Vũ Văn C phạm tội 1 lần hay 2 lần?

14/11/2017 10:22

(kiemsat.vn)
Vũ Văn C có hành vi làm 01 bộ hồ sơ giả Công ty X để bán công ty. Trong quá trình làm hồ sơ thì phát hiện có sai sót; do đó, C đã hủy toàn bộ tài liệu của bộ hồ sơ này để làm hồ sơ mới. Vậy, hành vi của C phạm tội 1 lần hay 2 lần, theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999?

Nội dung vụ việc:

Khoảng cuối tháng 11/2016, chị A – Giám đốc Công ty X thỏa thuận bán Công ty X cho anh B với giá là 2.000.000.000đ (hai tỷ đồng). Theo thỏa thuận anh B sẽ làm thủ tục mua bán công ty. Anh B đã nhờ bạn là anh Vũ Văn C làm thủ tục mua bán giúp. Đến đầu tháng 12/2016, anh B và chị A đã chuẩn bị các giấy tờ theo yêu cầu của anh C và gặp anh C để bàn giao giấy tờ, con dấu của Công ty X. Sau khi anh C nhận giấy tờ, con dấu, C đã tự làm 01 bộ hồ sơ theo quy định của pháp luật để nộp cho Sở Kế hoạch và  Đầu tư tỉnh V. Trong bộ hồ sơ đó, C tự nghĩ ra chữ ký và tự ký tên anh B, chị A; sau đó C lấy con dấu thật của Công ty X mà C đang giữ đóng vào các giấy tờ tài liệu trên.

Sau khi C trả lại cho chị A con dấu thật của Công ty X thì C mới phát hiện ra mã số thuế trong bộ hồ sơ C vừa làm là sai; do đó, C đã hủy toàn bộ tài liệu của bộ hồ sơ này để làm hồ sơ mới. C đã thuê người khắc 01 con dấu mới có hình dáng, ký tự giống như con dấu thật của Công ty X. Sau đó C lại làm 01 bộ hồ sơ mới có các tài liệu, nội dung tương tự như hồ sơ ban đầu; trong đó, đã sửa lại mã số thuế. Đồng thời, C tự nghĩ ra chữ ký và tự ký tên anh B, chị A và lấy con dấu vừa làm mới (con dấu giả) của Công ty X đóng vào các giấy tờ tài liệu trên, rồi đem bộ hồ sơ này nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh V để làm thủ tục mua bán Công ty thì bị phát hiện giấy tờ và con dấu giả.

Đối với việc giải quyết vụ việc trên, hiện đang có 02 ý kiến khác nhau về hành vi của Vũ Văn C như sau:

Ý kiến thứ nhất cho rằng: Hành vi của C phạm vào tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999. Căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội và khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 thì C phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điểm b khoản 2 Điều 341 BLHS năm 2015 là phạm tội 2 lần trở lên, bởi C đã 02 lần làm 02 bộ hồ sơ giả để nộp cho cơ quan Nhà nước làm thủ tục mua bán Công ty.

Ý kiến thứ hai cho rằng: Hành vi của C phạm vào Tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo khoản 1 Điều 267 BLHS năm 1999. Căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội và khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội thì C phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo khoản 1 Điều 341 BLHS năm 2015, bởi vì, tuy C đã 02 lần làm 02 bộ hồ sơ giả để nộp cho cơ quan Nhà nước làm thủ tục mua bán Công ty, nhưng C chỉ sử dụng 01 lần giấy tờ đó để thực hiện hành vi trái pháp luật, nên hành vi làm giả của C chỉ bị coi là phạm tội 01 lần.

Tác giả đồng tình với ý kiến thứ hai, bởi lẽ, khi C phát hiện ra hồ sơ lần thứ nhất C nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư có lỗi sai về mã số thuế thì C đã tự rút về và hủy toàn bộ tài liệu của bộ hồ sơ này để làm lại. Việc rút hồ sơ về làm lại chỉ coi là sửa chữa hồ sơ ban đầu bởi mục đích làm hồ sơ lần 2 chỉ là để chuyển nhượng công ty như lần làm giả hồ sơ lần thứ nhất, không tính là lần phạm tội khác, vì vậy chỉ tính phạm tội 01 lần.

Trên đây là các ý kiến khác nhau trong việc xác định tội danh đối với Vũ Văn C, mong nhận được sự quan tâm trao đổi ý kiến của đồng nghiệp và bạn đọc về vụ việc nêu trên.

Nguyễn Thị Bích Ngọc

Phòng 1, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc

Chống người thi hành công vụ gây thương tích dưới 11% xử lý theo tội danh nào?       

(Kiemsat.vn) - Qua thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án chống người thi hành công vụ cho thấy có một số quan điểm không thống nhất về việc áp dụng điều luật đối với hành vi dùng vũ lực chống người thi hành công vụ gây hậu quả thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người thi hành công vụ với tỷ lệ dưới 11%.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang