Nguyễn Văn Đ không phải là đồng phạm tội Đánh bạc

08/03/2017 09:58

(kiemsat.vn)
– Theo tác giả, để xác định Nguyễn Văn Đ có là đồng phạm không, thì cần làm rõ 2 vấn đề: Quy định của pháp luật (cụ thể là Bộ luật hình sự năm 1999) về đồng phạm và hành vi của Nguyễn Văn Đ.

Theo quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999:

Đồng phạm: Là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

Như vậy, thứ nhất, đồng phạm phải có ít nhất từ hai người trở lên (tuy nhiên, không phải cứ có nhiều người tham gia là đồng phạm, mà nhiều người tham gia đó phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm, nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm), có đủ dấu hiệu về chủ thể của tội phạm như về năng lực trách nhiệm hình sự, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 BỘ LUẬT HÌNH SỰ.

Thứ hai, đồng phạm là gồm nhiều người cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Như vậy, hành vi phạm tội của mỗi người là cố ý và có sự liên quan, phối hợp chặt chẽ với nhau mà không hề tách rời nhau. Nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cố ý cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm.

Về hành vi của Nguyễn Văn Đ, thấy rằng:

Phạm Quang H cùng Nguyễn Văn Q, Vũ Đình T và Trần Hữu D rủ nhau chơi bài (tú lơ khơ) ăn tiền tại nhà của Q ở phường B, quận C, thành phố H. Khi bị thua hết tiền, H đã gọi điện thoại cho Đ để: “nhờ Đ mang tiền đến cho H mượn”. Tác giả Quỳnh Nga cũng không nêu rõ trong bài viết rằng: Trong cuộc trò chuyện (cuộc gọi điện thoại) mà H gọi cho Đ, ngoài việc thể hiện đơn giản rằng: “nhờ Đ mang tiền đến cho H mượn”, thì H còn nói với Đ cụ thể những nội dung, vấn đề gì khác nữa không?

Giả sử, nếu khi H gọi điện thoại cho Đ, ngoài việc H có nói Đ mang tiền đến cho H mượn, thì H còn nói thêm với Đ về những nội dung khác như: H mượn tiền để đánh bài ăn tiền; H “lôi kéo” Đ cùng chơi bài ăn tiền với mình bằng việc H nói: Đ. không phải trực tiếp đánh bài ăn tiền, mà Đ chỉ góp chung (chung chi) với H (H trực tiếp đánh) để cùng hưởng số tiền đánh thắng được và ăn chia theo tỷ lệ nào đó…. Để rồi, khi nghe H nói như vậy thì Đ đã đồng ý, tiếp nhận ý chí của H, mang tiền đến cho H mượn; thì dù Đ không trực tiếp tham gia đánh bài cùng nhóm của H, nhưng Đ đã “ngẫu nhiên” trực tiếp “giúp sức” cho H (tạo điều kiện vật chất – mang cho H mượn 6.000.000 đồng) tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội “đánh bạc”, sau khi H đã đánh hết tiền. Nếu đúng như vậy thì Đ phải bị truy tố và xét xử về tội “Đánh bạc” với vai trò là “người giúp sức” là hoàn toàn chính xác.

Nhưng ở đây, tuyệt nhiên chúng ta không thấy H có bất cứ lời nói, hay hành động nào khác với Đ, ngoài việc: Khi H gọi Đ mang tiền đến cho H mượn, khoảng 15 phút sau thì Đ đi xe máy tới nhà Q. Việc Đ mang tiền đến cho H mượn rõ ràng đã thể hiện là quan hệ dân sự vay mượn tài sản (tiền) giữa H và Đ, chứ Đ hoàn toàn không biết (và cũng không buộc Đ phải biết) H vay tiền để tiếp tục đánh bạc.

Do đó, quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra Công an quận C phải chứng minh được:

+ Có hay không có tội phạm xảy ra? Đ có là đồng phạm trong tội “Đánh bạc” với vai trò là “người giúp sức” cho H thực hiện hành vi phạm tội hay không? Hành vi của Đ trong vụ án này có ảnh hưởng, tác động như thế nào đối với hành vi đánh bạc của H? Với việc có hay không H đã gọi điện thoại thỏa thuận và hứa hẹn với Đ và Đ đã đồng ý với H như thế nào (như đã phân tích ở trên), thì mới có cơ sở để ra quyết định khởi tố Nguyễn Văn Đ (cùng Nguyễn Văn Q, Phạm Quang H, Vũ Đình T, Trần Hữu D) về tội “Đánh bạc” theo quy định tại Điều 248 BLHS được.

+ Hay: Đ đã không có một lời nói hứa hẹn hay hành động nào khác “giúp sức” cho H thực hiện hành vi phạm tội (đánh bạc), mà chỉ đơn thuần là Đ mang tiền đến cho H mượn; rồi ngẫu nhiên, vô tình cùng thời điểm đó Công an đến thấy Đ đang ở nhà Q nên đã bắt luôn Đ và nhóm của H? Do đó, trong trường hợp này Cơ quan điều tra Công an quận C truy tố Đ về tội “Đánh bạc” theo quy định tại Điều 248 BLHS là không có cơ sở.

Từ lý luận khoa học luật hình sự và thực tiễn pháp lý (về tội phạm và đồng phạm) cũng như việc Đ mang tiền đến cho H vay mượn (vì H đã gọi điện thoại cho Đ) mà chúng ta đã tìm hiểu phân tích ở trên, có cơ sở rõ ràng để khẳng định rằng: Hành vi của Đ không phải là tội phạm, cũng như Đ không đồng phạm với vai trò là người giúp sức (giúp H) trong vụ án “đánh bạc” này (vì theo quy định nói trên của BLHS về chế định đồng phạm có hai loại: Đồng phạm đơn giản là trường hợp những người cùng thực hiện một tội phạm đều là người thực hành. Đồng phạm có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện một tội phạm;….).

Do đó, tôi đồng tình với quan điểm của tác giả Quỳnh Nga. Trong vụ án này, không có có sở để truy tố Nguyễn Văn Đ phạm tội “đánh bạc” quy định tại Điều 248 BLHS 1999 với vai trò đồng phạm giúp sức. Hành vi của Đ chỉ có thể được coi là một giao dịch dân sự thông thường. Nếu truy tố Đ phạm tội “đánh bạc”, sẽ rơi vào trường hợp “Dân sự hóa hình sự”.

Kim Việt

Tòa án quân sự khu vực 2 Hải quân

Từ 01/2018: 17 tội danh không còn thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra

(Kiemsat.vn) - Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự có hiệu lực từ 01/01/2018, đã có sửa đổi, bổ sung quan trọng về thẩm quyền điều tra, có 17 tội không còn thuộc thẩm quyền của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh.

Yêu cầu đặt cọc để được tham gia bán hàng đa cấp có trái pháp luật?

Tôi muốn tham gia bán hàng đa cấp thì được yêu cầu đặt cọc một khoản tiền và mua một số lượng hàng trước? Tôi muốn hỏi công ty kinh doanh đa cấp làm như vậy có đúng không? việc lợi dụng kinh doanh đa cấp để chiếm đoạt tài sản thì bị xử lý thế nào?
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang