Trách nhiệm pháp lý không duy trì thực hiện hợp đồng thương mại khi vi phạm - một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật

23/04/2025 10:49

(kiemsat.vn)
Đình chỉ thực hiện hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng là các biện pháp làm chấm dứt hợp đồng khi một bên có hành vi vi phạm. Các biện pháp này nhằm không duy trì thực hiện hợp đồng thương mại và được quy định tại Luật thương mại năm 2005. Bài viết phân tích về trách nhiệm pháp lý không duy trì thực hiện hợp đồng thương mại khi vi phạm, từ đó, chỉ ra một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng và đưa ra kiến nghị hoàn thiện.

Không duy trì thực hiện hợp đồng là việc bên bị vi phạm từ bỏ việc thực hiện hợp đồng và lợi ích mà mình sẽ có được nếu thực hiện hợp đồng. Một số nước trên thế giới chỉ quy định một loại trách nhiệm chấm dứt hợp đồng là hủy hợp đồng nhưng chia ra làm hai hình thức hủy hợp đồng có hồi tố và hủy hợp đồng không có hồi tố, tương đương với quy định pháp luật Việt Nam về hủy hợp đồng và đình chỉ hợp đồng. Trường hợp này, về mặt lý luận, bên bị vi phạm có thể yêu cầu hủy bỏ hợp đồng, chấm dứt mọi quyền và nghĩa vụ của các bên hoặc bên vi phạm không có khả năng thực hiện, cố tình không thực hiện hay do đối tượng hợp đồng không thể thực hiện được mà dẫn đến hủy bỏ hợp đồng.

Trong thực tế, Tòa án đã vận dụng đình chỉ hợp đồng cho bên vi phạm hợp đồng trong nhiều bản án. Bên cạnh đó, Luật thương mại năm 2005 quy định về khái niệm vi phạm hợp đồng và vi phạm cơ bản hợp đồng, khi có vi phạm cơ bản thì bên bị vi phạm được áp dụng biện pháp chấm dứt hợp đồng tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ hợp đồng, hủy hợp đồng. Điều này chưa được quy định trong Luật thương mại năm 1997. Thực tiễn cho thấy các loại chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm vẫn chưa phù hợp, việc áp dụng các văn bản luật còn chưa thống nhất, một số quy định trong Luật thương mại năm 2005 vẫn còn nhiều điểm bất cập khi áp dụng trong thực tiễn. Từ đó, đặt ra yêu cầu cần thiết là nghiên cứu và đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện những quy định về trách nhiệm pháp lý đình chỉ thực hiện hợp đồng và hủy bỏ thực hiện hợp đồng trong Luật thương mại năm 2005.

1. Áp dụng trách nhiệm pháp lý đình chỉ thực hiện hợp đồng

Khi bên bị vi phạm áp dụng trách nhiệm đình chỉ thực hiện hợp đồng đối với bên vi phạm thì hợp đồng sẽ không được thực hiện. Thực tiễn cho thấy, Tòa án có nhiều cách tuyên khác nhau về trách nhiệm đình chỉ hợp đồng, trong đó có việc kết hợp đình chỉ hợp đồng với buộc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng.

Ví dụ, doanh nghiệp tư nhân Võ Quốc K với Công ty Seafood giao kết hợp đồng mua bán 20.000 kg cá/tháng, doanh nghiệp tư nhân đã giao cho Seafood 5592,2 kg nhưng Seafood chưa thanh toán tiền. Theo Bản án số 01/2019/KDTM-ST ngày 17/3/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh T về tranh chấp hợp đồng mua bán, Tòa án chấp nhận yêu cầu chấm dứt hợp đồng của doanh nghiệp tư nhân và buộc công ty Seafood trả lại tiền chưa thanh toán. Qua đó, có thể thấy, căn cứ vào hành vi vi phạm của bên vi phạm và theo yêu cầu của nguyên đơn, Tòa án áp dụng tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đối ứng với nghĩa vụ mà bên bị vi phạm đã thực hiện, bên cạnh đó áp dụng trách nhiệm đình chỉ phần hợp đồng còn lại. Hợp đồng này áp dụng trách nhiệm đình chỉ hợp đồng, vì phần còn lại bị đình chỉ không hồi tố mà chỉ là chấm dứt hành vi này vì từ thời điểm chấm dứt trở về sau hai bên chưa thực hiện bất kỳ một nghĩa vụ nào. Tuy nhiên, theo Bản án trên thì Tòa án không xác định được trách nhiệm đình chỉ mà chỉ tuyên phần buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng. Theo đó, doanh nghiệp tư nhân muốn áp dụng trách nhiệm đình chỉ nhưng không rõ quy định trong quy định trách nhiệm chấm dứt mà chỉ có quy định về đình chỉ thực hiện hợp đồng.

Một số bản án áp dụng chế tài đình chỉ hợp đồng vì bản chất của trách nhiệm đình chỉ hợp đồng do bên bị vi phạm áp dụng cho bên vi phạm là không hồi tố, tức là tại thời điểm chấm dứt các bên chưa thực hiện nghĩa vụ với nhau nên không thể hồi tố, còn những trường hợp hồi tố được đó là hủy hợp đồng, phần đã thực hiện thì phải tiếp tục thực hiện mà không đình chỉ phần này. Vì vậy, trường hợp đình chỉ hợp đồng được hiểu là việc đã thực hiện một phần hợp đồng, còn một phần hợp đồng chưa được các bên thực hiện. Tuy nhiên, một số bản án trên thực tế không tuyên là đình chỉ thực hiện hợp đồng mà chỉ tuyên chấp nhận yêu cầu buộc thực hiện hợp đồng của nguyên đơn, riêng cả hợp đồng cũng không được tuyên là đã chấm dứt hay chưa hoặc Tòa án tuyên chấm dứt hợp đồng mà không tuyên áp dụng bất kỳ một trong các loại chế tài được quy định trong Luật thương mại năm 2005.  

Có thể thấy, hiện nay, Tòa án chưa phân định rõ giữa các trường hợp chấm dứt hợp đồng, thông thường những tranh chấp về hợp đồng dịch vụ sẽ được áp dụng biện pháp đình chỉ thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, trường hợp mà trong hợp đồng hai bên chưa thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào, chưa hưởng bất kỳ nghĩa vụ nào thì sẽ áp dụng biện pháp đình chỉ hợp đồng hoặc trong trường hợp đã thực hiện một phần hợp đồng nhưng một bên không thể nào trả lại lợi ích đã nhận. Ví dụ, khi thực hiện một công việc thì bên nhận công việc không thể trả lại cho bên kia một công việc hoặc trong hợp đồng, bên thuê không thể trả lại thời gian ở trong căn nhà đó cho bên cho thuê. Những trường hợp này, một bên đã thực hiện nghĩa vụ thì bên còn lại thực hiện nghĩa vụ đối ứng, tức là tiếp tục thực hiện phần hợp đồng mà có một bên đã thực hiện nghĩa vụ, còn phần còn lại thì bị đình chỉ. Vì vậy, trong trường hợp này, có một phần vẫn yêu cầu tiếp tục thực hiện, phần còn lại bị chấm dứt bằng biện pháp đình chỉ. Trường hợp đình chỉ thực hiện hợp đồng tương ứng với trường hợp hủy một phần hợp đồng, nhưng do quy định hậu quả hủy hợp đồng như hiện nay cho nên việc áp dụng hủy một phần hợp đồng trong những trường hợp này là chưa hợp lý.

Khi các bên có thỏa thuận về điều kiện để đình chỉ hợp đồng hoặc có hành vi vi phạm cơ bản hợp đồng thì bên bị vi phạm chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, bên bị vi phạm thông báo với bên vi phạm về việc chấm dứt hợp đồng, hợp đồng sẽ bị chấm dứt từ thời điểm bên vi phạm nhận được thông báo đình chỉ, khi đó các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên chưa thực hiện nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đối ứng. Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định về biện pháp này với tên gọi “đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng”. Cụm từ đơn phương chấm dứt không có ý nghĩa trong thực tiễn áp dụng, khi một bên vi phạm hợp đồng, một bên áp dụng biện pháp hủy hợp đồng cũng có thể gọi là đơn phương chấm dứt, mà không phải là ý muốn của các bên trong hợp đồng. Thực tế, trong một số trường hợp, bản án chỉ nêu đó là sự chấm dứt hợp đồng, mặc dù đã có hành vi vi phạm hợp đồng. Vì vậy, tác giả đề xuất bãi bỏ biện pháp đình chỉ thực hiện hợp đồng trong Luật thương mại năm 2005.

2. Áp dụng trách nhiệm pháp lý hủy bỏ hợp đồng

Ngoài việc áp dụng biện pháp đình chỉ hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng cũng là biện pháp nhằm không duy trì việc thực hợp đồng. Tuy nhiên, việc áp dụng hủy hợp đồng nếu là hủy một phần hợp đồng như quy định tại Điều 313 Luật thương mại năm 2005 thì hợp đồng vẫn chưa hoàn hoàn kết thúc.

Ví dụ: Công ty H ký kết hợp đồng thuê xe với Công ty A, đặt cọc 63.000.000 đồng, là 1/2 giá trị hợp đồng để thuê 04 chiếc xe du lịch. Đến ngày giao xe, Công ty A chỉ giao được 02 xe và Công ty H đã nhận 02 xe, còn 02 xe giao không đúng giờ nên Công ty H từ chối. Tại Bản án số 03/2022/KDTM-ST ngày 21/01/2022 về tranh chấp hợp đồng thuê xe của Tòa án nhân dân Q3, Thành phố T, Tòa án tuyên buộc Công ty A phải bồi thường 100% giá trị hợp đồng như đã thỏa thuận trong hợp đồng trị giá 126.000.000 đồng. Vụ án này áp dụng hủy một phần hợp đồng, tức là đã giao nhận 02 xe và tiền đặt cọc ứng với việc thanh toán tiền thuê 02 xe là 63.000.000 đồng. Phần hợp đồng này đã thực hiện xong nếu Tòa án tuyên cấn trừ tiền đặt cọc thành tiền thuê 02 xe. Phần còn lại tuyên hủy do có liên quan là tiền đặt cọc cho 04 xe. Nếu không phải là đặt cọc mà là thanh toán tức là phải áp dụng trách nhiệm đình chỉ hợp đồng. Bản án tuyên bồi thường 100% giá trị hợp đồng theo thỏa thuận, nếu các bên đã thực hiện được 1/2 hợp đồng thì bên kia chỉ vi phạm một phần hợp đồng.

Tóm lại, mặc dù một phần hợp đồng đã được hai bên thực hiện nghĩa vụ, bên Công ty A đã giao xe, bên Công ty H đã nhận xe và đặt cọc tiền, nên phần này buộc hai bên tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, nhưng Tòa án không tuyên xử phần tiếp tục duy trì một phần hợp đồng. Phần còn lại, tuyên hủy hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có, nếu việc không thuê được xe gây ra thiệt hại thì bên bị vi phạm phải chứng minh thiệt hại và bên vi phạm phải bồi thường. Việc thỏa thuận phạt vi phạm do vi phạm hợp đồng trong vụ tranh chấp này, Tòa án đã chấp nhận mức phạt cao hơn 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm, thực chất phần vi phạm là không giao 02 xe, vi phạm 1/2 hợp đồng trị giá là 63.000.000 đồng, phạt 8% trên giá trị này là 5.040.000 đồng. Mặc dù, Tòa án căn cứ theo Luật thương mại năm 2005 nhưng khi xét xử lại cho các bên thỏa thuận mức phạt vi phạm, còn bồi thường thiệt hại là bồi thường những thiệt hại thực tế đã xảy ra mà không phải là căn cứ vào sự thỏa thuận giữa các bên. Như vậy, bản án tuyên hủy hợp đồng nhưng vẫn có thể áp dụng biện pháp duy trì thực hiện nghĩa vụ hợp đồng nếu việc hủy hợp đồng đó là hủy một phần hợp đồng. Khi đó, một phần hợp đồng hủy sẽ kết thúc mà không bên nào thực hiện nghĩa vụ, những nghĩa vụ đã thực hiện thì sẽ hoàn trả lại cho các bên và bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại xảy ra, trường hợp có thỏa thuận phạt vi phạm thì sẽ áp dụng phạt vi phạm.

Thông thường, Tòa án đưa ra kết luận phụ thuộc vào sự thỏa thuận trong hợp đồng của các bên, như theo bản án của Tòa án nhân dân tỉnh A tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng thỏa thuận điều khoản về hủy hợp đồng nếu có vi phạm nghiêm trọng các điều khoản dẫn đến vi phạm lợi ích của các bên thì hủy hợp đồng. Vi phạm này là do bị đơn không góp tiền theo đúng tiến độ, góp được 20% theo tiến độ, sau đó, không tiếp tục góp và có công văn từ bỏ hợp đồng. Tòa án chấp nhận những thỏa thuận đã quy định trong hợp đồng, buộc Công ty K trả lại tiền đã nhận cho Công ty M, Công ty S. Tòa án tuyên một phần hợp đồng vô hiệu do hai bên thỏa thuận chia lợi nhuận góp vốn, lợi nhuận là một phần đất dự án được chia cho bên góp vốn. Trong vụ tranh chấp này, Tòa án đã tuyên hợp đồng chấm dứt bằng hai phương thức áp dụng là tuyên hủy hợp đồng đối với phần hợp đồng có hiệu lực và tuyên hợp đồng vô hiệu, tuy nhiên cả hai cách thức này đều giải phóng nghĩa vụ hợp đồng, các bên đã thực hiện nghĩa vụ trả lại cho nhau những gì đã nhận. Vì bên vi phạm là bên đã giao tiền để góp vốn, nên trong bản án này, Tòa án không tuyên phần bồi thường về lãi suất nhưng thông thường, trong những bản án về kinh doanh thương mại, Tòa án sẽ áp dụng tính lãi suất chậm trả theo Luật thương mại năm 2005.

Bên cạnh đó, việc hủy toàn bộ hợp đồng do các bên có thỏa thuận nội dung trong hợp đồng về vi phạm dẫn đến hủy toàn bộ hợp đồng. Tuy nhiên, trong nhiều vụ tranh chấp hợp đồng, các chủ thể không thỏa thuận chi tiết cho hành vi vi phạm tương ứng với chế tài hủy hợp đồng, những hợp đồng này chỉ quy định những hành vi vi phạm nghiêm trọng thì bị áp dụng biện pháp hủy hợp đồng. Bên bị vi phạm áp dụng trách nhiệm hủy toàn bộ hợp đồng, những trường hợp không có thỏa thuận trước về nội dung hủy hợp đồng, bên vi phạm cũng không đồng ý với quyết định hủy hợp đồng của bên bị vi phạm. Khi bên bị vi phạm gửi đơn khởi kiện đến Tòa án, trong quá trình giải quyết tại Tòa án bên vi phạm vẫn không thỏa thuận về việc hủy hợp đồng, bên vi phạm cho rằng Tòa án phải tiếp tục thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại hoặc phạt vi phạm, hoặc yêu cầu Tòa án không áp dụng bất kỳ một loại trách nhiệm nào cho mình.

Hủy bỏ hợp đồng bao gồm hủy bỏ toàn bộ hợp đồng và hủy bỏ một phần hợp đồng, hủy bỏ toàn bộ hợp đồng làm mất hiệu lực hợp đồng, hủy bỏ một phần hợp đồng thì phần không hủy bỏ vẫn có hiệu lực (Điều 312 Luật thương mại năm 2005). Khi có thỏa thuận về điều kiện để hủy bỏ hợp đồng hoặc khi có hành vi vi phạm cơ bản hợp đồng thì bên bị vi phạm được áp dụng biện pháp hủy bỏ hợp đồng đối với bên vi phạm. Khi áp dụng biện pháp hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng bị hết hiệu lực kể từ khi giao kết, nhưng việc phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và giải quyết tranh chấp vẫn còn hiệu lực. Các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện nghĩa vụ của mình, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; trường hợp không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền (khoản 2 Điều 314 Luật thương mại năm 2005). Bên hủy hợp đồng phải thông báo cho bên kia biết, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Bộ luật Dân sự năm 2005 không quy định hủy toàn bộ hoặc một phần hợp đồng, về điều kiện áp dụng, hậu quả của hủy hợp đồng với giống quy định Luật thương mại năm 2005. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định khác về căn cứ áp dụng so với BLDS năm 2005 hoặc Luật thương mại năm 2005 đó là vi phạm nghiêm trọng hợp đồng. Và BLDS quy định các trường hợp vi phạm hợp đồng mà hợp đồng bị hủy bỏ như hủy bỏ do chậm thực hiện nghĩa vụ, hủy bỏ do không có khả năng thực hiện, hủy bỏ do tài sản bị mất, bị hư hỏng. Hậu quả hủy bỏ theo BLDS năm 2015 quy định tương tự BLDS năm 2005. Việc quy định các trường hợp hủy bỏ do vi phạm hợp đồng như trong BLDS năm 2015 vô hình trung chấp nhận cho bên vi phạm được phép hủy bỏ hợp đồng, còn nếu bị chậm, bị mất tài sản, không có khả năng thực hiện mà không do một bên vi phạm nhưng do tác động khách quan thì đó không phải hủy bỏ hợp đồng do vi phạm hợp đồng. Trong những trường hợp này bên bị vi phạm không thể lựa chọn biện pháp buộc thực hiện hợp đồng mà bắt buộc phải hủy hợp đồng.

Qua những phân tích trên, tác giả đề xuất nhập biện pháp trách nhiệm đình chỉ thực hiện hợp đồng vào biện pháp hủy bỏ hợp đồng. Bởi lẽ, đối với biện pháp hủy một phần hợp đồng thì hiệu lực hợp đồng giống đình chỉ thực hiện hợp đồng. Đồng thời, nên quy định căn cứ để áp dụng trách nhiệm hủy bỏ hợp đồng như sau: “Hủy bỏ hợp đồng là việc một bên được quyền chấm dứt hợp đồng mà không phải bồi thường thiệt hại, khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng. Bao gồm hủy toàn bộ hợp đồng hoặc hủy một phần hợp đồng”.

Theo đó, tác giả đề xuất sửa đổi Điều 313 Luật thương mại năm 2005 và kết cấu lại về hậu quả của việc áp dụng hình thức hủy bỏ do vi phạm hợp đồng như sau: “Hợp đồng bị hủy bỏ toàn bộ là hợp đồng không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng, trừ thỏa thuận phạt vi phạm hoặc bồi thường thiệt hại và giải quyết tranh chấp. Hợp đồng bị hủy một phần thì phần hợp đồng không bị hủy vẫn có hiệu lực, bên chưa thực hiện nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Phần bị hủy sẽ không có hiệu lực, bên vi phạm phải chịu trách nhiệm phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và tranh chấp nếu có thỏa thuận, tương ứng với phần hợp đồng bị vi phạm”. Bên cạnh đó, giữ nguyên quy định về việc hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản tương tự như quy định của Luật thương mại năm 2005.

Ngoài ra, với những cụm thuật ngữ “trừ trường hợp miễn trách nhiệm” được quy định trong các hình thức trách nhiệm ví dụ “trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 Luật thương mại năm 2005” cần quy định vào trong nhóm các điều khoản về miễn trách nhiệm, không nên quy định các thuật ngữ này trước những quy định cho từng hình thức trách nhiệm. Vì nếu sự việc có xảy ra thiệt hại lớn, thì không thể kết luận đó là do hành vi vi phạm của một bên nếu hợp đồng này đang thực hiện nhưng gặp những sự việc như sự kiện bất khả kháng, quyết định của cơ quan nhà nước hoặc do hành vi vi phạm của bên kia.

Cùng với đó, khoản 2 Điều 314 Luật thương mại năm 2005 quy định trường hợp các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, thiết nghĩ quy định này cho thấy vị trí giữa bên vi phạm và bên bị vi phạm là như nhau và thừa nhận hiệu lực của hợp đồng bị hủy hơn là hủy những nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng, tức là hợp đồng bị chấm dứt nhưng không có sự vi phạm mà chấm dứt vì nguyên nhân khách quan. Quy định “nếu các bên không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền” là ghi nhận hiệu lực của hợp đồng bị hủy.

Theo tác giả, việc hoàn trả lại bằng tiền chưa hợp lý khi thực hiện công việc đối với hợp đồng dịch vụ phi vật chất. Số tiền phải trả được định giá như thế nào, theo giá thị trường vào thời điểm “hoàn trả” hay theo giá đã thỏa thuận trong hợp đồng cho những lợi ích đã nhận. Do vậy, tác giả cho rằng, Điều 314 Luật thương mại năm 2005 cần sửa đổi theo hướng: Hợp đồng bị hủy bỏ một phần thì phần không bị hủy bỏ vẫn có hiệu lực, bên vi phạm phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đối ứng, đối với phần hợp đồng bị hủy bỏ, các bên sẽ không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, các bên hoàn trả lại những hiện vật đã nhận từ phần hợp đồng bị hủy bỏ. Đối với hợp đồng bị hủy bỏ toàn bộ, theo đó quyền và nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng bị bãi bỏ, riêng bên vi phạm phải thực hiện trách nhiệm bồi thường phát sinh từ hành vi vi phạm hợp đồng. Các bên đồng thời hoàn trả những hiện vật đã nhận cho nhau, nếu không thể hoàn trả bằng chính hiện vật đã nhận thì sẽ trả bằng tiền tương đương với giá trị hiện vật, bên nào chậm hoàn trả hoặc chậm tiếp nhận việc hoàn trả của bên kia sẽ phải thanh toán giá chênh lệch của hiện vật tại thời điểm hoàn trả.

Lê Thị Tuyết Hà

Quyền tư pháp và tổ chức, hoạt động của VKSND trong điều kiện xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

(Kiemsat.vn) - Viện kiểm sát được sinh ra với chức năng kiểm tra và giám sát pháp luật, đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất. Điều này rất phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam, đó là thượng tôn pháp luật. Quá trình xây dựng pháp luật cũng như tuân thủ pháp luật đều được giám sát đảm bảo tăng cường pháp chế.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang