Một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện các quy định về tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự

17/07/2023 08:00

(kiemsat.vn)
Các quy định về tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự ngày càng được hoàn thiện trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng còn có một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải tiếp tục được nghiên cứu đề xuất hoàn thiện trong thời gian tới.

1. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành về tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự

Tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự được quy định tại Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 về căn cứ, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thực hiện.

- Về căn cứ tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự:

Theo khoản 1 Điều 229 BLTTHS năm 2015, có 03 căn cứ đó là: Chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra; bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác; đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá, yêu cầu nước ngoài tương trợ nhưng chưa có kết quả giám định mà thời hạn điều tra đã hết. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS năm 2021 đã bổ sung thêm 01 căn cứ: Khi không thể kết thúc điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn điều tra.

“Thiên tai, dịch bệnh” được coi là những hiện tượng hiếm gặp nhưng nguy hiểm và có tác động lớn đến xã hội. Pháp luật hình sự và tố tụng hình sự đều chưa đưa ra khái niệm cụ thể, mà chỉ được đề cập tại các luật chuyên ngành khác. Chẳng hạn: “Thiên tai” là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.

Dịch là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định; bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm3. Thực tế, các đại dịch mà nước ta và thế giới trải qua không chỉ xuất phát từ động vật (chim, thú, gia cầm) mà còn từ thực vật (cây, rễ, củ, hoa, lá…) hay vật phẩm khác (là bất kỳ vật gì bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh có khả năng lây bệnh cho người như công cụ giết mổ, bao bì đóng gói, phương tiện tàng trữ, vận chuyển động vật, thực vật…)4. Theo đó, có thể hiểu dịch bệnh dưới góc độ pháp luật là: Sự xuất hiện của loại bệnh do vi sinh vật hoặc bất kỳ vật phẩm khác gây ra, có khả năng lây truyền từ chủ thể mang bệnh sang chủ thể khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua tác nhân gây bệnh với số lượng chủ thể mắc bệnh trong một không gian được xác định vượt quá dự tính bình thường. Đối với dịch bệnh đã có những tiêu chí đánh giá nhất định trong Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm (Quyết định số 02/2016) nhưng khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các tiêu chí này lại không còn phù hợp nữa.

Pháp luật hiện hành cũng chỉ mới dừng lại ở việc đưa ra các khái niệm nêu trên nhưng các tiêu chí, mức độ đánh giá hiện tượng như thế nào để xác định thiên tai, dịch bệnh lại chưa được quy định cụ thể, đặc biệt trong pháp luật. Điều này dẫn đến các dẫn chiếu của Thông tư liên tịch 01/2021/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC ngày 29/11/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh theo điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229 và điểm d khoản 1 Điều 247 BLTTHS năm 2015 (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 01/2021) chưa quy định cụ thể cho cơ quan có thẩm quyền điều tra và Viện kiểm sát khi xem xét áp dụng căn cứ này. Nói cách khác, dù Thông tư liên tịch số 01/2021 có dẫn chiếu sang pháp luật về phòng, chống thiên tai, dịch bệnh nhưng giữa tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật này chưa có sự liên kết trực tiếp nên khó có thể đánh giá các tiêu chí, mức độ được các pháp luật quy định vào hoạt động tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, việc tạm đình chỉ chỉ đặt ra trong trường hợp ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh kéo dài đến khi hết thời hạn điều tra mà cơ quan có thẩm quyền điều tra, Viện kiểm sát đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết nhưng không thể kết thúc điều tra. Theo đó, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ được tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh khi có đủ các căn cứ sau đây: Đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật mà không thể tiến hành được một hoặc một số hoạt động tố tụng để kết thúc điều tra do thuộc một trong các trường hợp bất khả kháng do thiên tai hoặc dịch bệnh được quy định trong Thông tư liên tịch này; đã hết thời hạn điều tra.

Các trường hợp bất khả kháng do thiên tai bao gồm: Người tham gia tố tụng hoặc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang ở vùng được ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai hoặc vùng có tình huống khẩn cấp về thiên tai theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, pháp luật về phòng, chống thiên tai; địa điểm cần tiến hành các hoạt động tố tụng trong vùng được ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai hoặc vùng có tình huống khẩn cấp về thiên tai theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Các trường hợp xuất phát từ dịch bệnh bao gồm: Người tham gia tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc địa điểm cần tiến hành các hoạt động tố tụng trong vùng được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; người tham gia tố tụng đang bị cách ly y tế theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền do bị mắc bệnh dịch thuộc nhóm A hoặc do thuộc trường hợp khác liên quan đến bệnh dịch thuộc nhóm A theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; người tham gia tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc địa điểm cần tiến hành các hoạt động tố tụng trong vùng được Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Việc bổ sung quy định về căn cứ tạm đình chỉ này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn khi tình hình thiên tai, dịch bệnh trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có những diễn biến khó lường. Đây là căn cứ quan trọng giúp các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền tạm dừng hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố một cách hợp lý, hợp pháp bảo đảm được các quyền lợi của các chủ thể tham gia tố tụng.

- Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự:

Mặc dù Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS năm 2021 không có sự thay đổi về trình tự, thủ tục tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự, tuy nhiên theo Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP ngày 01/6/2020 (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 01/2020) thì cơ quan có thẩm quyền điều tra sau khi xác định đủ căn cứ để tạm đình chỉ điều tra theo một trong các căn cứ trên sẽ ban hành quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, trường hợp có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ không liên quan đến tất cả bị can thì có thể chỉ ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can. Quyết định này được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can; thông báo cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền lợi của họ trong thời gian là 02 ngày kể từ ngày ban hành quyết định.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn điều tra, trường hợp Viện kiểm sát phát hiện có đủ căn cứ tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự và đã yêu cầu bằng văn bản nhưng cơ quan có thẩm quyền điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát trực tiếp ban hành quyết định tạm đình chỉ và thực hiện việc tống đạt quyết định theo quy định của BLTTHS.

Thông tư liên tịch số 01/2020 hướng dẫn cụ thể hơn về trình tự, thủ tục tạm đình chỉ điều tra như việc quản lý, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ; việc áp dụng, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với các vụ án đã tạm đình chỉ điều tra. Ngoài ra cũng phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc lập hồ sơ, quản lý hồ sơ vụ án tạm đình chỉ và thủ tục phục hồi điều tra.

2. Những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật tố tụng hình sự hiện hành về tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự

Các quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong BLTTHS là cơ sở quan trọng cho hoạt động áp dụng pháp luật vào thực tiễn, tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp như sau:

- Về áp dụng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 229 Luật sửa đổi bổ, sung một số điều BLTTHS năm 2021 “khi không thể kết thúc điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn điều tra”:

Trên thực tế, khi chính thức có hiệu lực thi hành, có nhiều quan điểm trái ngược nhau trong việc áp dụng pháp luật về vấn đề này, đặc biệt là cơ quan có thẩm quyền điều tra, Viện kiểm sát chưa chủ động trong việc có được quyết định áp dụng căn cứ này hay không. Bởi lẽ, việc tạm đình chỉ điều tra với căn cứ này cần phải chờ các cơ quan hành chính hoặc cơ quan y tế ban bố tình trạng khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh cũng như sự ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh đến hoạt động xã hội nói chung và hoạt động điều tra nói riêng hay không. Tuy nhiên, ngay cả khi đã chờ được văn bản của các cơ quan có thẩm quyền thì việc lựa chọn văn bản nào để áp dụng cũng là một vấn đề phức tạp.

 Ngoài ra, mức độ việc đánh giá “đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật mà không thể tiến hành được một hoặc một số hoạt động tố tụng để kết thúc… điều tra”5 thuộc một trong hai điều kiện áp dụng căn cứ này được hướng dẫn trong Thông tư liên tịch số 01/2020 phải dựa trên các tiêu chí nào, thuộc thẩm quyền của cơ quan nào cũng chưa được làm rõ.

- Về trình tự, thủ tục tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự:

Thông tư liên tịch số 01/2020 vừa thi hành đã phát sinh những vướng mắc sau đây:

Một là, không thống nhất trong việc quản lý, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ trong vụ án tạm đình chỉ điều tra.

Thông thường, các vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ trong quá trình điều tra vụ án hình sự được tiến hành quản lý, xử lý theo quy định của BLTTHS. Tuy nhiên, với các vụ án đã tạm đình chỉ điều tra, nếu tiếp tục bảo quản, lưu giữ ở kho chung với các vụ án thông thường khác sẽ dễ bị lẫn lộn, tồn đọng nhiều, gây quá tải kho vật chứng ở nhiều nơi, nhất là những vật chứng, tài liệu, đồ vật tạm giữ chưa xác định được chủ sở hữu hoặc không rõ nguồn gốc. Do đó, cần thiết phải có những cách xử lý riêng đối với các vật chứng, chứng cứ của các tạm đình chỉ. Vấn đề này đã được đề cập tại Điều 13 Thông tư liên tịch số 01/2020 như sau: “Việc quản lý, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ trong vụ án, vụ việc tạm đình chỉ được thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 90 và khoản 3 Điều 106 BLTTHS. Trường hợp xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ có tính chất phức tạp thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trao đổi, thống nhất bằng văn bản biện pháp xử lý trước khi ra quyết định xử lý”.

Tuy nhiên, nội dung dẫn chiếu của Điều 13 Thông tư liên tịch số 01/2020 sang BLTTHS là về đình chỉ điều tra. Giữa hai chế định này lại có những hậu quả pháp lý khác nhau, việc xử lý các vật chứng, tài liệu trong các vụ án tạm đình chỉ có rất nhiều đặc điểm khác so với vụ án đình chỉ điều tra. Trong đó, với các vụ án đình chỉ điều tra, việc xử lý vật chứng với mục đích là xử lý xong toàn bộ các tài liệu, chứng cứ, vật chứng với một vụ án đã kết thúc, cơ quan có thẩm quyền điều tra không còn trách nhiệm tiếp tục tạm giữ các tài liệu, vật chứng, chứng cứ đó nữa. Nhưng, với các vụ án tạm đình chỉ điều tra, các vụ án chỉ nằm trong giai đoạn “chờ” không kết thúc hoàn toàn về mặt pháp lý và thực tế, do đó các tài liệu, chứng cứ, vật chứng cần phải được tiếp tục tạm giữ, dẫn đến việc vận dụng nội dung của Điều 90 và 106 BLTTHS năm 2015 vào giải quyết tài liệu, đồ vật, vật chứng của vụ án tạm đình chỉ điều tra không được triệt để, nhất là các vụ án có nhiều đồ vật, tài sản tạm giữ nhiều năm, xuống cấp, giảm giá trị,... thì việc vận dụng đúng vào quy định trên càng không phù hợp.

Hai là, các hoạt động điều tra được áp dụng trong thời gian tạm đình chỉ.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2020 thì cơ quan có thẩm quyền điều tra và Viện kiểm sát chỉ được quyền áp dụng các biện pháp để giải quyết lý do tạm đình chỉ (như truy tìm bị can bị truy nã, theo dõi, đôn đốn thực hiện yêu cầu,…). Nhưng thực tế, nhiều vụ án tạm đình chỉ điều tra đã phát sinh các tình tiết, tài liệu, chứng cứ mới nhưng không liên quan đến căn cứ tạm đình chỉ. Nếu cho rằng bản chất của tạm đình chỉ điều tra là phải tạm dừng toàn bộ hoạt động điều tra thu thập chứng cứ, tài liệu và chỉ được áp dụng các biện pháp giải quyết lý do tạm đình chỉ thì quá cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Bên cạnh đó cũng gây ra khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi không thể phục hồi điều tra (do căn cứ tạm đình chỉ vẫn còn) để hợp thức hóa các biện pháp điều tra thu thập chứng cứ.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

- Về căn cứ tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự tại điểm d khoản 1 Điều 229 BLTTHS hiện hành:

Hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2020 chỉ giải thích cụ thể hơn việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ, mà chưa làm rõ mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền điều tra với các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước. Do đó, cần xây dựng văn bản phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng với các cơ quan có liên quan trong việc xác định trách nhiệm của từng cơ quan; thủ tục ban hành các văn bản pháp lý lúc thiên tai, dịch bệnh với hoạt động điều tra vụ án hình sự nói riêng và tố tụng hình sự nói chung giúp cho cơ quan có thẩm quyền điều tra, Viện kiểm sát có thể chủ động hơn trong việc áp dụng pháp luật. Thời hạn điều tra là có giới hạn, vì vậy, trong thời hạn 03 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, nếu thấy việc điều tra không thể thực hiện do bất khả kháng vì dịch bệnh, thiên tai, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền như Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc tỉnh xác định tình trạng, mức độ của thiên tai, dịch bệnh. Trong thời hạn 24 giờ, các cơ quan này phải trả lời về mức độ ảnh hưởng và kết luận về việc dịch bệnh, thiên tai có ảnh hưởng đến các hoạt động điều tra hay không. Nếu không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra, Ủy ban nhân dân cần có văn bản cho phép cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng được phép thực hiện các hoạt động điều tra trong vùng có thiên tai, dịch bệnh.

Ngoài ra, nên có những hướng dẫn cụ thể trong lĩnh vực hình sự và tố tụng hình sự về các khái niệm về thiên tai, dịch bệnh để đảm bảo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Theo tác giả, dựa vào các khái niệm về “dịch” và “bệnh truyền nhiễm” mà các nhà làm luật đã quy định, có thể đưa ra một khái niệm pháp lý về “dịch bệnh” như sau: Dịch bệnh là sự xuất hiện của loại bệnh có khả năng lây truyền từ chủ thể mang bệnh sang chủ thể khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua tác nhân gây bệnh với số lượng chủ thể mắc bệnh trong một không gian được xác định vượt quá dự tính bình thường.

- Về trình tự, thủ tục tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự:

Thứ nhất, để giải quyết bất cập trong việc quản lý, xử lý vật chứng, đồ vật, tài sản thu giữ của các vụ án tạm đình chỉ cần thiết phải có những hướng dẫn cụ thể hơn. Theo đó, hướng đến việc tách riêng các vật chứng, đồ vật, tài liệu thu giữ của các vụ án tạm đình chỉ sang một kho chuyên dụng khác có khả năng lưu trữ thời gian dài. Việc xử lý vật chứng tạm đình chỉ phức tạp cần đưa ra các tiêu chí đánh giá cụ thể về mức độ ảnh hưởng của chứng cứ đến vụ án; về khả năng tiếp tục lưu trữ; về khả năng thu thập lại;…

Thứ hai, cũng một vấn đề cần phải quan tâm đối với thủ tục tạm đình chỉ điều tra, theo quy định của Thông tư liên tịch số 01/2020 thì sau khi vụ án đã được tạm đình chỉ điều tra, cơ quan có thẩm quyền điều tra, Viện kiểm sát chỉ áp dụng các biện pháp để giải quyết lý do tạm đình chỉ (như truy tìm bị can bị truy nã, theo dõi, đôn đốn thực hiện yêu cầu,…). Theo tác giả, những tình huống này nên có các quy định mang tính dự phòng, linh động cho cơ quan có thẩm quyền điều tra, Viện kiểm sát, cho phép các cơ quan được phép thực hiện một số biện pháp điều tra bao gồm: Lấy lời khai, khám xét, tạm giữ, thu giữ tài liệu đồ vật, dữ liệu điệu tử, trưng cầu giám định, định giá tài sản trong những trường hợp thật sự cần thiết mặc dù vụ án đang tạm đình chỉ (như vật chứng có thể bị hư hỏng, mất mát, không còn giá trị; người làm chứng có thể chết;…) để đảm bảo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án vẫn được thu thập đầy đủ.

VKSND cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị giám đốc thẩm vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”

(Kiemsat.vn) - Nhận thấy Bản án hình sự sơ thẩm số 70/2022/HS-ST ngày 22/9/2022 của TAND tỉnh T xét xử Nguyễn Văn V về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” áp dụng không đúng pháp luật nên ngày 23/3/2023, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 29/QĐ-VC2, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm.

VKSND cấp cao tại Hà Nội kháng nghị giám đốc thẩm vụ án “Tranh chấp bồi thường bảo hiểm tàu cá”

(Kiemsat.vn) - Quá trình kiểm sát bản án, xác định TAND cấp sơ thẩm, phúc thẩm có vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ, xác định thiếu người tham gia tố tụng, VKSND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy cả 2 Bản án sơ thẩm và phúc thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm đối với vụ án “Tranh chấp bồi thường bảo hiểm tàu cá” giữa ông Lê Văn H và Tổng Công ty BHBV.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang