VKSND cấp cao tại Đà Nẵng thông báo rút kinh nghiệm trong vụ án dân sự mua bán tấm phản gỗ Hương nguyên khối

22/06/2023 14:52

(kiemsat.vn)
Qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự theo thủ tục giám đốc thẩm, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng nhận thấy Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2022/DS-ST ngày 24/01/2022 của TAND huyện N, tỉnh K về việc giải quyết vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản” giữa nguyên đơn ông Bùi Văn Vịnh, bà Nguyễn Thị Kim Oanh với bị đơn ông Nguyễn Bá Đức, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh có những vi phạm cần phải rút kinh nghiệm.

Nội dung vụ án

Hồ sơ vụ án thể hiện, tháng 6/2018, vợ chồng ông Vịnh, bà Oanh có thỏa thuận mua của vợ chồng ông Đức, bà Ánh 01 tấm phản bằng gỗ với giá 300.000.000 đồng. Khi bán, vợ chồng ông Đức nói tấm phản được làm bằng gỗ Hương Lào nguyên khối, có kích thước: dài 3,6m, rộng 1,6m, dày 18cm, có hai chân đỡ bằng gỗ. Khoảng nửa tháng sau, vợ chồng ông Đức chở tấm phản đến nhà ông Vịnh và nhận toàn bộ số tiền mua bán là 300.000.000 đồng cùng 4.000.000 đồng tiền vận chuyển.

Một thời gian sau, trong quá trình sử dụng, phát hiện tấm phản này được ghép từ nhiều tấm gỗ, cũng không phải làm bằng gỗ Hương Lào nên vợ chồng ông Vịnh đã nhiều lần yêu cầu vợ chồng ông Đức hoàn trả lại số tiền. Vợ chồng ông Đức không đồng ý với yêu cầu này. Do vậy, ông Vịnh làm đơn tố cáo đến Công an huyện N. Theo kết luận giám định, tấm phản được làm bằng gỗ Hương Nam Phi. Công an huyện N đã có văn bản trả lời không có cơ sở khởi tố vụ án hình sự.

Bà Oanh, ông Vịnh đã làm đơn ra tòa án yêu cầu vợ chồng ông Đức, bà Ánh hoàn trả lại toàn bộ số tiền mua bán là 300.000.000 đồng. Tại phiên toà sơ thẩm, ông Vịnh, bà Oanh bổ sung yêu cầu khởi kiện là tuyên hợp đồng mua bán nêu trên vô hiệu.

Ngược lại, ông Đức trình bày: Khoảng giữa năm 2018, vợ chồng ông có mua của người khác 01 tấm phản bằng gỗ Hương với giá gần 300.000.000 đồng. Bà Oanh đến nhà chơi, thấy tấm phản đẹp nên muốn mua lại. Lúc đầu vợ chồng ông Đức không có ý định bán nên đã từ chối. Tuy nhiên về sau, do mối quan hệ quen biết, trước sự nài nỉ của bà Oanh, vợ chồng ông Đức đồng ý bán lại tấm phản này với giá 300.000.000 đồng. Việc mua bán giữa hai bên là hoàn toàn tự nguyện, không ai ép buộc ai. Khi mua tấm phản, người bán nói đó là gỗ Hương nên khi bán lại bà cũng nói tấm phản được làm bằng gỗ Hương. Vợ chồng ông Đức đã giao cho vợ chồng bà Oanh đúng tấm phản mà hai bên thỏa thuận mua bán và nhận đủ số tiền 300.000.000 đồng. Do vậy, vợ chồng ông Đức không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Vịnh, bà Oanh.

Tấm phản gỗ nguyên khối. Ảnh minh họa

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2022/DS-ST ngày 24/01/2022, TAND huyện N đã áp dụng khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 91, Điều 92, Điều 144, Điều 147, khoản 1 Điều 227, khoản 1 Điều 228 các Điều 244, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 123, Điều 127, Điều 131, Điều 385, Điều 407, khoản 2 Điều 357, các Điều 430, Điều 468 của Bộ luật Dân sự quyết định: “Đình chỉ xét xử sơ thẩm phần yêu cầu khởi kiện về số tiền lãi 64.800.000 đồng, đã được đồng nguyên đơn bà Oanh và ông Vịnh rút yêu cầu; Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Oanh và ông Vịnh về việc tuyên hợp đồng mua bán vô hiệu, buộc ông Đức và bà Ánh trả số tiền đã nhận; Tuyên bố: Hợp đồng mua bán tấm phản bằng gỗ được giao kết (bằng lời nói) giữa bà Oanh và ông Vịnh với ông Đức và bà Anh vô hiệu; Buộc ông Đức và bà Ánh phải hoàn trả cho bà Oanh và ông Vịnh số tiền đã nhận 300.000.000 đồng; Buộc bà Oanh và ông Vịnh phải hoàn trả cho ông Đức và bà Ánh tấm phản bằng gỗ”.

Nhận thấy Bản án có nhiều điểm áp dụng chưa đúng luật, ngày 07/4/2023 TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã có quyết định số 16/2023/DS-GĐT chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 03/2023/KN-DS ngày 08/02/2023 của Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng, hủy bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện N, tỉnh K để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Các đương sự đều thừa nhận tháng 6/2018, vợ chồng ông Vịnh, bà Oanh có mua của vợ chồng ông Đức, bà Ánh một tấm phản gỗ với giá 300.000.000 đồng. Vợ chồng ông Vịnh, bà Oanh cho rằng vợ chồng ông Đức nói tấm phản được làm từ gỗ Hương Lào nguyên khối nên vợ chồng ông Vịnh, bà Oanh đồng ý mua với giá 300.000.000 đồng, có ông Trần Đức Thuận (là người phụ giúp đưa tấm phản gỗ vào nhà) làm chứng. Sau khi mua về sử dụng thì vợ chồng ông Vịnh, bà Oanh phát hiện tấm phản gỗ đó không phải gỗ Hương Lào nguyên khối nên đã trao đổi với vợ chồng ông Đức để trả lại; còn phía vợ chồng ông Đức bà Ánh thì cho rằng việc mua bán là hoàn toàn tự nguyện, tấm phản này vợ chồng ông Đức, bà Ánh mua của người khác và họ nói rằng đó là gỗ Hương nên vợ chồng ông Đức, bà Ánh nói gỗ Hương chứ không lừa gạt vợ chồng ông Vịnh, bà Oanh.

Kết luận giám định tư pháp ngày 28/5/2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh K kết luận: Tấm phản là gỗ Hương Nam Phi, họ Đậu; tại Biên bản định giá ngày 08/12/2021, Hội đồng định giá tài sản huyện N, tỉnh K xác định giá trị tấm phản gỗ nêu trên tại thời điểm định giá là 41.472.000 đồng; Phụ lục định giá tài sản tranh chấp ở mục Ghi chú thể hiện là gỗ thành phẩm.

Ông Vịnh cho rằng vợ chồng ông Đức có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nến đã có đơn tố cáo. Tại Thông báo số 288/CSĐT ngày 27/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N thông báo hành vi của ông Đức, bà Ánh không cấu thành tội phạm, đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Về nguồn gốc tấm phản gỗ; Biên bản ghi lời khai ngày 20/5/2020 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N và Biên bản ghi lời khai của đương sự ngày 05/8/2021 tại TAND huyện N, ông Trịnh Việt Anh khai vào năm 2016, ông mua tấm phản gỗ này của một Công ty gỗ ở thành phố K với giá 130.000.000 đồng, do lâu ngày và hiện tại Công ty gỗ đã chuyển đi nơi khác nên ông không nhớ rõ tên Công ty và không nhớ loại gỗ gì, sau đó ông bán tấm phản gỗ này cho vợ chồng ông Đức, bà Ánh với giá 240.000.000 đồng. Sau đó vợ chồng ông Đức, bà Ánh bán lại cho vợ chồng bà Oanh, ông Vịnh.

Đối với lời khai của ông Trần Đức Thuận, khi phụ giúp đưa tấm phản gỗ vào nhà cho vợ chồng ông Vịnh, bà Oanh, ông có hỏi vợ chồng ông Vịnh và ông Đức thì họ cùng cho biết tấm phản gỗ này là nguyên khối bằng Hương Lào với giá 300.000.000 đồng, tuy nhiên vợ chồng ông Đức, bà Ánh không thừa nhận nội dung này và ông Vịnh, bà Oanh cũng không có chứng cứ khác để chứng minh có sự thoả thuận của các bên là mua bán tấm phản nguyên khối bằng gỗ Hương Lào.

Ông Vịnh, bà Oanh cung cấp 01 file ghi âm kèm theo Bản trình bày về việc dịch file ghi âm cho rằng đoạn ghi âm ghi lại cuộc nói chuyện giữa hai bên và cho rằng bà Ánh thừa nhận trả lại tiền cho ông Vịnh, bà Oanh nhưng không có chứng cứ chứng minh đoạn ghi âm đó có phải là giọng nói của bà Ánh hay không.

Như vậy, căn cứ vào các nội dung trên, xét thấy vợ chồng ông Vịnh, bà Oanh có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện thỏa thuận khi giao kết hợp đồng mua bán tấm phản gỗ, bên mua đã kiểm tra, nhận hàng và trả đủ tiền; thực tế bên mua đã nhận hàng và sử dụng từ tháng 6/2018 đến năm 2020, bên bán đã giao tài sản, nhận đủ tiền, giao dịch giữa các bên là hợp pháp, đã hoàn thành. Căn cứ vào lời khai của các đương sự và người làm chứng trong vụ án thì vợ chồng ông Đức mua tấm phản gỗ với giá 240.000.000 đồng, sau đó bán lại cho vợ chồng ông Vịnh với giá 300.000.000 đồng, điều này chứng tỏ vợ chồng ông Đức, bà Ánh không có ý thức lừa dối vợ chồng ông Vịnh, bà Oanh; phù hợp với kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra là không có dấu hiệu hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng vợ chồng ông Đức, bà Ánh đưa ra thông tin không đúng sự thật về chủng loại gỗ của tấm phản để lừa dối ông Vịnh, bà Oanh nên hợp đồng mua bán giữa hai bên bị vô hiệu theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự, nhận định này là không có căn cứ, không đúng với các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án.

Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm cho rằng tại Thông tư số 27/2018/TT- BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NN&PTNT quy định khi mua bán gỗ phải có hồ sơ lâm sản chứng minh về nguồn gốc, do tấm phản gỗ này không có giấy tờ về nguồn gốc, việc các bên mua bán tấm phản gỗ là vi phạm điều cấm của pháp luật, nên bị vô hiệu theo Điều 123 BLDS. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả giám định, tấm phản gỗ này đã là thành phẩm, đã được giao dịch mua bán nhiều lần, pháp luật không cấm các giao dịch này, nên việc mua bán tấm phản gỗ giữa các bên là hợp pháp và có hiệu lực pháp luật./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang