Trao đổi vướng mắc về miễn trách nhiệm hình sự tại khoản 3 Điều 29 BLHS 2015

26/01/2018 14:50

(kiemsat.vn)
Theo tác giả thì có thể vận dụng tinh thần của điều luật được quy định tại khoản 2 Điều 157 BLTTHS quy định căn cứ không khởi tố vụ án hình sự “… hành vi không cấu thành tội phạm” để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với A.

Ảnh minh họa

Để được miễn trách nhiệm hình sự người phạm tội phải có các điều kiện như thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, ngoài ra còn phụ thuộc vào cách đánh giá của các Cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án) để xem xét có thể miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội được hay không.

Trường hợp A đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS 2015. Nhưng sau đó A đã kịp thời bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho gia đình người bị hại và được người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì A có đủ điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 29 BLHS. Ngược lại nếu như lỗi hoàn toàn thuộc về A thì để đảm bảo công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm tình hình tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng trong giai đoạn hiện nay thì không nên xem xét việc miễn trách nhiệm hình sự đối với A trong trường hợp này.

Mặc dù luật không quy định cụ thể về miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp này, nhưng theo tác giả thì có thể vận dụng tinh thần của điều luật được quy định tại khoản 2 Điều 157 BLTTHS quy định căn cứ không khởi tố vụ án hình sự“…hành vi không cấu thành tội phạm” để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Nếu căn cứ vào Điều 18 BLTTHS 2015 để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn, sau đó mới ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, bị can theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 230 BLTTHS năm 2015 đối với A thì Cơ quan có thẩm quyền sẽ phải tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự phức tạp và tốn kém. Hơn nữa, nếu như biết trước rằng việc thực hiện các bước khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng sau đó sẽ miễn trách nhiệm hình sự thì việc đình chỉ đó là không hợp lý. Mặt khác, nếu khởi tố, tiến hành điều tra vụ án rồi mới đình chỉ thì A có một khoảng thời gian dài là bị can nên chắc chắn bản thân sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý, sức khỏe, lý lịch cá nhân, gia đình..., trong khi miễn trách nhiệm hình sự là thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự  nước ta.

Do vậy, vấn đề này cần sự hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao trong thời gian tới để áp dụng một cách thống nhất có hiệu quả và đúng mục đích.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang