Thẩm quyền tùy nghi truy tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Hungary
(kiemsat.vn) Bộ luật Tố tụng hình sự Hungary năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2018) có nhiều điểm mới trong giai đoạn truy tố thể hiện rõ nét thẩm quyền tùy nghi truy tố của Viện công tố. Bài viết giới thiệu khái quát những quy định này, trong đó có những chế định đặc biệt thể hiện thẩm quyền tùy nghi truy tố như: Hòa giải trong tố tụng hình sự, tạm đình chỉ truy tố có điều kiện, đình chỉ vụ án nếu bị can hợp tác và mặc cả thú tội.
Trong những năm qua, pháp luật nói chung, pháp luật tố tụng hình sự nói riêng của Hungary có nhiều thay đổi cả về lý luận, tư tưởng lập pháp đến các quy định cụ thể. Đó là kết quả của sự ảnh hưởng bởi pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của Liên minh Châu Âu (EU).
1. Những quy định chung của Bộ luật Tố tụng hình sự Hungary về giai đoạn truy tố
Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) Hungary không có khái niệm hoặc phân định rõ ràng về giai đoạn truy tố. Về mặt lý luận, giai đoạn này được gọi là giai đoạn “trung gian”1 giữa giai đoạn điều tra và giai đoạn xét xử. Việc phân định này dựa trên cơ sở rằng những hoạt động của Kiểm sát viên ở giai đoạn này không phải là một phần của giai đoạn điều tra vì không nhằm thu thập chứng cứ hay điều tra, xác minh tội phạm và người phạm tội. Tương tự, hoạt động của Kiểm sát viên ở giai đoạn này cũng không thể thuộc về giai đoạn xét xử vì mục đích của giai đoạn này chủ yếu để xác định xem các hành vi và thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra còn vi phạm, thiếu sót gì không để khắc phục hoặc xem xét có thể áp dụng các biện pháp khác thay vì truy tố người phạm tội ra trước tòa không...
Bộ luật Tố tụng hình sự Hungary có các quy định ưu tiên cho việc áp dụng các biện pháp rút ngắn thủ tục tố tụng ở giai đoạn truy tố nhằm tránh tình trạng hoạt động điều tra bị kéo dài trong khi hoạt động xét xử thì lại quá ngắn gọn do bị cáo nhanh chóng nhận tội2. Sau khi xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, Công tố viên có thể lựa chọn để đưa ra quyết định khác thay vì quyết định việc truy tố. Theo Điều 404 BLTTHS Hungary, Viện công tố có thể thông báo cho bị can vào bất cứ thời điểm nào về khả năng họ được áp dụng các chế định khác thay thế cho việc truy tố nếu như họ nhận tội. Khi nhận được lời nhận tội của bị can do Cơ quan điều tra thông báo hoặc do Viện công tố tự tiếp nhận, Công tố viên có thể lựa chọn để áp dụng một trong các thủ tục sau đây:
- Tạm đình chỉ vụ án để áp dụng thủ tục hòa giải, nếu hòa giải thành công thì đình chỉ vụ án;
- Tạm đình chỉ việc truy tố có điều kiện và sau đó là đình chỉ vụ án;
- Đình chỉ vụ án hoặc từ chối khởi tố theo yêu cầu của người bị hại do bị can đã hợp tác;
- Áp dụng biện pháp mặc cả thú tội;
- Nếu không thể áp dụng các quy định trên, Công tố viên sẽ ra cáo trạng để truy tố bị can ra trước tòa.
Trong quá trình hỏi cung bị can, bị can sẽ luôn được hỏi về việc họ có chấp nhận được áp dụng các biện pháp hoặc các quyết định nêu trên của Viện công tố hay không (Điều 406 BLTTHS). Ngoài ra, chính bị can và Luật sư bào chữa cũng có quyền đề nghị Viện công tố áp dụng các biện pháp nêu trên khi bị can thú tội. Tuy nhiên, Viện công tố có toàn quyền quyết định không áp dụng các biện pháp nếu nghi ngờ bị can thú nhận sai hoặc không tuân thủ các yêu cầu đã cam kết. Khi đó, Viện công tố sẽ thông báo cho bị can và Luật sư bào chữa về việc không áp dụng và không tiếp tục tiến hành các biện pháp đã dự kiến.
Như vậy, các quy định trên đây thể hiện quyền độc lập rất lớn của Viện công tố Hungary trong việc quyết định các hậu quả pháp lý đối với bị can trong giai đoạn truy tố. Tuy nhiên, để tránh tình trạng lạm dụng hoặc áp dụng tràn lan các quy định có lợi cho bị can của Viện công tố, BLTTHS Hungary quy định rất cụ thể điều kiện và trình tự, thủ tục áp dụng.
2. Thủ tục hòa giải
Hòa giải là một thủ tục được quy định nhằm thúc đẩy sự thỏa thuận giữa bị can và bị hại, tăng khả năng khắc phục hậu quả của tội phạm cũng như khả năng tuân thủ pháp luật trong tương lai của bị can3. Thủ tục này có thể do bị can hoặc bị hại yêu cầu áp dụng hoặc được áp dụng với sự đồng ý tự nguyện của họ (Điều 412 BLTTHS Hungary). Bên cạnh đó, Hungary còn có đạo luật riêng quy định về thủ tục áp dụng hòa giải trong các vụ án hình sự (Đạo luật CXXIII năm 2006), trong đó, khoản 1 Điều 2 Đạo luật này quy định cụ thể hơn về nội hàm của thủ tục này như sau: (1) Hòa giải là một thủ tục để giải quyết xung đột do hành vi phạm tội gây ra, giải quyết xung đột giữa bị can và bị hại; (2) Mục đích của hòa giải là ký kết một thỏa thuận bằng văn bản một cách độc lập với Tòa án (Viện công tố) để tiến hành một hoạt động tố tụng hình sự với sự tham gia của bên thứ ba (Hòa giải viên); (3) Hòa giải sẽ thúc đẩy việc khắc phục hậu quả của tội phạm và bảo đảm sự tuân thủ pháp luật trong tương lai của bị can; (4) Kết quả hòa giải phải được thể hiện bằng văn bản.
Điều kiện áp dụng thủ tục hòa giải trong tố tụng hình sự bao gồm các điều kiện cần và điều kiện đủ.
Điều kiện cần quy định tại Điều 412 BLTTHS Hungary bao gồm các điều kiện thuộc về loại tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự và mức hình phạt mà người phạm tội có thể bị áp dụng cùng với các điều kiện khác liên quan đến khả năng áp dụng thủ tục này, cụ thể:
- Có 06 loại tội phạm có thể được áp dụng thủ tục này gồm: Tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe; tội phạm xâm phạm tự do cá nhân; tội phạm xâm phạm nhân phẩm và các quyền cơ bản của con người; tội phạm xâm phạm các quy định về giao thông; tội phạm sở hữu; tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
- Hành vi phạm tội của bị can có thể bị xử phạt không quá 05 năm tù;
- Có sự yêu cầu và đồng thuận giữa bị can và bị hại;
- Bị can đã thú nhận tội phạm trước khi ra bản cáo trạng;
- Có khả năng khắc phục được hậu quả của tội phạm (dựa trên tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, phương án được đưa ra bởi bị can và cam kết của bị can).
Điều kiện đủ quy định tại Điều 712 BLTTHS Hungary là những điều kiện nhằm bảo đảm cho việc áp dụng biện pháp hòa giải được hiệu quả. Đây là những trường hợp mà bị can sẽ không được áp dụng biện pháp hòa giải trong tố tụng hình sự nếu rơi vào những điều kiện này; bao gồm: Người phạm tội tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm; người phạm tội tham gia vào tổ chức tội phạm; tội phạm gây ra hậu quả chết người; hành vi phạm tội được thực hiện cố ý trong thời gian áp dụng án treo/ tha tù trước thời hạn có điều kiện/tạm đình chỉ truy tố có điều kiện; bị can đã được áp dụng biện pháp hòa giải trong tố tụng hình sự trong vòng 02 năm trước đó; tội phạm gây thiệt hại cho cơ quan Quân đội và được áp dụng thủ tục tố tụng hình sự trong Quân đội.
Như vậy, để được áp dụng hòa giải trong tố tụng hình sự, bị can phải thỏa mãn đầy đủ điều kiện cần và điều kiện đủ. Khi nhận được yêu cầu áp dụng thủ tục hòa giải từ phía bị hại hoặc bị can, Viện công tố sẽ thông báo cho bên còn lại và xác minh có hay không sự đồng thuận áp dụng thủ tục này của bên còn lại. Để phục vụ cho thủ tục hòa giải, Viện công tố có thể ra quyết định tạm đình chỉ vụ án một lần trong vòng 06 tháng.
Một điểm đáng lưu ý là thỏa thuận giữa bị can và bị hại sẽ không được sử dụng như một nguồn chứng cứ trong vụ án. Kết quả của thủ tục hòa giải không được sử dụng để gây bất lợi cho bị can4. Nếu thỏa thuận đã được ký kết giữa nạn nhân và nghi phạm trong thủ tục hòa giải, Hòa giải viên sẽ tống đạt thỏa thuận đó cho Viện công tố (Điều 415 BLTTHS Hungary). Khi đó, Công tố viên sẽ cân nhắc thực hiện tiếp một trong ba thủ tục sau:
- Nếu bị can đã bồi thường thiệt hại cho bị hại và tội phạm có thể bị phạt tù không quá 03 năm thì Viện công tố sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án.
- Nếu bị can đã bồi thường thiệt hại cho bị hại và tội phạm có thể bị phạt tù trên 03 năm đến không quá 05 năm thì Viện công tố vẫn ra quyết định truy tố nhưng hình phạt có thể được giảm xuống không giới hạn.
- Nếu các nghĩa vụ trong thỏa thuận giữa bị can và bị hại có thể không được thực hiện trong thời gian tạm đình chỉ vụ án để hòa giải, Viện công tố có thể kéo dài thời gian tạm đình chỉ vụ án tối đa lên đến 18 tháng.
Nếu thủ tục hòa giải không được hoàn thành trong thời gian tạm ngừng thủ tục và lý do để tạm đình chỉ không còn, Viện công tố sẽ ra quyết định tiếp tục thủ tục truy tố.
3. Tạm đình chỉ việc truy tố có điều kiện
Viện công tố có thể áp dụng thủ tục đình chỉ việc truy tố có điều kiện đối với bị can nếu thỏa mãn các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 416, khoản 1 Điều 690 BLTTHS Hungary, cụ thể: (1) Mức hình phạt dự kiến áp dụng đối với bị can là không quá 03 năm (trong trường hợp đặc biệt thì có thể không quá 05 năm và đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là không quá 08 năm)5; (2) Dựa trên tính chất, mức độ của tội phạm, nhân thân người phạm tội và cách thức thực hiện tội phạm, thấy rằng bị can có thể có những thay đổi tích cực trong thời gian thử thách. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 416 BLTTHS Hungary cũng quy định những trường hợp không được áp dụng thủ tục này, bao gồm: Người phạm tội tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm; người phạm tội tham gia vào tổ chức tội phạm; tội phạm gây ra hậu quả chết người; hành vi phạm tội được thực hiện cố ý trong thời gian áp dụng án treo tha tù trước thời hạn có điều kiện/tạm đình chỉ truy tố có điều kiện.
Thời gian đình chỉ truy tố có điều kiện được xác định ít nhất là 01 năm và nhiều nhất là lên đến bằng mức phạt tù mà bị can có thể phải chịu (đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì thời hạn này tối đa là 03 năm).
Văn phòng công tố đồng thời cũng có thể quy định các quy tắc, nghĩa vụ (rules of conduct) mà bị can phải chấp hành trong thời gian thử thách của đình chỉ truy tố có điều kiện. Các quy tắc, nghĩa vụ có thể là: Phải bồi thường thiệt hại một cách đáng kể cho bị hại hoặc có các hoạt động đền bù khác cho bị hại; thực hiện hoạt động lao động công ích phục vụ cộng đồng (đối với bị can từ đủ 16 tuổi trở lên vào thời điểm ra quyết định); tham gia vào hoạt động cai nghiện rượu bắt buộc. Ngoài những nghĩa vụ trên, Viện công tố có thể nêu thêm các quy tắc, nghĩa vụ khác và đồng thời ra quyết định giao bị can cho cơ quan quản chế, giám sát bị can (thường chính là cơ quan quản lý án treo của Hungary). Khi hết thời gian thử thách, nếu bị can tuân thủ các nghĩa vụ đã được đề ra, họ sẽ không tiếp tục bị áp dụng thủ tục truy tố và Viện công tố sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án. Trường hợp bị can vi phạm nghĩa vụ hoặc có khiếu nại về việc áp dụng thủ tục tạm đình chỉ truy tố có điều kiện, Viện công tố sẽ ra quyết định tiếp tục các thủ tục truy tố đối với họ.
4. Đình chỉ vụ án do bị can hợp tác
Trường hợp bị can phạm tội hợp tác bằng cách góp phần vào việc phát hiện, điều tra người phạm tội hoặc tội phạm khác, hoặc đưa ra được những bằng chứng có liên quan đến lợi ích, an ninh quốc gia mà Viện công tố thấy rằng cần ưu tiên những vấn đề nêu trên hơn là truy tố bằng được bị can, tùy thuộc vào giai đoạn tố tụng, Viện công tố sẽ: Ra quyết định từ chối đơn yêu cầu khởi tố của bị hại (ở giai đoạn điều tra) - (Điều 382 BLTTHS Hungary), hoặc ra quyết định đình chỉ vụ án (Điều 399 BLTTHS Hungary).
Thủ tục này không được áp dụng đối với các trường hợp sau: Người phạm tội cố ý gây ra hậu quả chết người; người phạm tội gây thương tật vĩnh viễn; hoặc người phạm tội cố ý gây suy giảm sức khỏe nghiêm trọng đối với bị hại.
Tuy nhiên, để bảo đảm toàn diện lợi ích cho bị hại, trong trường hợp Viện công tố áp dụng thủ tục đình chỉ do bị can hợp tác, Nhà nước sẽ bồi thường thiệt hại (vật chất và phi vật chất) mà đáng lẽ ra bị can phải bồi thường cho bị hại (nếu họ không được bồi thường theo bất kỳ hình thức nào khác). Nếu áp dụng việc bồi thường thiệt hại theo cách này thì quyết định bồi thường sẽ không nêu các tình tiết của vụ án, các thông tin cá nhân của bị can và lý do của việc áp dụng thủ tục hợp tác của bị can.
5. Mặc cả thú tội
Bộ luật Tố tụng hình sự Hungary sử dụng thuật ngữ mặc cả thú tội (plea bargain) không có nội hàm rộng như pháp luật một số nước theo hệ thống pháp luật common law6. Theo một nghĩa hẹp hơn, mặc cả thú tội chỉ được coi là một thỏa thuận liên quan đến một số vấn đề pháp lý nhất định chứ không liên quan đến các tình tiết của vụ án7.
Trước khi ban hành cáo trạng, Viện công tố và bị can có thể có một kết luận bằng văn bản chứa đựng một thỏa thuận có liên quan đến tội phạm mà bị can đã thực hiện và việc thừa nhận hành vi phạm tội và hậu quả của nó (Điều 407 BLTTHS Hungary). Việc đề nghị áp dụng thủ tục này có thể được thực hiện bởi bị can và Luật sư bào chữa hoặc ngay từ phía Viện công tố trong quá trình hỏi cung bị can. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng hình sự Hungary yêu cầu bắt buộc phải có sự tham gia của người bào chữa vào quá trình ra kết luận về việc mặc cả thú tội.
Để có được một bản kết luận về vấn đề mặc cả thú tội, bị can và người bào chữa (với sự đồng ý của Viện công tố) có thể hòa giải về việc thừa nhận tội phạm và các nội dung cơ bản của bản kết luận đó (trừ nội dung liên quan đến tình tiết khách quan của vụ án và phân loại tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự là do Viện công tố xác định). Nếu Viện công tố và bị can đều đồng ý về mục đích áp dụng của thủ tục mặc cả thú tội thì Viện công tố phải có nghĩa vụ giải thích cho bị can về hậu quả của việc mặc cả thú tội và nội dung thú tội sẽ được sử dụng trong quá trình hỏi cung bị can. Bản kết luận về vấn đề mặc cả thú tội do bị can và Công tố viên cùng ký tên. Nếu Viện công tố và bị can không thể đi đến kết luận về việc mặc cả thú tội thì các văn bản liên quan đến hoạt động này không được sử dụng làm bằng chứng chống lại bị can trước Tòa cũng như Viện công tố sẽ không được gửi các nội dung này cho Tòa án8. Bị cáo có thể thú nhận tất cả hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, chỉ một số vấn đề có liên quan đến tội phạm làm cơ sở cho thủ tục tố tụng hình sự tiếp theo (Điều 410 BLTTHS Hungary).
Nội dung của bản kết luận về vấn đề mặc cả thú tội bao gồm nội dung bắt buộc và nội dung tùy nghi, trong đó, nội dung bắt buộc bao gồm: Những tình tiết khách quan của vụ án và phân loại tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự (do Viện công tố xác định); ý kiến của bị can về việc thừa nhận hành vi phạm tội và ý định đưa ra lời khai thú nhận tội; loại và mức hình phạt (các biện pháp tư pháp), thậm chí cả việc xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có thể được áp dụng đối với bị can.
Nội dung tùy nghi trong bản kết luận này bao gồm: Hình phạt bổ sung; các biện pháp được áp dụng ngoài hình phạt và biện pháp tư pháp; việc đình chỉ vụ án (do không chấp nhận khởi tố theo yêu cầu của bị hại) liên quan đến một số tội phạm cụ thể; miễn trừ một phần chi phí tố tụng hình sự; các nghĩa vụ khác do bị can thực hiện (bồi thường thiệt hại cho bị hại, tham gia hòa giải, các nghĩa vụ khác có thể được quy định trong thời hạn tạm đình chỉ truy tố có điều kiện).
Tuy nhiên, kết luận về việc mặc cả thú tội không được bao gồm những nội dung sau: Việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, biện pháp tịch thu tài sản, biện pháp truy xuất dữ liệu điện tử.
Trong trường hợp đã có kết luận về việc mặc cả thú tội, Viện công tố vẫn phải ban hành cáo trạng, tuy nhiên, nội dung của cáo trạng liên quan đến mặc cả thú tội sẽ không đề nghị Tòa án xét xử bị cáo mà đề xuất một số vấn đề sau: Đề xuất công nhận kết luận mặc cả thú tội; đề xuất hình phạt và các biện pháp khác áp dụng đối với bị cáo tương ứng với nội dung đã thỏa thuận trong kết luận; đề xuất những vấn đề khác nên áp dụng với bị cáo tương ứng với các điều khoản đã thỏa thuận.
Như vậy có thể thấy, những quy định của BLTTHS Hungary đang trao quyền rất lớn cho Viện công tố trong việc quyết định truy tố hay không truy tố đối với bị can. Nói cách khác, pháp luật tố tụng hình sự Hungary thừa nhận thẩm quyền tùy nghi truy tố của Viện công tố. Việc không truy tố mà áp dụng các thủ tục như hòa giải, tạm đình chỉ truy tố có điều kiện, đình chỉ truy tố do bị can hợp tác đều đề cao các mục đích khác như: Bảo đảm việc bồi thường thiệt hại, bảo đảm sự tự giáo dục, cải tạo của người phạm tội trong thời gian thử thách, bảo đảm giải quyết các vụ án, các tội phạm khác có liên quan thay vì chỉ chú trọng việc truy tố bằng được bị can ra trước Tòa. Việc ghi nhận thủ tục mặc cả thú tội tuy chỉ nhằm nhanh chóng có thỏa thuận đối với bị can để xúc tiến nhanh quá trình tố tụng nhưng cũng giúp cho các giai đoạn tố tụng hình sự của Hungary trở nên nhanh gọn, hiệu quả.
Tại Việt Nam, mặc dù vấn đề tùy nghi truy tố, miễn truy tố của Viện kiểm sát đã được đưa ra cân nhắc, xem xét khi xây dựng dự thảo BLTTHS năm 2015, tuy nhiên, nội dung này vẫn còn nhiều điểm cần phải làm rõ về cơ sở lý luận và thực tiễn, về thủ tục và hiệu quả áp dụng trên thực tế. Việc nghiên cứu các quy định pháp lý đặc trưng về giai đoạn truy tố trong BLTTHS Hungary có thể là nguồn tham khảo hữu ích để tiếp tục làm rõ và đặt nền móng cho việc quy định thẩm quyền tùy nghi truy tố của Viện kiểm sát trong BLTTHS tương lai.
-
1Rút kinh nghiệm vụ án dân sự bị huỷ do vi phạm về đánh giá chứng cứ
-
2Kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự chiếm đoạt tài sản có sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử
-
3Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị các vụ án xâm phạm trật tự xã hội
Bài viết chưa có bình luận nào.