Thời điểm nào gửi bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự?

01/04/2018 07:08

(kiemsat.vn)
– Việc BLTTDS năm 2015 quy định ngay sau khi kết thúc phiên tòa, phiên họp Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án là đã gây những khó khăn cho Kiểm sát viên và không phù hợp với thực tiễn xét xử.

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, phiên họp Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án, đây là quy định tại BLTTDS năm 2015 (điều 262, 375, 341). Đồng thời, tại các Thông tư liên tịch (TTLT) số 02, 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của VKSND tối cao và TAND tối cao quy định việc phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát, Tòa án trong kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự cũng không có quy định cụ thể trong bao nhiêu ngày Viện kiểm sát phải gửi bản phát biểu cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án.

Thủ tục nhập hộ khẩu cho con mới sinh

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của các Thông tư liên tịch số 03, 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01/8/2012 của VKSND tối cao và TAND tối cao trước đây quy định: “… Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa, Viện kiểm sát phải gửi cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án”. Theo tác giả nhận thấy, với quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa, Viện kiểm sát phải gửi bản phát biểu cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án như quy định trước đây là phù hợp. Liên quan đến vấn đề này, tác giả đưa ra một ví dụ cụ thể sau đây:

Tại đơn xin ly hôn ngày 19/11/2015 được bổ sung bởi bản tự khai, biên bản hòa giải, nguyên đơn là anh L.T.N trình bày: Anh L.T.N và chị Đ.M.T đăng ký kết hôn ngày 20/3/2002 tại Ủy ban nhân dân phường TN, quận H trên cơ sở tự nguyện có tìm hiểu nhau. Trước khi kết hôn chưa ai có vợ, có chồng. Sau khi kết hôn, vợ chồng sống chung với bố mẹ đẻ của anh N tại số X, ngõ Y, phố BM, phường TN, quận H, thành phố Hà Nội.

Hai vợ chồng chung sống hạnh phúc từ khi kết hôn đến năm 2015 thì phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân do vợ chồng không hòa hợp về quan điểm sống, thường xuyên cãi vã nhau, không tôn trọng hai bên gia đình. Nay anh N yêu cầu Tòa án giải quyết.

Tại Bản tự khai, biên bản hòa giải, bị đơn là chị Đ.M.T trình bày: Chị xác nhận về thời gian và điều kiện kết hôn như anh N khai là đúng. Từ đầu năm 2015, vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, tuy nhiên chị không muốn ly hôn nên chị không yêu cầu Tòa án giải quyết các vấn đề nào khác.

Ngày 18/11/2016, Tòa án nhân dân quận H chuyển hồ sơ cùng quyết định đưa vụ án ra xét xử sang VKSND quận H. Qua nghiên cứu hồ sơ, KSV nhận thấy:

Anh N cho rằng nguyên nhân vợ chồng anh không hòa hợp là quan điểm sống, thường xuyên cãi vã nhau, không tôn trọng hai bên gia đình. Nhưng anh N đã không đưa ra được chứng cứ chứng minh về mâu thuẫn của vợ chồng anh. Bị đơn là chị T vợ anh không đồng ý ly hôn vì chị vẫn quan tâm yêu thương anh N, chị đã luôn cố gắng nuôi dạy các con và vun vén cho gia đình.

Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án xác minh tại tổ dân phố nơi anh N và chị T sinh sống thể hiện: Mong muốn anh N rút đơn vì không khí gia đình vẫn hài hòa, cuộc sống bình thường. Anh N vẫn thường xuyên chăm sóc và quan tâm tới gia đình. Với những chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án tại bản phát biểu của KSV đã nhận xét về việc chấp hành pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Thư ký kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án cho đến khi xét xử sơ thẩm. Về quan điểm giải quyết vụ án KSV căn cứ Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn: Tình trạng của vợ chồng là trầm trọng khi hai người không thương yêu, quý trọng, giúp đỡ, chăm sóc nhau, dù đã được hòa giải nhiều lần; vợ hoặc chồng có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau hoặc ngoại tình, dù đã được hòa giải, nhắc nhở. Do vậy, KSV không chấp nhận đơn xin ly hôn của anh L.T.N đối với chị Đ.M.T. Bác đơn xin ly hôn để anh N và chị T có thời gian để suy nghĩ lại và có điều kiện hàn gắn.

Tuy nhiên, khi Tòa án tiến hành xét xử vụ án tại phiên tòa, chị T lại đồng ý với yêu cầu xin ly hôn của anh N, anh N đồng ý giao 02 con cho chị T nuôi và đồng ý cấp dưỡng 10.000.000 đồng/tháng/cháu. Ngoài ra, anh N sẽ trả cho chị T số tiền 100.000.000 đồng tiền công sức đóng góp xây dựng nhà.

Phiên tòa dân sự (ảnh minh họa)

Trong trường hợp này, phát biểu của KSV sẽ như thế nào? Quyền tự định đoạt của đương sự là quyền tự quyết định tham gia tố tụng dân sự, tự quyết định quyền và lợi ích của họ trong tố tụng dân sự theo quy định của pháp luật. Việc yêu cầu và thay đổi yêu cầu này hoàn toàn dựa trên ý chí của đương sự. Do vậy, trong vụ án trên, KSV không thể đưa ra quan điểm giải quyết vụ án như dự kiến ban đầu là bác đơn xin ly hôn của anh L.T.N mà KSV phải tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự và đề nghị Tòa án ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự tại phiên tòa.

Qua phân tích và dẫn chứng vụ việc cụ thể như trên, tác giả cho rằng, với quy định ngay sau khi kết thúc phiên tòa, KSV phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án là không phù hợp với thực tiễn xét xử, là yêu cầu rất khó khăn đối với KSV tham gia phiên tòa. Bởi lẽ, trường hợp phải gửi ngay sau khi phiên tòa kết thúc, KSV sẽ không kịp bổ sung, hoàn thiện bài phát biểu cả về hình thức và nội dung, quan điểm giải quyết vụ án, bởi vì phát biểu của KSV tại phiên tòa không những phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án mà còn phải căn cứ vào diễn biến trực tiếp tại phiên tòa, KSV phải kịp thời và linh hoạt bổ sung vào bản phát biểu để điều chỉnh quan điểm giải quyết vụ án. Nên bản phát biểu ý kiến của KSV có thể được chỉnh sửa về nội dung và hình thức văn bản sau khi nắm bắt diễn biến trực tiếp tại phiên tòa. Mặt khác, bản phát biểu còn được đóng dấu của Viện kiểm sát.

Với những khó khăn, vướng mắc nêu trên, để áp dụng pháp luật thống nhất, đảm bảo cho hoạt động tư pháp được kiểm sát một cách chặt chẽ, chính xác, thiết nghĩ cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn về gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án./.

(Trích bài “Bàn về bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự” của tác giả Lê Thị Hồng Hạnh, Lê Thùy Linh, VKSND Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Tạp chí Kiểm sát số 06/2017).

Xem thêm>>>

Các trường hợp VKS kiến nghị trong tố tụng dân sự

Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự

Chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự

LL

Chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự

(Kiemsat.vn) - Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được, Tòa án chỉ thu thập chứng cứ khi đương sự không thể thu thập được hoặc khi xét thấy cần thiết.
lên đầu trang