Rút kinh nghiệm từ vụ án tranh chấp của thành viên công ty và yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

19/03/2024 08:46

(kiemsat.vn)
Qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại theo thủ tục phúc thẩm, VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh nhận thấy việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty; yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu” tại Bản án số 06/2022/KDTM-ST ngày 18/8/2022 có vi phạm, cần thông báo rút kinh nghiệm.

Nội dung vụ án kinh doanh thương mại

Ngày 29/8/2011, ông Phan B H đại diện Công ty TBV; ông Nguyễn T N đại diện Công ty H; ông Đoàn B Đ đại diện Công ty SV thống nhất ký biên bản thỏa thuận về việc xin dự án Khu du lịch HĐ tại xã T, huyện N, tỉnh N, với nội dung: "Công ty TBV cam kết hỗ trợ để liên danh H và Công ty SV thực hiện hoàn thành các thủ tục xin thỏa thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh N cho dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp HĐ. Công ty SV và công ty H đồng ý thanh toán cho Công ty TBV chi phí trọn gói 03 tỷ đồng. Các bên đồng ý sẽ thành lập Công ty quản lý và khai thác Khu du lịch Nghỉ dưỡng cao cấp HĐ. Vốn điều lệ 06 tỷ đồng, Công ty TBV 50% với chi tiết: Công ty TBV có 35% cổ phần và tạm đứng tên hộ 15% cho ông N".

Ngày 16/01/2017, Công ty HĐ yêu cầu Công ty TBV góp vốn đầu tư số tiền 8 tỷ đồng. Công ty TBV cho rằng đã thực hiện xong thỏa thuận xin được dự án, đồng thời phía Công ty H vi phạm thỏa thuận nên khởi kiện yêu cầu Công ty H và ông N liên đới thực hiện nghĩa vụ góp vốn thay cho Công ty TBV theo thỏa thuận ngày 29/8/2011 để Công ty TBV sở hữu 35% tương đương 24,5 tỷ đồng theo vốn điều lệ hiện tại của Công ty HĐ. Bị đơn Công ty H phản tố yêu cầu tuyên bố Biên bản thỏa thuận ngày 29/8/2011 vô hiệu.

Quá trình giải quyết của Tòa án

Quan điểm của Viện kiểm sát cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tại Bản án số 06/2022/KDTM-ST ngày 18/8/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đ quyết định: Đình chỉ giải quyết một phần vụ án do Công ty TBV rút yêu cầu khởi kiện đối với ông N. Chấp nhận một phần yêu cầu của Công ty TBV; buộc Công ty H chuyển trả bằng vốn góp cho Công ty TBV 2,1 tỷ đồng (là 210.000 cổ phần = 03% vốn góp của H trong Công ty HĐ) để Công ty TBV thực hiện thủ tục góp vốn vào vốn điều lệ của Công ty HĐ. Công ty HĐ có trách nhiệm cho Công ty TBV góp vào vốn điều lệ 2,1 tỷ đồng để ghi 210.000 cổ phần vào vốn điều lệ của Công ty HĐ. Chấp nhận một phần yêu cầu của Công ty H về việc yêu cầu tuyên bố Biên bản thỏa thuận ngày 29/8/2011 vô hiệu một phần đối với phần của Công ty SV. Ngoài ra bản án còn tuyên nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 25/8/2022, nguyên đơn Công ty TBV kháng cáo đề nghị chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện; ngày 30/8/2022, bị đơn Công ty H kháng cáo yêu cầu hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án; ngày 05/9/2022, VKSND tỉnh Đ có báo cáo gửi VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm trên, theo hướng sửa án sơ thẩm.

Ngày 15/9/2022, Viện trưởng VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định kháng nghị số 47/QĐ-VKS-KDTM, yêu cầu sửa án sơ thẩm theo hướng: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TBV về việc buộc Công ty H chuyển trả bằng vốn góp cho Công ty TBV 2,1 tỷ đồng, tương đương 03% vốn góp của Công ty H trong Công ty HĐ; chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn Công ty H về việc tuyên bố Biên bản thỏa thuận ngày 29/8/2011 vô hiệu. TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận kháng nghị, tuyên sửa án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận yêu cầu phản tố bị đơn.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Tại Biên bản thỏa thuận ngày 29/8/2011 thể hiện thành phần 03 bên gồm: Ông H, chức vụ Tổng giám đốc - Đại diện Công ty TBV; ông N, chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị - Đại diện Công ty H; ông Đ, chức vụ Tổng giám đốc - Đại diện Công ty SV. Tuy nhiên trong biên bản chỉ có chữ ký của ông H đóng dấu Công ty TBV, có chữ ký của ông N nhưng không có đóng dấu của Công ty H, không có chữ ký và đóng dấu của ông Đ - Đại diện Công ty SV. Ông H thừa nhận khi lập biên bản thỏa thuận không có mặt của ông Đ. Công ty SV và ông Đ xác nhận không biết và không liên quan gì đến Biên bản thỏa thuận ngày 29/8/2011. Như vậy, biên bản thỏa thuận 03 bên nhưng chỉ có 02 cá nhân là ông H và ông N tham gia ký kết, không có Công ty SV tham gia nên việc thỏa thuận này là chưa hoàn thành, chưa phát sinh hiệu lực. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng việc vắng mặt Công ty SV không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với Công ty SV, không làm ảnh hưởng đến các nội dung cam kết thực hiện quyền và nghĩa vụ của Công ty TBV và Công ty H là không phù hợp, không đúng nội dung giao dịch thỏa thuận 03 bên.

Theo Biên bản thỏa thuận thể hiện ông H với chức vụ Tổng Giám đốc Công ty TBV, tuy nhiên vào thời điểm này ông H không phải là Tổng giám đốc Công ty TBV, người đại diện theo pháp luật cho Công ty TBV là ông K, chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị chứ không phải bà T như bản án nhận định. Tại phiên tòa, ông H cũng thừa nhận là quốc tịch Úc nên không được đứng tên đại diện theo pháp luật của công ty. Như vậy, ông H không chứng minh đủ tư cách pháp lý đại diện cho Công ty TBV để ký thỏa thuận với Công ty H nhưng Tòa án cấp sơ thẩm nhận định ông H nhân danh công ty thực hiện công việc đem lại lợi ích cho công ty, đồng thời Công ty TBV không có ý kiến phản đối việc làm của ông H nên chấp nhận Biên bản thỏa thuận ngày 29/8/2011. Nhận định của Tòa án là không đúng pháp luật về tư cách pháp nhân, đại diện theo pháp luật của một Doanh nghiệp khi tham gia ký kết giao dịch hợp đồng.

Đối với ông N đại diện Công ty H tham gia ký biên bản thỏa thuận ngày 29/8/2011 nhưng không có ủy quyền, không có Quyết định của Hội đồng quản trị về việc cử ông N làm đại diện công ty để đứng ra thỏa thuận hợp đồng trước khi đăng ký doanh nghiệp là không đúng pháp luật. Thời điểm này Công ty H có cổ đông lớn là Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước chiếm 51% vốn điều lệ, trong khi ông Ng chỉ nắm giữ 5,329% vốn điều lệ. Do đó, ông N ký thỏa thuận không có văn bản ủy quyền của Hội đồng quản trị là không đúng, ông N không phải là đại diện của Công ty H. Mặt khác, biên bản thỏa thuận không được đóng dấu của Công ty H nên cũng không có giá trị pháp lý.

Theo Biên bản thỏa thuận ngày 29/8/2011 sẽ thành lập Công ty quản lý và khai thác Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp HĐ với số vốn điều lệ là 06 tỷ đồng, nhưng cho đến nay không có tài liệu nào chứng minh thành lập công ty này. Công ty TBV cho rằng Công ty quản lý và khai thác Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp HĐ nay là Công ty HĐ nhưng không có tài liệu chứng minh, không được các cổ đông Công ty HĐ thừa nhận. Công ty HĐ được thành lập theo quy định pháp luật với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng, có 04 cổ đông sáng lập là: Công ty TBV, Công ty H, Công ty SV và ông T, trong đó Công ty TBV góp 18% vốn điều lệ. Những người có tư cách đại diện cổ đông được Hội đồng quản trị ủy quyền làm đại diện. Mặt khác, từ khi thành lập và hoạt động đến nay, Công ty HĐ không biết đến Biên bản thỏa thuận ngày 29/8/2011 và Công ty TBV cũng không có ý kiến gì liên quan đến Biên bản thỏa thuận này, điều đó cho thấy ông H không phải là người thay mặt công ty TBV ký kết biên bản thỏa thuận trên. Như vậy, Công ty HĐ được thành lập và hoạt động độc lập không liên quan đến Biên bản thỏa thuận ngày 29/8/2011. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng Công ty quản lý và khai thác Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp HĐ là pháp nhân điều kiện, tiền đề làm cơ sở thành lập Công ty HĐ, 02 pháp nhân này kế thừa, không mâu thuẫn, không đối lập về quyền và nghĩa vụ. Nhận định này là không có cơ sở.

Mặt khác, việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc H chuyển trả bằng vốn góp cho Công ty TBV 1,2 tỉ đồng (21.000 cổ phần = 3% vốn góp của H trong Công ty HĐ) để Công ty TBV thực hiện thủ tục góp vốn vào vốn điều lệ của Công ty HĐ trong khi 04 cổ đông sáng lập của Công ty HĐ đã góp đủ vốn điều lệ thì bản án sơ thẩm sẽ không thi hành được vì trái quy định của Luật doanh nghiệp. Hơn nữa, nếu cho rằng theo thỏa thuận H phải ứng trước cho Công ty TBV mượn nhưng lại không giải quyết khi nào phải trả lại cho Công ty H là giải quyết nửa vời, không triệt để vụ án và không thể thi hành được.

Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định, đánh giá chứng cứ không chính xác, không phù hợp với chứng cứ khách quan có trong hồ sơ vụ án, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn Công ty H. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, tuyên sửa bản án sơ thẩm theo hướng như trên.

Đây là vi phạm của Tòa án nhân dân tỉnh Đ trong việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại, VKSND  tỉnh Đ đã phát hiện vi phạm, kịp thời báo cáo Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát, VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh thông báo đến VKSND các tỉnh, thành phố trong khu vực cùng tham khảo và rút kinh nghiệm chung khi kiểm sát giải quyết vụ án kinh doanh thương mại tương tự.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang