Kỹ năng kiểm sát giải quyết các vụ án xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ (tiếp theo)

11/12/2017 09:29

(kiemsat.vn)
Nghiên cứu, đánh giá và sử dụng các dấu vết hình sự trong các vụ tai nạn giao thông giúp ĐTV, KSV xác định được tính chất và quá trình diễn biến vụ tai nạn; nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn, lỗi của các bên tham gia giao thông.

… (tiếp theo)

Đánh giá, sử dụng dấu vết hình sự

Trong các vụ tai nạn giao thông, do các tác động vật chất như đâm, va, đổ vỡ, vật lộn, giằng co nên để lại rất nhiều dấu vết hình sự khác nhau. Vì thế, việc nghiên cứu, đánh giá và sử dụng các dấu vết hình sự trong các vụ tai nạn giao thông giúp ĐTV, KSV và lực lượng tham gia khám nghiệm thực hiện được các yêu cầu sau đây:

Hình ảnh mang tính chất minh họa (nguồn internet)

Một là, xác định được tính chất và quá trình diễn biến vụ tai nạn thông qua việc nghiên cứu, phân tích đặc điểm các dấu vết để lại trên mặt đường, phương tiện và trên người bị hại có thể giúp xác định chính xác lực tác động, vật gây vết, cơ chế hình thành dấu vết, chiều hướng chuyển động của phương tiện. Bên cạnh đó, các dấu vết để lại trên hiện trường từ vết phanh đến điểm chạm đầu tiên, quá trình níu kéo, quăng văng, đổ ngã của người, phương tiện sẽ giúp phác họa rõ nét quá trình, diễn biến của vụ tai nạn giúp chúng ta xác định chính xác lỗi của các bên tham gia giao thông.

Hai là, giúp xây dựng giả thuyết điều tra, xác định nội dung yêu cầu điều tra, lựa chọn các phương pháp điều tra phù hợp.

Ba là, làm căn cứ quan trọng để kiểm tra, đánh giá các lời khai, dựng lại hiện trường vụ tai nạn hoặc thực nghiệm điều tra trong các trường hợp cần thiết.

Bốn là, là căn cứ để xác định nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn, lỗi của các bên tham gia giao thông nhằm phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm phạm trật tự giao thông.

Một số loại dấu vết hình sự phổ biến trong các vụ tai nạn giao thông đường bộ:

Thực tế cho thấy các vụ tai nạn giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng thường để lại trên hiện trường vụ tai nạn, người nạn nhân, phương tiện gây tai nạn và các phương tiện có liên quan các nhóm dấu vết chủ yếu sau đây:

Nhóm dấu vết để lại trên phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn:

+ Vết bẹp, lõm, bong tróc, vỡ, nứt được hình thành khi có sự đâm va giữa phương tiện với phương tiện hoặc phương tiện với người, súc vật. Các dấu vết rất phong phú và đa dạng, rõ hình và không rõ hình, nằm ở nhiều vị trí khác nhau trên phương tiện với nhiều kích thước, chiều hướng, màu sắc khác nhau phụ thuộc vào vị trí đâm va, chiều hướng lực tác động khi đâm va, khi bị quăng quật va chạm với mặt đường hoặc chướng ngại vật sau khi đâm va lần đầu.

Thực tế cho thấy các loại dấu vết bẹp, lõm, bong tróc, vỡ, nứt thường được hình thành khi có sự đâm va chính diện theo hướng lực tác động đi thẳng từ ngoài vào bề mặt phương tiện tại nơi mang dấu vết giữa các phương tiện có liên quan hoặc giữa phương tiện với các chướng ngại vật.

+ Vết trượt, cà xước để lại trên phương tiện tồn tại tương đối phổ biến trong các vụ tai nạn giao thông, thường xuất hiện bên sườn trái trên các phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn va quyệt nhau ngược chiều hoặc bên sườn phải của xe vượt và sườn bên trái của xe bị vượt trong các trường hợp va chạm nhau cùng chiều. Các dấu vết này nông, sâu, đậm, nhạt phụ thuộc vào độ cứng của vật tiếp xúc hoặc chiều hướng vận động tác động lực giữa hai phương tiện có liên quan. Trường hợp sau khi phương tiện đâm nhau bị đổ văng, lê trên mặt đường sẽ tạo thành các đám xước lớn không rõ hình trên nhiều vị trí của phương tiện khi tiếp xúc với mặt đường.

+ Dấu vết lông, tóc, sợi hoặc các phần nội tạng, phần cơ thể của nạn nhân bám trên phương tiện: Dấu vết này phụ thuộc vào cơ chế hình thành, lực đâm va, chiều hướng đâm va, tốc độ phương tiện và tình trạng hoạt động giao thông cụ thể giữa các phượng tiện có liên quan trước, trong và sau khi đâm va. Việc nghiên cứu các dấu vết này trong mối quan hệ biện chứng với các diễn biến khác của vụ tai nạn giúp cho chúng ta xác định chính xác vị trí đâm va giữa phương tiện với nạn nhân.

Nhóm dấu vết để lại trên quần áo, hành lý, cơ thể nạn nhân và người có liên quan:

+ Dấu vết để lại trên mũ, nón, quần áo, giầy dép, tư trang của nạn nhân và người có liên quan: Trên thực tế, do tính chất của hoạt động giao thông nên khi xảy ra va chạm giữa các phương tiện với nhau hoặc giữa phương tiện với người tham gia giao thông thường xuất hiện dấu vết để lại trên mũ, nón, quần áo, giầy dép, tư trang của nạn nhân như dấu vết lốp xe chạy qua, dấu vết máu, dấu vết sơn vết chùi trượt… do va quệt giữa nạn nhân với phương tiện; dấu vết hàng hóa đổ vỡ, va đập vào người… Thông qua những dấu vết này có thể giúp chúng ta xác định nguyên nhân vụ tai nạn và điểm chạm đầu tiên giữa phương tiện và nạn nhân. Vì vậy, quá trình điều tra thu thập tài liệu, vật chứng cần phải có ý thức bảo vệ nguồn tài liệu, chứng cứ này.

+ Dấu vết trên thân thể nạn nhân và người liên quan: Thông thường là các dấu vết xước, trầy da, vết bầm dập tím, vết dập sọ, nứt sọ do nạn nhân bị ngã, quăng quật, kéo lê trên đường hoặc bị va đập mạnh trong thùng xe khi phương tiện đổ, đâm va, quăng quật trên đường, rơi xuống vực… Vết gẫy chân, tay; vết lốp xe để lại trên da thịt; vết dập nát hộp sọ hoặc một số bộ phận trên cơ thể nạn nhân do bị các phương tiện giao thông trực tiếp đâm va hoặc chèn qua…

Việc nghiên cứu hệ thống các dấu vết trên sẽ giúp cho chúng ta xác định được hậu quả vụ tai nạn và nguyên nhân gây chết người, chấn thương nặng trong các vụ tai nạn giao thông nhằm xác định chính xác đó là vụ tai nạn giao thông hay các trường hợp lợi dụng hoạt động giao thông để thực hiện các hành vi giết người, cố ý gây thương tích được ngụy trang bằng các vụ tai nạn giao thông hoặc trong các trường hợp cố tình làm sai lệch hiện trường, khai báo gian dối để chối bỏ trách nhiệm về lỗi của mình.

Nhóm dấu vết để lại trên mặt đường nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông:

Dấu vết phanh: Đây là loại dấu vết khá phổ biến trong các vụ tai nạn giao thông, được hình thành khi người điều khiển phương tiện đạp phanh tạo vết lết của lốp xe cháy đen trên mặt đường. Độ dài, ngắn, đậm, nhạt và hình dạng của vết phanh phụ thuộc vào độ bám của lốp, tốc độ, trọng tải của phương tiện; tình trạng mặt đường lồi lõm, bằng phẳng, khô ráo… và động tác của người điều khiển phương tiện trong quá trình xử lý phanh… Nếu vết phanh chết tại chỗ thì vết phanh có xu hướng đậm lên ở cuối tầm phanh do lốp xe bị miết mạnh ở cuối đường phanh. Trường hợp vừa đạp phanh vừa đánh lái vào cua để tránh đâm va, vết phanh sẽ có hình vòng cung. Trong trường hợp này, do tác động của lực ly tâm, trọng lượng của xe bị dồn sang phía lưng đường cua nên vết phanh bên phía lưng đường cua thường đậm, liền hơn vết phanh gần tâm đường cua, điểm kết thúc vết phanh sẽ có hình dấu hỏi do xe bị bay theo hướng vận động ban đầu (lực quán tính) trước khi đạp phanh vào cua.

Cần lưu ý, việc căn cứ vào vết phanh để xác định tốc độ của phương tiện trước khi phanh chỉ mang ý nghĩa tương đối vì nó phụ thuộc vào đặc điểm riêng của các phương tiện tham gia giao thông trong từng điều kiện cụ thể.

Vết cà xước trên mặt đường: Xuất hiện trên mặt đường sau khi đã có sự đâm va, chạm quệt giữa các phương tiện làm cho một hoặc cả hai bên phương tiện bị đổ ngã, kéo lê hoặc quăng quật trên mặt đường tạo thành các vết cà xước. Đặc điểm, hình dáng, kích thước của loại dấu vết này phụ thuộc vào kết cấu mặt đường; hình dạng vật tiếp xúc; độ bền, độ cứng của vật gây vết; lực và chiều hướng tác động lực khi đâm va. Trên thực tế, thông thường tốc độ phương tiện càng lớn, vật gây vết càng sắc nhọn, cứng thì vết cà xước càng sâu, đậm, rõ nét. Nếu phương tiện đâm vào người đi bộ hoặc đâm vào những chướng ngại vật hoặc phương tiện khác mà lực cản nhỏ thì sau khi đổ, vết cà xước sẽ kéo dài và ngược lại. Việc nghiên cứu hệ thống các dấu vết loại này giúp xác định được lực tác động, chiều hướng chuyển động của các phương tiện trước khi đâm va, phần đường, phía đi, tốc độ của phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn.

Vết trượt của lốp xe để lại trên mặt đường đất mềm, cỏ cây hay phần mặt đường dốc, lề đường thoải: Thông thường, ở những đoạn đường đèo dốc, một bên là núi cao, một bên là vực sâu hoặc ở những đoạn đường mà bên lề đường có suối, kênh, mương hay rãnh thoát nước, do xe bị mất phanh, mất lái lao xuống vực hay tránh nhau, một xe bị lao xuống vực hay đâm xuống kênh, mương, rãnh thoát nước thì thường để lại các vết trượt ngang của lốp xe theo chiều hướng xiên chéo theo hướng chuyển động của phương tiện. Hình dáng, kích thước của vết trượt phụ thuộc vào tốc độ, trọng tải phương tiện, độ dốc của bề mặt đường và động tác xử lý của lái xe. Trên thực tế, bên cạnh những vết trượt thường xuất hiện dấu vết cà xước, dấu vết đổ vỡ của bục phòng vệ, vết dập nát của cỏ cây ven đường. Vết trượt cũng xuất hiện trong những trường hợp xe bị đổ sau khi đâm (nhất là đối với xe mô tô) vì nó chưa đổ hẳn mà bắt đầu nghiêng xe chuẩn bị văng trên mặt đường thì vết trượt ngang cũng xuất hiện thành vết cao su trên mặt đường có chiều hướng xiên chéo theo chiều hướng chuyển động của xe mô tô. Việc nghiên cứu dấu vết loại này giúp chúng ta xác định chính xác vị trí bắt đầu bị đổ, trượt ngang rơi xuống vực… từ đó phân tích, làm rõ nguyên nhân gây trượt đổ xe nhằm xác định lỗi của các bên tham gia giao thông.

Dấu vết máu để lại trên mặt đường: Trên hiện trường vụ tai nạn, dấu vết máu được tồn tại dưới dạng phun, máu bị quệt, máu thấm… các dấu vết này hình thành có thể rõ hình hoặc không rõ hình, có nhiều kích thước khác nhau và có thể tồn tại trên phạm vi rộng hay hẹp phụ thuộc vào tính chất của từng vụ tai nạn.

Việc nghiên cứu các dấu vết máu để lại hiện trường vụ tai nạn có ý nghĩa rất lớn trong việc xác định vị trí va chạm giữa phương tiện và nạn nhân, phản ánh tình trạng quăng quật, kéo lê và vị trí nằm của nạn nhân trên mặt đường. Ngoài ra, trong các vụ tai nạn mà người gây tai nạn bỏ chạy, nó còn có tác dụng truy nguyên nhóm hoặc truy nguyên cá biệt đối tượng, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn.

Dấu vết là các chất lỏng khác như xăng, dầu, nước, bia, rượu, hóa chất: Trong một số vụ tai nạn giao thông, các dấu vết này được hình thành do sự đâm va của phương tiện hoặc do va quệt làm cho các chất lỏng này đổ trên mặt đường, nó có thể tồn tại trong phạm vi hiện trường vụ tai nạn hoặc trên đường bỏ chạy của phương tiện, có ý nghĩa trong việc xác định vị trí đâm va giữa các phương tiện trên đường, chiều hướng vận động của phương tiện trước, trong và sau khi đâm va, phục vụ tốt cho việc truy tìm người gây tai nạn bỏ chạy hoặc dựng lại hiện trường vụ tai nạn.

Dấu vết lốp xe: Được hình thành trong trường hợp xe di chuyển từ những đường có đất bùn ướt, đường đất cát, xe chạy qua các vũng máu chẹt lên người làm vỡ các nội tạng hoặc trên đường có rải các chất hóa học như nhựa đường ướt, sơn, vôi vữa… Khi ra đường khô sạch làm xuất hiện dấu vết lốp xe in lồi trên mặt đường. Ngược lại, nếu xe chuyển động trên đường đất mềm thì sẽ xuất hiện dấu vết lốp xe in lõm trên mặt đường. Đo chu vi lốp xe giúp xác định chủng loại lốp, truy nguyên hình sự đối với các vụ gây tai nạn bỏ chạy.

Dấu vết hàng hóa, đất cát trên phương tiện rơi vãi xuống mặt đường: Chỉ xuất hiện trong các trường hợp phương tiện trong vụ tai nạn còn dính nhiều đất cát, hoặc chở các loại hàng hóa rời là chất rắn dễ bị rơi vỡ như hoa quả, sản phẩm hoa màu, hoặc hàng hóa là hàng công nghiệp ở dạng linh kiện rời… Các dấu vết này thường bị rơi rải rác trên mặt đường chuyển động của phương tiện nên có tác dụng trong việc xác định điểm chạm đầu tiên và truy nguyên phương tiện gây tai nạn bỏ chạy.

Giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng THQCT và KSĐT các vụ án về tai nạn giao thông đường bộ

Hoàn thiện pháp luật

Bộ Công an cần sửa đổi Quyết định số 768/2006/QĐ-BCA ngày 20/6/2006 ban hành kèm theo Quy định phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng Cảnh sát nhân dân và Hướng dẫn tạm thời số 385/C16 ngày 26/8/2009 của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an hướng dẫn phân công điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông theo hướng nếu thẩm quyền giải quyết ban đầu thuộc lực lượng Cảnh sát giao thông thì lực lượng này cần thông báo cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cùng cấp biết để phối hợp trong quá trình khám nghiệm. Thực tế nhiều trường hợp do lực lượng Cảnh sát giao thông thụ lý ban đầu, không có sự tham gia phối hợp của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cùng cấp nên khi có dấu hiệu hình sự, do công tác khám nghiệm hiện trường làm không tốt nên không xử lý hình sự được, có nhiều vụ gây khiếu kiện kéo dài.

Nhóm giải pháp về thực tiễn

Một là, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Cảnh sát giao thông và Viện kiểm sát cùng cấp trong việc quản lý và xử lý tin báo về tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn. Khi có tai nạn giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông tham gia giải quyết ban đầu phải căn cứ vào thương tích của nạn nhân tại hiện trường để sơ bộ đánh giá tính chất của vụ việc. Nếu có nạn nhân bị thương nặng hoặc có thiệt hại nghiêm trọng về tài sản thì phải báo cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cùng cấp biết để tổ chức việc khám nghiệm hiện trường và tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Đối với những vụ tai nạn giao thông do lực lượng Cảnh sát giao thông thụ lý điều tra ban đầu, sau đó mới xác định có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra thụ lý thì sau khi tiếp nhận hồ sơ để phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát cần yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra tổ chức ngay việc lập biên bản xác nhận kết quả khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn với sự tham gia của VKSND cùng cấp. Nếu vấn đề gì chưa rõ hoặc nghi vấn thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra dựng lại hiện trường theo quy định tại Điều 153 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (tương ứng là Điều 204 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).

Đối với những vụ tai nạn giao thông có người bị thương, việc xác định tổn hại sức khoẻ của nạn nhân là căn cứ để Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Việc giám định thương tích đối với những người bị thương do tai nạn giao thông thường bị kéo dài do phải điều trị vết thương ổn định mới tiến hành giám định. Một số vụ tai nạn gây thương tích nặng cho nạn nhân nhưng trong quá trình điều trị, các bên tự thương lượng bồi thường, người bị hại không đi giám định hoặc không hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giám định thương tật, vì vậy, không có cơ sở để các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố vụ án hoặc áp dụng các tình tiết định khung hình phạt, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.

Đối với những trường hợp trên, cần áp dụng quy định tại Thông tư liên bộ số 12/TTLB ngày 26/7/1995 của Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định về tiêu chuẩn thương tật và giấy chứng nhận của bệnh viện để sơ bộ đánh giá tỷ lệ % thương tật của người bị nạn, để phân loại, xử lý.

Trường hợp người bị hại không chịu đi giám định thương tích nếu hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án, chuyển sang xử lý hành chính đối với người điều khiển phương tiện giao thông nếu họ có vi phạm.

Trường hợp người bị hại bị thương nặng phải điều trị lâu dài cần trưng cầu giám định mức độ tổn hại sức khoẻ trên cơ sở thương tích ban đầu nhằm phục vụ việc giải quyết vụ án kịp thời.

Hai là, đối với vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản thì việc giám định giá trị tài sản bị thiệt hại có ý nghĩa quan trọng trong việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xác định đường lối xử lý. Vận dụng quy định tại Điều 7 Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ thành lập Hội đồng định giá để xác định mức độ thiệt hại tài sản một cách kịp thời.

Ba là, về áp dụng pháp luật: Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, KSV phải căn cứ vào kết quả khám nghiệm hiện trường thể hiện trên sơ đồ hiện trường, các kết luận giám định về dấu vết, về thương tích đối chiếu với lời khai của bị can, của nhân chứng để xác định lỗi của những người có liên quan trong vụ tai nạn giao thông, trên cơ sở đó, áp dụng quy định của pháp luật để quyết định việc xử lý.

Đối với những lỗi không trực tiếp gây tai nạn (không có giấy phép lái xe, say rượu, bỏ chạy sau khi gây tai nạn…) được quy định là những tình tiết tăng nặng chuyển khung. Cần chú ý trường hợp không có Giấy phép lái xe là trường hợp chưa được cấp Giấy phép lái xe hoặc đã bị tước giấy phép kể từ khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định. Trường hợp bị mất giấy phép lái xe không bị coi là tình tiết tăng nặng khi bị xử lý trong vụ án tai nạn giao thông.

Đối với những vụ tai nạn giao thông các bên đều có lỗi trực tiếp gây ra tai nạn (lỗi hỗn hợp), cần xác định mức độ lỗi của hai bên để có đường lối xử lý thích hợp.

Khi áp dụng tình tiết “say rượu hoặc say do dùng chất kích thích khác” phải dựa trên cơ sở kết luận giám định khoa học của cơ quan chuyên môn như xác định nồng độ cồn trong máu, trong khí thở…

Về việc định tội danh đối với các trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn ở những nơi không phải đường giao thông như sân trường, bến bãi, công trường… còn có những quan điểm khác nhau. Theo quy định tại Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm: Phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng. Như vậy, người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ. Vì vậy, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng khi di chuyển từ nơi này đến nơi khác ở bất cứ địa điểm nào (bến tàu, bến xe, nhà ga, sân trường, bến bãi khai thác…) mà gây tai nạn đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì phải xử lý về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tương ứng là Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Đối với các loại xe máy chuyên dùng gây tai nạn khi đang làm nhiệm vụ chuyên dùng thì tuỳ từng trường hợp cụ thể có thể xử lý về các tội “Vô ý làm chết người” hoặc “Vi phạm quy định về an toàn lao động,…” theo các Điều 98, 227 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tương ứng là các Điều 128, 295 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Bốn là, đối với tai nạn giao thông do người, phương tiện giao thông nước ngoài gây ra thì thực hiện theo Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 08/9/1988 của VKSND tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao.

Đối với tai nạn giao thông có liên quan đến người, phương tiện của Quân đội thì thực hiện theo Thông tư số 01/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA ngày 18/4/2005 của Tòa án nhân dân tối cao, VKSND tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.

Năm là, trên cơ sở những vướng mắc, bất cập giữa các quy định của pháp luật về thực tiễn áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ án về tai nạn giao thông, VKSND tối cao cần phối hợp với liên ngành Trung ương sớm hoàn thiện văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự liên quan đến việc giải quyết án tai nạn giao thông để các Viện kiểm sát địa phương vận dụng được thống nhất.

Sáu là, tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm, chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ giữa VKSND tối cao đối với các Viện kiểm sát địa phương. Đồng thời, tăng cường kiểm tra về nghiệp vụ giữa Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố đối với VKSND các huyện, thị xã trong cả nước.

(Trích bài: “Kỹ năng THQCT và KSĐT các vụ án xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ” của các tác giả Lưu Trọng Nguyên, Nguyễn Đức Anh, Vụ 6, VKSND tối cao, Tạp chí Kiểm sát số 14/2017)

Bài viết có liên quan >>>

Kỹ năng kiểm sát giải quyết vụ án “giết người” không quả tang

Kỹ năng xây dựng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm

“VKSND cấp cao khẳng định vai trò trong hệ thống VKSND mới”

(Kiemsat.vn) – Đó là nội dung của Hội thảo đề tài khoa học cấp Bộ được tổ chức tại VKSND cấp cao tại Hà Nội, chiều 27/10. Đến dự và phát biểu chỉ đạo có Tiến sỹ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Chủ nhiệm đề tài khoa học.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang