Định tội theo dấu hiệu pháp lý đặc trưng của các tội xâm phạm an toàn giao thông đường bộ

14/03/2025 14:12

(kiemsat.vn)
Việc xử lý tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ trong thời gian qua vẫn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định xuất phát từ việc định tội danh. Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể, bài viết làm rõ những dấu hiệu pháp lý đặc trưng để quá trình định tội danh chính xác, khách quan, đúng quy định của pháp luật.

1. Khách thể

Ngoài xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ còn xâm hại đến tính mạng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của con người, tài sản của Nhà nước, của các tổ chức hoặc cá nhân.

Tuy khách thể quy định trong cấu thành tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ rất rõ ràng, nhưng quá trình xác định hành vi nguy hiểm gây chết người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng về sức khoẻ, tài sản của người khác trong thực tiễn vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau và có nhiều trường hợp cơ quan tố tụng áp dụng không chính xác quy định của Bộ luật Hình sự trong việc xử lý các hành vi nguy hiểm. Điển hình như thực tiễn có quan điểm khác nhau trong việc xác định khách thể bị xâm hại là những vụ tai nạn do người điều khiển ô tô gây ra ở những khu vực ngoài phạm vi đất đường bộ như trong công trường, sân trường, nhà kho, nương rẫy...

Ví dụ: Tại công trình thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện T, tỉnh P xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến 01 người tử vong. Nạn nhân là anh D (phục vụ công tác hậu cần cho công nhân làm việc trong khu vực đang thi công), trong quá trình di chuyển bằng xe máy trong phạm vi công trường đã bị xe tải chở đá do tài xế M điều khiển va chạm mạnh khiến anh D tử vong tại chỗ.

Trong vụ án trên, có quan điểm cho rằng, mọi hành vi điều khiển phương tiện giao thông gây ra tai nạn cho dù ở công trường, sân trường, nhà kho, nương rẫy, thì vẫn phải xem là phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Tuy nhiên, cũng có quan điểm nhận định, mặc dù vụ tai nạn có liên quan đến phương tiện giao thông và do người điều khiển phương tiện giao thông gây ra, nhưng địa điểm xảy ra tai nạn nằm ngoài khu vực thuộc phạm vi đất đường bộ, nên hành vi này phạm vào Tội vô ý làm chết người quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015).

Phạm vi điều chỉnh của Luật giao thông đường bộ năm 2008 (Luật GTĐB năm 2008) bao gồm quy định về quy tắc giao thông đường bộ; kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ (Điều 1 Luật GTĐB năm 2008). Đồng thời, từ khoản 1 đến khoản 5 Điều 3 Luật GTĐB năm 2008 quy định: Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ; công trình đường bộ gồm đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, rào chắn, đảo giao thông, dải phân cách, cột cây số, tường, kè, hệ thống thoát nước, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và các công trình, thiết bị phụ trợ đường bộ khác; kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm công trình đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các công trình phụ trợ khác trên đường bộ phục vụ giao thông và hành lang an toàn đường bộ; đất của đường bộ là phần đất trên đó công trình đường bộ được xây dựng và phần đất dọc hai bên đường bộ để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ; và hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ, tính từ mép ngoài đất của đường bộ ra hai bên để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ. Như vậy, những vụ tai nạn do người điều khiển ô tô gây ra ở những khu vực ngoài phạm vi đất đường bộ như tai nạn xảy ra trong công trường, sân trường, nhà kho, nương rẫy... hoàn toàn nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật GTĐB năm 2008. Khi hành vi vi phạm nằm ngoài phạm vi điều chỉnh đồng nghĩa với việc hành vi đó không vi phạm bất cứ quy định nào của văn bản quy phạm pháp luật đó.

Do đó, hành vi của M trong vụ án trên không xâm phạm khách thể bảo vệ của các tội xâm phạm về an toàn giao thông đường bộ mà nó thỏa mãn cấu thành cơ bản của Tội vô ý làm chết người.   

2. Mặt khách quan

Thứ nhất, hành vi khách quan của các tội xâm phạm an toàn giao thông đường bộ có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Những hành vi điển hình như: Hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông khi điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ; hành vi đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông; hành vi đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới, xe máy chuyên dùng rõ ràng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; hành vi tổ chức đua hoặc tham gia đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ; hành vi không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn khi tiến hành duy tu, bảo dưỡng, quản lý công trình giao thông đường bộ…

Xác định chính xác hành vi khách quan là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cho hoạt động định tội được thực hiện có hiệu quả. Thực tế cho thấy, có những hành vi vi phạm đã xảy ra mà vấn đề xác định chính xác hành vi khách quan của tội phạm cũng gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến chất lượng định tội.

Ví dụ: Vào khoảng 18 giờ 30 phút, sau khi sử dụng máy cày để cày đất nông nghiệp, A tiếp tục điều khiển về nhà. Đến trước quán cơm ven đường liên xã (chiều rộng mặt đường bê tông nhựa 4m, trong mép đường có lề đất, không có đèn đường), A cho xe dừng, đỗ bên lề phải (bánh xe sau bên phải cách lề 50cm) chắn hết phần đường bên phải. A để xe nổ máy, mở đèn chiếu sáng phía trước, đèn chiếu sáng phía sau (có 01 bóng đèn đỏ ở giữa phía sau xe, ánh sáng hơi mờ), rồi vào quán ăn cơm. Khoảng 10 phút sau, B điều khiển xe mô tô trong tình trạng có nồng độ cồn trong máu (45mg/100ml máu) từ phía sau đi cùng chiều đến, do không nhìn thấy xe máy cày đang dừng, đỗ bên lề phải, nên xe mô tô của B đụng vào phía sau bên trái máy cày khiến B tử vong tại chỗ.

Quá trình giải quyết vụ án, có các quan điểm trái chiều về việc xác định hành vi phạm tội của A. Có quan điểm cho rằng, hành vi của A phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS năm 2015, tuy nhiên, cũng có quan điểm xác định hành vi của A phạm tội cản trở giao thông đường bộ quy định tại Điều 261 BLHS năm 2015. Để có cơ sở xác định hành vi của A phạm vào tội quy định tại Điều 260 hay Điều 261 BLHS năm 2015 thì cần xác định A có đang trong tình trạng tham gia giao thông hay không.

Theo Điều 18 Luật GTĐB năm 2008, dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác; đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian. Người điều khiển phương tiện được xem là cho dừng xe, ngoài việc phải tuân thủ quy định như đã phân tích trên thì không được tắt máy xe và cũng không được rời khỏi vị trí lái; còn trường hợp xem là đỗ xe trên đường thì khi cho xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy, lái xe phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết và chỉ rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn (khoản 3 Điều 18 Luật GTĐB năm 2008).

Trong vụ án nói trên, tuy A còn chưa tắt máy xe, nhưng A đã rời vị trí lái xe vào quán ăn cơm với thời gian không giới hạn, như vậy, A không phải đang tham gia giao thông đường bộ, nên cần xem máy cày do A điều khiển đã ở trong tình trạng đỗ xe. A phải thực hiện thêm trách nhiệm là đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết. A đã không thực hiện đầy đủ các hành động đảm bảo an toàn giao thông trước khi rời khỏi xe nên phải xem hành vi của A phạm vào Tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 261 BLHS năm 2015 mới phù hợp với tính chất của hành vi.

Hoặc đối với hành vi “tổ chức cá cược” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 265 BLHS năm 2015 về Tội tổ chức đua xe trái phép, được hiểu là đánh cược, được thua bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị trên cơ sở xác định kết quả thắng thua của việc đua xe. Bản chất của hành vi này là tổ chức đánh bạc trái phép nên việc nghiên cứu có nên xử lý theo quy định về Tội tổ chức đánh bạc (Điều 322 BLHS năm 2015) hay hành vi “tổ chức cá cược” sẽ sử dụng làm tình tiết tăng nặng định khung tại điểm b khoản 2 Điều 265 BLHS năm 2015 là vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau giữa cơ quan tố tụng. Có quan điểm cho rằng, nên xử lý người phạm tội trong trường hợp này về Tội tổ chức đánh bạc quy định tại Điều 322 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, khi chủ thể thực hiện việc tổ chức đua xe trái phép tức là đã xâm phạm đến trật tự an toàn giao thông, đe dọa gây ra thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ và tài sản của người khác. Đây là hai khách thể chính mà hành vi nguy hiểm xâm phạm; đối với khách thể là trật tự an toàn công cộng mà việc tổ chức đánh bạc xâm phạm đến chỉ là khách thể phụ. Do vậy, việc xem xét, xử lý người phạm tội theo quy định tại Điều 265 BLHS năm 2015 là phù hợp.

Thứ hai, hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe hoặc về tài sản là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của phần lớn các tội phạm này. Đối với các tội quy định tại khoản 4 các điều 260, 261 BLHS năm 2015, hậu quả xảy ra không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

Việc xác định thiệt hại về tài sản được quy định tại các điểm tương ứng của các điều luật, từ Điều 260 đến Điều 266 BLHS năm 2015 (như điểm d khoản 1, điểm g khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 260, điểm d khoản 1, điểm d khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 261,…) thì giá trị tài sản bị thiệt hại có bao gồm những thiệt hại về tài sản của người phạm tội, hay chỉ là thiệt hại về tài sản “của người khác”; hoặc việc xác định giá trị tài sản có được bao gồm phần thuế giá trị gia tăng, các chi phí vận chuyển, trục vớt,… hay không là vấn đề chưa thống nhất trong thực tiễn; hoặc trường hợp phương tiện giao thông do người gây tai nạn mượn hoặc thuê thông qua hợp đồng thuê tài sản, sau đó thiệt hại xảy ra với chính tài sản đã thuê, mượn đó có được cộng vào tổng giá trị tài sản bị thiệt hại trong quá trình xử lý hành vi phạm tội hay không là vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau.

Ví dụ: Nguyễn Văn A (có giấy phép lái xe ô tô hạng C, là lái xe cho Công ty HN, có hợp đồng lao động không xác định thời hạn). Chiều ngày 19/02, A được công ty giao lái xe ô tô biển kiểm soát 78H1-xxx đến gara để bảo trì và thay thế một số linh kiện. Trên đường đi, xe ô tô do A điều khiển xảy ra va chạm với xe mô tô biển kiểm soát 29X1-xxx do Lê Quốc H điều khiển, sau đó tiếp tục tông vào dải phân cách đường bộ rồi mới dừng lại. Sau vụ va chạm, Lê Quốc H tử vong, xe mô tô do H điều khiển bị hư hỏng, thiệt hại về tài sản 25 triệu đồng, thiệt hại đối với xe ô tô thuộc sở hữu của công ty HN là 123 triệu đồng.

Hành vi của A trong vụ án được xác định phạm vào Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260 BLHS năm 2015). Tuy nhiên, có những quan điểm khác nhau về việc xác định giá trị tài sản làm căn cứ xử lý tội phạm, theo đó, có bao gồm cả thiệt hại về tài sản của chiếc xe ô tô do A điều khiển hay không.

Theo chúng tôi, tùy từng trường hợp cụ thể mà xác định thiệt hại về tài sản tội phạm đã gây ra cho phù hợp. Thiệt hại về tài sản là thiệt hại “của người khác”, do đó, trường hợp phương tiện giao thông do người gây tai nạn mượn hoặc thuê thông qua hợp đồng thuê tài sản, sau đó thiệt hại xảy ra với chính tài sản đã thuê, mượn đó, thì không được cộng vào tổng giá trị tài sản bị thiệt hại trong quá trình xử lý hành vi và người phạm tội. Tài sản đó đang thuộc trách nhiệm quản lý và sử dụng của họ, họ có hành vi vi phạm gây thiệt hại bao gồm cho cả chính tài sản (phương tiện giao thông) do mình quản lý, sử dụng, thì họ tự chịu trách nhiệm và bồi thường cho chủ sở hữu của phương tiện đã cho thuê, mượn, nếu người thuê, mượn (gây tai nạn) không thực hiện đúng nghĩa vụ thì chủ sở hữu có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Đối với thiệt hại về tài sản cho người khác thì việc xác định giá trị tài sản có được bao gồm phần thuế giá trị gia tăng, các chi phí vận chuyển, trục vớt?… thì theo chúng tôi, cần tính cả các chi phí nói trên. Bởi đó là chi phí thực tế mà bị hại phải bỏ ra để khắc phục những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, những thiệt hại đó có quan hệ “nhân quả” với hành vi nguy hiểm, việc tính vào tổng giá trị thiệt hại là hoàn toàn hợp lý.

Như vậy, trong vụ án trên, phần thiệt hại về tài sản liên quan đến chiếc ô tô do A điều khiển không được tính vào phần tổng thiệt hại tài sản để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự là hợp lý.

Đối với quy định tại khoản 4 Điều 260 và khoản 4 Điều 261 BLHS năm 2015, đây là hai khung hình phạt được xem như một cấu thành đặc biệt, và về mặt lý luận, quy định này tồn tại là cần thiết và phù hợp với mục đích nhằm ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định về an toàn giao thông đường bộ, nhưng rất ít và khó được áp dụng trong thực tiễn. Hành vi của người phạm tội trong trường hợp này mặc dù chưa gây ra hậu quả nhưng có khả năng gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì vẫn có thể xử lý theo pháp luật hình sự. Vì điều luật chỉ quy định chung chung mà không có hướng dẫn rõ điều kiện và trường hợp nào được áp dụng để xử lý hành vi nguy hiểm, do vậy, rất khó để áp dụng quy định trên của BLHS trong thực tiễn.  

3. Chủ thể

Quy định về các tội xâm phạm an toàn giao thông đường bộ cho thấy, chủ thể của các tội phạm trên là chủ thể thường. Tuy nhiên, đối với một số tội phạm cụ thể như: Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn (Điều 262 BLHS năm 2015), Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 263 BLHS năm 2015) thì chủ thể lại là chủ thể đặc biệt. Đây có thể là những người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng rõ ràng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; hoặc người có thẩm quyền biết rõ người không có giấy phép lái xe, không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật mà vẫn điều động người đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, nếu gây hậu quả nghiêm trọng tương ứng được quy định tại Điều 262, Điều 263 BLHS năm 2015 thì phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

Đối với chủ thể của tội phạm quy định tại Điều 281 BLHS năm 2015 cũng đòi hỏi phải là người theo quy định của pháp luật có trách nhiệm phải thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn khi duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông, nhưng họ đã không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp cần thiết khiến tai nạn giao thông xảy ra, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ hoặc tài sản của người khác.

Hoạt động duy tu, sửa chữa, quản lý công trình (như giao thông đường bộ) thông thường có rất nhiều người tham gia thực hiện từ khâu lập kế hoạch, tổ chức quản lý, thi công, tổ chức thực hiện các biện pháp điều tiết, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông; giám sát, kiểm tra việc thi công, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn; kiểm tra những công trình giao thông thuộc quyền quản lý của chủ thể để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm ngăn ngừa tai nạn khi phát hiện hoặc nhận được tin báo công trình giao thông thuộc thẩm quyền quản lý của mình bị hư hỏng... Vì vậy, khi xảy ra vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ hoặc tài sản mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông đường bộ thì phải căn cứ vào từng vụ việc cụ thể để xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra tai nạn.

Mặc dù về mặt lý luận, việc xác định chủ thể của các tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ không gặp khó khăn, nhưng trong thực tế vẫn xảy ra những vụ việc không thống nhất quan điểm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, điển hình như hành vi vi phạm của người ngồi sau trên phương tiện xe ô tô, khi xe dừng, đã mở cửa sau để ra khỏi xe một cách bất cẩn làm người lái xe mô tô đi cùng chiều đến va quẹt vào cửa xe ô tô, gây ra tai nạn giao thông và làm chết người điều khiển xe mô tô.

Ví dụ: Trần Văn H điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 51H1-xxx chở Nguyễn T ngồi ở băng ghế phía sau của xe ô tô. Khi đến khu vực đường Nguyễn V.T, T nói H dừng xe lại cho mình xuống tiệm tạp hóa Y mua hàng. Khi H dừng xe trước tiệm tạp hóa Y, do không quan sát kỹ nên vào lúc T mở cánh cửa phía sau bên trái xe để ra ngoài thì Nguyễn Văn B điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 51X1-xxx với tốc độ cao từ phía sau chạy vượt lên đâm thẳng vào cánh cửa bên hông trái của xe và ngã xuống đường, sau đó B tử vong trên đường đi cấp cứu.

Trong trường hợp trên, hành vi bất cẩn mở cửa phía sau bên trái của xe ô tô làm xảy ra tai nạn thì người có hành vi bất cẩn đó có phải chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ hay không vẫn còn có quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất nhận định, chỉ người lái xe là người tham gia giao thông, và Luật GTĐB năm 2008 cũng chỉ điều chỉnh hành vi mở cửa xuống xe của người lái xe (khoản 3 Điều 18 Luật GTĐB năm 2008); còn người ngồi sau xe ô tô không phải là người tham gia giao thông, nên hành vi mở cửa xe một cách bất cẩn gây ra tai nạn làm chết người là hành vi vi phạm quy định an toàn ở những nơi công cộng, không xâm phạm trật tự, an toàn giao thông, do đó, hành vi có dấu hiệu của Tội vô ý làm chết người (Điều 128 BLHS năm 2015).

Quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của tác giả cho rằng, người ngồi trong xe ô tô cũng là người đang tham gia giao thông, họ cũng có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn giao thông đường bộ, cụ thể, khi mở cửa xe, họ cũng phải quan sát cẩn thận và chỉ mở cửa xe khi nhận thấy đã an toàn. Vì vậy, hành vi mở cửa xe nêu trên của người ngồi phía sau xe ô tô được xem là hành vi của chủ thể của Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Khoản 22 Điều 3 Luật GTĐB năm 2008 quy định: “Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ”. Quy định trên cho thấy, người ngồi trong xe ô tô đang được đưa vào tham gia giao thông chính là người sử dụng phương tiện giao thông để di chuyển trên đường bộ, khi đó, họ cũng phải có trách nhiệm tránh thực hiện những hành vi gây nguy hiểm cho những người đang tham gia giao thông. Họ đã thực hiện hành vi nguy hiểm và gây ra tai nạn giao thông cho người, phương tiện khác, hành vi vi phạm của họ là nguyên nhân trực tiếp làm xảy ra tai nạn gây chết người. Vì vậy, đối với vụ án trên, cần xem hành vi của T đã đủ yếu tố cấu thành tội xâm phạm an toàn giao thông đường bộ.

Liên quan đến việc xác định trách nhiệm của các chủ thể khác trong vụ án xâm phạm an toàn giao thông đường bộ còn có những chủ thể được giao nhiệm vụ duy tu, quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa công trình giao thông đường bộ, thì tùy từng vụ việc cần có sự cân nhắc, đánh giá vai trò, trách nhiệm của từng người để quá trình định tội được khách quan, chính xác, tránh trường hợp nhận thức phiến diện, không đầy đủ, dẫn tới bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Ví dụ: Ngày 15/6, Hoàng Xuân T - Giám đốc xí nghiệp quản lý xây dựng số 05 ký hợp đồng nhận sữa chữa, cán đá láng nhựa lề đường Quốc lộ B thuộc đoạn Km 15 đến Km 16 với Giám đốc xí nghiệp xây lắp 09 thuộc công ty Cổ phần giao thông H. Sau khi ký hợp đồng, ông T không lập kế hoạch thi công, không xây dựng các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường bộ trong khi thi công. Đến ngày 18/6, Hoàng Xuân T mua 10m3 đá xây dựng loại 01cm x 02cm và chỉ đạo trực tiếp cho Đặng Xuân H (công nhân kỹ thuật của Xí nghiệp quản lý xây dựng số 05) đến đoạn đường sữa chữa nói trên để đổ xuống mặt đường. Thực hiện chỉ đạo của T, khoảng 15 giờ cùng ngày, H yêu cầu Trần Văn P điều khiển xe tải mang biển số xe 75K- xxx chở đá đến đổ. Khi đến nơi, P cho xe đổ đá xuống mặt đường theo sự chỉ đạo của H. H biết rõ việc cho đổ đống đá trên mặt đường chiếm diện tích hết 2,8m so với chiều rộng của mặt đường là 05m nhưng H không lắp đặt đầy đủ các hệ thống đèn chiếu sáng cảnh báo, báo hiệu nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn cho người điều khiển phương tiện giao thông trên đoạn đường nói trên.

Khoảng 19 giờ ngày 18/6, Bùi N điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 75F4 - xxx chở Nguyễn S ngồi phía sau lưu thông trên Quốc lộ B để về nhà. Do hệ thống đèn chiếu sáng xe mô tô của N bị hỏng nên khi điều khiển xe mô tô đến đoạn đường Km15+500m Quốc lộ B, N không phát hiện đống đá đổ trên đường nên xe mô tô do N điều khiển đã tông vào đống đá. Hậu quả, anh Nguyễn S bị thương được đưa đi cấp cứu, đến ngày 19/6 thì tử vong.

Trong vụ án nói trên, ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của N thì cần xác định rõ vai trò của các chủ thể khác trong việc không áp dụng các biện pháp an toàn theo luật định, làm xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng của anh Nguyễn S. Như vậy, cần thiết phải xác định từ trách nhiệm của Hoàng Xuân T (người đứng đầu đơn vị) trong việc xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khi duy tu, sửa chữa đoạn quốc lộ trước, sau đó đến Đặng Xuân H, người tổ chức thực hiện các biện pháp an toàn tại công trình và sau cùng là đến người có trách nhiệm thực hiện giám sát, bảo đảm các biện pháp an toàn phải được chấp hành đầy đủ trên thực tế (nếu có).

Đối chiếu với nội dung vụ án cho thấy, Hoàng Xuân T không có chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, do vậy, theo nguyên tắc truy cứu trách nhiệm của người đứng đầu, thì T là người phải chịu trách nhiệm trước tiên. Kế đến, Đặng Xuân H là người tổ chức thực hiện tập kết vật liệu xây dựng tại đoạn đường nói trên đã không thực hiện đầy đủ biện pháp an toàn như không lắp đặt đầy đủ các hệ thống đèn chiếu sáng, biển báo, cọc tiêu cảnh báo, báo hiệu nguy hiểm tại công trình nên H cũng phải liên đới chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra tai nạn giao thông làm chết người. Vì vậy, hành vi của Hoàng Xuân T và Đặng Xuân H đã có dấu hiệu của tội phạm quy định tại Điều 281 BLHS năm 2015.

4. Mặt chủ quan

Trong nhóm các tội xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đa số các tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý, đó là các tội phạm được quy định tại các điều 260, 261, 262, 263, 264, 266, 281 BLHS năm 2015. Nếu hành vi được thực hiện với lỗi cố ý thì tùy trường hợp có thể bị xử lý ở các tội phạm khác của BLHS chứ không truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các điều từ Điều 260 đến Điều 264, Điều 266 và Điều 281 BLHS năm 2015. Đối với Tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 265), người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Động cơ và mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của các tội xâm phạm an toàn giao thông đường bộ.

Liên quan đến vấn đề định tội, đối với những trường hợp cả hai bên đều có lỗi thì cần xác định lỗi nào là lỗi chính gây tai nạn, từ đó mới có cơ sở để xác định chính xác hành vi đã thực hiện có phải là tội phạm hay không. Việc xác định lỗi của người thực hiện hành vi xâm phạm an toàn giao thông đường bộ (lỗi hình sự) trên thực tế rất khó và dễ nhầm lẫn với lỗi hành chính.

Với các tình tiết tương tự được thể hiện trong vụ án liên quan đến việc xe máy cày do A điều khiển dừng đỗ trên đường gây tai nạn giao thông đã được phân tích tại Mục 3, trước khi bàn về việc hành vi của A phạm tội gì thì cũng có ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề chứng minh lỗi chính trong vụ tai nạn nói trên thuộc về ai, người gây tai nạn hay bị hại.

Có thể thấy, trong vụ án trên, mặc dù B cũng có lỗi khi điều khiển phương tiện giao thông trên đường mà trong máu có nồng độ cồn (45mg/100ml máu), tuy nhiên, đây chỉ là lỗi vi phạm hành chính. Căn cứ vào nội dung vụ án có thể thấy, khả năng quan sát, phát hiện chướng ngại vật (chiếc xe của A) đối với B là rất khó bởi chất lượng ánh sáng từ chiếc đèn ở phía sau xe A không được đảm bảo, gây khó khăn cho việc nhận biết từ xa là có xe đang đỗ bên đường để điều tiết, chuyển hướng và xử lý tình huống. Người điều khiển phương tiện trong trường hợp này ở trong hoàn cảnh có dấu hiệu bị bất ngờ.

Tuy nhiên, trái ngược với B, việc A điều khiển phương tiện giao thông khi đỗ xe trên đường bộ mà không thực hiện quy định về đặt tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; không cho xe đỗ ở nơi có khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; làn đường hẹp nhưng không cho xe đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình là vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật GTĐB năm 2008. A hoàn toàn có khả năng thực hiện các cảnh báo để ngăn ngừa hậu quả xảy ra nhưng đã không thực hiện. Vì vậy, có thể xác định lỗi của A trong trường hợp này là nguyên nhân chính dẫn đến gây ra tai nạn giao thông làm B chết. Do đó, hành vi của A có dấu hiệu của tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ như đã phân tích.

Tóm lại, hoạt động định tội danh đối với các tội xâm phạm an toàn giao thông thường rất phức tạp, đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải linh hoạt tùy từng trường hợp cụ thể và bám sát các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội phạm nhằm đảm bảo quá trình định tội danh được toàn diện, khách quan, chính xác và đúng quy định của pháp luật.

Võ Văn Tài - Nguyễn Thị Thùy Liên

Về hậu quả pháp lý của trường hợp yêu cầu thi hành án dân sự đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án

(Kiemsat.vn) - Thực tiễn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp cho thấy còn vướng mắc trong việc nhận thức về hậu quả pháp lý của trường hợp người bị kết án phạt tù đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa thi hành phần bản án về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hết thời hiệu yêu cầu thi hành án, dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang