Một số kinh nghiệm trong kiểm sát thu, chi, quản lý tiền thi hành án dân sự

21/03/2025 13:25

(kiemsat.vn)
Kiểm sát hoạt động thu, chi và quản lý tiền thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự là một trong những nội dung của kiểm sát thi hành án dân sự. Thông qua công tác kiểm sát thường xuyên và kiểm sát trực tiếp tại cơ quan thi hành án dân sự hai cấp, tác giả nhận diện một số dạng vi phạm thường gặp, đồng thời, rút ra một số bài học kinh nghiệm khi kiểm sát thu, chi, quản lý tiền thi hành án.

Một số dạng vi phạm thường gặp về thu, chi, quản lý tiền thi hành án

Hoạt động kiểm sát thi hành án dân sự (THADS) thời gian qua đã phát hiện nhiều vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là vi phạm về thu, chi, quản lý tiền thi hành án, cụ thể:

Vi phạm về lập sổ, sử dụng sổ và kết sổ kế toán: Mở và sử dụng 02 hệ thống sổ kế toán; không mở thêm sổ chi tiết; không kết sổ đúng quy định; không cập nhật đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào sổ kế toán hoặc cập nhật nhưng không phân tích cụ thể vụ việc, địa chỉ của người nộp tiền, người được nhận…

Vi phạm về lập chứng từ, xóa chứng từ kế toán: Số phiếu thu, phiếu chi không liên tục, còn chèn số, không ghi đầy đủ nội dung, có dấu chỉnh sửa; xóa chứng từ kế toán không đúng nguyên tắc, chứng từ hủy không còn thể hiện; giấy nộp tiền vào tài khoản mở tại kho bạc có dấu tẩy xóa, chỉnh sửa nội dung ngày, tháng, năm và số tài khoản.

Vi phạm về thu, nộp tiền thi hành án: Nộp không đầy đủ, nộp không đúng hạn số tiền thi hành án thu được; vi phạm trong việc xuất, nhập quỹ nhưng không lập chứng từ kế toán; vi phạm về quản lý vật chứng, tài sản là tiền, vàng, ngoại tệ (không gửi bảo quản tại kho bạc, mà bảo quản tại kho vật chứng của đơn vị; không gửi hoặc chậm gửi tiết kiệm tại ngân hàng).

Vi phạm về thanh toán tiền thi hành án, trả lại tiền, tài sản cho đương sự: Thanh toán chậm so với thời hạn quy định hoặc thanh toán khi chưa giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, thanh toán không hết số tiền thi hành án thu được, để tồn đọng; vi phạm về việc không chuyển tiền thu cho ngân sách Nhà nước, đối với khoản tiền đặt trước của người tham gia đấu giá không được nhận lại theo Điều 39 Luật đấu giá tài sản; tiền án phí thu từ tiền tạm thu hoặc tạm giữ để đảm bảo thi hành án.

Thu phí thi hành án không đúng quy định như: Thu phí đối với trường hợp không phải chịu phí thi hành án, mức thu,…; vi phạm về tạm ứng, hoàn ứng, thanh toán tiền chi phí cưỡng chế trễ hạn hoặc lập khống chứng từ để thanh toán tiền; không cập nhật hồ sơ vào sổ thụ lý án, không tổ chức thi hành án đối với các hồ sơ trả tiền, tài sản cho đương sự; quản lý tiền không khớp đúng giữa sổ kế toán, báo cáo và tiền mặt tại quỹ thi hành án.

Tại kho vật chứng thi hành án không có số vật chứng của một số vụ án Công an chuyển cho cơ quan THADS quản lý theo quy định, do thủ kho chiếm đoạt, không còn cập nhật trong  sổ quản lý vật chứng tại kho...

Một số khó khăn, vướng mắc khi kiểm sát thu, chi, quản lý tiền thi hành án

Thứ nhất, hiện có nhiều văn bản pháp luật và hướng dẫn thi hành về thu, chi, quản lý tiền THADS dẫn đến thiếu tập trung, bất cập trong thực tiễn áp dụng: Luật THADS năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2018, 2020, 2022; Luật kế toán năm 2015; Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; các nghị định của Chính phủ; thông tư của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp; các thông tư liên tịch... Bên cạnh đó, lại thiếu các quy định pháp luật để điều chỉnh trong một số trường hợp cụ thể, như: Khi Chấp hành viên xử lý tài sản (định giá, bán tài sản) thi hành án theo quy định khoản 3 Điều 98, khoản 2 Điều 126 Luật THADS năm 2008 gặp khó khăn do chưa có quy định về trình tự, thủ tục xác định giá trị tài sản nhỏ, không bán được, không còn giá trị sử dụng; chưa quy định thành phần, chi phí thực hiện tiêu hủy đối với các loại tài sản này; chưa quy định việc gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng thì gửi tại hệ thống ngân hàng nào, trách nhiệm theo dõi, quản lý của ngân hàng nhận gửi tiền thi hành án (có tính chất đặc thù) như thế nào? Chưa có chế tài xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp cá nhân vi phạm về thời hạn chậm gửi tiền vào ngân hàng, kho bạc; cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khi không thực hiện nghiêm kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), để xảy ra tình trạng trả lời chậm hoặc không trả lời kiến nghị, kháng nghị, hoặc không khắc phục vi phạm kịp thời hoặc vi phạm lặp đi lặp lại.

Thứ hai, đặc thù của công tác THADS là số tiền thi hành án rất lớn và chi tiết rất nhiều khoản thu chi như: Tiền tạm thu, tiền thi hành án đã thu nhưng trong tình trạng chờ xử lý; việc thu, chi tiền thi hành án diễn ra liên tục, nhưng cơ chế phối hợp nội bộ cơ quan THADS giữa cấp trên và cấp dưới, chủ tài khoản, kế toán, thủ quỹ và Chấp hành viên chưa chặt chẽ, còn những khó khăn, bất cập. 

Qua các vụ án hình sự về tham nhũng, đối tượng bị xâm hại là tiền thi hành án xảy ra tại địa phương thời gian qua cho thấy, người phạm tội đều là chủ tài khoản (Thủ trưởng cơ quan THADS) và Kế toán hoặc Thủ quỹ cấu kết chiếm đoạt tiền, với các thủ đoạn: (1) Khi nhận tiền thi hành án, Kế toán đã không cập nhật vào sổ kế toán hoặc sử dụng phần mềm để đưa khoản thu ra khỏi hệ thống sổ kế toán; (2) Thủ tục rút tiền ra khỏi quỹ thi hành án không cần đề nghị của Chấp hành viên, mà do chủ tài khoản và kế toán lập thủ tục ủy nhiệm chi chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng, kho bạc sang tài khoản cá nhân, không qua tài khoản quỹ thi hành án.

Thứ ba, cơ quan THADS chưa phát huy đầy đủ, hiệu quả quan hệ phối hợp với VKSND trong công tác quản lý điều hành, tổ chức thi hành án, thanh toán tiền thi hành án. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc không phát hiện đầy đủ, kịp thời các hành vi chiếm dụng, chiếm đoạt tiền thi hành án. Hoạt động kiểm sát rất tích cực đối chiếu số liệu giữa sổ sách kế toán, tài liệu có trong hồ sơ thi hành án, cũng khó có thể phát hiện ra sai phạm.

Thứ tư, qua công tác kiểm sát THADS hầu như không phát sinh thông tin phản ánh của đương sự về việc quản lý, phân phối tiền thanh toán, do ngại va chạm với cơ quan, cá nhân tổ chức thi hành án.

Thứ năm, thực tế còn thiếu cán bộ làm công tác kiểm sát THADS có trình độ chuyên môn sâu về nghiệp vụ kế toán mà chủ yếu qua công tác tự đào tạo, học tập rút kinh nghiệm; nên khi kiểm tra, phân tích các tài khoản và số dư tài khoản trong hoạt động thu, chi tiền thi hành án gặp nhiều khó khăn.

Kinh nghiệm rút ra trong công tác kiểm sát thu, chi, quản lý tiền thi hành án

Trước hết, cần nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm trong kiểm sát THADS, nhất là công tác kiểm sát thu, chi, quản lý tiền thi hành án, để có đầu tư thực chất, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của được giao.

Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành bộ nhận diện một số hành vi tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ đơn vị, để quán triệt công chức, người lao động thực hiện tốt hơn công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ và đối tượng kiểm sát, nhất là nhận diện hành vi vi phạm mới để kịp thời phát hiện vi phạm, tội phạm.

Thứ hai, để thực hiện tốt nhiệm vụ, công chức, người trực tiếp kiểm sát phải nắm vững kiến thức pháp luật về THADS, kỹ năng phát hiện vi phạm và thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị.

Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn; các quy định của quy chế, quy trình, kỹ năng công tác kiểm sát và hướng dẫn của Viện kiểm sát cấp trên (kể cả ngành khác có liên quan), như: Quy chế công tác kiểm sát THADS, thi hành án hành chính, ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC-V11 ngày 20/12/2016 của VKSND tối cao; Quy định về quy trình, kỹ năng trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan THADS và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS, thi hành án hành chính, ban hành kèm theo Quyết định số 94/QĐ-VKSTC ngày 22/3/2021 của VKSND tối cao; quy trình, kỹ năng kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án, ban hành kèm theo Quyết định số 308/QĐ-VKSTC ngày 29/8/2023 của VKSND tối cao; Hướng dẫn số 26/HD-VKSTC ngày 07/6/2021 của VKSND tối cao về một số kỹ năng của Kiểm sát viên khi kiểm sát THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế;  Quy trình tổ chức thi hành án trong nội bộ cơ quan THADS, ban hành kèm theo Quyết định số 442/QĐ-TCTHADS ngày 01/6/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục THADS; các thông báo rút kinh nghiệm của Vụ nghiệp vụ và Tổng cục THADS.

Thứ ba, thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, hội nghị trao đổi chuyên đề về công tác kiểm sát THADS cho VKSND hai cấp, nhất là việc quán triệt và triển khai các chuyên đề của Vụ nghiệp vụ. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Viện phân công Kiểm sát viên xây dựng các chuyên đề về kỹ năng, chuyên đề rút kinh nghiệm phù hợp với tình hình địa phương.

Về hình thức triển khai, đơn vị xây dựng nhiều sơ đồ tư duy, tùy theo lĩnh vực công tác kiểm sát và vấn đề cụ thể (hình sự, dân sự, thi hành án). Đối với công tác kiểm sát THADS, có nhiều nội dung được xây dựng sơ đồ tư duy để triển khai đến VKSND hai cấp nghiên cứu, áp dụng như: Quy trình kiểm sát hồ sơ THADS, kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo; kiểm sát việc phân loại điều kiện THADS; tổng hợp các dạng vi phạm thu, chi, quản lý tiền thi hành án. Đây là một công cụ mang tính hỗ trợ tích cực, giúp cấu trúc hóa, sắp xếp nội dung, phương pháp, kỹ năng công việc ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.

Thứ tư, kiểm sát chặt chẽ thu, chi, quản lý tiền thi hành án: Kiểm sát việc tuân thủ các quy định pháp luật, trình tự, thủ tục thi hành án, quản lý tài chính thi hành án, quy trình tổ chức thi hành án trong nội bộ cơ quan THADS.

Khi kiểm sát, nghiên cứu hồ sơ thi hành án, sổ sách kế toán, báo cáo phân tích số dư tài khoản, chứng từ kế toán, báo cáo thi hành án, Kiểm sát viên lưu ý: Đối với bộ phận kế toán về lập, sử dụng hệ thống sổ kế toán; lập chứng từ kế toán, những nội dung ghi trên chứng từ, dấu chỉnh sửa chứng từ; đối với Chấp hành viên về việc nộp tiền vào quỹ thi hành án, gửi tiền vào ngân hàng, kho bạc, thanh toán tiền thi hành án, tiền chi phí cưỡng chế có đầy đủ, đúng thời hạn và đúng thực tế hay không?

Kiểm sát việc quản lý vật chứng, tài sản của cơ quan THADS, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, bộ phận công tác trong đơn vị và các cơ quan, tổ chức có liên quan để kịp thời phát hiện trường hợp Thủ kho không nhập vật chứng, tài sản vào kho vật chứng.

Kiểm sát tập trung vào hồ sơ thi hành án có số tiền lớn, hồ sơ đang trong tình trạng dừng hoạt động thi hành án, nhất là các dạng hồ sơ như: Người được thi hành án là tổ chức kinh doanh không còn hoạt động và còn nhiều khoản nợ phải trả hoặc cá nhân đã chết; người được thi hành án không đồng ý nhận tiền, tài sản, cho rằng bản án (quyết định của Tòa án) không khách quan, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của họ. Số tiền này được gửi tiết kiệm tại ngân hàng và được coi là thi hành xong; việc thi hành án bị đình chỉ, tạm đình chỉ do bản án bị hủy để xét xử lại hoặc có tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng trong khi bên phải thi hành án, người mua trúng đấu giá đã nộp đủ tiền, nhưng không yêu cầu nhận lại số tiền đã nộp, chưa giao được tài sản; việc thi hành án mà người mua trúng đấu giá từ chối mua tài sản, bỏ tiền đặt cọc, theo quy định phải xử lý nộp vào ngân sách.

Kịp thời nắm bắt thông tin qua phản ánh, qua đơn thư khiếu nại, tố cáo để lựa chọn hồ sơ thi hành án, cơ quan THADS để trực tiếp kiểm sát, kiểm sát thường kỳ và chủ động kiến nghị khởi tố trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng.

Thứ năm, tăng cường công tác phối hợp với cơ quan THADS, các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhất là với ngân hàng, kho bạc cung cấp tài liệu liên quan đến việc thi hành án. Phối hợp đảm bảo tính chế ước.

Thứ sáu, tăng cường công tác phúc tra việc thực hiện yêu cầu, kết luận, kiến nghị, kháng nghị của VKSND. Việc phúc tra phải được thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế, quy trình.

Nguyễn Thị Chúc

Kỳ I: Tăng cường vai trò, trách nhiệm của VKSND đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới

(Kiemsat.vn) - Bài viết phân tích, luận giải làm rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của VKSND trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam theo quy định; từ đó, đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của VKSND đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Kỳ II: Tăng cường vai trò, trách nhiệm của VKSND đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới

(Kiemsat.vn) - Bài viết phân tích, luận giải làm rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của VKSND trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam theo quy định; từ đó, đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của VKSND đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang