Xử lý tình huống người tham gia tố tụng trong vụ án hành chính không có ủy quyền hợp pháp của người khởi kiện
(kiemsat.vn) Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định rõ “người đại diện theo ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba” nhưng quá trình giải quyết vụ án, việc nhận thức và áp dụng của các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa thống nhất. Tác giả nêu vụ việc cụ thể và quan điểm giải quyết đối với tình huống này.
Pháp luật Việt Nam về bảo mật trong giao dịch điện tử
Căn cứ và điều kiện xác lập quyền về lối đi qua bất động sản liền kề theo thời hiệu
Hiệu lực của hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất không đủ diện tích tối thiểu tách thửa
Nội dung vụ án:
Ngày 20/3/2019, ông Nguyễn Văn Đ khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh T hủy Quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 86, tờ bản đồ 15, diện tích 314 m2 và thửa đất số 88, tờ bản đồ 15, diện tích 246,7m2 tại xã H, huyện K, tỉnh T do Ủy ban nhân dân huyện K cấp cho ông Nguyễn Văn L và bà Tạ Thị T ngày 17/11/2015. Vụ án được TAND tỉnh T thụ lý ngày 06/6/2019.
Ngày 08/7/2019, ông Nguyễn Văn Đ lập giấy ủy quyền tại Văn phòng công chứng N với nội dung ủy quyền cho bà Tô Thanh H, sinh năm 1983 ở tỉnh T được thay mặt và nhân danh ông Đ làm việc với Tòa án các cấp và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết toàn bộ các việc phát sinh liên quan đến vụ án.
Ngày 27/8/2019, bà Tô Thanh H đã lập giấy ủy quyền lại tại Phòng công chứng số 4 thành phố H, ủy quyền lại cho bà Hà Ngọc Mai L, sinh năm 1991, tỉnh B thực hiện các nội dung bà H đã được ông Đ ủy quyền trước đó mà không có sự tham gia của ông Đ. Kể từ ngày được ủy quyền lại, bà L đã trực tiếp tham gia quá trình giải quyết vụ án với tư cách người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện.
Ngày 30/9/2020, TAND tỉnh T xét xử sơ thẩm vụ án và quyết định bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Đ.
Ngày 15/10/2020, bà Hà Ngọc Mai L có đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận đơn khởi kiện của ông Đ. Tòa án cấp phúc thẩm đã thụ lý vụ án theo thủ tục phúc thẩm và quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Liên quan đến việc giải quyết vụ án này, đã có các quan điểm khác nhau về việc xử lý tình huống người tham gia tố tụng trong vụ án hành chính không có ủy quyền hợp pháp của người khởi kiện. Cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, người đại diện cho ông Nguyễn Văn Đ tham gia tố tụng theo ủy quyền là bà Tô Thanh H. Do bà H ủy quyền lại cho bà Hà Ngọc Mai L thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng hành chính (TTHC) thay cho ông Đ là không đúng quy định nên Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý, giải quyết vụ án là vi phạm nghiêm trọng pháp luật TTHC. Bởi lẽ:
Khoản 5 Điều 60 Luật TTHC năm 2015 quy định: “Người đại diện theo pháp luật trong TTHC thực hiện các quyền, nghĩa vụ TTHC của đương sự mà mình là đại diện.
Người đại diện theo ủy quyền trong TTHC thực hiện các quyền, nghĩa vụ TTHC của người ủy quyền. Người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba”.
Việc bà Tô Thanh H là người nhận ủy quyền đã ủy quyền lại cho bà Hà Ngọc Mai L là vi phạm nghiêm trọng quy định nêu trên.
Sau khi xét xử, bà Hà Ngọc Mai L lại ký đơn kháng cáo là vi phạm khoản 3 Điều 205 Luật TTHC năm 2015, cụ thể: “Người kháng cáo quy định tại khoản 2 Điều này nếu không tự mình kháng cáo thì có thể ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền có kháng cáo; họ, tên, địa chỉ của đương sự ủy quyền kháng cáo và văn bản ủy quyền; đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ”.
Đồng thời, khoản 6 Điều 205 Luật TTHC năm 2015 quy định: “Việc ủy quyền quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản ủy quyền đó được lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được Chánh án Tòa án phân công. Trong văn bản ủy quyền phải có nội dung đương sự ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm”.
Như vậy, nếu không trực tiếp kháng cáo thì ông Đ có thể ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo. Tuy nhiên, ông Đ chưa có ủy quyền hợp pháp cho bà Hà Ngọc Mai L, nên về hình thức, đơn kháng cáo của bà L là không hợp pháp. Việc Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý đơn kháng cáo do bà L ký là không đúng quy định của pháp luật.
Theo Điều 207 Luật TTHC năm 2015 thì:
“1. Sau khi nhận được đơn kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm phải kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo theo quy định tại Điều 205 của Luật này.
…
3. Trường hợp đơn kháng cáo chưa đúng quy định tại Điều 205 của Luật này thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo làm lại đơn kháng cáo hoặc sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án”.
Theo đó, khi nhận được đơn kháng cáo của bà L, lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm phải có trách nhiệm hướng dẫn đương sự làm lại đơn kháng cáo theo đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp ông Đ không thực hiện việc làm lại đơn kháng cáo hoặc ủy quyền hợp pháp cho bà L thực hiện quyền kháng cáo theo quy định thì Tòa án phải căn cứ khoản 4 Điều 207 Luật TTHC năm 2015 để trả lại đơn kháng cáo cho bà Hà Ngọc Mai L. Cụ thể:
...“4. Tòa án trả lại đơn kháng cáo trong các trường hợp sau đây:
a) Người kháng cáo không có quyền kháng cáo;
b) Người kháng cáo không làm lại đơn kháng cáo hoặc không sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo mặc dù đã có yêu cầu của Tòa án theo quy định tại khoản 3 Điều này”.
Quan điểm thứ hai cho rằng, do ông Đ không kháng cáo, mà người kháng cáo là bà Hà Ngọc Mai L lại không có quyền kháng cáo, nên Tòa án cấp phúc thẩm khi thụ lý giải quyết đơn kháng cáo phải căn cứ điểm a khoản 4 Điều 207 và điểm b khoản 1 Điều 229 Luật TTHC năm 2015, cụ thể:
“1. Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án trong các trường hợp sau đây:
b) Trường hợp trả lại đơn kháng cáo theo quy định của Luật này mà Tòa án cấp phúc thẩm đã thụ lý hồ sơ vụ án”.
Qua đó, Tòa án cấp phúc thẩm ban hành quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án. Sau đó, thông báo tới cấp có thẩm quyền xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm do có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông Đ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật. Căn cứ, điều kiện kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 255 Luật TTHC năm 2015. Cụ thể:
“Điều 255. Căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
... b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật”.
Quan điểm thứ ba cho rằng, việc bà Hà Ngọc Mai L ký đơn kháng cáo là không hợp pháp nhưng được coi là vi phạm pháp luật không nghiêm trọng, bởi lẽ, mặc dù việc bà Tô Thanh H ủy quyền lại cho bà Hà Ngọc Mai L tham gia tố tụng là không đúng quy định; tuy nhiên, thực tế Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý, giải quyết vụ án. Việc ủy quyền lại này không làm mất đi hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích của ông Đ trong vụ án. Tòa án cấp phúc thẩm cần chấp nhận kháng cáo của bà L để xem xét lại vụ án theo trình tự phúc thẩm nhằm giải quyết triệt để vụ án.
Nếu Tòa án căn cứ khoản 4 Điều 207 Luật TTHC năm 2015 để trả lại đơn kháng cáo và không xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm thì bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật, trong khi bản án đang có vi phạm nghiêm trọng về áp dụng pháp luật tố tụng và đang bị kháng cáo về nội dung.
Mặt khác, hiện Tòa án cấp phúc thẩm đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, nên theo Điều 221 Luật TTHC năm 2015, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm không có quy định Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án. Căn cứ vào khoản 5 Điều 241 Luật TTHC năm 2015, tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử không có thẩm quyền đình chỉ xét xử vụ án với lý do: Người kháng cáo không có quyền kháng cáo.
Với quan điểm này, theo tác giả, căn cứ khoản 3 Điều 241 Luật TTHC năm 2015 quy định về thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm: “Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hoặc phải thu thập chứng cứ mới quan trọng mà Tòa án cấp phúc thẩm không thể bổ sung ngay được”, Tòa án cấp phúc thẩm có thể chấp nhận đơn kháng cáo, xét xử vụ án theo hướng hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết lại do có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Quá trình thụ lý, giải quyết lại vụ án, Thẩm phán có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho người khởi kiện thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Từ sự phân tích trên, tác giả cho rằng, quan điểm thứ ba phù hợp với thực tế giải quyết vụ án, sẽ rút ngắn được thời gian và giải quyết dứt điểm vụ án.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp và độc giả./.
Bài viết chưa có bình luận nào.