phòng P.N (được xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án) vẫn giữ nguyên quan điểm nhất trí với sự tự nguyện bồi thường của các bị cáo với tổng số tiền bồi thường là 6.000.000 đồng và không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thêm bất cứ khoản chi phí nào khác.

Bên cạnh đó, các bị cáo cũng nhất trí giữ nguyên quan điểm về phần bồi thường thiệt hại đã thực hiện xong với nguyên đơn dân sự và đề nghị ghi nhận, với lý do các bị cáo đều là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

Đồng thời khối gỗ tròn nêu trên cũng đã được niêm phong và bàn giao lại cho Đồn Biên phòng P.N quản lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tài sản bị thiệt hại là 01 cây dỗ Dẻ, có tổng khối gỗ tròn là 8,063 m3, giá trị là 32.252.000 đồng, được xác định là tài sản của nhà nước, có giá trị theo kết quả giám định cao hơn rất nhiều so với số tiền mà các bị cáo đã thỏa thuận bồi thường cho nguyên đơn dân sự (chênh lệch số tiền là 26.252.000 đồng). Về vấn đề này có các quan điểm sau:

- Quan điểm thứ nhất (cũng là quan điểm của tác giả) cho rằng: Đồn Biên phòng P.N là đơn vị có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, Đồn Biên phòng P.N là chủ rừng, theo quyết định giao đất của UBND tỉnh T.H với mục đích ban đầu là sản xuất lâm nghiệp, đại diện hợp pháp thực hiện các quyền và nghĩa vụ có liên quan. Trong vụ án, các bị cáo đã khai thác 01 cây gỗ Dẻ có khối lượng là 8,063 m3 trong khu vực do Đồn biên phòng P.N đang quản lý, bảo vệ, tài sản đó sau khi bị chặt hạ đã được thu giữ và bàn giao cho Đồn biên phòng P.N quản lý theo quy định, như vậy tài sản đã được thu hồi và không bị mất đi.

Các bị cáo và nguyên đơn dân sự đã thống nhất xong về vấn đề bồi thường thiệt hại với số tiền là 6.000.000 đồng và có văn bản ghi nhận việc thỏa thuận này, trong đó mỗi bị cáo bồi thường khắc phục hậu quả 1.000.000 đồng cho Đồn Biên phòng P.N, Đồn Biên phòng P.N cũng đã có văn bản và ý kiến tại phiên tòa trong đó thể hiện quan điểm đã nhận đủ số tiền trên và không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thêm bất cứ khoản chi phí nào khác.

Căn cứ các quy định của Bộ luật Dân sự, nhận thấy việc thỏa thuận giữa các bên là không trái pháp luật và đạo đức xã hội nên cần ghi nhận sự tự nguyện thống nhất thỏa thuận bồi thường giữa các bên. Bên cạnh đó, hoàn cảnh gia đình của các bị cáo hiện nay đều rất khó khăn. Vì vậy đối với số tiền 26.252.000 đồng là số tiền chênh lệch giữa giá trị của cây dỗ Dẻ bị khai thác trái phép và số tiền các bị cáo đã bồi thường thì không cần buộc các bị cáo phải tiếp tục bồi thường số tiền chênh lệch đó, nhằm đảm bảo phù hợp với ý chí nguyện vọng các bên theo tinh thần của Luật dân sự, phù hợp với thực tiễn hoàn cảnh, khả năng của các bị cáo, đồng thời giải quyết xong vụ án.

- Quan điểm thứ hai cho rằng: Tài sản bị thiệt hại trong vụ án là 01 cây dỗ Dẻ, có tổng khối gỗ tròn là 8,063 m3, có giá trị là 32.252.000 đồng. Đây là tài sản thuộc về Nhà nước giao cho Đồn Biên phòng P.N quản lý, bảo vệ; do đó Đồn Biên phòng P.N không phải là chủ sở hữu của tài sản nói trên mà chỉ là đơn vị được Nhà nước giao quyền quản lý, bảo vệ tài sản của Nhà nước.

Do đó, việc các bị cáo tự nguyện bồi thường đối với tài sản thông qua Đồn Biên phòng P.N, thực chất là các bị cáo đang bồi thường cho Nhà nước, còn Đồn Biên phòng P.N chỉ tham gia tố tụng với vai trò là nguyên đơn dân sự trong vụ án. Hiện nay các bị cáo mới chỉ bồi thường được cho Nhà nước số tiền là 6.000.000 đồng, còn đối với số tiền 26.252.000 là số tiền chênh lệch giữa giá trị cây gỗ và số tiền các bị cáo đã bồi thường thì chưa bồi thường xong, cần phải buộc các bị cáo tiếp tục bồi thường thiệt hại tài sản cho Nhà nước thông qua Đồn Biên phòng P.N nhằm đảm bảo bảo vệ đầy đủ giá trị tài sản bị thiệt hại, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.

Vì vậy, cần căn cứ khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự, các Điều 584, 585, 586, 587, khoản 1 Điều 590 Bộ luật Dân sự, buộc tất cả các bị cáo phải tiếp tục liên đới bồi thường cho Nhà nước với số tiền là 26.252.000 đồng (thông qua Đồn Biên phòng P.N) mới đảm bảo giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật một cách triệt để, đầy đủ.

Trên đây là quan điểm trao đổi, tác giả rất mong nhận được ý kiến đóng góp trao đổi thêm của quý đồng nghiệp và bạn đọc.

VKSND cấp cao tại Đà Nẵng tổ chức Hội nghị chuyên đề rút kinh nghiệm trong các vụ án hành chính

(Kiemsat.vn) - Ngày 18/3, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng tổ chức Hội nghị chuyên đề “Rút kinh nghiệm đối với các vụ án hành chính bị hủy, sửa có trách nhiệm của Viện kiểm sát trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2023 - 2024”. Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang