Cần hướng dẫn về thẩm quyền của Tòa án trong xem xét hủy Giấy chứng nhận QSDĐ

12/03/2018 15:40

(kiemsat.vn)
Để tháo gỡ vướng mắc trong thực tế, liên ngành tư pháp cần có văn bản hướng dẫn cụ thể việc xác định thẩm quyền giải quyết vụ án có xem xét hủy quyết định cá biệt theo quy định tại khoản 4 Điều 34 BLTTDS 2015 để thống nhất áp dụng.

Ảnh minh họa

Nội dung vụ việc:

Cuối năm 2012, ông Trần D có mua mảnh đất của cụ Nguyễn T và con gái là bà L.T.N ở tại xóm N, xã TD, huyện ĐA, TP H với giá 500.000.000đồng. Mẹ con cụ T có cam kết khi nào đất của mẹ con cụ T được cấp sổ đỏ thì sẽ làm thủ tục chuyển nhượng đất cho ông. Việc giao nhận tiền được tiến hành thành nhiều lần, người giao tiền là ông Trần D và người nhận tiền là bà L.T.N. Sau khi ông Trần D giao đủ cho mẹ con cụ T số tiền 500.000.000 đồng thì đến ngày 25/5/2013 hai bên lập hợp đồng chuyển nhượng đất.  

Đến ngày 31/5/2013, hai bên tiến hành giao đất và phân định ranh giới, khi giao đất có cụ Nguyễn T và con gái là bà L.T.N và ông. Diện tích đất bàn giao cụ thể có các cạnh như sau: Phía Đông 20m; Phía Tây 20m; Phía Bắc 6,4m; Phía Nam 6,6m; Việc giao đất các bên lập biên bản. Ông Trần D đã tiến hành xây tường gạch bao quanh diện tích đất nhận chuyển nhượng. Những việc trên mẹ con cụ T đều biết và không có ý kiến gì.

Ngày 29/9/2014, cụ T mất, đến ngày 04/10/2015, hàng xóm báo cho ông biết là tường gạch mà ông đã xây bao quanh diện tích nhận chuyển nhượng của mẹ con cụ T đã bị đẩy đổ phần phía Đông (giáp với phần đất của mẹ con cụ T) và phần phía Bắc giáp với đường đi. Sự việc trên ông đã báo chính quyền địa phương. UBND xã TD, huyện ĐA, TP H đã tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Vì vậy, ngày 17/05/2016, ông Trần D gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện ĐA, TP H yêu cầu bà L.T.N phải thực hiện hợp đồng chuyển nhượng đất đã ký ngày 25/5/2013 và làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho ông theo quy định của pháp luật.

Quá trình giải quyết vụ án, ngày 15/7/2016 ông Trần D mới được biết cụ T đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2014 mang tên cụ Nguyễn T. Sau khi cụ T chết, bà L.T.N đã làm thủ tục kê khai di sản thừa kế và sang tên cho bà L.T.N. Mẹ con cụ T đã không cho ông biết và không làm thủ tục sang tên phần đất chuyển nhượng cho ông như hai bên đã thỏa thuận trước đó. Ông đề nghị Tòa án hủy Giấy chứng nhận QSD đất ngày 15/02/2015 của UBND huyện ĐA cấp cho bà L.T.N.

Vụ việc hiện có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng:

Giấy chứng nhận QSD đất ngày 15/02/2015 của UBND huyện ĐA cấp cho bà L.T.N là quyết định hành chính cá biệt không phải là đối tượng khởi kiện trong vụ án dân sự mà chỉ là một quyết định liên quan trong cùng một vụ án nên không cần thiết phải là Tòa cấp tỉnh xét xử.

Các vụ án tranh chấp đất đai liên quan tới yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện đều chuyển hồ sơ vụ án cho TAND cấp tỉnh dẫn đến án sẽ dồn lên tòa cấp tỉnh rất nhiều và gây khó khăn cho người dân trong quá trình thưa kiện vì đường sá xa xôi.

Do vậy, Tòa án nhân dân huyện ĐA, TP. H  thụ lý vụ án dân sự ngày 17/05/2016 và đến ngày 15/7/2016 ông Trần D mới phát sinh yêu cầu đề nghị Tòa án hủy Giấy chứng nhận QSD đất ngày 15/02/2015 của UBND huyện ĐA cấp cho bà L.T.N. Căn cứ khoản 4 Điều 34 BLTTDS 2015; khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định:

Đối với những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện đã được TAND cấp huyện thụ lý giải quyết trước ngày 01/7/2016 thì Tòa án đã thụ lý tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không chuyển cho TAND cấp tỉnh giải quyết; và theo hướng dẫn tại mục 2 Phần IV Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/04/2017 của TAND tối cao giải đáp một số vấn đề về tố tụng hành chính, tố tụng dân sự thì vụ án trên thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện ĐA giải quyết.

Quan điểm thứ  hai cho rằng

Theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai. Điều 35 BLTTDS thì tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện. Cụ thể, Tòa án nhân dân huyện ĐA, Thành phố H  thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, theo Khoản 4 Điều 34 BLTTDS 2015 quy định:“Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật Tố tụng hành chính về thẩm quyền của TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh”.

 Khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định: “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án”.

Như vậy, ngày 17/05/2016, Tòa án nhân dân huyện ĐA, TP. H  thụ lý vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất và đến ngày 15/7/2016 ông Trần D phát sinh yêu cầu đề nghị Tòa án hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 15/02/2015 của UBND huyện ĐA cấp cho bà L.T.N. Do vậy, theo khoản 4 Điều 34 BLTTDS 2015; khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định về thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt của các cơ quan tổ chức, thì trong trường hợp này xác định vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tòa án nhân dân huyện ĐA chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân TP H giải quyết.

Nghiên cứu các quy định của BLTTDS năm 2015 và Luật TTHC năm 2015, tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai với các lý do sau: Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 hướng dẫn về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính. Do vậy, khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 104 quy định về trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án  hành chính trước ngày 01/07/2016 nên không áp dụng văn bản này để giải quyết vụ án dân sự.

Do vậy, căn cứ khoản 4 Điều 34 BLTTDS năm 2015, đối với yêu cầu của ông Trần D thì Tòa án nhân dân huyện ĐA chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân TP H giải quyết.

Qua phân tích và dẫn chứng vụ việc cụ thể như trên, có thể thấy quy định của pháp luật tố tụng dân sự về thẩm quyền giải quyết vụ án của Tòa án đối với vụ án tranh chấp đất đai và có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn vướng mắc cần tháo gỡ. Do vậy để phù hợp với tình hình thực tế, thiết nghĩ 02 ngành Tòa án và Viện kiểm sát cần có văn bản hướng dẫn đầy đủ, cụ thể và rõ ràng hơn để thống nhất việc xác định thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 4 Điều 34 BLTTDS 2015.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang