Hành vi của K và V là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người

19/01/2018 16:07

(kiemsat.vn)
Theo tác giả, để phân biệt hai tội danh này cần xem xét các dấu hiệu cơ bản như lỗi của người thực hiện hành vi, mục đích của người phạm tội.

Lỗi của người thực hiện hành vi: Trong trường hợp phạm tội giết người, người thực hiện hành vi có lỗi cố ý đối với hậu quả chết người. Nghĩa là họ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc hậu quả đó xảy ra.

Sự hình thành ý thức của người có hành vi giết người có thể được biểu hiện trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người tất yếu xảy ra và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Hoặc trước khi có hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội chỉ nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra chứ không chắc chắn nhất định xảy ra vì người phạm tội  chưa tin vào hành vi của mình nhất định sẽ gây ra hậu quả chết người, bản thân người phạm tội cũng rất mong muốn cho hậu quả xảy ra, nhưng họ lại không tin một cách chắc chắn rằng hậu quả ắt xảy ra. Hoặc trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng của người khác, người phạm tội cũng chỉ thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra tuy không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra, hậu quả xảy ra người phạm tội cũng chấp nhận.

Ảnh minh họa

Trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, người thực hiện hành vi có lỗi vô ý đối với hậu quả chết người xảy ra. Nghĩa là họ thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được hoặc họ không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Đây là trường hợp người phạm tội chỉ cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của nạn nhân, nhưng chẳng may nạn nhân bị chết, cái chết của nạn nhân là ngoài ý muốn của người phạm tội. Hậu quả chết người xảy ra là vì những thương tích do hành vi của người phạm tội gây ra.

Mục đích của người phạm tội: Mục đích là dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của người phạm tội, là kết quả mà người phạm tội mong muốn có được khi thực hiện hành vi của mình.

Trong trường hợp người thực hiện hành vi có mục đích rõ ràng là tước đoạt tính mạng con người thì họ phạm tội giết người.

Trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, người thực hiện hành vi không có mục đích tước đoạt tính mạng của người khác mà chỉ có mục đích làm người khác bị thương, bị tổn hại về sức khỏe.

Trong trường hợp tác giả đã nêu thì về mặt hành vi, K thực hiện hành vi bằng tay không mà không dùng hung khí. Mức độ tấn công, cường độ tấn công của K không liên tục, nếu K muốn tước đoạt tính mạng của A thì có thể thực hiện ngay từ lúc nảy sinh mâu thuẫn. Mặc khác, hành vi của K có sự gián đoạn, vì khi bị ngăn cản K đã có sự chấp thuận ngăn cản và ngồi xuống đường. Nếu như thực sự muốn tước đoạt tính mạng của A, K đã không có sự dừng lại giữa chừng mà phải thực hiện đến cùng dù bị ngăn cản.

Về mặt nhận thức, khi thực hiện hành vi phạm tội, K và V tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra cái chết cho A, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được. Hoặc K và V có thể không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra cái chết cho A, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Thể hiện ở việc K và V chỉ dùng chân và tay đá, đánh vào đầu và mặt của A mà không dùng hung khí, cường độ tấn công không quyết liệt, K và V đánh A là do A nhiều lần hổn láo, K và V chỉ muốn đánh dằn mặt A chứ không muốn tước đoạt tính mạng của A, A chết là ngoài ý muốn của K và V.  A chết là vì những thương tích do hành vi của K và V gây ra.

Vậy có thể khẳng định K và V chỉ có thể phạm tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người theo Khoản 4, Điều 134 Bộ luật Hình sự.

 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang