VKSND tỉnh Phú Yên: Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành án hình sự tại cộng đồng

26/03/2024 16:22

(kiemsat.vn)
Kiểm sát thi hành án hình sự tại cộng đồng có vai trò quan trọng trong phòng ngừa vi phạm pháp luật, lạm quyền trong hoạt động tư pháp; đảm bảo pháp luật được tuân thủ nghiêm chỉnh và thống nhất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Thi hành án hình sự (THAHS) tại cộng đồng là hoạt động của cơ quan có thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện các loại hình phạt đã tuyên trong bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, bao gồm thi hành án treo, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; thi hành quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Kiểm sát THAHS tại cộng đồng là một trong những chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND nhằm bảo đảm việc THAHS, chế độ quản lý và giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng theo đúng quy định của pháp luật; quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người chấp hành án hình sự tại cộng đồng phải được tôn trọng và bảo vệ; bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm chỉnh; mọi vi phạm pháp luật trong THAHS tại cộng đồng phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Kiểm sát THAHS tại cộng đồng có vai trò quan trọng trong phòng ngừa vi phạm pháp luật, lạm quyền trong hoạt động tư pháp; đảm bảo pháp luật được tuân thủ nghiêm chỉnh và thống nhất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, cá nhân. Trong quá trình thực hiện chức năng kiểm sát THAHS tại cộng đồng, VKSND có quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ quan, cá nhân khắc phục vi phạm.

Như vậy, kiểm sát THAHS tại cộng đồng là một chức năng hiến định của VKSND, có vai trò hết sức quan trọng trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung và THAHS nói riêng; thông qua công tác này, VKSND sử dụng tổng hợp các quyền năng pháp lý mà pháp luật quy định để kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, Cơ quan quản lý THAHS, Cơ quan THAHS, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ THAHS trong việc thi hành bản án, quyết định về hình sự tại cộng đồng nhằm bảo đảm các bản án, quyết định đó được thi hành đúng pháp luật, đầy đủ, kịp thời; đảm bảo quyền của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Trong thời gian qua, VKSND tỉnh Phú Yên và các VKSND huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện tốt công tác kiểm sát thi hành án hình sự tại cộng đồng, bao gồm kiểm sát thi hành án treo, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; thi hành quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Qua đó, bảo đảm việc quản lý, giám sát, giáo dục và thực hiện chế độ, chính sách đối với người chấp hành án hình sự tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh đúng quy định của pháp luật; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm sát THAHS cũng như công tác của Cơ quan THAHS, Cơ quan được giao một số nhiệm vụ THAHS trong công tác THAHS còn có những tồn tại, hạn chế, vi phạm; VKSND hai cấp đã ban hành nhiều kiến nghị để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục và rút kinh nghiệm chung. Bên cạnh những vi phạm, tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện thì pháp luật về THAHS tại cộng đồng cũng còn có những quy định bất cập, khó khăn trong quá trình áp dụng, chưa đáp ứng kịp thời công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát THAHS tại cộng đồng, VKSND tỉnh Phú Yên đề ra một số giải pháp trọng tâm như sau:

1. Nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm sát THAHS tại cộng đồng

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 15/5/2018 “Về tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát các cấp trong kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự” và Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 18/6/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao về nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, THAHS trong ngành KSND. Các chỉ thị đã xác định phải quán triệt cho Lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức trong đơn vị nhận thức đầy đủ, sâu sắc nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát, của Kiểm sát viên và tầm quan trọng của công tác kiểm sát THAHS, thấy rõ đây là lực lượng trực tiếp có trách nhiệm kịp thời phát hiện được những vi phạm pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án; đây là khâu công tác giúp cho các hoạt động thực hành quyền công tố được đảm bảo khách quan, chặt chẽ và đi đến kết quả cuối cùng là bản án, quyết định của Tòa án được cấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất. Từ đó, tạo sự chuyển biến về chất trong tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung trong thời gian tới.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát THAHS tại cộng đồng trước hết phải thay đổi và nâng cao nhận thức; vị trí, vai trò và tậm quan trọng của khâu công tác này phải được cán bộ, Kiểm sát viên và Lãnh đạo nắm rõ và quán triệt thực hiện đầy đủ. Cán bộ, Kiểm sát viên phải chủ động nghiên cứu, nắm vững và thực hiện đầy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, các quy định của pháp luật, quy chế nghiệp vụ của ngành KSND về THAHS tại cộng đồng như Luật THAHS năm 2019, Thông tư 65/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ Công an quy định về thi hành án hình sự tại cộng đồng; Quyết định số 259/QĐ-VKSTC ngày 20/7/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao về ban hành quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và THAHS; nội dung tập huấn của Vụ 8 VKSND tối cao về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và THAHS năm 2023...

2. Nắm chắc tình hình chấp hành pháp luật để nâng cao chất lượng quản lý, chỉ đạo, điều hành

Công tác THAHS tại cộng đồng có nội dung rộng, đối tượng thi hành án và các chủ thể có thẩm quyền quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án nhiều, phân tán trên nhiều địa bàn khác nhau nên để đảm bảo công tác quản lý, chỉ đạo điều hành được thuận lợi, thông suốt cần phải nắm chắc tình hình chấp hành pháp luật về THAHS tại cộng đồng trên địa bàn do mình quản lý. Để làm tốt điều này trước hết cần xác định chính xác số liệu chấp hành án tại cộng đồng thông qua việc thu thập, đối chiếu số liệu thống kê từ Tòa án (cơ quan ra quyết định) và Cơ quan THAHS (cơ quan quản lý người thi hành án). Thông qua các phương thức kiểm sát để xác định bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực thi hành và đã ra quyết định thi hành án, số chưa ra quyết định thi hành án (lý do); nắm rõ số người đã có quyết định và đã thi hành, số chưa thi hành từ cơ quan THAHS để kịp thời trao đổi, đôn đốc hoặc thực hiện quyền kiến nghị đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan. Muốn nắm chắc tình hình thì cần thiết kiện toàn hệ thống sổ sách, hồ sơ, tài liệu theo dõi tình hình chấp hành pháp luật trong công tác quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự ở nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, cơ quan thi hành án hình sự các cấp theo đúng quy định. Đồng thời, thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác để quản lý, xử lý…

Thông qua nắm chắc tình hình hình chấp hành pháp luật để quản lý, chỉ đạo và có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành về nghiệp vụ nhằm giúp xử lý kịp thời, chính xác, đúng pháp luật các vụ việc phát sinh trong quá trình kiểm sát THAHS.

VKSND tỉnh Phú Yên đã tăng cường các biện pháp chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ bằng nhiều hình thức như trả lời thỉnh thị, ban hành các hướng dẫn, thông báo rút kinh nghiệm, tập huấn nghiệp vụ, mở các lớp bồi dưỡng về kỹ năng kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ của cấp trên đối với cấp dưới; kỹ năng kiểm sát trực tiếp… để cán bộ, Kiểm sát viên có điều kiện củng cố và cập nhật các kiến thức, quy định mới của pháp luật, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng phát hiện vi phạm.

3. Chú trọng, tăng cường kiểm sát định kỳ và đột xuất, áp dụng đầy đủ các phương thức kiểm sát; nâng cao chất lượng kiến nghị, kháng nghị để loại trừ vi phạm

Khi kiểm sát THAHS tại cộng đồng, Viện kiểm sát sử dụng các phương thức gồm: Thực hiện quyền yêu cầu; Kiểm sát quyết định về thi hành án hình sự; Kiểm sát hồ sơ thi hành án hình sự; Trực tiếp gặp, hỏi; Xác minh, thu thập tài liệu; Trực tiếp kiểm sát. Về nguyên tắc các phương thức trên đều có thể được vận dụng, thực hiện trong công tác kiểm sát THAHS tại cộng đồng, tùy tính chất vụ việc và điều kiện thực tế mà Viện kiểm sát lựa chọn phương thức phù hợp để mang lại chất lượng, hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, qua thực tế thì phương thức trực tiếp kiểm sát (định kỳ hoặc đột xuất) mang lại hiệu quả cao nhất, các vi phạm, tồn tại mà Viện kiểm sát phát hiện qua phương thức này chiếm tỉ lệ cao nhất, các kiến nghị của Viện kiểm sát hầu hết được thực hiện thông qua phương thức này. Thông qua kiểm sát định kỳ và đột xuất nhằm kịp thời phát hiện vi phạm và áp dụng các biện pháp để loại trừ vi phạm, đảm bảo chế độ, chính sách và các quyền của người phải THAHS tại cộng đồng được đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật.

Quá trình kiểm sát ngoài vận dụng đúng quy định pháp luật để xác định vi phạm cần phải thực hiện đúng quy chế nghiệp vụ trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và THAHS ban hành kèm theo Quyết định số 259/QĐ-VKSTC ngày 20/7/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao và hệ thống chỉ tiêu nghiệp vụ của Ngành: ít nhất 50% số xã có bị án đang chấp hành án tại cộng đồng, ít nhất 01 lần/ năm đối với Cơ quan THAHS cùng cấp. Khi kết thúc cuộc kiểm sát trực tiếp, VKSND phải có kết luận bằng văn bản.

Khi tiến hành kiểm sát định kỳ có thể phúc tra lại những vi phạm đã được phát hiện của cuộc kiểm sát trước mà Viện kiểm sát đã kháng nghị, kiến nghị yêu cầu sửa chữa, khắc phục và phòng ngừa vi phạm.

Kiểm sát đột xuất cần được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc xét thấy cần thiết, Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát tại cơ quan THAHS cùng cấp và cấp dưới; cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ THAHS. Nội dung kiểm sát đột xuất cần tập trung vào một vấn đề thấy cần thiết. Do vậy, cần bám sát Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao, Hướng dẫn công tác kiểm sát thi hành án hình sự, Chương trình, Kế hoạch hằng năm của đơn vị để lựa chọn nội dung cho phù hợp; đồng thời quản lý, nắm chắc tình hình chấp hành pháp luật về THAHS ở địa phương.

Sau khi kiểm sát phải có kết luận bằng văn bản xác định nguyên nhân và hậu quả (nếu có) do hành vi vi phạm pháp luật gây ra. Yêu cầu Thủ trưởng đơn vị được kiểm sát có biện pháp chấm dứt việc làm vi phạm pháp luật và xử lý ng­ười vi phạm.

Thông qua kiểm sát trực tiếp, đề xuất xây dựng, hoàn thiện pháp luật về THAHS nói chung và THAHS tại cộng đồng nói riêng; hoặc báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền những vấn đề còn vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn để phối hợp giải quyết.

4. Tăng cường mối quan hệ phối hợp với cơ quan có trách nhiệm trong thi hành án hình sự và với các khâu công tác kiểm sát trong ngành

Năm 2021, VKSND tỉnh Phú Yên và TAND tỉnh Phú Yên đã ký kết quy chế phối hợp trong việc giao, gửi bản án, quyết định; ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án; gửi quyết định thi hành án hình sự. Năm 2022, Phòng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án VKSND tỉnh Phú Yên và Phòng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Phú Yên cũng đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự và kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự...

Do đó, cần tiếp tục duy trì có nề nếp, hiệu quả mối quan hệ giữa kiểm sát THAHS với các khâu công tác kiểm sát trong ngành, với cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lý, THAHS tại cộng đồng.

Việc tăng cường việc phối hợp công tác giữa kiểm sát THAHS với các khâu công tác kiểm sát trong ngành Kiểm sát và với các cơ quan, đơn vị hữu quan có chức năng, nhiệm vụ trong việc THAHS tại cộng đồng là hết sức quan trọng. Các khâu công tác kiểm sát khác chỉ kiểm sát tuân theo pháp luật trong từng giai đoạn tố tụng, song khâu công tác kiểm sát việc THAHS là khâu công tác kiểm sát cuối cùng, giúp cho các khâu công tác kiểm sát trước đó được thực thi trên thực tế. Do vậy, xây dựng tốt mối quan hệ phối hợp công tác sẽ góp phần nâng cao hiệu quả các khâu công tác kiểm sát hình sự trong ngành KSND, đặc biệt là kiểm sát THAHS.

Một số khó khăn trong xử lý tội đánh bạc

(Kiemsat.vn) - Từ thực tiễn công tác giải quyết các vụ án đánh bạc và nghiên cứu các quy định của pháp luật, tác giả nêu một số vướng mắc cần trao đổi và đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật để có sự thống nhất trong nhận thức và đường lối xử lý loại tội phạm này.

Về năng lực trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác

(Kiemsat.vn) - Quy định về trách nhiệm hình sự tại Điều 13 BLHS năm 2015 khi “người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác” chưa thể hiện được các trường hợp ngoại lệ và còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung Điều luật này nhằm thống nhất nhận thức khi áp dụng trong thực tiễn.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang