VKSND cấp cao tại Hà Nội kháng nghị giám đốc thẩm vụ án “Tranh chấp bồi thường bảo hiểm tàu cá”

03/07/2023 14:33

(kiemsat.vn)
Quá trình kiểm sát bản án, xác định TAND cấp sơ thẩm, phúc thẩm có vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ, xác định thiếu người tham gia tố tụng, VKSND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy cả 2 Bản án sơ thẩm và phúc thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm đối với vụ án “Tranh chấp bồi thường bảo hiểm tàu cá” giữa ông Lê Văn H và Tổng Công ty BHBV.

Nội dung vụ án

Ngày 17/10/2018, ông Lê Văn H đã mua bảo hiểm của Tổng Công ty BHBV cho tàu TH-90803-TS do ông là chủ sở hữu với 2 loại hình là bảo hiểm thân tàu (1.700.000.000 đồng) và bảo hiểm tai nạn thuyền viên (70.000.000 đồng/người/vụ) tại Công ty BVTH (thuộc Tổng Công ty BHBV). Ngày 22/10/2018, Công ty BVTH đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số 2298034 cho tàu TH-90803-TS, thời hạn bảo hiểm tính từ 00h00 ngày 18/10/2018 đến 23h59 ngày 17/10/2019.

Khoảng 9h ngày 13/10/2019, tàu TH-90803-TS neo đậu tại Bến đậu tàu thuyền địa phận thôn XT, xã HT, huyện TG, tỉnh TH, đến khoảng 01h ngày 14/10/2019 thì tàu TH-90803-TS bị cháy. Nhận được tin báo, Công ty BVTH chỉ định Công ty cổ phần Giám định Hàng hải (Công ty NIC) tiến hành giám định nguyên nhân, mức độ tổn thất.

Tại Biên bản giám định ngày 15/10/2019 của Công ty NIC ghi rõ: “Căn cứ theo kết quả giám định ban đầu, tàu TH 90803-TS trong tình trạng bị cháy rụi hoàn toàn kết cấu thượng tầng và kết cấu boong. Tàu nằm trên chất đầy tại khu vực bến, nước đã tràn ngập trong lòng thuyền, mức nước cách chắn song khoảng 50cm, tàu có xu hướng cập bờ mạn trái, tâm nằm dọc bến, cách bến khoảng 100cm”. Tại Chứng thư giám định số NIC 2019-253, xác định: “Tại thời điểm xảy ra tổn thất, trên tàu không có thuyền viên trực/trông coi tàu”.

Ảnh minh họa

Ngày 28/10/2019, Công ty BVTH ban hành Văn bản số 1268/BVTH-GĐBT từ chối bồi thường sự cố cháy tàu TH-90803-TS, lý do thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm được quy định tại mục 1.i, Điều 15, Chương II Quy tắc bảo hiểm thân tàu cả (được chấp thuận theo Công văn số 18759/BTC-QLBH ngày 16/12/2015 của Bộ Tài chính): “Loại trừ bảo hiểm: Doanh nghiệp bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường các tổn thất đối với thân tàu, ngư lưới cụ và trang thiết bị đánh bắt thủy sản được bảo hiểm xảy ra trong những trường hợp sau: i) Tổn thất xảy ra do tàu neo đậu tại bển, cảng hay bất cứ vùng nước nào mà không được neo, buộc chắc chắn, không có thuyền viên trực hoặc thuyền viên trực bỏ tàu đi vắng trừ khi có lệnh rời của cơ quan có thẩm quyền".

Ông Lê Văn H không đồng ý với việc từ chối bồi thường của Công ty BVTH với lý do: Tại thời điểm xảy ra cháy, trên tàu TH-90803-TS có thuyền viên là ông Nguyễn Văn T trực trông coi tàu.

Ngày 03/01/2020, ông H khởi kiện đề nghị Tòa án tuyên buộc Tổng Công ty BHBV phải bồi thường toàn bộ tổn thất đối với thân tàu cá TH-90803-TS với tổng số tiền là 1.728.000.000 đồng trong đó: Số tiền bảo hiểm là 1.700.000.000 đồng và tiền lãi tính từ ngày Công ty bảo hiểm từ chối chi trả bồi thường đến ngày xét xử sơ thẩm là 28.000.000 đồng.

Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 06/2021/KDTM-PT ngày 30/8/2021 của TAND tỉnh TH quyết định giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2021/KDTM-ST ngày 14/4/2021 của TAND thành phố K, tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn H đối với Tổng Công ty BHBV về việc yêu cầu bồi thường tàu cá. Buộc Tổng Công ty BHBV phải bồi thường cho ông Lê Văn H số tiền bảo hiểm đối với tàu cá TH-90803-TS là 1.700.000.000 đồng và tiền lãi chậm trả tính từ ngày 13/11/2019 đến ngày xét xử sơ thẩm 14/4/2021 (17 tháng 01 ngày) là 241.209.033 đồng. Tổng cộng là 1.941.209.033 đồng.

Sau xét xử phúc thẩm, Tổng Công ty BHBV có đơn đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ngày 08/9/2022, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội đã ban hành Quyết định số 10/QĐKNGĐT-VC1-KDTM, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị hủy Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 06/2021/KDTM-PT ngày 30/8/2021 và Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2021/KDTM-ST ngày 14/4/2021 của TAND thành phố K, giao hồ sơ vụ án cho TAND thành phố K giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 22/4/2023, Hội đồng giám đốc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội đã chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Theo Điều 14 Luật kinh doanh bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số 2298034 cho tàu TH-90803-TS là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm cho tàu TH-90803-TS giữa Công ty BVTH và ông Lê Văn H.

Tại phần ghi chú ở phía dưới của Giấy chứng nhận bảo hiểm có nội dung: “Doanh nghiệp bảo hiểm đã cung cấp đầy đủ thông tin Quy tắc bảo hiểm cho chủ tàu, người được bảo hiểm, giải thích hướng dẫn đầy đủ về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm liên quan”. Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm thân tàu khai thác xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ được chấp thuận đăng ký theo Công văn số 18759/BTC-QLBH ngày 16/12/2015 của Bộ Tài chính. Trong Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số 2298034 cho tàu TH-90803-TS cũng có ghi Quy tắc bảo hiểm “được chấp thuận đăng ký theo Công văn số 18759/BTC- QLBH ngày 16/12/2015 của Bộ Tài chính”. Do đó, có căn cứ xác định khi giao kết Hợp đồng bảo hiểm, ông H đã được giải thích và biết về Quy tắc bảo hiểm.

Quá trình giải quyết vụ án, tại lời khai ban đầu ngày 14/10/2019 (ngay sau thời điểm xảy ra sự cố tàu) khi làm việc với Công ty BVTH tại Trạm biên phòng LB, tỉnh TH và lời khai ngày 15/10/2020 khi làm việc với Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh TH, ông Nguyễn Văn T (được cho là thuyền viên tàu TH-90803-TS) đều thừa nhận việc ông không có mặt trên tàu vào đêm 13 rạng sáng 14/10/2019. Công ty BVTH còn cung cấp được file ghi âm thanh, hình ảnh thể hiện việc ông T khai báo tại trụ sở Đồn biên phòng vào ngày 14/10/2019 về sự việc cháy tàu TH- 90803-TS, là hoàn toàn tự nguyện. Cũng tại lời khai ban đầu này, ông T khẳng định ông ở nhà ăn cơm tối rồi đi ngủ, sáng hôm sau thì con trai ông (anh B) báo thì ông T mới biết tàu cháy.

Lời khai của ông T phù hợp với lời khai của những người phát hiện ra tàu TH-90803-TS cháy và tham gia chữa cháy đầu tiên là ông Nguyễn Văn L, anh Nguyễn Văn A (ở tại xưởng sửa chữa tàu thuyền, thôn XT, xã HT, huyện TG, tỉnh TH), nội dung: “tại thời điểm cháy không thấy có ai trên tàu”.

Mặc dù sau đó ông T thay đổi lời khai (Bản tự khai ngày 01/9/2020 tại trụ sở TAND tỉnh TH) về việc: đêm 13/10/2019 rạng sáng 14/10/2019 ông T trông coi tàu, khi tàu cháy ông T đã dùng chăn dập lửa nhưng không được, ông hô để mọi người cứu chữa, mọi người bảo ông rời tàu không bình ga sẽ nổ, ông T nhảy tàu để về báo cho vợ chồng ông H biết nhưng có người đã gọi điện báo cho vợ chồng ông H rồi. Lời khai này của ông T không phù hợp vì nếu ông T có mặt tại thời điểm xảy ra cháy, tại sao sau khi nhảy xuống tàu vào bờ, ông T lại không cùng những người khác tham gia chữa cháy tàu mà lại bỏ về nhà? Những người tham gia chữa cháy cũng không có ai nhìn thấy ông T tham gia chữa cháy tàu. Ông T trình bày lời khai ngày 14/10/2019 và 15/10/2020 là do bị Công ty BVTH và cơ quan cảnh sát điều tra đe dọa nhưng không cung cấp được tài liệu chứng minh mình bị đe dọa, cưỡng ép khai.

Như vậy, với tài liệu thu thập của Công ty BVTH và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh TH cung cấp có căn cứ xác định tại thời điểm xảy ra cháy tàu TH- 90803-TS trên tàu không có người trông coi. Hơn nữa, ông H và ông T đều thừa nhận ông H nhờ ông T trông coi tàu nhưng không có hợp đồng mà chỉ nói miệng. Trong Danh sách thuyền viên có trong Hồ sơ bảo hiểm tàu TH-90803-TS cũng không có tên ông T.

Căn cứ quy định mục 1., Điều 15, Chương II Quy tắc bảo hiểm thân tàu cá (được chấp thuận theo Công văn số 18759/BTC-QLBH ngày 16/12/2015 của Bộ Tài chính) về trường hợp loại trừ bảo hiểm, Tổng Công ty BHBV từ chối bồi thường đối với sự việc cháy tàu cá TH-90803-TS vào ngày 14/10/2019 của ông Lê Văn H là có căn cứ.

Do đó, Bản án sơ thẩm và phúc thẩm buộc Tổng Công ty BHBV phải bồi thường cho ông Lê Văn H số tiền bảo hiểm đối với tàu cá TH-90803-TS là 1.700.000.000 đồng và tiền lãi là không có căn cứ.

Mặt khác, tại Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số 2298034 cho tàu TH-90803-TS quy định tỷ lệ đồng bảo hiểm như sau: Tổng Công ty BHBV 55%, Công ty BM 15%, Công ty PC 15%, Công ty PV 15%. Theo đó, Công ty BM, Công ty PC, Công ty PV là các doanh nghiệp đồng bảo hiểm, cùng chịu trách nhiệm về những cam kết trong Hợp đồng bảo hiểm và có nghĩa vụ chuyển tiền bồi thường sau khi đối trừ phí đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu là Tổng Công ty BHBV. Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm buộc Tổng Công ty BHBV phải bồi thường cho ông H số tiền bảo hiểm đối với tàu TH-90803-TS nhưng lại không đưa các doanh nghiệp đồng bảo hiểm tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để xem xét trách nhiệm của các doanh nghiệp đồng bảo hiểm là chưa phù hợp.

Hơn nữa, giữa Tổng Công ty BHBV, Công ty BM, Công ty PC, Công ty PV có ký Hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm có thỏa thuận về việc: Công ty bảo hiểm đứng đầu (trên địa bàn TH là Tổng Công ty BHBV) chủ động thực hiện toàn bộ công tác giám định, giải quyết bồi thường, trả tiền bồi thường, giải quyết khiếu kiện và đòi người thứ ba theo quy định của hợp đồng bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm (Điều 2). Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm không thu thập Hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm để xem xét, đánh giá khi giải quyết vụ án là thu thập tài liệu, chứng cứ không đầy đủ.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang