Về tranh chấp chia di sản thừa kế khi thực hiện không đúng thủ tục xác định quan hệ huyết thống

03/09/2022 08:00

(kiemsat.vn)
Tranh chấp chia di sản thừa kế là loại án dân sự phổ biến, phức tạp trong việc đánh giá tài liệu, chứng cứ; việc nhận thức, áp dụng pháp luật trong xác định quyền thừa kế, di sản thừa kế cũng còn nhiều nội dung chưa thống nhất. Bài viết nêu một vụ án có quan điểm giải quyết khác nhau đối với tranh chấp chia di sản thừa kế trong trường hợp thực hiện không đúng thủ tục xác định quan hệ huyết thống.

Thời gian gần đây, các tranh chấp về thừa kế có xu hướng ngày càng tăng với tính chất đa dạng, phức tạp. Việc áp dụng pháp luật không thống nhất giữa các cấp Tòa án, sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế của cá nhân làm cho quá trình giải quyết các vụ việc bị kéo dài, không dứt điểm. Vấn đề di sản thừa kế và xác định di sản thừa kế cũng đặt ra nhiều hơn những vấn đề về lý luận và thực tiễn cần giải quyết. Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp chia di sản thừa kế phức tạp, bởi đây là tranh chấp giữa những người thân thích có quan hệ huyết thống, hôn nhân, nuôi dưỡng. Di sản thừa kế thường là quyền sử dụng đất và nhà ở, có giá trị tài sản lớn, thiết yếu; việc giải quyết tranh chấp chia di sản thừa kế liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật về thừa kế, về sở hữu, về hôn nhân và gia đình, về đất đai, nhà ở... Dưới đây là một vụ án có quan điểm giải quyết khác nhau.

Nội dung vụ án:

Ông Nguyễn Xuân T kết hôn với bà Nguyễn Thị M, có con chung là anh Nguyễn Xuân P.  Sau một thời gian chung sống, ông T và bà M ly hôn theo quyết định công nhận thuận tình ly hôn của Tòa án nhân dân quận X, tỉnh K (thỏa thuận được các vấn đề về tài sản). Sau khi ly hôn, ông T ở một mình và không kết hôn với ai, còn bà M chăm sóc và nuôi cháu P. Đến năm 2017, ông T chết không để lại di chúc (bố mẹ ông T đều đã mất). Ông T để lại các di sản gồm: 03 nhà ở và quyền sử dụng đất tại các quận X, Y, Z thuộc tỉnh K. Hàng thừa kế thứ nhất của ông T duy nhất là anh P. Sau đó, anh P đã tiến hành khai nhận di sản thừa kế và được hợp thức hóa các giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất và nhà ở đối với các mảnh đất nêu trên.

Các anh chị em ruột của ông T nghi ngờ anh P không phải con ruột của ông T nên đã mang mẫu móng tay, móng chân của anh P đi xét nghiệm ADN với chú ruột là ông Nguyễn Văn B (em ông T) để xác định huyết thống. Kết quả của Trung tâm xét nghiệm AND xác nhận, anh P không cùng huyết thống theo dòng cha, không phải là con đẻ của ông T. Do đó, các ông bà đã khởi kiện yêu cầu Tòa án tỉnh K xác định anh P không phải là con đẻ của ông T, tước quyền thừa kế của anh P và yêu cầu tuyên hủy phần cập nhật biến động mang tên anh P trên các giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất và nhà ở.

Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa cũng nhận định việc thu thập mẫu ADN dùng để giám định không được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng quy định. Phía anh P không đồng ý cung cấp mẫu giám định theo yêu cầu của nguyên đơn và của Tòa án, không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Đối với việc giải quyết vụ án trên, hiện có 02 ý kiến như sau:

Ý kiến thứ nhất cho rằng: Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã nhiều lần yêu cầu anh P cung cấp các mẫu (tóc, móng tay, lông, niêm mạc) để Tòa án tiến hành giám định ADN theo quy định, nhưng phía anh P từ chối, không hợp tác. Như vậy, anh P không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nhưng không cung cấp mẫu giám định để xác định quan hệ huyết thống, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: “Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó”.

Mặt khác, theo khoản 4 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì: “Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc” và khoản 1 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định việc giao nộp tài liệu, chứng cứ: “Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật này để giải quyết vụ việc dân sự”.

Như vậy, Tòa án đã thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục về thu thập chứng cứ do các bên đương sự cung cấp, trong đó có việc thu thập chứng cứ để trưng cầu giám định ADN nhằm chứng minh quan hệ huyết thống giữa ông T và anh P. Quá trình thu thập chứng cứ, đã nhiều lần yêu cầu anh P cung cấp các mẫu để giám định ADN nhưng anh P không hợp tác. Do đó, Tòa án căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được có trong hồ sơ và kết quả ADN huyết thống của Trung tâm xét nghiệm ADN do nguyên đơn cung cấp và giải quyết theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Ý kiến thứ hai cho rằng: Việc nguyên đơn thu thập mẫu dùng cho việc giám định không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục; lấy mẫu của anh P để giám định mà không có sự đồng thuận của anh P là không đúng quy định pháp luật. Đối với vụ việc trên, Tòa án cần căn cứ vào giấy khai sinh do Ủy ban nhân dân phường Q cấp, thể hiện anh P là con chung của ông T và bà M. Ngoài ra, trong quyết định công nhận thuận tình ly hôn của Tòa án nhân dân quận X, tỉnh K có thể hiện việc ly hôn giữa ông T và bà M, về con chung: “Ông T và bà M có 01 con chung là cháu P, giao cháu P cho bà M chăm sóc”. Thời gian ông T còn sống, ông cũng không nghi ngờ, không có yêu cầu gì. Như vậy, nếu có chứng cứ chứng minh anh P không phải là con ruột của ông T, thì đó cũng không phải là căn cứ để tước quyền thừa kế của anh P. Do đó, việc yêu cầu anh P phải thực hiện giám định huyết thống là không cần thiết. Tòa án cần bác đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Tác giả đồng ý với ý kiến thứ hai, bởi lẽ: Căn cứ vào giấy khai sinh của anh P có ghi tên cha là ông Nguyễn Xuân T. Đây là thủ tục hành chính do cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định. Mặc khác, trong quyết định công nhận thuận tình ly hôn cũng xác nhận ông T và bà M có 01 con chung là Nguyễn Xuân P. Quyết định này có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị. Như vậy, việc anh P là con chung của ông T và bà M đang có văn bản pháp lý có hiệu lực công nhận; việc xác định anh P là con của ông T là đúng (là chứng cứ không phải chứng minh). Đối với vụ án trên, Tòa án bác đơn khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở.

Có thể thấy, việc áp dụng thống nhất pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án rất quan trọng, cần có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp này, đặc biệt là khi “sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, vì đây là văn bản có hiệu lực pháp luật, không phải chứng minh. Bên cạnh đó, để tránh các tình huống phức tạp phát sinh, ngay từ thời điểm bắt đầu có thể xem xét đơn khởi kiện để trả lại đơn, tránh xác định không đúng dẫn đến tốn kém về thời gian, chi phí và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang