Điểm mới về trình tự xét hỏi tại phiên tòa hình sự sơ thẩm theo BLTTHS 2015

22/09/2018 16:00

(kiemsat.vn)
– Theo BLTTHS năm 2003 thì tùy từng vụ án, chủ tọa phiên tòa hỏi trên cơ sở nội dung từng vụ án cụ thể mà không quy định phải hỏi ai trước, ai sau. Bộ luật TTHS năm 2015  đã gộp chung phần xét hỏi và tranh luận thành tranh tụng.

Theo quy định của Bộ luật TTHS 2003 thì tại phiên toà hình sự sơ thẩm, sau khi kết thúc phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, nếu không ai có ý kiến và yêu cầu gì thêm thì chủ toạ phiên toà tuyên bố kết thúc phần thủ tục phiên toà chuyển sang phần xét hỏi.

Điểm mới về trình tự xét hỏi tại phiên tòa hình sự sơ thẩm theo BLTTHS 2015

Thực chất thủ tục này là việc người tiến hành tố tụng bao gồm Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, Luật sư tiến hành hỏi bị cáo, người làm chứng và những người liên quan khác để xác minh các chứng cứ trong hồ sơ vụ án và làm rõ những tình tiết có liên quan để xác định sự thật khách quan của vụ án.

Về trình tự xét hỏi, theo quy định tại khoản 2 Điều 207 BLTTHS 2003 thì khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước rồi đến các hội thẩm, sau đó đến kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Những người tham gia phiên tòa cũng có quyền đề nghị với chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Người giám định được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định.

Như vậy, BLTTHS năm 2003 không quy định phải hỏi ai trước, ai sau. Tùy từng vụ án, chủ tọa có kế hoạch xét hỏi hợp lý trên cơ sở nội dung từng vụ án cụ thể cũng như thái độ khai báo của người tham gia tố tụng. Nội dung xét hỏi tập trung làm rõ tình tiết định tội, định khung, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân của bị cáo…

Quy định trên vô hình chung làm cho Hội đồng xét xử mất đi vai trò là một vị “trọng tài” khách quan xem xét, đánh giá chứng cứ, lập luận của các bên (bên buộc tội và bên gỡ tội) để từ đó đưa ra những nhận định khách quan về vụ án. Thực tiễn xét xử cho thấy mặc dù BLTTHS có quy định Kiểm sát viên tham gia xét hỏi nhưng trên thực tế Kiểm sát viên hoàn toàn chưa chủ động xét hỏi, nếu có thì cũng chỉ mang tính chất bổ sung cho những câu hỏi của Hội đồng xét xử và thông thường kiểm sát viên sẽ hỏi để nhằm mục đích bảo vệ bản cáo trạng của mình là đúng và việc buộc bị cáo có tội là có căn cứ. Việc hỏi để chứng minh tội phạm và làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án chủ yếu vẫn do Thẩm phán – Chủ tọa phiên toà thực hiện. Sau phần xét hỏi là phần tranh luận, đối đáp giữa các bên.

Bộ luật TTHS 2015  gộp chung phần xét hỏi và tranh luận thành phần tranh tụng để phù hợp với yêu cầu của công tác tranh tụng tại phiên tòa. Tại Điều 307 Bộ luật TTHS 2015 quy định:

“1. Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ những tình tiết về từng sự việc, từng tội trong vụ án và từng người. Chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý.

2. Khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi.

Người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ.

Người giám định, người định giá tài sản được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định, định giá tài sản.

3. Khi xét hỏi, Hội đồng xét xử xem xét vật chứng có liên quan trong vụ án.”

Như vậy, theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý. Khi xét hỏi, chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán (trường hợp Hội đồng 3), Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi.

Người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền đề nghị Chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Người giám định, người định giá tài sản được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định, định giá tài sản. Đồng thời  BLTTHS năm 2015 bổ sung cho bị cáo quyền được trực tiếp đặt câu hỏi với các bị cáo khác, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ, người làm chứng nếu được Chủ tọa đồng ý thay vì đề nghị Chủ tọa hỏi (Điểm i khoản 2 Điều 61 các Điều 309, 310 và 311 Bộ luật TTHS 2015). Ý nghĩa của việc làm này để xác định toàn diện, đầy đủ, khách quan nội dung vụ án, tránh oan sai, đảm bảo xét xử đúng quy định của pháp luật.

                                                                            Hồ Nguyễn Quân

TAQS khu vực 1 Quân khu 4

Bài viết có liên quan >>>

“Người thân thích” theo quy định của BLTTHS năm 2015

Kê biên tài sản theo BLTTHS năm 2015

Thời điểm và thẩm quyền ra quyết định hoãn phiên tòa hình sự theo BLTTHS 2015

Cần thay đổi tên biên bản bắt người phạm tội quả tang

(Kiemsat.vn) - Việc bắt người luôn là vấn đề nhạy cảm trong đời sống chính trị - xã hội, bắt người đúng hay không đúng  quy định của pháp luật, bắt oan sai có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người và các quyền cơ bản của công dân, liên quan đến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Vướng mắc khi thay đổi Kiểm sát viên tiến hành tố tụng

(Kiemsat.vn) - BLTTHS quy định Kiểm sát viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp. Tuy nhiên, trên thực tế việc thay đổi Kiểm sát viên là Viện trưởng Viện kiểm sát còn có vướng mắc, cần được hướng dẫn cụ thể.
lên đầu trang