Bất cập về thời hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hình sự
(kiemsat.vn) Bài viết đưa ra các quan điểm chưa thống nhất về việc áp dụng Tiểu mục 4.1 Mục 4 Phần I Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP để tính thời điểm bắt đầu thời hạn kháng nghị phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án; từ đó, đề xuất giải pháp khắc phục.
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo pháp luật một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam
Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và ý nghĩa trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay
Thu thập chứng cứ điện tử trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam
Thời hạn để Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị đối với bản án sơ thẩm đã được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) quy định cụ thể tại Điều 337. Theo đó, thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày, kể từ ngày Tòa án tuyên án.
Thời hạn kháng nghị bản án sơ thẩm có mối liên hệ chặt chẽ, là tiền đề để tính hai thời hạn khác gồm: Thời điểm có hiệu lực của bản án sơ thẩm và thời hạn Tòa án ra quyết định thi hành án đối với người bị kết án. Theo đó, BLTTHS năm 2015 quy định bản án và những phần của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị (Điều 343); trong vòng 07 ngày kể từ ngày bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác thi hành án (Điều 364).
1. Quy định về cách tính thời hạn kháng nghị phúc thẩm
Điều 134 BLTTHS năm 2015 quy định về tính thời hạn như sau:
“1. Thời hạn mà Bộ luật này quy định được tính theo giờ, ngày, tháng, năm. Đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.
Khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn.
Khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau; nếu tháng đó không có ngày trùng thì thời hạn hết vào ngày cuối cùng của tháng đó; nếu thời hạn hết vào ngày nghỉ thì ngày làm việc đầu tiên tiếp theo được tính là ngày cuối cùng của thời hạn.
Khi tính thời hạn tạm giữ, tạm giam thì thời hạn hết vào ngày kết thúc thời hạn được ghi trong lệnh, quyết định. Nếu thời hạn được tính bằng tháng thì 01 tháng được tính là 30 ngày.
2. Trường hợp có đơn hoặc giấy tờ gửi qua dịch vụ bưu chính thì thời hạn được tính theo dấu bưu chính nơi gửi. Nếu có đơn hoặc giấy tờ gửi qua cơ sở giam giữ thì thời hạn được tính từ ngày Trưởng nhà tạm giữ, Trưởng buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng, Giám thị trại tạm giam, Giám thị trại giam nhận đơn hoặc giấy tờ đó”.
Như vậy, Điều 134 BLTTHS năm 2015 chỉ quy định thời điểm kết thúc của thời hạn, mà không đề cập đến thời điểm bắt đầu (ngoại trừ các trường hợp gửi qua dịch vụ bưu chính và qua cơ sở giam giữ).
Các điều luật tại các chương khác nhau trong BLTTHS năm 2015 đã cụ thể hóa thời hạn tiến hành và cách tính thời điểm bắt đầu của thời hạn. Ví dụ: Thời hạn điều tra đối với vụ án ít nghiêm trọng là 02 tháng, đối với vụ án nghiêm trọng là 03 tháng,... kể từ ngày khởi tố vụ án (Điều 172); thời hạn điều tra bổ sung là 02 tháng trong trường hợp Viện kiểm sát trả hồ sơ tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận được hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung (Điều 174); thời hạn kháng nghị phúc thẩm là 15 ngày đối với Viện kiểm sát cùng cấp, 30 ngày đối với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kể từ ngày Tòa án tuyên án (Điều 337).
Như vậy, BLTTHS năm 2015 đã quy định đầy đủ, rõ ràng về xác định các loại thời hạn, trong đó có thời hạn kháng nghị phúc thẩm. Việc tính thời hạn chỉ dựa trên việc đếm thông thường số ngày theo số tự nhiên. Ví dụ: Khi Tòa án tuyên án vào ngày 01/01 thì thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp sẽ kết thúc vào lúc 24 giờ ngày 15/01 và tương tự đối với các ngày 2, 3,...30; thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp sẽ kết thúc lúc 24 giờ ngày 30/01; nếu các ngày 15 và 30 là ngày nghỉ thì thời điểm kết thúc thời hạn kháng nghị sẽ là 24 giờ của ngày làm việc tiếp theo. Khi hết thời hạn, nếu bản án sơ thẩm không bị kháng nghị thì mặc nhiên bản án có hiệu lực thi hành vào ngày tiếp theo mà không phụ thuộc vào việc ngày đó có phải là ngày nghỉ hay không (nếu bản án cũng không bị kháng cáo). Ngày bản án có hiệu lực thi hành cũng chính là ngày bắt đầu trong thời hạn 07 ngày Chánh án Tòa án phải ra quyết định thi hành án.
2. Bất cập về cách tính thời hạn kháng nghị phúc thẩm và đề xuất, kiến nghị
Quy định về tính thời hạn nói chung và thời hạn kháng nghị phúc thẩm nói riêng trong BLTTHS năm 2015 về cơ bản vẫn kế thừa toàn bộ nội dung tại Điều 96 và Điều 234 BLTHTS năm 2003. Điều 234 BLTTHS năm 2003 được hướng dẫn thi hành bởi Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của BLTTHS (Nghị quyết số 05/2005). Theo đó, Tiểu mục 4.1 Mục 4 Phần I Nghị quyết số 05/2005 quy định như sau:
… “4. Về Điều 234 của BLTTHS
4.1. Thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị
a) Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo, kháng nghị là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày Toà án tuyên án hoặc ra quyết định trong trường hợp Viện kiểm sát, bị cáo, đương sự có mặt tại phiên toà hoặc là ngày bản án, quyết định được giao hoặc được niêm yết trong trường hợp bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa”.
Tác giả cho rằng, cách tính thời hạn kháng nghị theo Nghị quyết số 05/2005 có sự khác biệt so với BLTHTS năm 2003 và năm 2015. Bởi lẽ, các BLTTHS quy định thời hạn kháng nghị được tính kể từ ngày tuyên án; nhưng Nghị quyết số 05/2005 đưa ra một khái niệm là “ngày được xác định” và lấy ngày tiếp theo của “ngày được xác định” là ngày bắt đầu tính thời hạn kháng nghị. Theo đó, Nghị quyết số 05/2005 hướng dẫn thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày và của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày, kể từ ngày tiếp theo ngày Tòa án tuyên án.
Trong thực tiễn công tác xét xử, có các quan điểm chưa thống nhất về cách tính thời hạn kháng nghị như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, BLTTHS năm 2015 đã kế thừa toàn bộ quy định của BLTTHS năm 2003 về thời hạn kháng nghị phúc thẩm, hiện chưa có hướng dẫn khác thay thế nên cần áp dụng tinh thần của Nghị quyết số 05/2005 để tính thời hạn kháng nghị phúc thẩm.
Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả cho rằng, không nên vận dụng tinh thần của Nghị quyết số 05/2005 để làm căn cứ tính thời hạn kháng nghị phúc thẩm. Bởi lẽ:
Thứ nhất, quy định của BLTTHS năm 2015 về tính thời hạn kháng nghị phúc thẩm đã rõ ràng, nên hoàn toàn không cần thiết có một hướng dẫn khác, để tránh việc có nhiều cách hiểu phức tạp và ngoại lệ không cần thiết.
Thứ hai, nội dung hướng dẫn về cách tính thời điểm bắt đầu thời hạn kháng nghị của Nghị quyết số 05/2005 trái với Điều 337 BLTTHS năm 2015 và Điều 234 BLTTHS năm 2003.
Việc Nghị quyết số 05/2005 đưa ra khái niệm “ngày được xác định” đã làm khác đi câu từ được thể hiện trong các BLTTHS. Nếu không sử dụng khái niệm “ngày được xác định” thì hướng dẫn của Nghị quyết số 05/2005 sẽ là: “Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng nghị là ngày tiếp theo ngày Tòa án tuyên án”. Khi đó, hoàn toàn có thể hiểu “thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 16 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 31 ngày, kể từ ngày Tòa án tuyên án”, hoặc “thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày, kể từ ngày tiếp theo ngày Tòa án tuyên án”.
Việc hướng dẫn thời điểm bắt đầu của thời hạn kháng nghị phúc thẩm là ngày tiếp theo của “ngày được xác định” dẫn đến việc đặt ra câu hỏi: Những loại thời hạn khác có cần “ngày được xác định” và lấy ngày tiếp theo của “ngày được xác định” làm thời điểm bắt đầu tính thời hạn hay không?
Trong thực tiễn, có nhiều văn bản luật hết hiệu lực thi hành nhưng tinh thần của văn bản còn phù hợp, không trái với quy định của luật hiện hành thì vẫn được vận dụng. Tuy nhiên, tinh thần của Nghị quyết số 05/2005 về tính thời điểm bắt đầu thời hạn kháng nghị là không phù hợp nên đã không được cụ thể hóa trong BLTTHS năm 2015 (BLTTHS năm 2015 đã bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung rất nhiều điều luật so với BLTTHS năm 2003, nhưng quy định về tính thời hạn và thời hạn kháng nghị phúc thẩm được kế thừa nguyên vẹn và hướng dẫn về tính thời điểm bắt đầu thời hạn kháng nghị tại Nghị quyết số 05/2005 không được luật hóa).
Bên cạnh đó, Điều 37 Quy chế số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự quy định “thời hạn kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án theo Điều 337 BLTTHS”.
Với những phân tích và đánh giá nêu trên, để pháp luật được hiểu và áp dụng đồng bộ và thống nhất trong thực tiễn, tác giả kiến nghị liên ngành tư pháp trung ương có hướng dẫn về việc không áp dụng Tiểu mục 4.1 Mục 4 Phần I Nghị quyết số 05/2005 để tính thời điểm bắt đầu thời hạn kháng nghị phúc thẩm.
Phạm Tuấn Kiệt
Cơ chế thoả thuận nhận tội trong tố tụng hình sự Nhật Bản và khuyến nghị đối với Việt Nam
-
1Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo pháp luật một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam
-
2Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và ý nghĩa trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay
-
3Thu thập chứng cứ điện tử trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam
-
4Cơ chế thoả thuận nhận tội trong tố tụng hình sự Nhật Bản và khuyến nghị đối với Việt Nam
-
5Bất cập về thời hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hình sự
Bài viết chưa có bình luận nào.