Bàn về giá trị pháp lý của giao dịch do một bên vợ, chồng xác lập, thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình

29/04/2025 09:21

(kiemsat.vn)
Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, bền vững, hạnh phúc là một trong những mục tiêu quan trọng khi nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng. Để đạt được mục tiêu trên, bản thân mỗi bên vợ, chồng phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với gia đình. Điều này được thể hiện rõ thông qua cơ chế xác định quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc xác lập, thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

1. Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc xác lập, thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình

Theo khoản 1 Điều 30 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 (gọi tắt là Luật HNGĐ năm 2014), vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Đây là cơ sở để đời sống vật chất của gia đình được đáp ứng một cách đúng mức, và cũng là một yếu tố giúp cho đời sống vợ chồng được ổn định, bền vững. Quy định này nhằm trao cho mỗi bên vợ, chồng khả năng tự mình thực hiện các giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường, không thể thiếu của mỗi cá nhân trong cuộc sống. Cần nhìn nhận rằng, nhu cầu thiết yếu của gia đình, suy cho cùng, là nhu cầu của cá nhân mỗi thành viên trong gia đình. Quan hệ hôn nhân là tiền đề làm nảy sinh các mối quan hệ khác trong gia đình, trong đó phổ biến là quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Không chỉ dừng lại ở trách nhiệm giữa vợ và chồng, với tư cách là cha mẹ, họ có trách nhiệm đối với con cái của mình và trách nhiệm này là ngang nhau, không có sự phân biệt. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của vợ chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình cũng bao hàm việc cha, mẹ thực hiện nghĩa vụ và quyền của mình đối với con cái cũng như đối với các thành viên khác trong gia đình trong khuôn khổ quy định của pháp luật hiện hành.

Nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi bên vợ, chồng đối với gia đình, khoản 2 Điều 30 Luật HNGĐ năm 2014 quy định: “Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên”. Theo quy định này, nguồn tài sản dùng để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình không chỉ bao gồm khối tài sản chung của vợ chồng, mà còn có thể là tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng. Nếu tài sản chung không đủ để trang trải chi phí thì vợ, chồng phải đóng góp bằng tài sản riêng của mình. Đây là quy định rất quan trọng nhằm bảo đảm lợi ích chung của gia đình: Dù vợ chồng thỏa thuận lựa chọn chế độ tài sản chung hoặc chế độ tách riêng tài sản, vợ, chồng phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp này. Điều này sẽ ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau đối với vợ, chồng cũng như đối với cuộc sống gia đình, đồng thời khuyến khích vợ, chồng xây dựng và phát triển tài sản chung và tài sản riêng, tạo cơ sở vững chắc để thực hiện các điều kiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Việc thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của các bên vợ, chồng. Ở góc độ quyền, vợ hoặc chồng có quyền tự mình quyết định việc thực hiện giao dịch với người thứ ba nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Những giao dịch hướng đến mục đích chung của gia đình sẽ phát sinh trách nhiệm liên đới đối với cả vợ và chồng. Tinh thần này được thể hiện rõ nét trong quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật HNGĐ năm 2014, theo đó, “Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này”. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 37 Luật HNGĐ năm 2014 cũng ghi nhận “nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình” là nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng. Ở đây, một người không hề tham gia vào giao dịch, thậm chí cũng không được hưởng bất kỳ lợi ích nào từ giao dịch, nhưng nghĩa vụ liên đới vẫn phát sinh đối với họ. Hay nói cách khác, để đáp ứng một cách kịp thời quyền lợi cho các thành viên trong gia đình, trong một số trường hợp, giao dịch của vợ, chồng liên quan đến tài sản chung có thể chỉ do một bên thực hiện, phía bên kia cho dù không biết hoặc biết nhưng không đồng ý, vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm. Ngược lại, nếu nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện “không vì nhu cầu của gia đình” thì vợ hoặc chồng phải tự chịu trách nhiệm đối với giao dịch đó, bởi đây là nghĩa vụ riêng của vợ, chồng theo khoản 3 Điều 45 Luật HNGĐ năm 2014.

Nghiên cứu pháp luật một số quốc gia, có thể nhận thấy, việc quy trách nhiệm liên đới của vợ chồng đối với giao dịch do một bên xác lập, thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình không phải là nội dung mới. Đơn cử, Điều 220 Bộ luật Dân sự (BLDS) Pháp quy định mỗi bên vợ, chồng đều có thể một mình ký kết hợp đồng nhằm mục đích duy trì đời sống gia đình hoặc giáo dục con cái, bên kia có trách nhiệm liên đới đối với nghĩa vụ phát sinh từ việc ký kết hợp đồng này, hay Điều 761 BLDS Nhật Bản ghi nhận: Đối với các vấn đề chi tiêu hàng ngày nếu vợ hoặc chồng thực hiện các giao kết pháp lý với người thứ ba, thì cả vợ lẫn chồng đều phải chịu trách nhiệm liên đới theo phần đối với các nghĩa vụ phát sinh đó. Tương tự, trong quy định về quyền đại diện đối với việc gia đình thường ngày được dự liệu tại Điều 1060 BLDS Trung Quốc năm 2020, nhà làm luật ghi nhận nếu một bên vợ hoặc chồng thực hiện hành vi pháp luật dân sự vì nhu cầu sinh hoạt thường ngày trong gia đình thì phát sinh hiệu lực đối với cả hai bên vợ chồng, trừ trường hợp một bên vợ hoặc chồng và người liên quan có thoả thuận khác.

 Mặc dù giao dịch chỉ do một bên vợ hoặc chồng giao kết với bên thứ ba nhưng để nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vẫn được thừa nhận là phù hợp với pháp luật, người vợ hoặc chồng không thực hiện giao kết hợp đồng cũng không thể yêu cầu tuyên bố hợp đồng đó vô hiệu với lý do chưa có sự đồng ý của mình. Việc định đoạt tài sản chung nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình là quyền của mỗi bên vợ, chồng song không phải trong mọi trường hợp một bên vợ hoặc chồng có thể thực hiện quyền này một cách tuỳ tiện. Cụ thể, dù với mục đích đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình nhưng nếu đối tượng của giao dịch là các tài sản được định liệu tại khoản 2 Điều 35 Luật HNGĐ  năm 2014, cụ thể là bất động sản, động phải mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu (như xe máy, ô tô, tàu biển…) hoặc tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình thì luôn phải có sự đồng thuận của cả hai vợ chồng. Trong trường hợp vợ hoặc chồng vi phạm quy định nói trên thì bên kia có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.

Tóm lại, vợ hoặc chồng có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình mà không cần có sự đồng ý của bên kia, trừ một số loại tài sản có giá trị lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với gia đình được liệt kê tại khoản 2 Điều 35 Luật HNGĐ năm 2014. Để ràng buộc nghĩa vụ tài sản đối với cả hai vợ chồng thì đòi hỏi bên vợ, chồng trực tiếp tham gia giao dịch chứng minh được mục đích của việc thực hiện giao dịch là nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình - vấn đề cốt lõi trong việc xác định giá trị pháp lý của giao dịch đó.

2. Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về giá trị pháp lý của giao dịch do một bên vợ, chồng xác lập, thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình

Thứ nhất, khái niệm “nhu cầu thiết yếu của gia đình” chưa thật sự cụ thể, rõ nét, dễ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong thực tiễn xét xử.

Theo khoản 20 Điều 3 Luật HNGĐ năm 2014, “nhu cầu thiết yếu” là “nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình”. Đây là quy định duy nhất tính đến hiện tại lý giải cách hiểu “nhu cầu thiết yếu” của gia đình. Theo quan điểm của chúng tôi, khái niệm trên chỉ mang tính định hướng; giá trị áp dụng trong hoạt động xét xử của cơ quan tài phán chưa cao, bởi chỉ đơn thuần liệt kê các loại nhu cầu cơ bản trong cuộc sống như ăn, mặc, ở, học tập… mà chưa chỉ rõ mức độ, phạm vi thế nào được xem là thiết yếu. Quy định này chỉ tập trung vào khái niệm “nhu cầu thiết yếu” mà chưa làm rõ khái niệm “nhằm đáp ứng”. Trong trường hợp giao dịch dân sự do một bên vợ, chồng xác lập không đáp ứng trực tiếp các nhu cầu thiết yếu của gia đình mà chỉ để tạo ra những công cụ hỗ trợ gián tiếp cho việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu thì có phát sinh trách nhiệm liên đới của vợ chồng hay không? Điều này dẫn đến trong thực tiễn xét xử còn nhiều cách thức đánh giá tính “thiết yếu” không thống nhất. Có thể cùng một nhu cầu nhưng đối với gia đình này thì mang tính thiết yếu, gia đình khác thì không, đơn cử hai ví dụ sau:

Ví dụ thứ nhất: Trong thời gian chưa ly hôn, anh T thường xuyên vắng nhà, do anh đóng quân ở xa, chị P ở nhà đi dạy học và một mình nuôi con nên đã vay của một số đồng nghiệp, người quen nhiều khoản tiền nhằm các mục đích nuôi con (nộp tiền học cho con, sửa nhà, thuê nhà trọ cho con, mua kính mắt cho con), tổng số nợ là 103.900.000 đồng. Chị P đề nghị Tòa án nhân dân huyện H giải quyết, buộc anh T trả lại cho chị một nửa số tiền chị đã vay trong thời kỳ hôn nhân để chị trả cho những cá nhân chị đã vay tiền. Về phía mình, anh T trình bày do tính chất công việc, nơi công tác ở xa và tình cảm vợ chồng mâu thuẫn nên anh không thường xuyên có mặt ở nhà nhưng anh vẫn có trách nhiệm với gia đình, con cái, lo cho con cái tiền ăn học đầy đủ và các nhu cầu thiết yếu khác. Anh T cho rằng, chị P vay của ai, vay làm gì, sử dụng như thế nào anh không được biết, vì vậy anh không đồng ý với yêu cầu của chị P. Trong số các khoản vay của chị P có khoản vay chị N số tiền 50.000.000 đồng để sửa nhà. Tòa án cấp phúc thẩm nhận định việc vay nợ anh T hoàn toàn không biết, mục đích vay là để sửa nhà, như vậy đây không phải là khoản vay phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình theo khoản 20 Điều 3 Luật HNGĐ năm 2014. Do đó, Tòa án cho rằng không có căn cứ để buộc anh T có nghĩa vụ liên đới với khoản nợ vay của chị N, không chấp nhận kháng cáo của chị P về phần này.

Ví dụ thứ hai: Ông T yêu cầu vợ chồng ông N, bà A liên đới trả tiền vay 53.000.000 đồng, nhưng ông N cho rằng đó là nợ riêng của bà A nên ông không đồng ý liên đới trả. Bà A trình bày số tiền vay 53.000.000 đồng là để xây dựng nhà ở của vợ chồng, yêu cầu ông N cùng trả nợ. Tòa án áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật HNGĐ năm 2014 quy định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng thì việc bà A vay tiền làm nhà ở nhằm mục đích sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; ông N cùng có nghĩa vụ chịu trách nhiệm số nợ trên là phù hợp quy định của pháp luật. Do đó, nguyên đơn ông T yêu cầu ông N và bà A có nghĩa vụ liên đới trả số tiền 53.000.000 đồng có căn cứ chấp nhận.

Ở hai ví dụ được đề cập trên, có thể thấy việc vay tiền của một bên vợ, chồng đều có nhằm mục đích sửa nhà. Tuy nhiên, nhận định của Tòa án trong hai vụ việc lại khác nhau. Đối chiếu khoản 20 Điều 3 Luật HNGĐ năm 2014 cũng rất khó để xác định tính chất của việc sửa nhà có phải là nhu cầu thông thường về ở hay không, do đó, việc tồn tại nhiều quan điểm khác nhau trong đánh giá về tính thiết yếu của các khoản vay là điều tất yếu.

Tiếp cận từ góc độ thực tế, có thể thấy rằng, nhu cầu sinh hoạt thông thường của mỗi cá nhân là khác nhau, phụ thuộc vào lứa tuổi, nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí... Do đó, khó có thể đưa ra một định nghĩa thống nhất về nhu cầu thiết yếu của cá nhân, gia đình. Nghiên cứu so sánh cho thấy, “luật các nước cũng không xây dựng tiêu chí nhận dạng các giao dịch xác lập nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình bằng các quy tắc pháp lý”.

Theo chúng tôi, để phù hợp xu hướng chung của pháp luật các quốc gia khác thế giới, pháp luật Việt Nam nên ghi nhận chi tiết điều kiện để giao dịch do một bên vợ, chồng xác lập, thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình, từ đó ràng buộc trách nhiệm liên đới của vợ chồng. Cụ thể, cần quy định điều kiện để phát sinh trách nhiệm liên đới, giao dịch do một bên vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện phải đáp ứng đồng thời 02 nhóm điều kiện: (i) Mục đích của giao dịch là nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; và (ii) Giao dịch phải mang tính chất chi tiêu hợp lý, nghĩa là chi phí bỏ ra để đáp ứng nhu cầu thiết yếu phải hợp với mức sống, mức thu nhập của gia đình.

Việc ghi nhận bằng cơ chế pháp lý minh định các điều kiện phát sinh trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên vợ, chồng xác lập, thực hiện sẽ góp phần giúp cơ quan có thẩm quyền đánh giá vụ việc chính xác và bao quát hơn. Như vậy, quyền lợi của vợ chồng cũng như của người thứ ba tham gia giao dịch với một bên vợ hoặc chồng sẽ được bảo vệ thỏa đáng. Hướng quy định như vậy cũng đã được ghi nhận tại Điều 220 BLDS Pháp, theo đó “bên không tham gia ký kết sẽ không phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những chi tiêu rõ ràng vượt mức sinh hoạt của gia đình, giao dịch vô ích hay có ích, giao dịch được ký kết với người thứ ba ngay tình hay không ngay tình. Bên không tham gia ký kết cũng không phải chịu trách nhiệm liên đới nếu hợp đồng mua trả góp hoặc hợp đồng vay được ký kết mà không có sự đồng ý của cả hai vợ chồng, trừ trường hợp các hợp đồng này liên quan đến những khoản tiền có giá trị nhỏ cần thiết cho nhu cầu của cuộc sống hàng ngày và tổng những khoản nhỏ này, trong trường hợp vay nhiều khoản, không vượt mức sinh hoạt gia đình”.

Thứ hai, cần thiết ghi nhận ngoại lệ đối với trường hợp giao dịch do một bên vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện có đối tượng là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình trong tình huống cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Pháp luật hiện hành chỉ rõ nhu cầu khám, chữa bệnh được xếp vào nhóm nhu cầu thiết yếu của gia đình. Có thể hiểu, nếu một bên tự ý thực hiện một khoản vay để thanh toán viện phí cho thành viên gia đình, thì bên còn lại sẽ có nghĩa vụ liên đới thanh toán khoản nợ. Vậy, nếu một bên vợ hoặc chồng cũng vì mục đích phục vụ cho nhu cầu khám, chữa bệnh cho thành viên gia đình, nhưng thay vì vay nợ, thì lại bán tài sản thuộc trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật HNGĐ năm 2014 mà không có sự đồng ý của bên còn lại (giả sử, vợ hoặc chồng bán ô tô là tài sản chung để thanh toán viện phí trị bệnh cho con) thì giao dịch này lại bị xem là vô hiệu. Rõ ràng, cùng là để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, thuộc vào phạm vi nhu cầu thiết yếu của gia đình, nhưng trách nhiệm liên đới lại chỉ đặt ra nếu một bên vợ hoặc chồng xác lập giao dịch vay tiền của người thứ ba. Điều này vô hình trung làm hạn chế quyền đại diện đương nhiên của vợ chồng trong trường hợp thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Bởi lẽ, nếu người vợ/chồng không thể thực hiện khoản vay (không vay được), và người chồng/vợ không đồng ý bán đi tài sản có giá trị (thuộc một trong các trường hợp được trù liệu tại khoản 2 Điều 35 Luật HNGĐ năm 2014), thì nhu cầu thiết yếu của gia đình sẽ không được đáp ứng kịp thời trong những tình huống cấp bách. Bên cạnh đó, người xác lập giao dịch có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với tài sản chung bằng tài sản riêng của mình, cho dù mục đích giao dịch là để phục vụ nhanh chóng cho nhu cầu cấp thiết của gia đình.

Thực tế cho thấy, có những trường hợp cấp bách có thể ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của thành viên gia đình mà để đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời, việc chuyển nhượng một số loại tài sản có giá trị như nhà cửa, phương tiện đi lại… vẫn là sự lựa chọn của nhiều gia đình. Tuy nhiên, về nguyên tắc, vợ hoặc chồng không thể tự mình định đoạt tài sản chung mà pháp luật đã quy định việc định đoạt tài sản đó bắt buộc phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng, cho dù mục đích của giao dịch này là nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Chúng tôi cho rằng nếu bắt buộc trong mọi trường hợp giao dịch liên quan đến tài sản chung là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình, đều phải có sự thoả thuận bằng văn bản trong việc định đoạt, thì có thể dẫn đến khả năng không kịp thời giải quyết các yêu cầu cấp bách của thành viên trong gia đình. Vì vậy, chỉ cần chứng minh được mục đích hướng đến là đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho gia đình, thì trong một số trường hợp không nên loại trừ quyền đại diện của vợ, chồng trong trường hợp “tự ý” thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu. Cụ thể, quy định tại Điều 13 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hôn nhân gia đình cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng tối đa quyền chủ động của vợ, chồng trong giao lưu dân sự nhằm đáp ứng kịp thời các nhu cầu cần thiết, cấp bách của các thành viên trong gia đình. Theo đó, trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật HNGĐ năm 2014 thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu, trừ trường hợp có căn cứ chứng minh việc xác lập, thực hiện giao dịch là nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Nguyễn Phương Ân - Ngô Khánh Tùng

VKSND cấp cao tại Đà Nẵng thông báo rút kinh nghiệm vụ án giết người và vận chuyển hàng cấm

(Kiemsat.vn) - Thông qua công tác giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm đối với các vụ án hình sự Trần Ngọc T phạm tội giết người quy định Điều 123 BLHS và Nguyễn Văn T1 phạm tội vận chuyển hàng cấm quy định tại Điều 191 BLHS, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã phát hiện sai phạm liên quan đến tổng hợp hình phạt và đã ra thông báo rút kinh nghiệm.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang