Kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn
(kiemsat.vn) Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã bổ sung quy định mới về giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục này.
Thời điểm nào gửi bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự?
Giải quyết phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự thế nào cho đúng?
Cần sớm ban hành biểu mẫu về kiểm sát trả lại đơn khởi kiện
Theo quy định tại Điều 316 của BLTTDS thì thủ tục rút gọn được áp dụng để giải quyết đối với các vụ án dân sự có đủ điều kiện theo quy định của BLTTDS với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhằm giải quyết vụ án đó một cách nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật.
Phiên tòa dân sự (Nguồn Trang tin VKSND tỉnh Bắc Giang)
Về điều kiện để một vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn
Theo quy định tại Điều 317 của BLTTDS, Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau đây: (1) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; (2) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; (3) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
Đồng thời, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong các tranh chấp lao động, BLTTDS cũng quy định đối với vụ án lao động đã được thụ lý, giải quyết theo thủ tục rút gọn mà người sử dụng lao động có quốc tịch nước ngoài hoặc người đại diện theo pháp luật của họ đã rời khỏi địa chỉ nơi cư trú, nơi có trụ sở mà không thông báo cho đương sự khác, không thông báo cho Tòa án thì bị coi là trường hợp cố tình giấu địa chỉ. Tòa án vẫn giải quyết vụ án đó theo thủ tục rút gọn.
Khoản 3 Điều 317 quy định: Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án, nếu xuất hiện một trong các tình tiết mới sau đây làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường, đó là: Phát sinh tình tiết mới mà các đương sự không thống nhất do đó cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần phải tiến hành giám định; cần phải định giá, thẩm định giá tài sản tranh chấp mà các đương sự không thống nhất về giá; cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập; phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 317 của BLTTDS.
Nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn
Về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự được quy định tại Điều 21 của BLTTDS, theo đó, VKS có nhiệm vụ, quyền hạn sau: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật; tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của BLTTDS; tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
Thời hạn kiểm sát việc thụ lý vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho VKS cùng cấp về việc Tòa án thụ lý vụ án (Điều 196).
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo thụ lý vụ án, nếu vụ án thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 21 của BLTTDS, VKS phải ra quyết định phân công KSV tham gia phiên tòa sơ thẩm và gửi quyết định này cho Tòa án.
Theo hướng dẫn tại Điều 27 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của VKSND tối cao và TAND tối cao quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS, thì VKS có trách nhiệm tham gia phiên tòa sơ thẩm quy định tại khoản 2 Điều 21 của BLTTDS đối với những vụ án dân sự:
– Do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 97 và các điều 98, 99, 100, 101, 102, 103, 104, 105 và 106 BLTTDS.
– Có đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng: Theo đó, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật; lợi ích công cộng là những lợi ích vật chất hoặc tinh thần liên quan đến xã hội hoặc cộng đồng dân cư.
– Có đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở, bao gồm: (1) Tranh chấp về việc ai là người có quyền sử dụng đất hoặc ai là người có quyền sở hữu nhà ở; (2) Tranh chấp về hợp đồng có đối tượng của hợp đồng là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở; (4) Tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất hoặc đòi lại nhà ở đang cho mượn, cho sử dụng nhờ; (5) Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở trong thời kỳ hôn nhân; (6) Tranh chấp về chia tài sản là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở khi ly hôn, sau khi ly hôn; (7) Tranh chấp trong các giao dịch dân sự khác có đối tượng giao dịch là quyền sử dụng đất, nhà ở.
– Có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi(1) (những người này đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố họ mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự).
– Chưa có điều luật để áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 4 BLTTDS (*).
Theo quy định tại khoản 3 Điều 318 của BLTTDS, vụ án dân sự giải quyết theo thủ tục rút gọn thuộc trường hợp VKS tham gia phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 21 của BLTTDS thì Tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cùng quyết định đưa vụ án ra xét xử cho VKS cùng cấp; trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, VKS phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Tòa án.
Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án về quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn (khoản 1 Điều 319), nhằm bảo đảm sự kiểm sát chặt chẽ của VKS đối với những vụ án giải quyết theo thủ tục này.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa: Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn, KSV phát biểu ý kiến của VKS theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 28 của Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS gồm có 6 chương, 38 điều. Văn bản ghi ý kiến phát biểu của KSV phải có chữ ký của KSV và được gửi cho Tòa án ngay sau khi kết thúc phiên tòa để lưu hồ sơ vụ án. Sau khi kết thúc phiên tòa, KSV có quyền xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản. Yêu cầu của KSV được thực hiện ngay và KSV ký xác nhận những nội dung sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 236 BLTTDS.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải gửi bản án cho VKS cùng cấp.
Viện kiểm sát kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục rút gọn của VKS cùng cấp trong thời hạn là 07 ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định.
Trường hợp vụ án có kháng cáo, sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay bằng văn bản cho VKS cùng cấp biết về việc kháng cáo kèm theo bản sao đơn kháng cáo, tài liệu, chứng cứ bổ sung mà người kháng cáo gửi kèm đơn kháng cáo.
Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định về kháng cáo quá hạn và xét kháng cáo quá hạn nhưng theo quy định tại khoản 2 Điều 316 của BLTTDS thì áp dụng những quy định khác của BLTTDS để giải quyết. Do đó, nếu có đương sự kháng cáo quá hạn thì việc xét kháng cáo quá hạn trong vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn được thực hiện theo quy định tại Điều 275 của BLTTDS.
Khi Tòa án cấp phúc thẩm mở phiên xét kháng cáo quá hạn, Kiểm sát viên VKS cùng cấp phải tham gia phiên họp. Trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt, phiên họp vẫn được tiến hành. Tại phiên họp xét kháng cáo quá hạn, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Tòa án cấp phúc thẩm, kể từ khi nhận được đơn kháng cáo quá hạn cho đến trước thời điểm Thẩm phán xét kháng cáo quá hạn ra quyết định; phát biểu quan điểm về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo quá hạn, phân tích làm rõ quan điểm của VKS.
Kiểm sát viên VKS cùng cấp tham gia tất cả các phiên tòa phúc thẩm (Điều 324 của BLTTDS) để kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng. Trường hợp KSV vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành xét xử, trừ trường hợp VKS có kháng nghị phúc thẩm.
Theo hướng dẫn tại Điều 30 của Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT- VKSNDTC-TANDTC thì tại phiên tòa phúc thẩm, tùy vào từng vụ án có kháng cáo, kháng nghị mà Kiểm sát viên trình bày, phát biểu về: (1) Tính có căn cứ và hợp pháp của kháng cáo; (2) Nội dung kháng nghị và căn cứ của việc kháng nghị; xuất trình bổ sung tài liệu, chứng cứ (nếu có); phân tích để làm rõ quan điểm kháng nghị của VKS đối với bản án, quyết định sơ thẩm; (3) Trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự phát biểu về tính hợp pháp, tính có căn cứ của kháng nghị thì KSV phát biểu ý kiến về những vấn đề mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự đã nêu; (4) Việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm; (5) Quan điểm về việc giải quyết đối với bản án, quyết định sơ thẩm hoặc phần bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Văn bản phát biểu ý kiến của KSV phải gửi cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án.
Viện kiểm sát thu thập tài liệu, chứng cứ để đảm bảo cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm (khoản 6 Điều 97 BLTTDS). Trong quá trình giải quyết đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, Viện trưởng VKSND tối cao và Viện trưởng VKSND cấp cao có quyền yêu cầu người có đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình kiểm tra, xác minh tài liệu, chứng cứ cần thiết (khoản 2 Điều 330 BLTTDS). Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (Điều 331 BLTTDS).
(*) Các quy định đối với vụ án có đương sự là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và trong trường hợp vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 (ngày Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 có hiệu lực thi hành).
(Trích bài viết “Quy định về thủ tục rút gọn trong BLTTDS năm 2015” của tác giả Nguyễn Thị Kim Loan, Tòa án nhân dân tối cao, Tạp chí Kiểm sát số 02/2017)
Xem thêm>>>
VKSND tối cao ban hành Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự
Các trường hợp VKS kiến nghị trong tố tụng dân sự
Một số kinh nghiệm trong kháng nghị phúc thẩm các vụ án dân sự
Bổ sung thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong lĩnh vực dân sự
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
7Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.