Vướng mắc trong quy định về quyền hạn của Viện kiểm sát giai đoạn điều tra vụ án hình sự

20/03/2024 09:46

(kiemsat.vn)
Từ những vướng mắc, bất cập trong quy định về quyền yêu cầu điều tra, quyền hạn khi tham gia hỏi cung và quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Viện kiểm sát, tác giả đề xuất hoàn thiện pháp luật để thống nhất trong nhận thức và áp dụng.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), trong giai đoạn điều tra, cơ quan có thẩm quyền điều tra giữ vai trò, nhiệm vụ chính, có sự phối hợp và chế ước của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND). Cơ quan điều tra (CQĐT) và Viện kiểm sát đều được giao những nhiệm vụ, quyền hạn rất cụ thể. Hoạt động điều tra chủ yếu do CQĐT tiến hành nhưng phải phối hợp với Viện kiểm sát để Viện kiểm sát thực hiện kiểm sát điều tra, bảo đảm hoạt động điều tra tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Sự tham gia của Viện kiểm sát không chỉ bảo đảm việc giải quyết được đúng pháp luật, mà còn ảnh hưởng đến việc truy tố của Viện kiểm sát ở giai đoạn sau.

Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, Điều 165 BLTTHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (gọi tắt là BLTTHS năm 2015) đã quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố, nhưng trong những điều luật cụ thể về điều tra vụ án hình sự có một số bất cập hoặc chưa thống nhất với Điều 165.

1. Về quyền yêu cầu điều tra

Khoản 6 Điều 165 BLTTHS năm 2015 chỉ quy định quyền hạn của Viện kiểm sát nhưng không quy định cơ quan có thẩm quyền điều tra có bắt buộc phải thực hiện những yêu cầu mà Viện kiểm sát đưa ra hay không khi có lý do chính đáng hoặc trở ngại khách quan. Mặt khác, trong Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP của VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa CQĐT và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS (Thông tư liên tịch số 04/2018), sự bắt buộc này đã được thể hiện rõ hơn, ngay tại quy định về yêu cầu điều tra.

“… 2. Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công điều tra vụ án phải thực hiện yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên; nếu thấy cần thiết, Điều tra viên, Cán bộ điều tra có thể trao đổi với Kiểm sát viên để làm rõ những nội dung của yêu cầu điều tra...”

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 11 Thông tư liên tịch số 04/2018 vẫn quy định: “Trường hợp CQĐT không thực hiện yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát hoặc đã tiến hành các hoạt động điều tra nhưng do trở ngại khách quan mà không thể thực hiện được yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát thì CQĐT phải nêu rõ lý do trong bản kết luận điều tra”.

Việc nêu rõ lý do trong bản kết luận điều tra chỉ phù hợp trong trường hợp có trở ngại khách quan mà CQĐT không thể thực hiện được yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát. Trường hợp: “Cơ quan điều tra không thực hiện yêu cầu điều tra”, thì lại không cần xét đến lý do không thực hiện có chính đáng hay không, CQĐT vẫn được nêu rõ lý do trong bản kết luận điều tra, và như vậy, yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát không có giá trị trong trường hợp này. Xét thấy, quy định như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát, nhất là khi vai trò của Viện kiểm sát là xuyên suốt các giai đoạn tố tụng hình sự.

Có thể có trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu điều tra rõ nguyên nhân phạm tội để quyết định hình phạt nhưng CQĐT “né tránh” việc thực hiện yêu cầu và chỉ cần chờ đến khi kết thúc điều tra ghi rõ lý do không thực hiện yêu cầu trong bản kết luận điều tra.

Có thể thấy, cơ chế bảo đảm cho việc thực hiện quyền yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát còn hạn chế nhất định. Bộ luật Tố tụng hình sự nêu rõ trường hợp loại trừ không phải bắt buộc thực hiện yêu cầu điều tra, văn bản dưới luật đã khắc phục điều đó nhưng vẫn chấp nhận trường hợp “không thực hiện yêu cầu điều tra” mà không cần xét đến lý do chính đáng hay không, đặt bên cạnh trường hợp “không thể thực hiện được” - không có khả năng để thực hiện. Bất cập này dẫn đến yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát có thể bị “xem nhẹ”, đặc biệt là đối với những yêu cầu điều tra cơ bản, có yếu tố quyết định đến việc buộc tội. Nếu có bản kết luận điều tra mà thiếu các chứng cứ, thông tin quan trọng đó, Viện kiểm sát khó có thể thực hiện quyền truy tố của mình; giai đoạn truy tố bị ảnh hưởng và có thể phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, kéo dài thời hạn tố tụng.

Từ những vướng mắc trên, tác giả đề xuất sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2015 và Thông tư liên tịch số 04/2018 theo hướng khẳng định việc bắt buộc phải thực hiện yêu cầu điều tra và giới hạn lại những trường hợp nào việc không thực hiện yêu cầu được chấp nhận.

Cụ thể, bổ sung khoản 6 Điều 165 BLTTHS năm 2015 như sau:

… “6. Đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiến hành điều tra để làm rõ tội phạm, người phạm tội; Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bắt buộc phải thực hiện yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc có lý do chính đáng”.

Đồng thời, sửa đổi khoản 2 Điều 11 Thông tư liên tịch số 04/2018 theo hướng chỉ cho phép trường hợp yêu cầu điều tra không được thực hiện do lý do chính đáng hoặc trường hợp bất khả kháng, thông báo cho Viện kiểm sát ngay khi thấy có căn cứ và ghi rõ lý do trong bản kết luận điều tra: “Trường hợp CQĐT không thể thực hiện yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát do trở ngại khách quan hoặc có lý do chính đáng thì CQĐT phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát bằng văn bản khi có căn cứ không thể thực hiện được và nêu rõ lý do trong bản kết luận điều tra”.

2. Về quyền hạn của Viện kiểm sát khi tham gia buổi hỏi cung bị can

Sự tham gia của Kiểm sát viên - đại diện cho Viện kiểm sát trong hỏi cung bị can gồm có tham gia buổi hỏi cung của Điều tra viên hoặc trực tiếp hỏi cung bị can.

Trước hết, Kiểm sát viên có quyền tham gia buổi hỏi cung bị can của Điều tra viên. Theo khoản 1 Điều 183 BLTTHS năm 2015, trước khi hỏi cung bị can, Điều tra viên buộc phải thông báo cho Kiểm sát viên về thời gian, địa điểm hỏi cung. Trường hợp bị can không khai báo, không nhận tội hoặc có dấu hiệu vi phạm thì Kiểm sát viên cần tham gia buổi hỏi cung để kịp thời nắm bắt được sự việc, có định hướng phù hợp đối với yêu cầu điều tra hoặc giải quyết vụ án. Mặt khác, không chỉ Kiểm sát viên có quyền được thông báo về buổi hỏi cung, người bào chữa cũng được quyền này và có thể tham gia buổi hỏi cung của Điều tra viên (khoản 1 Điều 183 và khoản 3 Điều 184 BLTTHS năm 2015). Với quy định tương xứng giữa Kiểm sát viên và người bào chữa như vậy, có thể thấy, sự tham gia của Kiểm sát viên không chỉ để thực hiện chức năng kiểm sát của Viện kiểm sát, mà còn thực hiện chức năng tố tụng giữa bên buộc tội - đại diện Viện kiểm sát và bên gỡ tội - người bào chữa. Đây là biểu hiện của nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm mà việc thu thập chứng cứ có sự tham gia của cả bên buộc tội và bên gỡ tội, bình đẳng về quyền được tham gia buổi hỏi cung bị can.

Bên cạnh tham gia cùng Điều tra viên, Kiểm sát viên cũng có quyền trực tiếp hỏi cung bị can (khoản 4 Điều 183 BLTTHS năm 2015). Theo đó, Kiểm sát viên hỏi cung khi bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết. Khoản 7 Điều 165 BLTTHS năm 2015 cũng bổ sung trường hợp Kiểm sát viên trực tiếp hỏi cung, đó là khi xét phê chuẩn lệnh, quyết định của Cơ quan có thẩm quyền điều tra; trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục hoặc trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng khi quyết định việc truy tố. Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch số 04/2018 cũng làm rõ hơn với trường hợp để bổ sung chứng cứ, tài liệu xem xét, quyết định việc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can. Những trường hợp trên không chỉ tăng quyền cho Kiểm sát viên mà còn có ý nghĩa củng cố hồ sơ cho Kiểm sát viên thực hiện truy tố ở giai đoạn sau.

Như đã phân tích ở trên, trước khi tiến hành hỏi cung, Điều tra viên đều phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa về thời gian, địa điểm diễn ra buổi hỏi cung bị can.

Mặc dù không quy định trực tiếp nhưng BLTTHS năm 2015 cũng quy định cho người bào chữa có quyền hỏi bị can tại buổi hỏi cung bị can (khoản 3 Điều 184 BLTTHS năm 2015): “…Trường hợp người bào chữa được hỏi bị can thì biên bản phải ghi đầy đủ câu hỏi của người bào chữa và trả lời của bị can”. Nhưng người bào chữa cũng không được tự do thực hiện quyền hỏi cung bị can mà phải được Điều tra viên cho phép.

Ngược lại, với sự tham gia của Kiểm sát viên tại buổi hỏi cung thì BLTTHS năm 2015 lại không có quy định về quyền hỏi bị can như với người bào chữa, chỉ dừng lại ở việc Kiểm sát viên có thể tham gia buổi hỏi cung khi cần thiết. Xét về chức năng tố tụng, tại buổi hỏi cung, người bào chữa thực hiện chức năng gỡ tội, Kiểm sát viên thực hiện chức năng buộc tội. Chính sự đối lập về chức năng tố tụng này mà khi cùng tham gia tại buổi hỏi cung, người bào chữa và Kiểm sát viên cần có quyền hỏi cung bị can như nhau, tức là, quy định rõ việc Kiểm sát viên có thể hỏi cung bị can nếu tham gia buổi hỏi cung bị can do Điều tra viên tổ chức, nhất là khi người bào chữa có mặt. Mặt khác, việc bổ sung quy định: “Kiểm sát viên có thể hỏi cung bị can” là thể hiện rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên tại buổi hỏi cung, là căn cứ để Điều tra viên và Kiểm sát viên phối hợp hiệu quả và có thể kịp thời khắc phục những thiếu sót của Điều tra viên mà Kiểm sát viên phát hiện ra tại buổi hỏi cung.

Vì lẽ đó, thiết nghĩ cần bổ sung quy định làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên tại buổi hỏi cung bị can của Điều tra viên theo hướng Kiểm sát viên cũng có quyền hỏi cung bị can, bên cạnh quyền hỏi cung khi được phép của người bào chữa. Cụ thể, bổ sung khoản 1 Điều 183 BLTTHS năm 2015 như sau: “… Trước khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung. Khi xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên tham gia việc hỏi cung bị can và có thể trực tiếp hỏi cung nếu cần”.

3. Về thẩm quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã dành một chương riêng để quy định về thủ tục rút gọn (Chương XXXI). Theo đó, để áp dụng thủ tục rút gọn trong điều tra vụ án hình sự, cần có đủ các điều kiện: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú; sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng. Xét về thẩm quyền áp dụng, mặc dù không có điều luật cụ thể quy định nhưng có thể rút ra từ khoản 1 Điều 457 BLTTHS năm 2015. Theo đó, CQĐT, Viện kiểm sát, Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Về cơ quan có thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn, nếu như BLTTHS năm 2003 chỉ có duy nhất chủ thể là Viện kiểm sát có thẩm quyền áp dụng và hủy bỏ thủ tục thì BLTTHS năm 2015 đã mở rộng thẩm quyền áp dụng, hủy bỏ thủ tục rút gọn cho cả 3 chủ thể: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án.

Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra có vai trò phối hợp, chế ước với Cơ quan có thẩm quyền điều tra. Khi có sự tham gia cùng lúc của hai cơ quan và đều được quy định về thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn (Điều 457 BLTTHS năm 2015) thì câu hỏi đặt ra là: Trong giai đoạn điều tra, khi nào CQĐT có quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, khi nào quyền này thuộc về Viện kiểm sát?

Thêm vào đó, các quy định khác trong BLTTHS năm 2015, bên cạnh Điều 457, vẫn theo hướng: Trong giai đoạn điều tra, Viện kiểm sát có quyền đối với việc áp dụng thủ tục rút gọn (khoản 9 Điều 165 BLTTHS năm 2015).

Đặc biệt, quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn được quy định đồng thời với các quyền quyết định khác mà những quyền này không thuộc thẩm quyền của cơ quan khác ngoài Viện kiểm sát. Đó là quyền quyết định việc gia hạn thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam (Điều 172 và 173); quyền quyết định chuyển vụ án (Điều 169); quyền quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (Điều 447); quyền quyết định hủy bỏ quyết định tách, nhập vụ án (khoản 3 Điều 170). Hơn nữa, đây đều là những quyền mà Viện kiểm sát có thể ra quyết định trong giai đoạn điều tra. Như vậy, trong quy định về quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thuộc về Viện kiểm sát, được quy định tại cùng một khoản và đồng thời với các quyền quyết định khác của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra.

Đồng thời, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu CQĐT, Viện kiểm sát cũng thể hiện rõ sự không đồng nhất về quyền ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn giữa Điều 457 và các điều luật khác. Cụ thể, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng CQĐT không có quy định về quyết định áp dụng thủ tục rút gọn (Điều 36). Ngược lại, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát đã chỉ rõ Viện trưởng có quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn hoặc hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn (điểm l khoản 2 Điều 41). Như vậy, có thêm một căn cứ thể hiện quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn điều tra thuộc về Viện kiểm sát thay vì CQĐT. Trong khi đó, thẩm quyền với thủ tục rút gọn của Tòa án nhân dân theo Điều 457 BLTTHS năm 2015 vẫn được quy định thêm ở điều luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án theo điểm c khoản 2 Điều 44 BLTTHS năm 2015. Chính những sự mâu thuẫn này dẫn đến việc quyết định áp dụng thủ tục rút gọn ở giai đoạn điều tra còn nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau.

Theo tác giả, trước hết, cần xác định rõ, giai đoạn điều tra, CQĐT có thẩm quyền này không. Nếu có thì chỉ cần bổ sung thêm quy định “quyết định áp dụng thủ tục rút gọn” tại điều luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng CQĐT. Ngược lại, nếu xác định chỉ Viện kiểm sát thực hiện quyền này trong giai đoạn điều tra thì cần sửa khoản 1 Điều 457 BLTTHS năm 2015 theo hướng: “1. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều kiện quy định tại Điều 456 của Bộ luật này, CQĐT, Viện kiểm sát, Tòa án phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn”.

Theo quan điểm của tác giả, việc tăng thêm cơ quan có thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn là phù hợp. Một là, CQĐT hiện đang có thẩm quyền điều tra trong giai đoạn điều tra (Điều 163 BLTTHS năm 2015); mặc dù Viện kiểm sát có tham gia nhưng vai trò trực tiếp và sát với vụ án nhất vẫn là CQĐT; hai là, sẽ khắc phục được tình trạng không chủ động của CQĐT trong việc giải quyết vụ án.

Trong khi chờ BLTTHS sửa đổi, bổ sung, việc phối hợp giữa CQĐT và Viện kiểm sát có thể tiếp tục theo các quy định về thủ tục rút gọn ở Chương XXXI. Việc quyết định chính thuộc về CQĐT ở giai đoạn điều tra, đảm bảo đúng tinh thần điểm mới của BLTTHS năm 2015 so với Bộ luật trước. Ngoài ra, với quy định của luật như vậy, có thể khẳng định trong giai đoạn điều tra, Viện kiểm sát cũng có quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Theo khoản 2 Điều 75 Quy chế về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao:

… “2. Trường hợp vụ án có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 456 BLTTHS mà CQĐT không ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu CQĐT ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; nếu CQĐT không thực hiện thì lãnh đạo Viện ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại khoản 9 Điều 165 BLTTHS và gửi ngay quyết định đó cho CQĐT, đồng thời giao, gửi cho người tham gia tố tụng theo quy định tại khoản 2 Điều 457 BLTTHS…”.

Cách quy định như vậy là phù hợp, không chỉ thẩm quyền của CQĐT và Viện kiểm sát đều được ghi nhận mà còn giải quyết được những vướng mắc về thời điểm thực hiện quyền của hai cơ quan trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Tuy nhiên, quy định này vẫn chỉ mang tính nội bộ; do đó, BLTTHS cần được sửa đổi, bổ sung để thực hiện thống nhất.

Giữ vững và tăng cường nguyên tắc Đảng lãnh đạo nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(Kiemsat.vn) - Nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng, có tính thời sự cấp bách trong điều kiện đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát việc tiếp nhận, phân loại, xử lý ban đầu nguồn tin về tội phạm của công an cấp xã

(Kiemsat.vn) - Để công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm đòi hỏi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát phải đồng bộ, đặc biệt là quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, xử lý thông tin ban đầu của Công an cấp xã.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang