Một số khó khăn trong xử lý tội đánh bạc
(kiemsat.vn) Từ thực tiễn công tác giải quyết các vụ án đánh bạc và nghiên cứu các quy định của pháp luật, tác giả nêu một số vướng mắc cần trao đổi và đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật để có sự thống nhất trong nhận thức và đường lối xử lý loại tội phạm này.
VKSND cấp cao tại Đà Nẵng: Rút kinh nghiệm về kiểm sát việc giải quyết vụ án phá sản doanh nghiệp
Giữ vững và tăng cường nguyên tắc Đảng lãnh đạo nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát việc tiếp nhận, phân loại, xử lý ban đầu nguồn tin về tội phạm của công an cấp xã
1. Một số khó khăn trong xử lý hành vi đánh bạc
Về việc xác định đối tượng tài sản trong Tội đánh bạc:
Theo quy định của pháp luật, để xử lý hành vi đánh bạc, trước hết phải xác định giá trị tiền hoặc hiện vật của những người tham gia đánh bạc.
Theo đó, tài sản dùng để đánh bạc chỉ có thể là 02 trong 04 loại của tài sản: Tiền hoặc hiện vật. Trong thực tiễn, còn các loại tài sản khác hay những tài sản không phải là hiện có, mà thuộc loại tài sản hình thành trong tương lai không được xác định là đối tượng dùng trong Tội đánh bạc. Vì vậy, trường hợp người phạm tội sử dụng những tài sản là các loại giấy tờ có giá và quyền tài sản hay vật hình thành trong tương lai quy ra giá trị để thực hiện vào mục đích đánh bạc hay đánh bạc với mục đích ăn thua các loại tài sản là giấy tờ có giá và quyền tài sản hoặc vật hình thành trong tương lai thì sẽ không bị xử lý hình sự, bởi các loại tài sản trên chưa được quy định là đối tượng của tội phạm đánh bạc.
Về việc xác định tiền trên chiếu bạc:
Căn cứ để xác định tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc được hướng dẫn ở nhiều văn bản từ trước khi Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 có hiệu lực, nhưng đến nay vẫn được áp dụng. Điều này là một trong những khó khăn khi áp dụng pháp luật. Chẳng hạn, Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 BLHS năm 1999 (Nghị quyết số 01/2010) đã hết hiệu lực, nhưng hiện nay các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn vận dụng tinh thần của Nghị quyết này để xử lý Tội đánh bạc vì chưa có văn bản thay thế. Để xây dựng văn bản hướng dẫn Điều 321 BLHS năm 2015 trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng còn một số vấn đề cần thống nhất, đó là:
Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010 quy định: “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc bao gồm: (1) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc; (2) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc; (3) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc”.
Hiện nay, chưa có khái niệm thế nào là chiếu bạc, diện tích, phạm vi xác định chiếu bạc. Có nhiều trường hợp khi bị bắt quả tang, số tiền đánh bạc không để trước mặt người đánh bạc hoặc bị rơi xung quanh những người ngồi đánh bạc một khoảng cách hợp lý. Đó là tiền trên chiếu bạc hay ngoài chiếu bạc còn có nhiều quan điểm trái chiều.
Trong thực tiễn các vụ án đánh bạc, các cơ quan tiến hành tố tụng thường cho rằng chiếu bạc là khoảng không gian những người đánh bạc đang sử dụng để thực hiện hình thức đánh bạc (chia bài, lắc tài xỉu, đổ xí ngầu…) hay là phạm vi những con bạc đặt tiền trực tiếp để người chơi bạc nhìn thấy, số tiền đặt ở nơi chia bạc là tiền trên chiếu bạc.
Về việc xác định tiền hoặc hiện vật thu giữ trong người hay nơi khác:
Các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật hiện nay cho rằng, số tiền hay hiện vật thu giữ trong người các con bạc hay thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã hoặc sẽ được dùng để đánh bạc thì được xác định là tài sản dùng để đánh bạc.
Việc quy định “tiền hay hiện vật thu giữ trong người các con bạc hay thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc thì sẽ xác định là tài sản dùng để đánh bạc” còn mang tính định tính và tùy nghi, dẫn đến tình trạng tùy tiện trong việc xử lý các vụ án đánh bạc. Bởi lẽ, không có chứng cứ chứng minh số tiền thu giữ trong người của người đánh bạc và thu giữ ở các nơi khác là đã hoặc sẽ được dùng để đánh bạc, mà chỉ có thể căn cứ vào lời khai của người đánh bạc để kết luận. Nếu người đánh bạc thừa nhận thì tài sản đó sẽ được dùng để tính định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS); còn nếu họ không thừa nhận thì không được dùng để tính là định lượng truy cứu TNHS.
Nguyên tắc suy đoán vô tội đặt ra trách nhiệm chứng minh của cơ quan buộc tội, người buộc tội, mà không quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của người bị buộc tội. Theo chúng tôi, dù pháp luật đảm bảo cho người bị buộc tội được cơ quan tiến hành tố tụng vận dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, người bị buộc tội có quyền im lặng, nhưng khi họ khai báo hay cung cấp tài liệu thì phải đúng sự thật để đảm bảo tính công chính trong hoạt động tư pháp.
Điều 382 BLHS năm 2015 (Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối) không quy định đối tượng chịu TNHS đối với chủ thể là người bị buộc tội. Việc không quy định đầy đủ dẫn đến người có hành vi vi phạm thay đổi lời khai, cản trở công chính tư pháp.
Về việc xác định giá trị đánh bạc:
Hiện nay, vấn đề xác định giá trị tiền và hiện vật được dùng để đánh bạc có quy định khác nhau: Tính tổng số tiền của những người tham gia đánh bạc hoặc tính riêng lẻ.
Khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010 hướng dẫn: ... “4. Khi xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc cần phân biệt:
a) Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc được hướng dẫn tại khoản 3 Điều này;
b) Trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa… thì một lần chơi số đề, một lần cá độ bóng đá, một lần cá độ đua ngựa… (để tính là một lần đánh bạc) được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua ngựa… trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt. Trách nhiệm hình sự được xác định đối với người chơi một lần đánh bạc trong các trường hợp này là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó”.
Việc xác định “nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau” còn nhiều cách hiểu khác nhau:
Thứ nhất, nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau được hiểu là nhiều người cùng với nhau trực tiếp đánh bạc.
Theo cách hiểu này, không kể các con bạc đánh với nhà cái hay giữa các con bạc với nhau thì đều xem là cùng tham gia đánh bạc với nhau. Như vậy, khi bị phát hiện, căn cứ tổng số tiền đánh bạc của tất cả những người tham gia trên chiếu bạc, kể cả những người tham gia nhưng đã rời chiếu bạc trước khi bị bắt quả tang thì tất cả những người tham gia đánh bạc đều bị truy cứu TNHS nếu đủ định lượng. Bởi vì, có những người chỉ chơi với nhà cái, nhưng dòng tiền được luân chuyển trực tiếp tại chiếu bạc theo nhiều ván chơi. Nếu hiểu theo cách này thì việc chứng minh không gặp nhiều khó khăn, không cần tính đến từng ván bài, mà chỉ cần xác định tổng số tiền dùng đánh bạc của tất cả những người tham gia là bao nhiêu để xem xét TNHS.
Theo Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TAND tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử thì căn cứ vào tổng số tiền thu trên chiếu bạc (tổng số tiền dùng vào việc đánh bạc) để xem xét TNHS, số tiền mỗi bị cáo dùng vào việc đánh bạc là một trong những căn cứ để Tòa án xem xét, đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm khi quyết định hình phạt đối với mỗi bị cáo. Đối với trường hợp con bạc đánh với chủ bạc (như lô đề, cá độ bóng đá, đua ngựa, xóc đĩa...) thì việc xác định khung hình phạt và mức hình phạt phải căn cứ vào số tiền từng bị cáo dùng vào việc đánh bạc. Việc chứng minh số tiền các bị cáo dùng vào việc đánh bạc là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Có những trường hợp người đánh bạc không chơi đầy đủ từ đầu đến cuối, thậm chí có thời gian nghỉ ngơi, sau đó mới chơi tiếp, nên tính tổng số tiền dùng để đánh bạc cho tất cả những người tham gia là không phù hợp với việc phân hóa TNHS của từng cá nhân vi phạm nếu số tiền của mỗi người tham gia đánh bạc dưới mức định lượng.
Ví dụ: Trong một vụ đánh bạc có một đối tượng cho rằng có tham gia đánh bạc 02 ván, mỗi ván đặt 200 nghìn đồng, kết quả thua nên nghỉ đứng xem hoặc đã ra ngoài ăn uống thì bị lực lượng Công an phát hiện và lập biên bản quả tang. Quá trình ghi lời khai ban đầu, bản tự khai của bị can đều thừa nhận hành vi đánh bạc, giữ nguyên lời khai như biên bản quả tang là đã nghỉ đứng xem hoặc ra ngoài ăn uống. Nếu chỉ xác định số tiền đánh bạc trên chiếu bạc khi bắt quả tang, mà không xác định được những lần đối tượng tham gia trên chiếu bạc có đủ định lượng truy cứu TNHS hay chưa để khởi tố đối tượng về Tội đánh bạc thì không đảm bảo theo tinh thần của khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010, đó là: “Khi xác định TNHS đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét...” .
Thứ hai, nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau được hiểu là nhiều người cùng tham gia đánh bạc ăn thua trực tiếp với nhau.
Trong trường hợp này, số tiền đánh bạc chỉ tính qua việc ăn thua trực tiếp với nhà cái vì giữa các con bạc không có việc đánh bạc với nhau. Người đánh bạc chỉ chịu TNHS về số tiền đánh bạc của mình với nhà cái mà không phải chịu TNHS về tổng số tiền của tất cả những người cùng tham gia trên chiếu bạc.
Việc chứng minh từng ván (đợt) đánh bạc của mỗi đối tượng gặp khó khăn, chỉ mang tính ước lượng theo lời khai của người tham gia đánh bạc nếu không có sổ sách ghi chép từng ván, do các lần đánh bạc đều đã diễn ra được một thời gian mới bị phát hiện; tức là khó chứng minh mỗi ván (đợt) người đánh bạc tham gia với nhà cái bao nhiêu tiền để tính tổng số tiền cho một lần đánh bạc.
Điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010 hướng dẫn: “Khi xác định TNHS đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét; cụ thể như sau:
... c) Trường hợp đánh bạc từ hai lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu TNHS (từ 2 triệu đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu TNHS về Tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS…”.
Trong trường hợp đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá thì mỗi một lần cá độ trong một trận bóng đá là một lần đánh bạc. Trong một đêm, một người có thể cá độ ở nhiều trận bóng đá khác nhau và mỗi lần dưới 50 triệu đồng thì cũng không được phép cộng các lần cá độ đó để tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc để xác định TNHS đối với họ trong việc định khung hình phạt. Trong khi đó, một người trong một ngày nhiều lần ghi số đề thì cũng chỉ tính là một lần và nếu trong ngày đó họ ghi đề nhiều lần mà cộng vào số tiền là 50 triệu đồng thì họ lại bị truy cứu TNHS theo khoản 2 Điều 321 BLHS năm 2015 và không phải chịu tình tiết tăng nặng theo điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015. Bởi vì, trong một ngày, các đài xổ số các tỉnh, thành phố cùng khu vực đều mở thưởng cùng một thời gian. So sánh với các tội xâm phạm sở hữu thì người có hành vi phạm tội sẽ bị cộng số tiền đã phạm tội và chịu TNHS với tình tiết tăng nặng phạm tội nhiều lần. Điều đó cho thấy quy định này chưa phù hợp với nguyên tắc công bằng trong luật hình sự Việt Nam.
Theo tác giả, khi truy cứu TNHS, việc xác định giá trị tài sản dùng để đánh bạc phải dựa trên căn cứ pháp lý người tham gia đánh bạc tại thời điểm họ đánh bạc và trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, để đảm bảo cho việc chứng minh thì pháp luật cần có chế tài đối với người bị buộc tội nếu khai báo gian dối hay cung cấp tài liệu không đúng sự thật.
Bên cạnh đó, nếu các lần đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào mà số tiền đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu quy định tại khung cấu thành cơ bản của điều luật thì cần cộng vào để xác định khung hình phạt và xác định tình tiết tăng nặng TNHS, tương tự với các tội xâm phạm sở hữu, nhằm đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của pháp luật hình sự.
Về việc lập biên bản xác định hành vi phạm tội:
Khi lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện bắt quả tang các tụ điểm đánh bạc dưới hình thức tài - xỉu thắng thua bằng tiền, sẽ phân ra 02 trường hợp lập biên bản: Nếu số tiền thu giữ trên chiếu bạc từ 05 triệu đồng trở lên thì cơ quan Công an tiến hành lập biên bản phạm tội quả tang hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc. Nếu dưới 05 triệu đồng thì lập biên bản vi phạm hành chính.
Hiện nay, cách ghi biên bản mô tả hành vi tham gia đánh bạc của từng đối tượng trong biên bản phạm tội quả tang các vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc có số tiền bị thu giữ trên chiếu bạc từ 05 triệu đồng trở lên không thống nhất. Một số biên bản phạm tội quả tang không ghi đầy đủ nội dung về hành vi vi phạm của từng đối tượng bị bắt quả tang, không xác định vị trí vật chứng thu giữ (trong túi áo hay túi quần, cách chiếu bạc bao nhiêu mét, có sử dụng vào việc đánh bạc hay không…) theo hướng dẫn của Bộ Công an.
Ví dụ: Trong biên bản phạm tội quả tang ghi nhận tại mục lời khai của người phạm tội: “Tôi, Nguyễn Văn C có đến tụ điểm đánh bạc để tham gia đánh bạc với vai trò đặt tụ thì bị lực lượng Công an phát hiện bắt quả tang”. Biên bản không thể hiện rõ ván cuối, ván quả tang còn đặt tụ hay đã nghỉ nên trong quá trình điều tra, người bị bắt không thừa nhận hành vi phạm pháp tại thời điểm phạm tội quả tang, mà cho rằng đã chấm dứt trước khi bị bắt. Vấn đề này còn có các quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, nếu đối tượng không thừa nhận hành vi đang đặt tụ với số tiền cụ thể và Cơ quan điều tra không thu thập được những chứng cứ khác như hình ảnh camera, nhận dạng, không có người làm chứng, các đối tượng tham gia đánh bạc không thừa nhận thì không đủ căn cứ khởi tố. Bởi vì, nội dung trong biên bản phạm tội quả tang không mô tả rõ hành vi Nguyễn Văn C đang tham gia đặt tụ với số tiền thắng thua cụ thể, không xác định thời điểm tham gia, nên không kết luận được giá trị tiền của những người tham gia đánh bạc.
Quan điểm thứ hai cho rằng, chỉ cần trong biên bản phạm tội quả tang đối tượng thừa nhận “tôi có đến tụ điểm để tham gia đánh bạc thì bị phát hiện bắt quả tang là đúng” và số tiền thu giữ trên chiếu bạc từ 05 triệu đồng trở lên là đủ căn cứ khởi tố bị can.
Theo chúng tôi, với nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, chứng minh trong tố tụng hình sự, theo Điều 98 BLTTHS năm 2015 thì không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội; nếu cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được thì không xử lý. Do đó, Kiểm sát viên cần yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện việc lập biên bản đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của ngành Công an.
Về việc loại trừ tiền sự của người vi phạm:
Khi xảy ra vi phạm pháp luật về hành vi đánh bạc, một số cán bộ Công an có thẩm quyền đã yêu cầu người vi phạm đóng tiền ký gửi để đảm bảo việc đóng phạt, sau khi ra quyết định xử phạt đã tự dùng tiền của người vi phạm ký gửi nộp phạt thay người vi phạm, dẫn đến việc người vi phạm hoàn toàn không biết mình đã bị xử phạt vi phạm hành chính hay sẽ bị xử lý hình sự đối với hành vi vừa thực hiện. Một số đối tượng không bị khởi tố thì cán bộ xử lý hành chính ra quyết định và lấy số tiền này nộp phạt thay cho đối tượng vi phạm, mà không lập biên bản tống đạt quyết định xử phạt cho người vi phạm hay biên lai đóng phạt thể hiện đầy đủ thông tin của người vi phạm, hành vi vi phạm nhưng không có chữ ký của họ. Do đó, nếu họ tiếp tục chơi bạc (dưới mức tiền cấu thành cơ bản 05 triệu đồng) thì không đủ căn cứ xác định người thực hiện hành vi đánh bạc phải chịu TNHS vì lần vi phạm sau chưa đủ định lượng. Đây là trường hợp xảy ra phổ biến dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm.
2. Kiến nghị, đề xuất
Để đảm bảo việc nhận thức, áp dụng BLHS năm 2015 thống nhất trong thực tiễn, tác giả kiến nghị một số giải pháp sau:
Một là, cần sửa đổi khoản 1 Điều 321 BLHS năm 2015 như sau: “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tài sản trị giá từ 05 triệu đồng …”.
Hai là, để tránh việc nhận thức không thống nhất, khi xây dựng văn bản hướng dẫn Điều 321 BLHS năm 2015 cần xác định các vấn đề sau: (1) Giải thích rõ khái niệm chiếu bạc là nơi những người tham gia đánh bạc trực tiếp để tiền sử dụng vào mục đích đánh bạc; (2) Nếu các lần đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào mà số tiền đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu quy định tại khung cấu thành cơ bản của điều luật thì cộng dồn vào để xác định khung hình phạt và tình tiết tăng nặng TNHS giống như đã áp dụng đối với các tội xâm phạm sở hữu.
Ba là, bổ sung chủ thể phải chịu TNHS đối với Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối (Điều 382) là người bị buộc tội.
Bốn là, bổ sung chế tài hình sự đối với chủ thể thiếu trách nhiệm để xảy ra trường hợp không thực hiện đúng các quy định trong xử phạt hành chính mà hậu quả dẫn đến không truy cứu TNHS người có tội.
Năm là, quy định giấy tờ có giá, quyền tài sản và vật hình thành trong tương lai là đối tượng của tội phạm đánh bạc.
Huỳnh Hồng Việt - Ngô Văn Lượng
Bài viết chưa có bình luận nào.