Một số vấn đề về tương trợ tư pháp hình sự của Việt Nam
(kiemsat.vn) Bài viết tập trung nghiên cứu quy định của Việt Nam về tương trợ tư pháp về hình sự, các nguyên tắc hợp tác đặc thù và thời gian thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp.
Thực trạng pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền tại Việt Nam và kiến nghị hoàn thiện
Căn cứ xác định vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự trong pháp luật Trung Quốc và Việt Nam
Bàn về công nhận sự tồn tại của điều kiện trong hợp đồng tặng, cho tài sản có điều kiện
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tình hình tội phạm ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia. Vì vậy, tương trợ tư pháp về hình sự giữa các quốc gia đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc hỗ trợ cho hoạt động tố tụng trong nước hướng tới phòng chống tội phạm hiệu quả và giữ vững ổn định kinh tế, xã hội. Bài viết tập trung nghiên cứu quy định của Việt Nam về tương trợ tư pháp về hình sự, các nguyên tắc hợp tác đặc thù và thời gian thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp.
1. Pháp luật Việt Nam về tương trợ tư pháp hình sự
Hoạt động hợp tác tư pháp quốc tế, trong đó có tương trợ tư pháp về hình sự (TTTPHS) là một nhu cầu tất yếu và khách quan để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân và nhà nước. Vấn đề TTTPHS được đề cập lần đầu tiên trong Phần thứ VIII - Hợp tác quốc tế của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003, cụ thể tại các điều 341, 342, 345, và 346. Tuy nhiên, những quy định trong Bộ luật trên chỉ là một số quy định chung mang tính nguyên tắc, phổ quát. Nhận thấy chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn trong thực hiện tương trợ tư pháp hình sự, Ban Chấp hành trung ương khóa VII đã nhấn mạnh rõ “… phải tiếp tục củng cố và tăng cường hoạt động tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước trong thời kỳ mới, phải mở rộng quan hệ quốc tế về tương trợ tư pháp…”. Thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến 2010 định hướng đến 2020 và Nghị quyết số 12/2002/QH11 ngày 16/12/2002 của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, Luật tương trợ tư pháp chính thức được thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2008. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên quy định toàn diện, chuyên sâu về phạm vi, nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện tương trợ tư pháp, trong đó có TTTPHS. Ngày 27/11/2015, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua BLTTHS năm 2015. So với BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 có nhiều đổi mới liên quan đến hoạt động TTTPHS, ví dụ như: Xác định phạm vi hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự (Điều 491); xác định cơ quan trung ương trong thực hiện TTTPHS (Điều 493); quy định về giá trị pháp lý các tài liệu, đồ vật thu thập được qua hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự (Điều 494, Điều 103); quy định cơ sở cho việc tiến hành tố tụng (Điều 495)...
Ngoài ra, các quy định về TTTPHS cũng được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác, như Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 - quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp; Luật phòng, chống rửa tiền (chương IV), Luật phòng, chống tham nhũng (Chương VII), Luật phòng, chống khủng bố (Chương VI). Các luật này quy định về nguyên tắc chung trong hợp tác quốc tế, nội dung và trách nhiệm các cơ quan về hợp tác quốc tế trong mỗi lĩnh vực chuyên ngành đặc thù.... Không chỉ thế, hệ thống văn bản tham chiếu cho hoạt động tương trợ tư pháp của Việt Nam còn bao gồm các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo thống kê, Việt Nam đã là thành viên của 22 điều ước quốc tế đa phương và 29 điều ước quốc tế song phương có ghi nhận quy định về TTTPHS.
Thời gian qua, việc xây dựng văn bản pháp luật trong nước và tham gia ký kết các điều ước quốc tế của Việt Nam dựa trên 03 định hướng chính: (i) Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và nhà nước; (ii) Tiếp thu các kinh nghiệm của các nước trên thế giới và phát triển các nguyên tắc, quy định phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; (iii) Xây dựng, phát triển tiếp nối các quy định vẫn còn giá trị tại các văn bản pháp luật trong nước của các bộ, ngành liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp. Thực tế cho thấy rằng, mặc dù số lượng văn bản quy phạm pháp luật có quy định về hoạt động TTTPHS ở Việt Nam tăng đáng kể nhưng vẫn còn nhiều “điểm vênh” và chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự.
2. Các nguyên tắc hợp tác tương trợ tư pháp hình sự
- Nguyên tắc “có đi có lại”:
Theo thông lệ quốc tế và quy định pháp luật trong nước, Việt Nam sẽ thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp dựa trên điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhưng trong trường hợp không có điều ước quốc tế, Việt Nam sẽ thực hiện trên cơ sở nguyên tắc “có đi có lại”. Nguyên tắc này có nguồn gốc từ chủ quyền và sự bình đẳng giữa các quốc gia, theo đó việc đáp ứng đơn phương quyền lợi của nước khác trong khi quyền lợi tương ứng của nước mình không được đáp ứng là không thể chấp nhận. Nguyên tắc “có đi có lại” có thể hiểu một cách đơn giản nhất là nước được yêu cầu sẽ thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp của nước yêu cầu nếu nước yêu cầu cũng chấp nhận thực hiện tương tự cho nước được yêu cầu. Nguyên tắc “có đi có lại” được quy định trong khoản 2 Điều 4 Luật tương trợ tư pháp năm 2007, cụ thể: “Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì hoạt động tương trợ tư pháp được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế”.
Điều 66 Luật tương trợ tư pháp năm 2007 cũng quy định trách nhiệm của Bộ Ngoại giao như sau: “Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xem xét, quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ tương trợ tư pháp với nước hữu quan”.
Mặc dù, các điều luật trên có dẫn chiếu đến nguyên tắc, điều kiện cơ bản để áp dụng và vai trò của cơ quan thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng nguyên tắc “có đi có lại”, tuy nhiên chỉ mang tính khái quát và còn nhiều bất cập trong quá trình áp dụng. Đó là:
Thứ nhất, Bộ Ngoại giao là cơ quan chủ trì xem xét quyết định việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong hợp tác quốc tế về TTTPHS theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tiễn, Bộ Ngoại giao chưa thể hiện rõ vai trò chủ trì xem xét hoặc thể hiện việc xem xét thông qua ý kiến bằng văn bản về khả năng áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” trong từng trường hợp cụ thể đối với yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài. Vai trò chủ trì của Bộ Ngoại giao vẫn chỉ mang tính hình thức. Không chỉ đối với hoạt động TTTPHS, vấn đề này xảy ra tương tự như ở hoạt động chuyển giao người chấp hành hình phạt tù và cả vấn đề dẫn độ.
Thứ hai, nguyên tắc “có đi có lại” không phải là việc trao đổi ngang bằng và tức thì mà việc áp dụng còn phải xem xét nhiều yếu tố như nội dung vụ việc, tính chất chính trị, ngoại giao, chính sách của nhà nước, và đặc biệt khả năng thực hiện của đối tác trong tương lai. Các điều kiện đánh giá trên khá trừu tượng, đặc biệt, việc đánh giá tác động về chính trị, ngoại giao hoặc khả năng thực hiện của nước ngoài vẫn mang tính chủ quan, định tính. Vấn đề này đã được đề nghị sửa đổi gần đây trong Dự thảo Thông tư liên tịch quy định về quan hệ phối hợp thực hiện một số hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự. Trong dự thảo này, việc xem xét áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” cần phải dựa vào 04 căn cứ: (i) Sự cần thiết của việc thực hiện TTTPHS; (ii) Tuân thủ và phù hợp với pháp luật Việt Nam, điều ước hoặc tập quán quốc tế; (iii) Tính phù hợp về đối ngoại, chính trị, kinh tế xã hội và các yếu tố khác; (iv) Lợi ích của tổ chức, cá nhân và nhà nước có liên quan. Theo tác giả, việc quy định như trên là cần thiết, tuy nhiên việc xem xét các điều kiện áp dụng trên phải thực sự khách quan.
Thứ ba, nguyên tắc này là nguyên tắc đặc thù và chưa có sự thống nhất về nhận thức, cũng như hướng dẫn thực hiện. Trên thực tế, so với hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, nguyên tắc “có đi có lại” được hướng dẫn rất chi tiết bởi Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15/9/2011 của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao (TTLT số 15/2011) nhưng lĩnh vực TTTPHS không có văn bản hướng dẫn tương tự. Đặc biệt, trong lĩnh vực tương trợ tư pháp dân sự, trình tự, thủ tục, thời hạn và vai trò vị trí của các cơ quan trong việc phối hợp xem xét việc áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” đối với đề nghị của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hoặc đề nghị của cơ quan thẩm quyền phía Việt Nam được đề cập tại Điều 4 TTLT số 15/2011. Đối chiếu với các văn bản pháp luật hiện tại, lĩnh vực TTTPHS hoàn toàn chưa có những quy định chặt chẽ, chi tiết về thủ tục, trình tự, thời gian, vai trò của các cơ quan trong việc xem xét tính khả thi trong việc áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” trong từng trường hợp cụ thể. Vì vậy, việc tiếp cận và áp dụng nguyên tắc này còn mang tính “chiếu lệ”, “tùy nghi” phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan trong việc cân nhắc thực hiện các yêu cầu TTTPHS.
- Nguyên tắc “tội phạm kép”:
Nguyên tắc “tội phạm kép” (“dual criminality”, “double criminality”, “double culpability” hay “double incrimination”) là một nguyên tắc trụ cột trong hoạt động TTTPHS. Theo một số học giả trong khu vực ASEAN, nguyên tắc này được hiểu là hoạt động hợp tác để nhằm xử lý đối với một tội phạm sẽ không xảy ra nếu tội phạm này không được quy định là tội phạm bởi nước yêu cầu hoặc nước được yêu cầu. Ở Việt Nam, có quan điểm cho rằng nguyên tắc “tội phạm kép” được hiểu là các nước chỉ hợp tác TTTPHS với nhau khi người bị yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự phải bị coi là tội phạm theo pháp luật hình sự của nước yêu cầu và nước được yêu cầu. Ngoài ra, khái niệm này được đề cập khá rõ trong quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 27 Luật tương trợ tư pháp năm 2007, theo đó: “Uỷ thác tư pháp về hình sự của nước ngoài bị từ chối thực hiện nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: … đ) Liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật nhưng không cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam”.
Có thể thấy rằng, nguyên tắc “tội phạm kép” là một nguyên tắc “cứng”, là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể thực hiện yêu cầu TTTPHS cho nước ngoài. Hướng tiếp cận này của Việt Nam cũng đã được cụ thể hóa không những trong quy định pháp luật trong nước mà còn thể hiện rõ qua các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ví dụ, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết 29 hiệp định tương trợ tư pháp song phương với các quốc gia và khoảng 27 hiệp định không đề cập hoặc có quy định cứng khi xem nguyên tắc “tội phạm kép” là điều kiện tiên quyết trong thực hiện TTTPHS. Cần nhấn mạnh, việc không quy định hoặc không đề cập trong hiệp định thì sẽ phải dẫn chiếu đến và áp dụng pháp luật Việt Nam theo hướng bắt buộc đáp ứng nguyên tắc “tội phạm kép” để yêu cầu TTTPHS có thể được thực hiện. Một số trường hợp ngoại lệ điển hình mà Việt Nam đã đàm phán với nước ngoài và thực hiện sự nhân nhượng nhất định liên quan đến nguyên tắc tội phạm kép, điển hình như Hiệp định với Nga, Hiệp định với Ấn Độ và Hiệp định với ASEAN. Tuy nhiên, sự linh hoạt này cũng chỉ là hạn hữu và chưa được nội luật hóa đầy đủ.
Như một hệ quả tất yếu, cách tiếp cận “cứng” của Việt Nam tác động đến hiệu quả của hoạt động tương trợ tư pháp và quan hệ hợp tác của Việt Nam với các nước. Hay nói cách khác, việc từ chối thực hiện do không đáp ứng nguyên tắc “tội phạm kép” sẽ dẫn đến hệ quả là các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài sẽ phải cân nhắc kỹ hơn khi thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp tương tự của Việt Nam. Không chỉ thế, cách tiếp cận của Việt Nam hiện tại chưa thực sự phù hợp với xu hướng chung của thế giới, ví dụ, điểm b khoản 9 Điều 46 Công ước phòng chống tội phạm về tham nhũng (UNCAC): “Các quốc gia thành viên có thể coi việc không đáp ứng nguyên tắc tội phạm kép là lý do để từ chối thực hiện các hoạt động tương trợ được quy định trong Công ước. Tuy nhiên, nước được yêu cầu trong những trường hợp phù hợp với khái niệm cơ bản của pháp luật nước mình nên thực hiện các hoạt động tương trợ không mang tính cưỡng chế cho nước yêu cầu”.
Khoản 9 Điều 18 của Công ước Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia (UNTOC), quy định: “Nước được yêu cầu trong phạm vi mà mình cho là hợp lý xem xét thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự, bất luận hành vi trong yêu cầu có cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật nước được yêu cầu hay không”.
UNCAC và UNTOC đều quy định theo hướng mở và khuyến khích, áp dụng linh hoạt nhất có thể đối với nguyên tắc “tội phạm kép”, đặc biệt, đối với các yêu cầu không mang tính cưỡng chế. Ngoài ra, phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa đủ rộng về đối tượng hoặc hành vi phạm tội nên yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài sẽ khó được thực hiện hơn nếu phải đáp ứng điều kiện về nguyên tắc “tội phạm kép”. Về đối tượng, đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ gồm thể nhân và pháp nhân thương mại, do đó, nếu các yêu cầu liên quan đến truy cứu trách nhiệm hình sự một pháp nhân mà không phải pháp nhân thương mại thì không thể thực hiện được. Đây là lý do giải thích tại sao Việt Nam đã bảo lưu Điều 26 của UNCAC về trách nhiệm của pháp nhân. Về hành vi phạm tội, Việt Nam cũng như những nước khác có những đặc điểm riêng về kinh tế xã hội hay vị trí địa lý và các loại tội phạm riêng biệt mà nước khác không có và ngược lại. Tác giả Nguyễn Xuân Yêm đã bàn đến sự khuyết thiếu trong việc quy định về tội phạm của mỗi nước, ví dụ, Mông Cổ là một nước không có biển, do đó, Bộ luật Hình sự Mông Cổ không quy định Tội cướp biển nên một quốc gia yêu cầu Mông Cổ tương trợ tư pháp liên quan đến tội phạm “cướp biển” sẽ rất khó khăn nếu không có sự giải quyết linh hoạt, có thiện chí giữa các quốc gia hữu quan. Nhìn chung, việc áp dụng “cứng” nguyên tắc “tội phạm kép” để xem xét thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp gây ra không ít bất lợi cho Việt Nam trong hoạt động hợp tác hình sự quốc tế.
3. Thời gian thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp
Việt Nam không ấn định thời hạn thực hiện đối với các yêu cầu tương trợ tư pháp nhận được của nước ngoài và ngược lại. Đồng thời, các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hay thông lệ quốc tế cũng không ràng buộc trách nhiệm của Việt Nam và nước ngoài trong vấn đề này. Một số học giả có quan điểm rằng mỗi nước có quy định về thời hạn tố tụng khác nhau do đó sẽ rất khó khăn trong việc thống nhất được thời hạn thực hiện chung cho các bên. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng vấn đề thời gian thực hiện chính là rào cản cố hữu, nhưng cũng là “chìa khóa” để giải quyết hiệu quả hoạt động TTTPHS. Thực tiễn cho thấy, việc không nhận được kết quả ủy thác tư pháp đúng thời hạn gây ra khó khăn rất nhiều cho các nước trong hoạt động tố tụng của mình, trong đó có Việt Nam. Ví dụ, trong các vụ án đang được giải quyết tại Việt Nam mà có áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án trong lúc chờ kết quả giải quyết tương trợ của nước ngoài nếu kết quả này đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vụ án. Việc chờ kết quả tương trợ sẽ phát sinh vấn đề gia hạn tạm giam và cũng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị tạm giam. Hiện nay, Việt Nam chưa có thống kê cụ thể về thời gian thực hiện yêu cầu TTTPHS, đặc biệt là thống kê thời gian thực hiện dựa trên tiêu chí loại yêu cầu. Thống kê này đóng vai trò khá quan trọng trong việc xem xét đánh giá tính khả thi của việc áp dụng, ấn định thời hạn. Qua khảo sát sơ bộ, số lượng yêu cầu tương trợ tư pháp về thu thập chứng cứ chiếm hơn 70% trên tổng số yêu cầu tương trợ tư pháp mà Cơ quan trung ương Việt Nam nhận được. Thời gian xử lý các yêu cầu loại này tùy thuộc vào từng loại vụ việc cụ thể, tuy nhiên có những yêu cầu của nước ngoài mà Việt Nam xử lý trong thời hạn tương đối ngắn, ví dụ, ngày 09/5/2023, Việt Nam nhận được yêu cầu của cơ quan Tổng Chưởng lý Úc về thu thập chứng cứ thông qua lấy lời khai về Tội hiếp dâm trẻ em và đến ngày 05/6/2023 thì Việt Nam đã có kết quả trả lời cho phía Úc. Có thể thấy rằng thời gian xử lý yêu cầu TTTPHS trên chưa đến một tháng. Ngoài ra, cũng có trường hợp yêu cầu liên quan đến thu hồi tài sản mà Việt Nam gửi đi nước ngoài từ năm 2018 nhưng đến năm 2021 thì yêu cầu loại này mới được thực hiện. Như vậy, việc thống kê thời gian xử lý trung bình của của các yêu cầu và việc phân loại các loại yêu cầu này để xem xét tính khả thi về ấn định thời hạn xử lý theo loại yêu cầu tương trợ tư pháp là rất đáng quan tâm.
Việc Việt Nam vẫn giữ không ấn định thời hạn thực hiện đối với các yêu cầu tương trợ tư pháp một mặt tạo điều kiện linh hoạt cho hoạt động của các cơ quan trong nước trong quá trình thực hiện; nhưng mặt khác, không tạo được động lực, áp lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện yêu cầu. Những bất cập trên cần được nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật, tạo thuận lợi cho thực hiện TTTPHS đạt hiệu quả.
Nguyễn Thanh Liêm
Vướng mắc trong xử lý tội chống người thi hành công vụ
-
1Thực trạng pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền tại Việt Nam và kiến nghị hoàn thiện
-
2Căn cứ xác định vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự trong pháp luật Trung Quốc và Việt Nam
-
3Vướng mắc trong xử lý tội chống người thi hành công vụ
-
4Bàn về công nhận sự tồn tại của điều kiện trong hợp đồng tặng, cho tài sản có điều kiện
-
5Một số vấn đề về tương trợ tư pháp hình sự của Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.