Chống người thi hành công vụ gây thương tích dưới 11% xử lý theo tội danh nào?       

28/11/2017 03:58

(kiemsat.vn)
Qua thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án chống người thi hành công vụ cho thấy có một số quan điểm không thống nhất về việc áp dụng điều luật đối với hành vi dùng vũ lực chống người thi hành công vụ gây hậu quả thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người thi hành công vụ với tỷ lệ dưới 11%.

Có quan điểm cho rằng áp dụng khoản 1 điều 257 BLHS; quan điểm khác thì vận dụng điểm k khoản 1 điều 104 BLHS để xử lý.

Chống người thi hành công vụ gây thương tích dưới 11% xử lý theo tội danh nào?       

Hình ảnh mang tính chất minh họa (nguồn internet)

Vướng mắc trong quy định

Theo Điều 104 BLHS năm 2015 tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của  người khác:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì  lý do công vụ của nạn nhân.

Khoản 1 điều 257 BLHS năm 2015 quy định về tội Chống người thi hành công vụ

“1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng  đến  ba năm.”

Như vậy, theo khoản 1 điều 257 BLHS người nào có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực cản trở người thi hành công vụ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể bị xử lý về tội Chống người thi hành công vụ. Cấu thành cơ bản của khoản 1 điều 257 BLHS không quy định người thực hiện hành vi phạm tội gây ra hậu quả thương tích cho người thi hành công vụ.

Đối với hành vi cố gây thương tích cho người khác mà hậu quả là tỷ lệ thương tích dưới 11%, tình tiết định tội trong khoản 1 điều 104 BLHS có liệt kê điểm k là “Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì  lý do công vụ của nạn nhân.”. Đây chính là lý do dẫn đến cách hiểu là, trong vụ án chống người thi hành công vụ nếu người thi hành công vụ có thương tích mà tỷ lệ thương tích dưới 11% thì chuyển tội danh từ tội chống người thi hành công vụ sang tội Cố ý gây thương tích. Vì tình tiết gây thương tích “Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì  lý do công vụ của nạn nhân” là tình tiết định tội được quy định tại điểm k khoản 1 điều 104 BLHS.

Về văn bản hướng dẫn pháp luật để tháo gỡ vướng mắc này, sau khi BLHS năm 1999 có hiệu lực chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn xử lý đối với trường hợp chống người thi hành công vụ gây hậu quả thương tích dưới 11% xử lý thì xử lý tội chống người thi hành công vụ hay tội cố ý gây thương tích.

Tội chống người thi hành công vụ xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ và thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của Nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công. Đối tượng tác động của hành vi phạm tội là người thi hành công vụ.

Tội cố ý gây thương tích xâm phạm đến khách thể là quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người được pháp luật hình sự bảo vệ. Đối tượng tác động của hành vi phạm tội là thân thể người khác.

Như vậy, hai tội phạm này có khách thể hoàn toàn khác nhau nhưng có đối tượng tác động giống nhau là con người. Về hình phạt, hai tội đều có hình phạt được quy định ở khoản 1 như nhau, cụ thể là “phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng  đến  ba năm”.

Về động cơ mục đích phạm tội, người phạm tội dùng vũ lực nhằm cản trở người thi hành công vụ để người thi hành công vụ không thực hiện được nhiệm vụ của mình hoặc ép buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật. Hành vi dùng vũ lực gây ra hậu quả đến đâu thì người thực hiện hành vi phải bị xử lý đến đấy. Như phân tích nêu trên khách thể bị xâm hại của hai tội là hoàn toàn khác nhau. Đối với tội Chống người thi hành công vụ, khách thể là  xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ và thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của Nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công.

Đối với tội cố ý gây thương tích, khách thể là quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người được pháp luật hình sự bảo vệ, khách thể này được BLHS bảo vệ khi bị xâm hại đáng kể. Trong trường hợp chống người thi hành công vụ gây thương tích dưới 11% nếu được khởi tố theo điểm k khoản 1 điều 104 BLHS thì có thể dẫn đến việc người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố và vụ án phải được đình chỉ theo điều 105 Bộ luật TTHS, lúc này hoạt động đúng đắn là việc thực hiện nhiệm vụ của người thi hành công vụ và cao hơn là hoạt động của Nhà nước về quản lý xã hội, quản lý nhà nước không được bảo vệ.

Do đó, hành vi chống người thi hành công vụ bằng hành vi khách quan cụ thể là dùng vũ lực cản trở người thi hành công vụ thực thi nhiệm vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân gây thương tích dưới 11% phải bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo khoản 1 điều 257 BLHS, không thể trở thành tình tiết định tội theo điểm k khoản 1 điều 104 BLHS.

Hậu quả người thi hành công vụ bị gây thương tích từ 11% trở lên hay hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân (từ 11% trở lên) chỉ trở thành tình tiết định khung tăng nặng đối với tội Cố ý gây thương tích từ khoản 2 điều 104 BLHS trở lên. Bởi khi đó sức khỏe của con người bị xâm hại đáng kể, khách thể này, đối tượng bị xâm hại này cần được ưu tiên bảo vệ. Hành vi phạm tội phải được xử lý ở một tội danh có hình phạt cao hơn tội chống người thi hành công vụ (có hình phạt cao nhất đến 7 năm tù) nên phải bị xử lý theo định khung tăng nặng của tội cố ý gây thương tích theo khoản 2, khoản 3 điều 104 BLHS.

Đề xuất, kiến nghị

Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, tội cố ý gây thương tích được quy định tại điều 134 có một số sửa đổi so với điều 104 BLHS năm 1999, tuy nhiên tình tiết cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác tỷ lệ dưới 11 % “đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân” quy định tại điểm 0 khoản 1 điều 134 BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017 chưa giải quyết được vướng mắc nêu trên. Để các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp có căn cứ thống nhất áp dụng pháp luật, đề nghị các cơ quan tư pháp trung ương sớm có văn bản hướng dẫn về việc xử lý đối với người có hành vi chống người thi hành công vụ gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe dưới 11%.

Về đường lối hướng dẫn nên quy định cụ thể hành vi chống người thi hành công vụ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người thi hành công vụ với tỷ lệ thương tích dưới 11% thì xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo khoản 1 điều 330 BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017.

Nguyễn Ngọc Phong

VKSND huyện Phú Xuyên, Hà Nội

Hai đạo chích có mật khẩu ATM do trộm được cả chứng minh thư

(Kiemsat.vn) - Việc dùng ngày tháng năm sinh để làm mật khẩu cho các loại thẻ là rất tiện và dễ nhớ, nhưng ngược lại, thực tế có nhiều tác hại, rủi ro đến từ những thói quen này.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang