Kinh nghiệm đánh giá chứng cứ của Kiểm sát viên trong giải quyết các vụ án xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi
(kiemsat.vn) Để đưa ra các kết luận đúng đắn nhất về sự thật vụ án, Kiểm sát viên cần đánh giá một cách khách quan và toàn diện về các chứng cứ, đưa ra được nhận định về tính hợp pháp, liên quan và khách quan của từng chứng cứ phục vụ cho hoạt động chứng minh sự thật vụ án.
Bàn về nghĩa vụ chịu án phí dân sự trong trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trước khi mở phiên tòa
Hoàn thiện cơ chế hợp tác quốc tế về thu thập dữ liệu điện tử
VKSND cấp cao tại Đà Nẵng thông báo rút kinh nghiệm vụ án giết người và vận chuyển hàng cấm
Trong giải quyết các vụ án hình sự nói chung, các vụ án xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi nói riêng, hoạt động đánh giá chứng cứ của Kiểm sát viên là hoạt động tư duy nhằm xác định giá trị chứng minh của những chứng cứ đã thu thập được. Để đưa ra các kết luận đúng đắn nhất về sự thật vụ án, Kiểm sát viên cần đánh giá một cách khách quan và toàn diện về các chứng cứ, đưa ra được nhận định về tính hợp pháp, liên quan và khách quan của từng chứng cứ phục vụ cho hoạt động chứng minh sự thật vụ án.
Phần lớn các vụ án xâm hại tình dục là án truy xét, bị can thường có xu hướng chối tội; các tài liệu, chứng cứ chủ yếu là lời khai, chứng cứ vật chất dễ bị hư hỏng, phân hủy, mất mát. Vì vậy, Kiểm sát viên cần phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên ngay từ khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm để kịp thời thu thập chứng cứ, bảo toàn chứng cứ vật chất phục vụ quá trình kiểm tra, đánh giá. Việc đánh giá chứng cứ trong các vụ án xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi đòi hỏi phải tổng quát, chú trọng cả chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, không coi trọng chứng cứ nào hơn chứng cứ nào, tránh dẫn đến việc nhận định sai về vụ án, làm lạc hướng điều tra, cần phải nghiên cứu tỉ mỉ, kỹ lưỡng quá trình hình thành nên chứng cứ và các yếu tố liên quan để các thuộc tính của chứng cứ được đảm bảo.
1. Về xác định giá trị chứng minh của chứng cứ thu thập được
Trong vụ án xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi, việc thu thập chứng cứ thường gặp một số khó khăn như: Đối tượng phạm tội dùng nhiều thủ đoạn khác nhau như đưa trẻ đến những nơi vắng vẻ, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của trẻ (như bị bệnh tâm thần, khuyết tật) hoặc dụ dỗ, đe dọa làm cho trẻ sợ hãi rồi thực hiện hành vi xâm hại tình dục. Về phía bị hại, phần lớn là nữ giới, nhiều trường hợp có mối quan hệ gia đình, bạn bè với người phạm tội. Sau khi bị xâm hại, bị hại thường xuất hiện tâm lý mặc cảm, tự ti, xấu hổ, sợ hãi khi tiếp xúc với người lạ, nhiều trường hợp do bị dụ dỗ, hứa hẹn hoặc đe dọa nên không dám kể lại sự việc với ai. Ngược lại, cũng có những trường hợp bị hại vì thù người phạm tội mà khai báo không đúng sự thật. Nhìn chung, nhận thức của trẻ chưa ổn định, lại bị dư chấn tâm lý về hành vi xâm hại tình dục nên lời khai rời rạc, thiếu chính xác.
Đối với loại tội phạm này, dấu vết vật chất có giá trị chứng minh rất cao, tồn tại ở cả hiện trường, cơ thể bị hại và cả người phạm tội, nhưng việc thu thập gặp khó khăn do hầu hết các vụ việc được phát hiện khi đã xảy ra lâu ngày. Hiện trường vụ án tuy tồn tại nhiều loại dấu vết nhưng thường được phát hiện muộn, dễ bị biến đổi, hư hỏng như tinh dịch, lông, tóc, máu... Mặt khác, hiện trường thường bị xáo trộn do quá trình giằng co, vật lộn giữa người phạm tội với bị hại. Các đối tượng thường thực hiện hành vi ở nơi kín đáo, vắng vẻ, số vụ việc có lời khai của người làm chứng trực tiếp không nhiều, sau khi phạm tội đối tượng tìm mọi cách đe dọa, khống chế, mua chuộc bị hại và gia đình nhằm trốn tránh tội lỗi do mình gây ra. Người nhà nạn nhân thường xấu hổ và mặc cảm do các định kiến xã hội, cá biệt một số gia đình nạn nhân có thỏa thuận bồi thường dân sự với người phạm tội nên thay đổi lời khai. Bị can khai báo thành khẩn trong giai đoạn đầu quá trình tố tụng, tuy nhiên đến giai đoạn xét xử khi nhận thấy những thông tin bất lợi về chứng cứ cho bị hại, có lợi cho bản thân mình nên phản cung, chối tội.
Trên thực tiễn, việc xác định giá trị chứng minh của chứng cứ trong các vụ án xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi cho thấy các nguồn chứng cứ thu được mà thuận lợi cả trong việc đánh giá tính hợp pháp, tính liên quan và tính khách quan thường là vật chứng thu giữ được (lông, tóc, sợi, tinh dịch, da…), kết quả khám phụ khoa, dấu vết trên thân thể được xem xét, kết luận giám định AND (mồ hôi, nước bọt, tinh dịch, máu trong kẽ móng tay bị hại…), thông tin trong biên bản bắt người phạm tội quả tang. Đây là những chứng cứ phản ánh từ vật chất, không phụ thuộc ý chí chủ quan của con người, hơn nữa việc chứng minh sự phù hợp với các chứng cứ khác cũng không khó khăn. Do đó, về nguyên tắc, nếu thu thập được những chứng cứ này thì việc đánh giá vụ án sẽ thuận lợi nhất. Bên cạnh đó, có những chứng cứ thuận lợi trong việc đánh giá tính khách quan, hợp pháp nhưng khó khăn trong việc kết luận tính liên quan, đó là thông tin từ khám nghiệm hiện trường, biên bản xác định hiện trường, vị trí đồ vật, kết quả giám định thương tích, định giá tài sản…; các chứng cứ thuận lợi trong việc đánh giá tính hợp pháp nhưng khó khăn trong kết luận tính khách quan, đó là biên bản đối chất, kết quả nhận dạng người, đồ vật và các chứng cứ khó khăn trong cả xác định tính khách quan và liên quan gồm lời khai của người làm chứng, bị can, bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nói cách khác đây là những thông tin đòi hỏi sự kiểm chứng kỹ càng nhất từ việc xác định động cơ khai báo, đặc điểm nhân thân và sự phù hợp với những chứng cứ khác, nhất là trong các vụ án không còn điều kiện để thu giữ các chứng cứ vật chất. Vì vậy, việc kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ phải khẩn trương, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ quan chức năng và tổ chức xã hội khác khám, điều trị, hỗ trợ cho người bị xâm hại dưới 16 tuổi.
Các vụ án xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi thường có các tình huống đánh giá chứng cứ phổ biến như: Chứng cứ thu thập được đã đủ để buộc tội bị can chưa? Có hành vi xâm hại tình dục xảy ra hay không nếu lời khai có mâu thuẫn? (nhất là hành vi dâm ô, trong trường hợp không có nhân chứng trực tiếp, không thu được chứng cứ vật chất…); đánh giá kết quả mô tả đặc điểm quần áo, hình dạng, đồ đạc kê trong phòng, đánh giá lời khai của bị hại, bị can về vị trí đứng của đối tượng trong quá trình giằng co để xâm hại, mô tả đặc điểm cơ thể, bộ phận sinh dục bị can, bị hại…; đánh giá tính khách quan của lời khai bị hại; đánh giá để kết luận tuổi của bị hại nếu hồ sơ mâu thuẫn; giải thích diễn biến hành vi của tội phạm, xác định tính phù hợp với thực tế khách quan, phù hợp với các chứng cứ khác từ các thông tin đã thu được về tư thế, phản ứng của bị hại, vị trí mà quần, áo bị kéo xuống. Đồng thời cần giải quyết các mâu thuẫn liên quan như tư thế nằm của bị hại, bị can, tư thế đó có cho phép việc giao cấu không? Có thể giao cấu liên tiếp trong thời gian ngắn tại một địa điểm hay không? Đặc điểm ngoại hình, cơ quan sinh dục đối tượng có như lời khai, biên bản nhận dạng không? Đặc điểm địa hình, địa điểm mà đối tượng thực hiện hành vi xâm hại như thế nào? Không gian đó có riêng tư không, nếu không phải bị hại thì trong điều kiện nào người khác mới biết được những đặc điểm đó? Kết thúc việc giao cấu như thế nào?
2. Về thực hiện nguyên tắc đánh giá chứng cứ
Một là, luôn bảo đảm tính khách quan, toàn diện và đầy đủ: Trong trường hợp có nhiều chứng cứ thu được thể hiện những thông tin không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau thì phải căn cứ vào thực tế khách quan để đánh giá mà không định trước giá trị của bất kỳ chứng cứ nào. Trên thực tế xảy ra trường hợp, bị hại khai bị can nhiều lần giao cấu với mình dẫn đến có thai, trong khi bị can khai chỉ giao cấu một lần với bị hại. Như vậy, đối với trường hợp này, có sự mâu thuẫn lời khai về số lần thực hiện hành vi phạm tội, để đánh giá chứng cứ hiệu quả, Kiểm sát viên cần phải kiểm tra thông qua các chứng cứ khác, lấy lại lời khai để xác định thông tin nào là khách quan. Mỗi chứng cứ phải được xem xét riêng và đem so sánh với các chứng cứ khác, đặt nó trong mối liên hệ với các chứng cứ khác, phát hiện kịp thời lỗ hổng của hệ thống chứng cứ.
Hai là, luôn bảo đảm, đánh giá chứng cứ trong mối quan hệ tổng thể của vụ án: Nếu chỉ thu thập được một vài chứng cứ rời rạc, thiếu mối liên hệ với nhau, không tạo thành hệ thống thì không thể đi đến kết luận chính xác được. Ví dụ: Vụ án dâm ô với người dưới 16 tuổi, đối tượng M liên tiếp có hành vi sàm sỡ các cháu học sinh đang đi học bằng xe đạp điện trên đường. Chứng cứ thu được chỉ có lời khai của đối tượng M, lời khai các bị hại (02 bị hại), lời khai của các cháu học sinh cùng đi học trên đường với các bị hại thời điểm bị xâm hại, lời khai của những người được nghe các cháu kể lại gồm cô giáo, mẹ của các cháu. Do hành vi diễn ra nhanh, các cháu hoảng loạn nên các chi tiết liên quan đến hành vi của đối tượng, việc tiếp cận bị hại (các câu hỏi làm quen của đối tượng, vị trí, chiều hướng xe của đối tượng lúc tiếp cận…), đặc điểm đoạn đường, đặc điểm ngoại hình của đối tượng mà bị hại khai không thực sự thống nhất… (nhất là mâu thuẫn trong lời khai của các bị hại về hành vi cụ thể, đặc điểm trang phục…). Do vậy, quá trình đánh giá chứng cứ, để có cơ sở phê chuẩn khởi tố bị can, Kiểm sát viên đã đề xuất yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra, làm rõ một số nội dung như: Đối tượng tiếp cận, gặp và hỏi bị hại như thế nào? Bị hại trả lời như thế nào? Đặc điểm, màu sắc trang phục, phương tiện mà bị hại mang theo khi đó; đặc điểm cụ thể trang phục, nhận dạng của đối tượng hôm đó. Làm rõ lời khai trước đó của bị hại về đặc điểm về ngoại hình cụ thể, phương tiện mà đối tượng sử dụng, hành vi cụ thể; lấy lời khai của bố mẹ bị hại về việc bị xâm hại? Thời điểm đó bị hại mặc trang phục, đi phương tiện như thế nào? Khi về nhà bị hại kể lại sự việc không? Trạng thái tâm lý của bị hại ra sao? Bị hại có bị thương tích gì không? Lấy lời khai của đối tượng M để làm rõ: Trước khi có hành vi sàm sỡ bị hại, M gặp và hỏi bị hại như thế nào? Bị hại trả lời như thế nào? Đặc điểm màu sắc trang phục, phương tiện của bị hại? Có đội mũ không, loại mũ gì, có đeo khẩu trang không? Đặc điểm phương tiện mà M điều khiển màu, loại gì, có gương hay không có gương, M có hành vi cụ thể như thế nào đối với bị hại mấy lần?; dùng ma nơ canh cho M diễn lại hành vi ngày hôm đó, lập biên bản và lập bản ảnh theo quy định…
Ba là, giải thích sự nghi ngờ theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo: Trường hợp các chứng cứ về vụ án còn có mâu thuẫn, nếu sự kiện này hay sự kiện khác có thể được giải thích theo những hướng khác nhau về lý do xuất hiện và diễn biến của nó, nếu như chứng cứ này hoặc chứng cứ khác còn chưa rõ ràng thì nên tư duy theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo (lưu ý tư duy chứ không phải vội vàng kết luận). Nói cách khác, việc buộc tội phải dựa vào các sự kiện đã có căn cứ chứng minh mà không còn sự nghi ngờ. Ví dụ: Vụ án Trương Văn K bị khởi tố về hành vi giao cấu với người dưới từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi. Các tài liệu chứng cứ đã đủ để chứng minh K có hành vi giao cấu với cháu B, trong đó đặc biệt căn cứ vào giấy khai sinh bản gốc của cháu B. Tuy nhiên, quá trình điều tra đã xuất hiện thêm những thông tin về độ tuổi của cháu B. Nhận thấy thông tin này có ý nghĩa quan trọng trong việc buộc tội K, bởi K cũng dưới 16 tuổi, nên nếu B trên 13 tuổi thì hành vi giao cấu tự nguyện của hai người không cấu thành tội phạm. Khi tiến hành xác minh tại địa phương, trước đây mẹ của B sinh con gái đã bỏ nhà đi và nhờ dì của mình đứng tên mẹ cháu B trên giấy khai sinh, việc làm giấy khai sinh muộn nhiều năm khiến thông tin không được chính xác. Sau khi có kết luận giám định xương về độ tuổi của cháu B, cùng với các chứng cứ khác thu thập từ người dân địa phương, các cháu có cùng năm sinh với cháu B trong xóm… đủ để khẳng định B sinh vào thời điểm trước thời điểm ghi trong giấy khai sinh bản gốc. Vì vậy, hành vi của K không cấu thành tội phạm.
3. Kinh nghiệm về cách thức đánh giá chứng cứ
Quá trình giải quyết vụ án, Kiểm sát viên cần kết hợp thực hiện các cách thức sau đây:
- Đánh giá từng chứng cứ riêng lẻ: Kiểm sát viên cần trả lời một số câu hỏi như sự việc, hiện tượng sẽ dùng làm căn cứ để chứng minh có phù hợp với quy luật khách quan của sự vật không? Ví dụ khi xem xét kết luận giám định hành vi diễn ra đã lâu ngày nhưng kết quả cho thấy vẫn nhận biết được AND trên quần áo của bị hại, Kiểm sát viên cần phối hợp với Điều tra viên đặt câu hỏi và yêu cầu Giám định viên giải thích sự việc, hiện tượng đó được hình thành và tồn tại trong điều kiện nào? Những gì có thể tác động tới quá trình hình thành và phát triển của nó. Ví dụ: Bị can đưa ra hình ảnh được chụp từ màn hình lưu trong thư viện ảnh máy điện thoại để chứng minh nạn nhân hoàn toàn tự nguyện giao cấu. Điều này đòi hỏi Kiểm sát viên phải chứng minh tính khách quan của file ảnh, trong đó xác định ảnh đó có phải được chụp từ điện thoại của bị can và nạn nhân không? Có bị chỉnh sửa không? Lần giao cấu này có phải là lần mà bị hại đang tố giác bị can hiếp dâm mình không? Bị hại đã khai báo như thế nào; mối quan hệ nhân quả giữa sự vật, hiện tượng dùng để chứng minh với đối tượng chứng minh mà chủ yếu là những vấn đề cần phải chứng minh theo quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự; những sự việc, hiện tượng đó có thể làm rõ yếu tố nào của đối tượng chứng minh; làm rõ đến đâu.
- Đánh giá từng chứng cứ theo nhóm chứng cứ: Kiểm sát viên phân chia các chứng cứ theo từng nhóm dựa trên các chứng cứ đã thu thập được cụ thể như nhóm chứng cứ từ lời khai của những người tham gia tố tụng; nhóm chứng cứ từ các kết luận của các cơ quan chuyên môn; nhóm chứng cứ thu thập được từ vật chứng thu giữ được trong vụ án… Sau khi phân chia chứng cứ theo từng nhóm, cần kiểm tra từng chứng cứ trong nhóm để xác định các chứng cứ đó có đảm bảo mang đầy đủ các thuộc tính hay không, từ đó đối chiếu, đánh giá xác định giá trị của từng chứng cứ có ý nghĩa gì trong việc chứng minh các tình tiết hoặc toàn bộ vụ án.
- Đánh giá tổng hợp các chứng cứ: Quá trình giải quyết các vụ án xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi, Kiểm sát viên cần xem xét các chứng cứ đã đủ để chứng minh tất cả những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hay chưa để rút ra kết luận về vụ án. Các chứng cứ không thể đứng độc lập mà chúng phải có quan hệ mật thiết với nhau (nhất là khi đánh giá chứng cứ gián tiếp - như lời khai của người nhà nạn nhân, chủ nhà nghỉ nơi đối tượng đưa bị hại vào…), có mối quan hệ nhân quả, cùng tồn tại về không gian và thời gian. Kiểm sát viên cần sử dụng toàn bộ kết quả đã được kiểm tra, đánh giá riêng lẻ, các nguyên tắc đánh giá chứng cứ, kiến thức nghiệp vụ và kinh nghiệm bản thân.
4. Kinh nghiệm đánh giá các thuộc tính các chứng cứ
Một là, khi xác định tính liên quan của chứng cứ, khi đánh giá chứng cứ, Kiểm sát viên trước hết phải xem xét mối quan hệ của chúng với vụ án, sau đó mới xem xét đến giá trị chứng minh. Nếu đã xác định được tính liên quan của chứng cứ thì Kiểm sát viên phải đưa ra kết luận về sự kiện cần chứng minh để khẳng định hay bác bỏ bởi chứng cứ đó trên cơ sở đối chiếu giữa các chứng cứ với nhau và với các tình tiết cụ thể của vụ án. Ví dụ: Khi nghiên cứu kết quả nhận dạng, nghiên cứu lời khai của bị hại về đặc điểm cơ thể bị can…, Kiểm sát viên cần kiểm tra mối quan hệ giữa bị hại với bị can, đặt câu hỏi những ai và có quan hệ như thế nào với bị can thì mới có thể biết được những thông tin đó? Đối chiếu các thông tin thu được với kết quả xác minh khác... Trường hợp sự kiện nào đó không có cơ sở xác định có mối liên hệ với đối tượng chứng minh thì cần loại bỏ.
Hai là, khi xác định tính khách quan của chứng cứ, Kiểm sát viên cần xem xét tính đúng đắn của các chứng cứ đã thu thập được từ các nguồn khác nhau, trong các vụ án này thường là đơn tố giác của bị hại, lời khai của các đối tượng bị bắt, lời khai của người làm chứng, biên bản hỏi cung bị can, kết luận giám định… Để kết luận các chứng cứ có phù hợp với hiện thực khách quan hay không, có gian dối, nhầm lẫn… hay không, cần phải kiểm tra chứng cứ về mặt nội dung của từng nguồn chứng cứ, thông qua việc kiểm tra chi tiết các sự kiện cụ thể để xác định có mối quan hệ với các hiện tượng, đối tượng khác đã xảy ra. Căn cứ để đánh giá chứng cứ là các tài liệu, vật chứng có trong hồ sơ vụ án đã được thu thập theo quy định. Kiểm sát viên có thể nghiên cứu, đánh giá độc lập các chứng cứ, sau đó đánh giá với các chứng cứ liên quan trực tiếp, so sánh với thực tiễn hiện trường vụ án, với quy luật khách quan. Nếu chưa rõ, có thể xuống trực tiếp, nghiên cứu hiện trường vụ án, gặp trực tiếp người làm chứng, hỏi cung bị can, người giám định. Nếu có mâu thuẫn phải làm rõ các mâu thuẫn, khác biệt để xác định khách quan vụ án. Ví dụ: Quá trình điều tra thu giữ được dữ liệu tin nhắn có nội dung trao đổi giữa bị hại và người có tên A trong danh bạ điện thoại của bị hại về nội dung trao đổi, gửi các hình ảnh khiêu dâm. Kiểm sát viên cần nghiên cứu đánh giá chứng cứ gồm: Tin nhắn đó do số thuê bao nào gửi tới? Có phải của A theo lời khai của bị hại không? Nội dung trao đổi cụ thể là gì? Các hình ảnh trong tin nhắn có phải hình ảnh khiêu dâm không? Có phù hợp với lời khai của nhân chứng, kết quả xác minh của đơn vị viễn thông và các chứng cứ khác không?...
Ba là, khi xác định tính hợp pháp của chứng cứ, Kiểm sát viên cần đối chiếu kỹ lưỡng việc thu thập các thông tin, đồ vật, tài liệu với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để kết luận việc không hợp pháp của chứng cứ, ví dụ lấy lời khai sau 22 giờ, lấy lời khai bị hại mà không có người đại diện của họ…
Bốn là, xác định tính đầy đủ của chứng cứ: Cần nhận thức chứng cứ thu thập được có đầy đủ để chứng minh các tình tiết của vụ án hay không là vấn đề rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Nếu chưa đầy đủ thì Kiểm sát viên phải bổ sung hoặc yêu cầu bổ sung để xem xét tất cả các vấn đề và không còn lý do nào nghi ngờ về tính đúng đắn của những kết luận.
Kinh nghiệm đánh giá chứng cứ trong một số tình huống cụ thể:
- Trường hợp hồ sơ, tài liệu chứng minh tuổi của bị hại có mâu thuẫn:
Việc đánh giá chính xác độ tuổi của bị hại có ý nghĩa lớn để xác định trách nhiệm hình sự của người phạm tội, bao gồm cả việc xác định có hành vi phạm tội xảy ra không? Định tội, định khung, quyết định hình phạt, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người phạm tội... Nhiều vụ án việc đánh giá chứng cứ phải giải quyết nhiệm vụ lựa chọn sử dụng Kết luận giám định hay căn cứ vào hồ sơ, tài liệu để xác định tuổi người tham gia tố tụng trong trường hợp có mâu thuẫn còn chưa chính xác. Ví dụ: Trần Duy K và Nguyễn Thị Khánh B (sinh ngày 16/3/2008) đã 02 lần tự nguyện quan hệ tình dục với nhau. Quá trình điều tra, Trần Duy K thừa nhận đã thực hiện hành vi quan hệ tình dục với Nguyễn Thị Khánh B, lời khai hoàn toàn phù hợp với tài liệu, chứng cứ thu thập được. Tuy nhiên, do có sự khác nhau về thông tin tên và ngày sinh mẹ đẻ của Nguyễn Thị Khánh B là Nguyễn Thị V (Nguyễn Thị Bích V - sinh năm 1988 trong Giấy chứng sinh của Trạm y tế xã và Nguyễn Thị V - sinh năm 1991 trong giấy khai sinh của Ủy ban nhân dân) nên Kiểm sát viên đã yêu cầu Điều tra viên trưng cầu giám định về tuổi của Nguyễn Thị Khánh B để làm cơ sở giải quyết. Kết luận giám định pháp y về độ tuổi kết luận tại thời điểm bị xâm hại tình dục, Nguyễn Thị Khánh B có độ tuổi từ 15 tuổi 01 tháng đến 15 tuổi 07 tháng. Trong vụ việc này, kết quả xác minh đã đủ căn cứ xác định mặc dù có mâu thuẫn về thông tin của người mẹ nhưng qua các tài liệu khác thu thập được đều có căn cứ xác định Nguyễn Thị Khánh B sinh ngày 16/3/2008 nên hành vi của Trần Duy K có dấu hiệu phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự.
- Trường hợp có nghi ngờ về tính khách quan trong lời khai của bị hại:
Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ quá trình thu thập chứng cứ của Cơ quan điều tra có đảm bảo trình tự quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, bảo đảm sự phù hợp giữa những chứng cứ đã thu thập được với nhau. Đối với tội phạm xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi nói chung, chứng cứ vật chất rất quan trọng nhưng lại thường khó thu thập, đối tượng bị xâm hại còn nhỏ chưa nhận thức đầy đủ và phân biệt được hành vi xâm phạm thân thể của người phạm tội là hành vi xấu hoặc với những trẻ bị xâm hại tình dục có độ tuổi từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi thường có tâm lý e ngại, mặc cảm nên không khai đúng sự thật. Vì vậy, cần chú trọng quan sát thái độ của bị hại để xác định động cơ khai báo, chú ý đánh giá khả năng diễn đạt, giải quyết các mâu thuẫn với những thông tin khác. Đặc biệt cần tập trung vào các thông tin liên quan đến hành vi phạm tội mà bị hại khai báo, phân tích chứng cứ thể hiện vị trí, tư thế khi xảy ra hành vi xâm hại tình dục, tính nguyên vẹn của trang phục, đồ đạc trong phòng, ngoại hình, đặc điểm cơ quan sinh dục và các bộ phận khác của bị can mà người bị hại khai báo… Bên cạnh đó, cần có biện pháp nghiên cứu đánh giá lời khai của người tham gia tố tụng khác. Khi nghiên cứu lời khai của người bị hại, người đại diện theo pháp luật của người bị hại cần chú ý người bị hại có thể không hiểu và không biết trình bày logic về nội dung vụ án. Trong khi những người thân của các em thường không phải là người chứng kiến trực tiếp mà chỉ là được nghe lại và luôn mang tâm lý xót xa muốn tìm lại công bằng cho con em của mình. Do đó, Kiểm sát viên phải có cách nhìn khách quan, công tâm, không cảm tính. Đối với các yêu cầu về dân sự, hình sự của người bị hại, người đại diện của người bị hại, Kiểm sát viên phải xem xét kỹ những yêu cầu đó có phù hợp, khả thi không để có thể đưa ra hướng giải quyết đảm bảo lợi ích cho bị hại. Khi nghiên cứu lời khai của người làm chứng, phải lưu ý đánh giá vì sao người làm chứng biết được tình tiết, nội dung vụ án, bởi đặc trưng của loại tội phạm này thường được thực hiện ở những nơi vắng vẻ, kín đáo, chỉ có bị can và người bị hại. Phải đối chiếu lời khai của người làm chứng với thời gian, địa điểm và nội dung vụ án, đặc biệt, phải lựa chọn những lời khai của người làm chứng có nội dung phản ánh được nội dung của vụ án, hoặc những người làm chứng biết được những chứng cứ gián tiếp dẫn đến việc bị can thực hiện hành vi phạm tội như từng nhìn thấy bị can mua kẹo để dụ dỗ trẻ em, từng nhìn thấy bị can lân la hỏi chuyện trẻ em...
- Trường hợp bị can nhận tội trong giai đoạn điều tra nhưng sau đó phản cung, chối tội:
Thông thường hiện tượng này xảy ra do đến giai đoạn truy tố, xét xử bị can đã bình tĩnh lại, nhận thấy có những thông tin bất lợi đối với cơ quan tố tụng trong việc chứng minh tội phạm nên phản cung chối tội. Trong trường hợp này ngoài việc xem xét toàn diện các chứng cứ thu thập được, Kiểm sát viên cần xác định động cơ khai báo của các bên, xác định tính hợp pháp trong quá trình thu thập chứng cứ ở giai đoạn trước mà bị can đã nhận tội. Đặc biệt cần chú trọng phân tích thông tin từ kết luận giám định và lời khai của những người liên quan để kết luận. Kiểm sát viên cũng cần xác định tầm quan trọng của những chứng cứ ban đầu, đặc biệt trong vụ án phạm tội quả tang như việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, phải nghiên cứu thật kỹ về thời gian lập biên bản với thời gian xảy ra hành vi phạm tội, thành phần tham gia lập biên bản, người làm chứng và người giám hộ; nghiên cứu kỹ các biên bản ghi lời khai ban đầu, lời khai của người làm chứng, chú ý những điểm mâu thuẫn trong lời khai của bị can để tìm ra phương án phúc cung hiệu quả…
- Trường hợp bị can chỉ thừa nhận tiếp xúc bên ngoài bộ phận sinh dục của bị hại, không thừa nhận xâm nhập vào bên trong:
Đối với trường hợp này ngoài việc nghiên cứu lời khai của người tham gia tố tụng, Kiểm sát viên cần chú trọng sử dụng nội dung của các nhà chuyên môn về pháp y tình dục, trường hợp cần thiết có thể yêu cầu giải thích thêm về những mâu thuẫn phát hiện ra trong quá trình đánh giá chứng cứ.
Phùng Đức Khiêm - Trần Đình Hải
Bàn về giá trị pháp lý của giao dịch do một bên vợ, chồng xác lập, thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình
-
1Quyền tư pháp và tổ chức, hoạt động của VKSND trong điều kiện xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
-
2Trách nhiệm pháp lý không duy trì thực hiện hợp đồng thương mại khi vi phạm - một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật
-
3VKSND cấp cao tại Đà Nẵng thông báo rút kinh nghiệm vụ án giết người và vận chuyển hàng cấm
-
4Hoàn thiện quy định của pháp luật về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
-
5Bàn về nghĩa vụ chịu án phí dân sự trong trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trước khi mở phiên tòa
-
6Bàn về giá trị pháp lý của giao dịch do một bên vợ, chồng xác lập, thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình
-
7Hoàn thiện cơ chế hợp tác quốc tế về thu thập dữ liệu điện tử
-
8Kinh nghiệm đánh giá chứng cứ của Kiểm sát viên trong giải quyết các vụ án xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi
Bài viết chưa có bình luận nào.