Quy định mới về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
(kiemsat.vn) So với Điều 140 BLHS năm 1999 thì quy định về “Tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” tại Điều 175 BLHS năm 2015 (sửa đổi 2017) không những rõ ràng, cụ thể hơn, mà còn có thay đổi về cấu thành cơ bản trong việc định tội danh, định khung hình phạt.
Chưa va chạm giao thông đã ném bất tỉnh người đi bộ
Hành vi của V và O là cố ý gây thương tích
Chống người thi hành công vụ gây thương tích dưới 11% xử lý theo tội danh nào?
Bổ sung về hành vi khách quan
Điều 140 Bộ luật Hình sự 1999 quy định về hành vi khách quan của tội này là sau khi vay, mượn, thuê, tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng, chủ thể đã thực hiện một trong ba hành vi sau: Dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó; hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó; hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) đã quy định thêm một hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đó là “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. Đây chính là một bước hoàn thiện của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017. Hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm tài sản là hành vi chiếm đoạt, nhưng khác với hành vi chiếm đoạt ở các tội phạm khác, hành vi chiếm đoạt ở tội này là sự vi phạm nghĩa vụ trả lại tài sản. Khi một chủ thể có được tài sản thông qua hợp đồng ngay thẳng (vay, mượn, thuê…) nhưng “cố tình không trả” thì chủ thể đó đã vi phạm nghĩa vụ trả lại tài sản với lỗi cố ý trực tiếp, gây hậu quả là làm cho chủ tài sản mất khả năng thực hiện quyền sở hữu của mình đối với tài sản.
Ngoài ra, so với Bộ luật hình sự 2015, Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2017 vẫn tiếp tục kế thừa tình tiết “Bỏ trốn” của Bộ luật hình sự 1999, bởi đây cũng là một dạng hành vi khách quan phản ánh ý thức chủ quan của người phạm tội mong muốn chiếm đoạt tài sản. Việc giữ nguyên quy định này tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý người phạm tội cũng như tránh việc bỏ lọt tội phạm.
Thay đổi về dấu hiệu định khung hình phạt
– Bỏ các quy định định khung về hậu quả “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”, “đặt biệt nghiêm trọng” tại điểm e khoản 2, điểm b khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999. Đây là điểm mới tiến bộ, bởi đó là những “hậu quả gián tiếp” do hành vi phạm tội gây ra, mà việc định tội, định hình phạt đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cần phải căn cứ vào hậu quả trực tiếp của hành vi nguy hiểm cho xã hội.
– Điểm b khoản 2 Điều 175 BLHS năm 2015 quy định thêm tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” làm tình tiết định khung hình phạt, quy định này là hợp lý và cần thiết để răn đe, trừng trị đối với những người mà tính bất tín đã trở thành bản tính.
– Điểm e khoản 2 bổ sung tình tiết “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Đây là quy định mới, phù hợp với tình hình hiện nay khi mà các hiện tượng như quỵt nợ, vỡ tín dụng hay đòi nợ thuê… đang phát triển gây bức xúc trong xã hội do các hành vi lợi dụng sự tin tưởng của người khác để chiếm đoạt tài sản của các chủ thể phạm tội gây ra.
Thay đổi về các mức hình phạt
Các mức hình phạt quy định tại Điều 175 BLHS năm 2015 (sửa đổi 2017) hầu hết đều theo hướng có lợi hơn cho người phạm tội so với Điều 140 BLHS năm 1999 (trừ quy định tại khoản 1), cụ thể:
– Khoản 1 Điều 140 BLHS năm 1999 quy định mức hình phạt tù từ ba tháng đến ba năm, còn khoản 1 Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định mức hình phạt tù từ sáu tháng đến ba năm tù.
– Khoản 3 Điều 140 BLHS năm 1999 quy định mức hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù. Khoản 3 Điều 175 BLHS năm 2015 quy định mức hình phạt từ 05 năm đến 12 năm tù.
– Khoản 4 Điều 140 BLHS năm 1999 quy định mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân. Khoản 4 Điều 175 BLHS năm 2015 quy định mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù, không áp dụng tù chung thân, có lợi hơn cho người phạm tội so với khoản 4 Điều 140 BLHS năm 1999.
Tuy nhiên, việc quy định khung hình phạt ở khoản 4 Điều 175 BLHS năm 2015 không có khoảng giao thoa với khung hình phạt ở khoản 3 thì có thể nên xem xét lại bởi trên thực tế có thể xảy ra trường hợp hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có giá trị 499.999.000 đồng và có thêm tình tiết tăng nặng khác” nguy hiểm hơn hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có giá trị 500.000.000 đồng và không có thêm tình tiết tăng nặng”, nhưng mức hình phạt cho hành vi thứ nhất không thể quá 12 năm, còn mức hình phạt cho hành vi thứ hai thì lại không thể dưới 12 năm.
– Khoản 5 Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 về cơ bản là giống với khoản 5 Điều 140 BLHS năm 1999, chỉ khác khoản 5 Điều 140 BLHS năm 1999 quy định hình phạt “bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm” có thể được áp dụng đồng thời với hình phạt “bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, nhưng theo khoản 5 Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, thì chỉ được áp dụng một trong hai hình phạt bổ sung này.
Nguyễn Hoàng Hằng – Thân Đình Trung
VKSND quận Long Biên, Tp Hà Nội
Hai đạo chích có mật khẩu ATM do trộm được cả chứng minh thư
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
Bài viết chưa có bình luận nào.