Giải quyết phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự thế nào cho đúng?

11/07/2017 03:25

(kiemsat.vn)
Qua thực tiễn kiểm sát xét xử vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 1999”, còn một số ý kiến khác nhau về cách giải quyết phần trách nhiệm dân sự trong vụ án, tác giả bài viết xin trao đổi cùng bạn đọc.

Ảnh có tính minh họa (nguồn internet)

Nội dung vụ án: A, B, C, D (cùng trú tại thôn BK, xã YC, huyện BM, tỉnh H) rủ nhau đi lên rừng khai thác gỗ nghiến bán lấy tiền tiêu xài cá nhân. Tất cả đồng ý và cùng chuẩn bị công cụ như: Can xăng 5 lít, 01 can dầu thải 3 lít, 02 đèn pin và 01 máy cưa xăng đi lên khu rừng Phòng hộ thuộc lô 12, khoảnh 4, tiểu khu 157A, thuộc địa phận thôn TH, xã YC, huyện BM để tìm cây nghiến khai thác. Sau khi tìm được cây nghiến, A, B, C, D đã cắt đổ cây rồi thay nhau cắt cây nghiến ra thành từng khúc thì bị Tổ tuần rừng của thôn TH, xã YC phát hiện bắt giữ người cùng toàn bộ vật chứng.

Tại Bản kết luận số 22/KL-HĐĐGTS ngày 06/12/2016 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện BM, tỉnh H kết luận: Tổng giá trị 39,881m3 gỗ tròn = 279.167.000đ (Hai trăm bảy mươi chín triệu, một trăm sáu mươi bảy nghìn đồng).

Trong quá trình điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện BM, tỉnh H đã tạm giữ những vật chứng gồm: 01 khúc gỗ nghiến ký hiệu 01T1 = 28,403 m3 gỗ tròn; 01 khúc gỗ nghiến ký hiệu C 01 = 8,951 m3  gỗ tròn; 01 khúc gỗ nghiến ký hiệu C 02 = 2,527 m3 gỗ tròn; tổng cộng là 39,881 m3 gỗ tròn.

Bản án số 01/2017/HSST ngày 30/3/2017 của Tòa án nhân dân huyện BM, tỉnh H quyết định: Về trách nhiệm dân sự: không buộc các bị cáo phải bồi thường; về phần vật chứng: Áp dụng khoản 2 Điều 41 Bộ luật Hình sự; điểm b khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự, tịch thu sung quỹ Nhà nước số 39,881 m3 gỗ nghiến, gỗ tròn.

Qua nghiên cứu Bản án trên vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau về cách giải quyết phần trách nhiệm dân sự của Tòa án như sau:

Ý kiến thứ nhất cho rằng, về trách nhiệm dân sự, Tòa án nhân dân huyện BM, tỉnh H không buộc các bị cáo bồi thường là có căn cứ, bởi vì:

Một là, Tòa án đã tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước 39,881 m3 gỗ nghiến nên không buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại, bởi nếu vừa tịch thu tài sản, vừa bồi thường thiệt hại thì vô hình trung một hành vi gây thiệt hại đã bị bóc tách xử lý hai lần (tịch thu tang vật và bồi thường thiệt hại) là không đúng.

Hai là, căn cứ vào khoản 1 Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015 về nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định: “Các bên có thể thỏa thuận mức bồi thường…”. Trong vụ án này, đại diện nguyên đơn dân sự ông C – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã YC, huyện BM, tỉnh H trình bày do bị cáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng thuộc diện khó khăn, nhà đông con, không có điều kiện để bồi thường nên phần dân sự bị thiệt hại 39,881 m3 gỗ nghiến có giá  trị là 279.167.000đ không yêu cầu các bị cáo bồi thường số tiền trên. Như vậy, đề nghị của ông C không trái quy định của pháp luật dân sự và điểm d khoản 2 Điều 52 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

Ba là, nếu buộc các bị bồi thường sẽ gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự vì không có khả năng thi hành (đã có xác minh các bị cáo thuộc diện hộ nghèo).

Ý kiến thứ hai cho rằng, bên cạnh việc Tòa án áp dụng khoản 2 Điều 41 BLHS; điểm b khoản 2 Điều 76 BLTTHS thì cần phải áp dụng khoản 1 Điều 42 BLHS để tịch thu sung quỹ Nhà nước 39,881 m3 gỗ nghiến, đồng thời buộc các bị cáo A, B, C, D liên đới bồi thường số tiền 279.167.000đ cho Nhà nước, bởi lý do:

Thứ nhất, tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng xâm phạm đến khách thể là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ rừng, ngoài tịch thu vật chứng là 39,881 m3 gỗ nghiến để xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, hành vi của các bị cáo còn gây thiệt hại tài sản của Nhà nước. Theo quy định tại khoản 1 Điều 42 BLHS đã gây thiệt hại tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường. Vì vậy, trong vụ án này về phần trách nhiệm dân sự phải buộc các bị cáo bồi thường cho Nhà nước số tiền: 279.167.000đ.

Thứ hai, Điều 41 BLHS quy định các trường hợp vật chứng của vụ án phải tuyên tịch thu, còn Điều 42 BLHS quy định về trách nhiệm dân sự. Do đó, hai điều luật khác biệt nhau nên việc xử lý tuyên tịch thu số gỗ và buộc các bị cáo bồi thường thiệt hại không thuộc trường hợp xử lý hai lần.

Đối với vụ án trên, về phần trách nhiệm dân sự, tác giả đồng quan điểm với ý kiến thứ hai. Để áp dụng pháp luật thống nhất, mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc.

Vũ Thị Minh

VKSND tỉnh Hà Giang

Kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn

(Kiemsat.vn) - Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã bổ sung quy định mới về giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục này.

Kinh nghiệm từ thực tiễn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự

(Kiemsat.vn) - Bài viết là những kinh nghiệm tác giả đã đúc rút ra từ thực tiễn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự ở VKSND cấp huyện.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang