Kỹ năng trực tiếp kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự

29/06/2018 08:05

(kiemsat.vn)
Một số kỹ năng mà Kiểm sát viên cần chú ý để phát hiện vi phạm khi tiến hành trực tiếp kiểm sát hoạt động thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự.

Theo quy định tại Điều 28 Luật tổ chức VKSND năm 2014, Điều 12 Luật thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), thì Viện kiểm sát có quyền trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành án dân sự (THADS) đối với cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc THADS. Viện kiểm sát thực hiện quyền trực tiếp kiểm sát nhằm phòng ngừa vi phạm.

Khi tiến hành trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với cơ quan THADS, Viện kiểm sát có thể yêu cầu tự kiểm tra, báo cáo, yêu cầu xuất trình tài liệu để kiểm tra. Trường hợp cần thiết sẽ trực tiếp xác minh nhằm xác định rõ vi phạm trong việc thi hành án, nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan Thi hành án được kiểm sát.

Qua thực tiễn hoạt động trực tiếp kiểm sát hoạt động THADS đối với cơ quan THADS, VKSND tỉnh Điện Biên rút ra một số kinh nghiệm trong kỹ năng trực tiếp kiểm sát như sau:

1. Kỹ năng phát hiện vi phạm qua xem xét các loại sổ về thi hành án dân sự

Quá trình thụ lý, giải quyết thi hành án, cơ quan THADS phải mở đầy đủ các loại sổ về THADS theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong THADS; Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính về hệ thống sổ sách kế toán thi hành án.

Trong quá trình trực tiếp kiểm sát, VKSND chỉ kiểm tra một số loại sổ như: Sổ nhận bản án, quyết định; sổ nhận yêu cầu thi hành án; sổ thụ lý THADS; sổ ra quyết định thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định về thi hành án; sổ nhận đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án; sổ theo dõi vật chứng, tài sản kê biên, tạm giữ; sổ ra quyết định ủy thác thi hành án và nhận quyết định ủy thác thi hành án; sổ ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án; sổ ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ, tiếp tục thi hành án; sổ theo dõi miễn, giảm thi hành án; sổ ra quyết định đình chỉ thi hành án; sổ ra quyết định cưỡng chế thi hành án; sổ theo dõi, lưu trữ hồ sơ thi hành án; sổ theo dõi thu phí thi hành án; sổ theo dõi xử lý tài sản bán đấu giá thi hành án; sổ ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án; sổ theo dõi, quản lý thi hành án hành chính; sổ theo dõi việc chưa có điều kiện thi hành án; sổ kế toán thi hành án. Tuy nhiên, trong quá trình trực tiếp kiểm sát nếu xét thấy cần thiết có liên quan đến một số loại sổ khác thì có thể yêu cầu cơ quan Thi hành án cung cấp.

Khi kiểm tra sổ nhận các bản án, quyết định do Tòa án chuyển giao, cần chú ý ngày, tháng, năm giao nhận bản án, quyết định, xem xét việc tẩy xóa, sửa chữa trong sổ; đối chiếu ngày ban hành bản án, quyết định và ngày giao nhận bản án, quyết định để xác định vào thời điểm giao nhận thì bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật chưa (trừ trường hợp bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay). Luật thi hành án dân sự quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi nhận bản án, quyết định do Tòa án chuyển giao thì cơ quan Thi hành án phải ra quyết định thi hành án chủ động, nếu nhận trực tiếp bản án, quyết định phải có chữ ký của hai bên, nếu nhận bằng đường bưu điện thì cơ quan THA phải thông báo bằng văn bản cho Tòa án chuyển giao biết (Điều 29 Luật thi hành án dân sự, được sửa đổi, bổ sung năm 2014).

Kiểm tra sổ thụ lý thi hành án cần xem xét kỹ nội dung ghi chép, số thứ tự, các cột mục... để xác định việc ra quyết định thi hành án có đúng thẩm quyền và trong thời hạn quy định của pháp luật không? thời hiệu yêu cầu thi hành án còn không? thời hạn ra quyết định thi hành án, nội dung quyết định thi hành án đã ban hành có đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án không? kiểm tra sổ theo dõi việc chưa có điều kiện thi hành án...

2. Kỹ năng phát hiện vi phạm qua việc kiểm tra hồ sơ nghiệp vụ thi hành án

Khi kiểm tra hồ sơ nghiệp vụ thi hành án cần xem xét việc Chấp hành viên có lập hồ sơ nghiệp vụ thi hành án không? Chú ý các trường hợp ra quyết định thi hành án nhưng không thông báo tự nguyện thi hành án, thông báo chậm hoặc chậm xác minh điều kiện thi hành án hoặc không xác minh điều kiện thi hành án. Các biên bản xác minh điều kiện thi hành án có ghi rõ ngày, tháng, năm xác minh không? Có sửa chữa, tẩy xóa không? Cần đề phòng trường hợp làm giả, rút tài liệu, chèn tài liệu trong hồ sơ khi số thứ tự không đúng, không hợp lý về mặt thời gian... lưu ý việc xác minh điều kiện thi hành án, việc thi hành án đối với nghĩa vụ liên đới, việc kê biên, xử lý tài sản để thi hành án, việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án...

Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ thi hành hành án để làm rõ vi phạm trong công tác phân loại, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, hoạt động tổ chức thi hành án, tài sản cần xem xét làm rõ các nội dung sau:

Một là, số lượng hồ sơ đã ra quyết định thi hành án nhưng chậm xác minh điều kiện thi hành án? Thời gian Chấp hành viên để hồ sơ tồn đọng không xác minh điều kiện thi hành án?

Hai là, số lượng hồ sơ không xác minh điều kiện thi hành án nhưng lại ra quyết định hoãn hoặc chưa có điều kiện thi hành án; số lượng biên bản xác minh điều kiện thi hành án có sai sót hoặc không xác minh điều kiện thi hành án tại địa chỉ mới của người phải thi hành án để làm cơ sở tác động thi hành án hoặc ủy thác thi hành án?

Ba là, số lượng hồ sơ khi cơ quan THADS ra quyết định thi hành án Chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành quyết định thi hành án đã để quá thời hạn mới tống đạt quyết định thi hành án hoặc quá thời hạn mới thông báo tự nguyện thi hành án.

Bốn là, số lượng hồ sơ không xác minh tình trạng tài sản của người phải thi hành án để ngăn chặn chuyển dịch tài sản như không xác minh tình trạng nhà, đất và tài sản khác, không kịp thời xử lý tịch thu tiền, tài sản hoặc hoàn trả dự án phí, lệ phí theo bản án, quyết định?

Năm là, xác định có hay không vi phạm trong việc ấn định thời gian tự nguyện thi hành án và tài liệu chứng minh việc chấp hành của đương sự?

Sáu là, xác định căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án trong quá trình tổ chức thi hành án được thể hiện trong hồ sơ thi hành án, các loại văn bản, tài liệu liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án; việc chấp hành pháp luật trong quá trình kê biên tài sản, định giá và bán tài sản, việc thực hiện quyền của đương sự trong quá trình cưỡng chế thi hành án...

Bảy là, xác định có hay không có vi phạm trong việc thu, chi tiền, tài sản và kế toán nghiệp vụ thi hành án, thu chi các khoản nộp ngân sách nhà nước...

3. Kỹ năng phát hiện vi phạm qua so sánh tài liệu giữa hồ sơ nghiệp vụ thi hành án và hồ sơ bán đấu giá tài sản

Đối với những vụ việc phức tạp, có dấu hiệu vi phạm, Kiểm sát viên phải chú ý kiểm sát chặt chẽ trình tự, thủ tục, nội dung việc tổ chức thi hành bản án, quyết định; đối chiếu tài liệu của hồ sơ thi hành án với các tài liệu có trong hồ sơ bán đấu giá tài sản (do VKSND yêu cầu trung tâm dịch vụ bán đấu giá hoặc doanh nghiệp bán đấu giá cung cấp) hoặc đối chiếu với các tài liệu do đương sự cung cấp... qua đó, tìm ra được những điểm mâu thuẫn, vi phạm của cơ quan THADS.

4. Kỹ năng phát hiện vi phạm từ nghiên cứu hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án

Trên cơ sở kiểm tra sổ nhận đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án, Kiểm sát viên phải lưu ý ngày nhận đơn và kết quả giải quyết ghi trong sổ nhận đơn, giải quyết, khiếu nại, tố cáo về thi hành án; Nghiên cứu hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án đối chiếu với các nguồn tin do VKSND thu thập được để kiểm sát hoạt động của cơ quan THADS phải xác định được những nội dung:

Thứ nhất, việc nhận đơn và kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về thi hành án có đảm bảo thời gian luật định hay không?

Thứ hai, việc phân loại khiếu nại, tố cáo theo đơn của đương sự (khiếu nại về việc chậm thi hành án, về định giá tài sản thi hành án, chọn cơ quan thẩm định giá, kê biên tài sản, khiếu nại về hành vi quyết định của Chấp hành viên).

Thứ ba, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự có đúng, đầy đủ so với nội dung khiếu nại, tố cáo? hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án có đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền không?

Thứ tư, các tồn tại chưa được giải quyết và khiếu nại kéo dài gây bức xúc...

5. Kỹ năng phát hiện vi phạm qua kiểm tra việc quản lý, thu, chi tiền thi hành án dân sự

Kiểm tra sổ kế toán nghiệp vụ thi hành án cần xem kỹ việc ghi chép sổ sách, xác định quỹ tiền mặt trong sổ quỹ tiền mặt tính đến ngày VKS trực tiếp kiểm sát là bao nhiêu, số tiền thu nộp quỹ so với số tiền mặt thực tế trong két sắt có chênh lệch không? Xác định các khoản phải thu, đã thu của đối tượng phải thi hành án, các khoản chi trả cho đối tượng được thi hành, các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Đối chiếu sổ kế toán với từng hồ sơ nghiệp vụ thi hành án của Chấp hành viên để xác định tình hình nhập xuất tiền và tài sản thi hành án; việc kết sổ hàng tháng, cân đối số tiền thu, chi tiền thi hành án với các loại chứng từ liên quan. Nếu xét thấy cần thiết Viện kiểm sát có thể xác minh số tiền của cơ quan thi hành án nộp kho bạc, tiền gửi tiết kiệm, tiền tạm gửi ở ngân hàng để cân đối việc thu, chi.

- Khi kiểm tra việc thu phí thi hành án cần chú ý các trường hợp không phải thu phí thi hành án, xác định việc tính phí thi hành án trên số tiền, tài sản theo bản án, quyết định của Toà án với quyết định thi hành án, xem xét việc chi trả, thu nộp, miễn, giảm phí thi hành án của cơ quan THADS (cần lưu ý xem xét các trường hợp đương sự tự nguyện thoả thuận thi hành án có nhằm trốn phí thi hành án không? việc thoả thuận đó có trái pháp luật không và có trái đạo đức xã hội không).

- Khi trực tiếp kiểm sát cần lưu ý các văn bản quy định về nghiệp vụ kế toán để làm căn cứ xem xét, đối chiếu trong quá trình trực tiếp kiểm sát như: Thông tư số 91/2009/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính tại Điều 4 quy định về kế toán giá trị và kế toán hiện vật; Điều 8 quy định nội dung kế toán tiền, kế toán tài sản, kế toán thanh toán; Điều 11 quy định trách nhiệm của Chấp hành viên trong việc chấp hành nguyên tắc, chế độ, thủ tục và nghiệp vụ tài chính kế toán tài chính; Điều 17, 18, 20, 22 quy định nội dung các chứng từ viết sai, hủy và việc xử lý chứng từ mất, hư hỏng. Hệ thống chứng từ kế toán theo quy định của Luật kế toán, Nghị định số 128/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ và Thông tư số 91 nêu trên để xác định có hay không việc để ngoài sổ kế toán các khoản thu, chi, tài sản, tiền quỹ, công nợ.

Quá trình tiến hành trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án dân sự, nếu phát hiện vi phạm pháp luật và trong thời hạn kháng nghị quy định tại khoản 2 Điều 160 Luật thi hành án dân sự, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị với cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị... có trách nhiệm trong việc thi hành án theo quy định tại Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014; Điều 64, 160, 161 Luật thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014); Điều 34 Quy chế số 810 ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao. Khi phát hiện một tình trạng vi phạm nhưng thời hạn kháng nghị đã hết hoặc mức độ vi phạm chưa đến mức phải kháng nghị thì Viện kiểm sát kiến nghị với cơ quan vi phạm (Điều 5 Luật tổ chức VKSND năm 2014; Điều 35 Quy chế số 810 ngày 20/12/2016)./.

(Trích bài viết: Kỹ năng trực tiếp kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự của tác giả Vũ Trung Thành - VKSND tỉnh Điện Biên, TCKS số 9/2018).

Xem thêm>>>

Những vấn đề nào cần được làm rõ khi kiểm sát hồ sơ thi hành án dân sự, hành chính?

Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự

Kinh nghiệm kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự
 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang