So sánh pháp luật về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ và Việt Nam (Kỳ Il và hết)
(kiemsat.vn) Bài viết tập trung so sánh một số quy định của pháp luật Hoa Kỳ và Việt Nam về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự như nguồn luật điều chỉnh, căn cứ chấp nhận và loại trừ chứng cứ, những vấn đề không phải chứng minh, tiêu chuẩn chứng minh; trên cơ sở đó, đưa ra định hướng nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vấn đề này.
Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và ý nghĩa trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay
Thu thập chứng cứ điện tử trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam
Cơ chế thoả thuận nhận tội trong tố tụng hình sự Nhật Bản và khuyến nghị đối với Việt Nam
(Tiếp theo Kỳ I)
3. Những vấn đề không phải chứng minh trong tố tụng hình sự
- Quy định của pháp luật Hoa Kỳ về những vấn đề không phải chứng minh:
Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ có một số quy định gián tiếp xác định những vấn đề không cần chứng minh trong TTHS và TTDS. Điều II FRE quy định về thông báo tư pháp. Đây là thông báo tư pháp về tình tiết đã được phán xử, khác với tình tiết luật định. Mục đích của thông báo tư pháp là nhằm đẩy nhanh việc thu thập và trình bày các chứng cứ đã được chấp nhận trước đó. Cụ thể hơn, việc Tòa án đưa ra thông báo tư pháp về một tình tiết, tài liệu, hoặc những chứng cứ khác là một cách thức hữu hiệu để viện dẫn các chứng cứ khác đã được chấp nhận và loại trừ yêu cầu cung cấp thêm chứng cứ. Theo học thuyết về thông báo tư pháp, có những vấn đề nhất định được cho là sự thật không thể bàn cãi và không cần thiết đưa ra chứng cứ để chứng minh chúng; vì vậy, thông báo tư pháp là sự thay thế cho việc chứng minh chính thức.
Theo Quy tắc 201(b) FRE thì Tòa án có thể thông báo một tình tiết không bị tranh cãi một cách hợp lý khi rơi vào một trong hai trường hợp sau: (1) Nó được biết đến một cách phổ quát trong thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ của Tòa án; hoặc (2) Có thể dần được xác định một cách chính xác dựa trên các nguồn mà độ tin cậy của chúng không thể bị nghi ngờ hợp lý.
Theo Quy tắc 201(c), (d) FRE, tại bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của một bên (với điều kiện phải cung cấp những thông tin cần thiết) để ra thông báo tư pháp. Trong vụ án dân sự, Tòa án phải chỉ dẫn Bồi thẩm đoàn chấp nhận tình tiết được thông báo như kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, trong vụ án hình sự thì có sự khác biệt khi Bồi thẩm đoàn có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận tình tiết được thông báo như kết luận cuối cùng.
Các bang của Hoa Kỳ, trong đó có bang California, đã cụ thể hóa Quy tắc 201 nêu trên của FRE. Phần IV Bộ luật chứng cứ (Evidence Code) của California quy định khá chi tiết về thông báo tư pháp. Theo Bộ luật này, những vấn đề thuộc đối tượng của thông báo tư pháp được chia thành hai nhóm: (i) Bắt buộc phải được thông báo (Điều 451); (ii) Có thể được thông báo (Điều 452). Đáng chú ý trong nhóm thứ hai có ghi nhận hồ sơ vụ án của bất kỳ Tòa án nào thuộc bang California hoặc bất kỳ Tòa án lưu trữ nào của Hoa Kỳ và các bang khác (Điều 452(d)). Nếu thẩm quyền của Tòa án trong việc đưa ra thông báo tư pháp về quá trình tố tụng của các vụ án trước ít gây tranh luận thì phạm vi và mức độ của thẩm quyền này còn nhiều điều chưa rõ ràng. Đặc biệt, Tòa án đã đúc kết thành một quy tắc cơ bản, đó là nội dung của hồ sơ vụ án thuộc đối tượng của thông báo tư pháp, nhưng sự thật của bất kỳ tình tiết nào chứa đựng trong hồ sơ vụ án lại không phải. Theo quy tắc này, Tòa án có thể ra thông báo tư pháp rằng những tài liệu nhất định đã được đưa vào hồ sơ vụ án trước đây hoặc những tình tiết, sự kiện nhất định đã được xác thực, nhưng về cơ bản Tòa án có thể không ra thông báo tư pháp về nội dung của những hồ sơ này hoặc của bản thân những tình tiết, sự kiện.
- Quy định của pháp luật Việt Nam về những vấn đề không phải chứng minh:
Pháp luật Việt Nam cũng có quy định về những vấn đề không phải chứng minh nhưng chỉ trong lĩnh vực TTDS. Cụ thể, các điểm a, b khoản 1 Điều 92 BLTTDS năm 2015 quy định những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh bao gồm: (a) Những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Tòa án thừa nhận; (b) Những tình tiết, sự kiện đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực TTHS thì hoàn toàn không có bất kỳ quy định nào tương tự Điều 92 BLTTDS năm 2015. Việc thiếu các quy định về những vấn đề không phải chứng minh trong TTHS sẽ dẫn đến thực trạng các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải mất thời gian, công sức một cách vô lý để thu thập chứng cứ chứng minh cho những vấn đề mặc nhiên ai cũng biết và/hoặc đã được làm rõ trong các bản án, quyết định hình sự của Tòa án có hiệu lực pháp luật hoặc các quyết định tố tụng khác trong các vụ án trước đây.
Ví dụ: Trong một vụ án trộm cắp xe mô tô tại huyện C, tỉnh H, do giấy khai sinh của T thuộc trường hợp đăng ký quá hạn và tàng thư hộ tịch thể hiện không có giấy chứng sinh nên cơ quan Cảnh sát điều tra đã trưng cầu giám định tuổi của T. Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an tại thành phố M đã có Kết luận giám định số 3658/C54B về độ tuổi của T. Căn cứ vào kết luận này, cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự do T chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Sau đó, T lấy trộm điện thoại di động và xe máy. Cơ quan Cảnh sát điều tra lại trưng cầu giám định tuổi của T và Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an tại thành phố M đã ra Kết luận giám định số 3669/C54B về độ tuổi của T.
Qua ví dụ trên cho thấy độ tuổi của người bị buộc tội đã được giám định và có kết luận chính thức bởi cơ quan có chuyên môn trong một vụ án. Tuy nhiên, khi người này bị buộc tội trong một vụ án khác xảy ra sau đó, vấn đề độ tuổi lại phải chứng minh một lần nữa bởi cùng một cơ quan là Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an tại thành phố M. Điều này rõ ràng là không cần thiết, làm cho quá trình tố tụng bị kéo dài, tốn kém thêm chi phí giám định mà kết quả lại không khác so với kết luận giám định trong vụ án trước đó.
- So sánh quy định của pháp luật Hoa Kỳ và Việt Nam về những vấn đề không phải chứng minh:
Pháp luật Hoa Kỳ và bang California đã có những quy định về thông báo tư pháp, gián tiếp ghi nhận những vấn đề không phải chứng minh do đã được xác thực trong các vụ án, vụ kiện trước. Mặc dù còn tranh cãi về phạm vi và mức độ của thẩm quyền ra thông báo tư pháp của Tòa án nhưng rõ ràng pháp luật Hoa Kỳ đã đặt nền móng về những vấn đề không phải chứng minh trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự và vụ án dân sự. Ngược lại, pháp luật Việt Nam chỉ ghi nhận những vấn đề không phải chứng minh trong TTDS. Có thể có lập luận cho rằng do tiêu chuẩn chứng minh trong TTDS và TTHS là khác nhau (sẽ được phân tích trong tiểu mục tiếp theo của bài viết), vì thế không nên quy định những vấn đề không phải chứng minh trong TTHS. Tác giả cho rằng, tiêu chuẩn chứng minh không phải là cơ sở để loại trừ quy định về những vấn đề không phải chứng minh ra khỏi pháp luật TTHS; những quy định về thông báo tư pháp của pháp luật Hoa Kỳ đáng nghiên cứu và tiếp biến bởi Việt Nam.
4. Tiêu chuẩn chứng minh trong tố tụng hình sự
4.1. Quy định của pháp luật Hoa Kỳ về tiêu chuẩn chứng minh trong tố tụng hình sự
Tiêu chuẩn chứng minh (standard of proof) là tiêu chuẩn mà bên đang chứng minh một tình tiết phải đáp ứng để tình tiết đó được xác lập về pháp lý. Pháp luật Hoa Kỳ xác định 03 tiêu chuẩn chứng minh vì những mục đích của việc xét xử và chúng được áp dụng trong các trường hợp khác nhau, bao gồm: Tiêu chuẩn chứng cứ vượt trội (preponderance of evidence), tiêu chuẩn chứng cứ rõ ràng và thuyết phục (clear and convincing evidence), tiêu chuẩn chứng minh vượt qua sự nghi ngờ hợp lý (beyond a resonable doubt).
Tiêu chuẩn thứ nhất thường được áp dụng trong các vụ án dân sự, trong đó nguyên đơn có trách nhiệm chứng minh vụ án của họ bởi chứng cứ vượt trội, có nghĩa rằng họ chỉ cần đơn thuần chứng minh tình tiết tranh cãi có khả năng xảy ra. Tiêu chuẩn chứng minh thứ hai là tiêu chuẩn chứng minh ở giữa và được giải thích đại khái là tiêu chuẩn nhiều khả năng xảy ra, điều chỉnh một số vấn đề nhất định trong những tình huống đặc biệt, như chấm dứt quyền làm cha mẹ. Tiêu chuẩn chứng minh thứ ba là một tiêu chuẩn chắc chắn thực tế, thường được áp dụng trong các vụ án hình sự. Theo đó, bên công tố có trách nhiệm chứng minh tội lỗi của bị cáo vượt qua sự nghi ngờ hợp lý. Quan điểm khoa học của ba tiêu chuẩn trên xuất phát từ lý thuyết xác xuất. Đôi khi chúng còn thậm chí được thể hiện ở dạng số là 51%, 75% và 90% hoặc tương tự như vậy. Sự khác nhau giữa các tiêu chuẩn chứng minh dẫn đến yêu cầu về số lượng chứng cứ cũng khác nhau, trong đó tiêu chuẩn chứng minh thứ ba là khắt khe nhất.
Tiêu chuẩn chứng minh vượt qua sự nghi ngờ hợp lý có nguồn gốc từ thời Cải cách châu Âu vào đầu thế kỷ XVI, được lý giải bằng hai giả thuyết về bằng chứng thực tế và không cắn rứt lương tâm. Vào năm 1850, tiêu chuẩn chứng minh này được Tòa án Hoa Kỳ áp dụng trong vụ án Commonwealth v. Webster. Đến năm 1970, Tòa án tối cao Hoa Kỳ chính thức ghi nhận “vượt qua sự nghi ngờ hợp lý” là một đòi hỏi của thủ tục tố tụng công bằng theo Tu chính án thứ 5 và Tu chính án thứ 14. Từ đó, tiêu chuẩn chứng minh “vượt qua sự nghi ngờ hợp lý” được áp dụng trên khắp đất nước Hoa Kỳ, từ cấp độ liên bang đến cấp độ tiểu bang. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, pháp luật Hoa Kỳ chưa đưa ra một khái niệm chính thức về tiêu chuẩn chứng minh “vượt qua sự nghi ngờ hợp lý”.
Tiêu chuẩn chứng minh này cũng đã được ghi nhận và giải thích trong rất nhiều văn kiện quốc tế như một nội dung của nguyên tắc/quyền (được) suy đoán vô tội. Mục đích hướng đến là nhằm tạo ra một chỉ dẫn, yêu cầu pháp lý nghiêm ngặt đối với các cơ quan có thẩm quyền khi buộc tội và kết tội một người. Qua đó, giúp loại bỏ việc làm oan người vô tội trong TTHS, một thực trạng tồn tại ở tất cả các quốc gia trên thế giới.
4.2. Quy định của pháp luật Việt Nam về tiêu chuẩn chứng minh trong tố tụng hình sự
Các cụm từ như “tiêu chuẩn chứng minh” và đặc biệt là “vượt qua sự nghi ngờ hợp lý” không tồn tại trong khung pháp luật Việt Nam từ trước đến nay. Thay vào đó, Điều 13 BLTTHS năm 2015 về nguyên tắc suy đoán vô tội quy định: “Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”. Điều 15 BLTTHS năm 2015 về nguyên tắc xác định sự thật vụ án yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng “phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ”. Ngoài ra, khoản 1 Điều 108 Bộ luật này về kiểm tra, đánh giá chứng cứ nhấn mạnh: “Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự”.
Nội dung của 03 điều luật trên đề cập đến một vấn đề trong khoa học luật TTHS gọi là “giới hạn chứng minh”. Đó là “khối lượng chứng cứ cần và đủ để xác định một cách khách quan, toàn diện các tình tiết có ý nghĩa đối với việc làm sáng tỏ sự thật của vụ án hình sự”. Giới hạn chứng minh có liên quan nhưng khác tiêu chuẩn chứng minh. Chính xác hơn, giới hạn chứng minh là vấn đề phái sinh từ tiêu chuẩn chứng minh. Tiêu chuẩn chứng minh là cái có trước, quyết định nhiều vấn đề thuộc chứng minh trong TTHS, bao gồm cả giới hạn chứng minh. Khi tiêu chuẩn chứng minh càng cao thì thông thường giới hạn chứng minh cũng được mở rộng; hoặc nói một cách khác, số lượng (mức) chứng cứ cần có cũng phải nhiều hơn. Nếu tiêu chuẩn chứng minh “vượt qua sự nghi ngờ hợp lý” được pháp luật trực tiếp ghi nhận (ví dụ khoản 3 Điều 66 Quy chế Tòa án hình sự quốc tế) thì giới hạn chứng minh không thể được luật hóa mà tùy thuộc vào từng vụ án hình sự cụ thể, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tự mình xác định sao cho phù hợp.
Việc bổ sung nội dung thứ hai vào nguyên tắc suy đoán vô tội như đề cập ở trên tại Điều 13 BLTTHS năm 2015 là một sự tiến bộ vì đã minh thị yêu cầu các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận một người là vô tội khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội. Từ đây có thể suy luận ngược lại là khi và chỉ khi đã đủ và làm sáng tỏ được tất cả chứng cứ buộc tội theo trình tự, thủ tục do pháp luật TTHS quy định thì mới có quyền kết tội một người. Yêu cầu này có đạt được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào đánh giá của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
4.3. So sánh quy định của pháp luật Hoa Kỳ và Việt Nam về tiêu chuẩn chứng minh trong tố tụng hình sự
Tiêu chuẩn chứng minh vượt qua sự nghi ngờ hợp lý trong TTHS đã được nghiên cứu từ lâu đời, được ghi nhận bởi luật pháp Hoa Kỳ và được áp dụng trong thực tiễn tố tụng. Ngược lại, tiêu chuẩn chứng minh này chưa được nghiên cứu sâu sắc, toàn diện và cũng chưa được minh thị ghi nhận trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Hạn chế này cùng với nhiều nguyên nhân khác cho thấy tiêu chuẩn để kết tội một người theo pháp luật Việt Nam có vẻ thấp hơn so với pháp luật Hoa Kỳ và pháp luật quốc tế; có khả năng dẫn đến những trường hợp oan, sai về pháp lý đã, đang và sẽ tồn tại trong thực tiễn TTHS của Việt Nam. Để đảm bảo tiêu chuẩn chứng minh vượt qua sự nghi ngờ hợp lý thì việc đơn thuần thay đổi câu chữ của luật chắc chắn không phải là giải pháp hữu hiệu. Như đã đề cập trong pháp luật Hoa Kỳ, tiêu chuẩn chứng minh này gắn liền với thủ tục tố tụng công bằng - một quy trình tố tụng có sự phân chia rành mạch giữa ba chức năng cơ bản trong TTHS là buộc tội, bào chữa, xét xử; các quyền tố tụng, đặc biệt là quyền được xét xử công bằng, được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm ở mức độ cao nhất có thể. Với mô hình tố tụng như Việt Nam hiện nay - một mô hình tố tụng ưu tiên cho mục đích kiểm soát tội phạm, bên bào chữa chưa thật sự có được sự bình đẳng khi đối tụng với bên buộc tội, trong khi đó chủ thể xét xử còn gánh thêm trách nhiệm chứng minh tội phạm thì tiêu chuẩn chứng minh sự có tội phải vượt qua nghi ngờ hợp lý sẽ gặp nhiều rào cản về lý luận và thực tiễn trước khi được ghi nhận và áp dụng.
5. Một số định hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự
Trên cơ sở tìm hiểu quy định của pháp luật Hoa Kỳ về chứng cứ, chứng minh trong TTHS, tác giả bài viết đưa ra một số định hướng sau đây nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam:
Thứ nhất, thay vì ban hành một đạo luật riêng về chứng cứ, chứng minh trong TTHS hoặc chứng cứ, chứng minh nói chung, Việt Nam nên rà soát, thiết kế và chỉnh sửa lại toàn diện các quy định hiện hành tại Chương VI BLTTHS năm 2015. Trong đó, đặc biệt chú ý bổ sung các căn cứ để chấp nhận và loại trừ chứng cứ, giúp tháo gỡ những vướng mắc, mâu thuẫn trong thực tiễn đánh giá chứng cứ. Bên cạnh đó, có thể ban hành văn bản hướng dẫn và/hoặc án lệ giải thích một số quy định khi cần thiết.
Thứ hai, chọn lọc những quy định hợp lý của Bộ luật Hoa Kỳ về tiêu chí để đánh giá tính tự nguyện, độ tin cậy của lời nhận tội; quy định của FRE về chứng cứ bản viết, bản ghi và ảnh; “cấy ghép” một cách hợp lý vào những quy định tương ứng trong BLTTHS sửa đổi.
Thứ ba, nghiên cứu học tập quy định của FRE về thông báo tư pháp và bổ sung điều luật về những vấn đề không phải chứng minh trong vụ án hình sự ngay sau Điều luật “Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự” của BLTTHS sửa đổi.
Thứ tư, Việt Nam cần tìm hiểu toàn diện và chuyên sâu hơn về tiêu chuẩn chứng minh vượt qua sự nghi ngờ hợp lý để bổ sung vào hệ thống lý luận của khoa học luật TTHS nước nhà, tạo cơ sở pháp điển hóa và áp dụng vào thực tiễn giải quyết vụ án hình sự, góp phần hạn chế tình trạng oan, sai.
Lê Huỳnh Tấn Duy
-----------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Văn Cừ (2005), Chứng cứ trong luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. Tư pháp.
2. Cornell Law School, Burden of Proof https://www.law.cornell.edu/wex/burden_of_proof#:~:text=Depending%20on%20the%20jurisdiction%20and,evidence%20in%20most%20civil%20cases.
3. Dui Hua Foundation, China’s New Rules on Evidence in Criminal Trials https://nyujilp.org/wp-content/uploads/2013/02/43.3-Hua.pdf.
4. Duy Huynh Tan Le, Shruti Bedi (2022), Presumption of Innocence: Comparing Vietnamese Law with Established International Jurisprudence, Criminal Law Forum, tr.359-408.
5. Đỗ Văn Đương (2006), Chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, Nxb. Tư pháp.
6. Nguyễn Thị Thanh Hương (2020), Xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi theo luật tố tụng hình sự Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
7. Kevin M. Clermont (2022), Theory for Evaluating Evidence against the Standard of Proof, tr.130-131, https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=4158916.
8. Võ Minh Kỳ (2021), Vượt qua nghi ngờ hợp lý: Ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh trong tư pháp hình sự Hoa Kỳ và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 14(438).
9. Legal Seagull, Introduction to Evidence Law, https://thelegalseagull.com/products/introduction-to-evidence-law.
10. Le & Tran Trial Lawyers, https://letranlaw.com/insights/vietnamese-rules-of-evidence-and-the-differences-with-the-us/.
11. Marcellus A. McRae, Michael M. Lee, and Samuel A. Spears, Evidence, https://www.gibsondunn.com/wp-content/uploads/documents/publications/McRae-Lee-Spears-Evidence-California-Litigation-Review-2015.pdf.
12. Thư viện pháp luật, Tổng hợp 63 án lệ đã được công bố ở Việt Nam, https://thuvienphapluat.vn/banan/tin-tuc/tong-hop-63-an-le-da-duoc-cong-bo-o-viet-nam-6712.
Bất cập về thời hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hình sự
So sánh pháp luật về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ và Việt Nam (Kỳ I)
-
1Thu thập chứng cứ điện tử trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam
-
2Cơ chế thoả thuận nhận tội trong tố tụng hình sự Nhật Bản và khuyến nghị đối với Việt Nam
-
3Bất cập về thời hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hình sự
-
4So sánh pháp luật về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ và Việt Nam (Kỳ I)
-
5So sánh pháp luật về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ và Việt Nam (Kỳ Il và hết)
Bài viết chưa có bình luận nào.